Xác minh tin Thứ trưởng Bộ TNMT mua gom đất Ba Vì: Người mua 8.000m2 đất trùng khớp với Thứ trưởng Trần Quý Kiên

Liên quan đến thông tin Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Trần Quý Kiên gom đất nông lâm trường tại huyện Ba Vì - Sơn Tây (TP Hà Nội), Báo NNVN đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện người mua 8.000m2 đất nông lâm trường ở Việt Mông có trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh và địa chỉ với Thứ trưởng Trần Quý Kiên…
HOÀNG ANH
08, Tháng 05, 2018 | 18:01

Liên quan đến thông tin Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Trần Quý Kiên gom đất nông lâm trường tại huyện Ba Vì - Sơn Tây (TP Hà Nội), Báo NNVN đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện người mua 8.000m2 đất nông lâm trường ở Việt Mông có trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh và địa chỉ với Thứ trưởng Trần Quý Kiên…

Dư luận về vụ việc bắt nguồn vào ngày 3/5/2018. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội, vấn đề quản lý đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện Ba Vì được cử tri và lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm.

tran-quy-kien

  Khu đất nông lâm trường được cho là của Thứ trưởng Trần Quý Kiên 

Ông Chu Văn Kỷ - Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Thụy An (huyện Ba Vì) phản ánh, trên địa bàn xảy ra tình trạng hàng loạt các công trình không phép được xây dựng trên đất nông lâm trường. Theo ông Kỷ, qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện rất nhiều hộ dân tự ý xây trang trại, nhà cửa không phép trong các nông lâm trường. Khi kiểm tra, thanh tra thì phát hiện vi phạm pháp luật về đất đai ở đây rất phức tạp.

Trả lời vấn đề này, ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - thừa nhận, việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện rất phức tạp, thậm chí có biểu hiện mua bán bất động sản, chuyển nhượng đất nông, lâm trường. Bên cạnh đó, việc quy hoạch ở các nông lâm trường chưa rõ ràng phần nào đất ở, phần nào đất sản xuất và không bàn giao cho địa bàn quản lý.

“Vì vậy, đất đai ở những khu vực này được quản lý một cách trôi nổi. Chính quyền huyện, xã chúng tôi cũng có trách nhiệm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm trực tiếp phải là các ông chủ nông lâm trường này”, ông Tiến nói.

Chủ tịch huyện khẳng định, bản thân các chủ nông lâm trường quản lý đất đai rất lỏng lẻo. Nhiều khi có sự việc liên quan đến đất đai nông lâm trường xảy ra, chủ đất không chịu báo cáo hoặc báo cáo theo kiểu “sự đã rồi”.

Về tình trạng mua bán đất nông trường trên địa bàn xã Yên Bài, điển hình là trong nông trường Việt Mông đã được cổ phần hóa, người đứng đầu chính quyền huyện Ba Vì cho biết việc chuyển giao về huyện quản lý chưa được dứt điểm, còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Do vậy, theo ông này, đã dẫn đến nhiều kẽ hở cho người dân mua bán đất trái phép. Để xử lý tình trạng này, theo ông Tiến, huyện Ba Vì sẽ kiến nghị với thành phố chỉ đạo dứt điểm việc bàn giao đất nông lâm trường về địa phương quản lý.

Đặc biệt cũng tại buổi tiếp xúc, trả lời ý kiến các cử tri về thông tin ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường - “gom” đất nông lâm trường nằm trên địa bàn xã Yên Bài, ông Bạch Công Tiến cho biết, sau khi nghe dư luận phản ánh, chính quyền huyện đã cử cán bộ xuống xã Yên Bài để tìm hiểu sự việc.

“Vấn đề mua bán đất theo kiểu trao tay như thế rất phức tạp. Nhưng để khẳng định sự việc liên quan đến Thứ trưởng Kiên hay không thì chúng tôi chưa có cơ sở. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo thành phố xin ý kiến chỉ đạo”, ông Tiến nói.

Để tìm hiểu sự việc có hay không Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường gom đất nông lâm trường, phóng viên đã về thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Vừa đến đầu thôn, hỏi về việc bán đất nông lâm trường, một người đàn ông dẫn chúng tôi đến một khu vực rất rộng và nói: Chúng tôi nghe bảo, khu đất này của một “sếp” ở dưới Hà Nội. Họ mua lại của người dân địa phương, ngày nghỉ vẫn thường lui tới…”.

Theo chân người đàn ông này băng qua những cung đường thoải dốc quanh co, tại khu vực đội 5 thôn Phú Yên, giữa lưng chừng đồi là diện tích đất rất lớn với hàng loạt công trình xây dựng với đường bê tông chạy quanh, vườn cây, ao cá, nhà chòi, đầy đủ cả. Những người dân bản địa cho biết, toàn bộ khu đất này đều được một người đàn ông tên Kiên ở Hà Nội mua lại và xây dựng. Họ không biết ông Kiên làm gì, nhưng thấy trong các giấy tờ đóng góp, hỗ trợ địa phương hay ký tên là Kiên.

Để làm rõ thêm thông tin liệu khu đất này có phải của ông Kiên hay không, nhóm PV đã cố gắng tiếp cận khu vực có các công trình xây dựng nhưng cổng vào thường xuyên khóa kín. Mặc dù vậy, căn cứ vào những tài liệu, văn bản NNVN có được, khu đất này hiện đang thuộc sở hữu của ông Trần Quý Kiên, người có trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh và trùng địa chỉ với ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Cụ thể, biên bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được lập vào ngày 13/11/2014 thể hiện, ông Trần Quý Kiên (sinh ngày 2/8/1964) trú tại 54 Sơn Tây - Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội có nhận chuyển nhượng của ông Đỗ Quốc Chiến và bà Nguyễn Thị Huế (đội 5 - Phú Yên - Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội) 5.000m2 đất đồi chè và 3.000m2 đất khai hoang với giá 1.750 triệu đồng (Một tỷ bảy trăm năm mươi triệu đồng).

Ngoài 8.000m2 đất, tài sản trên đất bao gồm nhà ở cấp 4, chuồng trại, cây chè, cây ăn quả, ao thả cá… Ngày 21/11/2014, ông Đỗ Quốc Chiến đã nhận đủ 1,7 tỷ đồng từ ông Trần Quý Kiên, kể từ đó, ông Kiên được phép sử dụng toàn bộ thửa đất trên và toàn quyền sử dụng đường đi chung.

Điều đáng nói, trong biên bản chuyển nhượng có sự xác nhận của UBND xã Yên Bài, nhưng thay mặt UBND xã chỉ xác nhận phần hộ khẩu của ông Đỗ Quốc Chiến.

Trong khi đó, trao đổi với một cán bộ ở Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ba Vì được biết, nguồn gốc đất ở khu vực này vốn dĩ thuộc quản lý của Nông trường Việt Mông (thuộc Bộ NN-PTNT) nằm trên địa phận Ba Vì và Sơn Tây. Theo đó, rất nhiều diện tích đất từ trước đây được giao khoán cho các hộ công nhân quản lý bằng hợp đồng giao khoán. Căn cứ theo các hợp đồng giao khoán, những hộ dân chỉ được phép làm nhà tạm trên diện tích 30% so với tổng diện tích đất được giao để làm nơi chứa vật tư.

Tuy nhiên, vào thời điểm những năm từ 2010 - 2011 khi có cơn sốt đất thì có phát sinh việc mua bán, chuyển nhượng diễn ra phổ biến. Việc mua bán chủ yếu được xác nhận bằng giấy viết tay chứ không được cấp chính quyền nào cho phép, bởi đất này là nhận khoán của nông trường, không được phép chuyển nhượng, mua bán.

Cũng theo cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường Ba Vì, một số diện tích mua bán (trong đó có thửa đất nêu trên) có sự lấn chiếm sang diện tích của Đồng Mô, từ cốt nước 21,5 trở xuống.

Theo NNVN

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ