Việt Nam đang là ‘mảnh đất lành’ cho các nhà đầu tư đến từ Thái Lan?

Với tiềm lực và lượng tiền mặt dồi dào, không ít các tập đoàn lớn của Thái Lan muốn tìm kiếm địa chỉ đầu tư trong khu vực, khi thị trường nội địa đang dần chật hẹp. Sự chuyển hướng này đang dẫn tới các thương vụ M&A và dự án FDI lớn tại Việt Nam trong những năm vừa qua.
THANH THẮNG
27, Tháng 11, 2019 | 10:01

Với tiềm lực và lượng tiền mặt dồi dào, không ít các tập đoàn lớn của Thái Lan muốn tìm kiếm địa chỉ đầu tư trong khu vực, khi thị trường nội địa đang dần chật hẹp. Sự chuyển hướng này đang dẫn tới các thương vụ M&A và dự án FDI lớn tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

VT-1

Việt Nam trong những năm gần đây đang dần trở thành một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư lớn từ Thái Lan

Tính đến thời điểm hiện tại, bản đồ thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam đang dần xuất hiện nhiều hơn những cái tên đến từ quốc gia láng giềng Thái Lan, trong cả khu vực đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như trên thị trường mua bán – sáp nhập (M&A). Dưới đây là một số các tập đoàn lớn của Thái Lan đã có những hoạt động đầu tư vào thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.

Tập đoàn WHA Corporation PCL

Trong năm 2019, Công ty WHA Utilities and Power (WHAUP), thành viên Tập đoàn WHA của Thái Lan, đã công bố thông tin về việc hoàn tất việc mua lại 34% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng. Thương vụ trị giá khoảng 2.073,19 tỉ đồng.

Sau thương vụ này, WHAUP trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống, chỉ sau Công ty Cổ phần Nước Aqua One, do bà Đỗ Thị Kim Liên - “Shark” Liên làm người đại diện, với tỉ lệ sở hữu 41%.

Ngoài khoản đầu tư vào Nhà máy nước mặt sông Đuống, WHA Utilities and Power còn sở hữu khoảng 41% cổ phần tại Công ty Cổ phần cấp nước Cửa Lò.

Tại Thái Lan, WHA Utilities and Power tham gia kinh doanh tiện ích chủ yếu bằng cách phục vụ các nhà máy sản xuất và vận hành tại các khu công nghiệp và đất công nghiệp. Các sản phẩm và dịch vụ của WHAUP bao gồm mua sắm nước thô, sản xuất và phân phối nước công nghiệp và dịch vụ xử lý nước thải. WHA Utilities and Power đã liên tục mở rộng năng lực sản xuất nước công nghiệp và cải thiện khả năng xử lý nước thải để phục vụ số lượng khách hàng công nghiệp ngày càng tăng tại các khu công nghiệp WHA.

Hiện tại, WHAUP đang cung cấp dịch vụ nước cho 750 khách hàng tại chín khu công nghiệp ở Chon Buri và Rayong. Tất cả các khu công nghiệp này đều được vận hành bởi WHA Industrial Development (WHAID).

Tập đoàn Thai Beverage

Trong năm 2017, sau khi chi 4,8 tỷ USD, Vietnam Beverage đã chính thức sở hữu 53% cổ phần Bia Sài Gòn. Phiên đấu giá 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn đã thành công với hai nhà đầu tư đăng ký mua.

Theo đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghiệp có liên quan tới tỷ phú Thái Lan đã mua 343,6 triệu cổ phần với mức giá 320.000 đồng. 20.000 cổ phần còn lại thuộc về ông Ngô Vinh Hiển (Hà Nội) - nhà đầu tư cá nhân. Tổng giá trị giao dịch là 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.

Vietnam Beverage được thành lập tháng 10/2017, có vốn điều lệ gần 682 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy vi tính. Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại HongKong.

Trong đầu năm 2019, Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã chi hơn 111.200 tỷ đồng để nắm trọn công ty mẹ của Sabeco là Vietnam Beverage. Điều này cũng giúp tỷ phú này nắm quyền kiểm soát Sabeco và làm gia tăng đáng kể danh mục đầu tư vốn rất đồ sộ tại Việt Nam.

Cụ thể, Vietnam Beverage và BeerCo đã ký một thỏa thuận chuyển đổi toàn bộ số tiền cho vay và trả lãi hơn 111.200 tỷ đồng (tương đương gần 4,9 tỷ USD, để tăng vốn điều lệ cho Vietnam Beverage.

Tập đoàn Siam Cement Group (SCG)

Sau 2 năm đàm phán, vào cuối năm 2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Đây cũng chính là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay.

Ngoài ra trong năm 2013, SCG đã chính thức tiếp quản toàn bộ tập đoàn Prime Group. Dự án tại Khu công nghiệp Bình Xuyên là dấu ấn đầu tiên ghi tên tuổi SCG trong ngành vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam, với số vốn 239,6 triệu USD.

Tập đoàn SCG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối. Tập đoàn này hiện đang tiếp tục mở rộng hoạt động và đẩy nhanh các dự án trong khu vực Đông Nam Á, như nhà máy xi măng ở Indonesia, Campuchia, Myanmar, Lào, cũng như khu phức hợp hóa chất tại Việt Nam. Hiện SCG đang có 19 công ty hoạt động tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản hơn 604 triệu USD.

Tập đoàn Berli Jucker (BJC)

Vào năm 2014, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ tại Việt Nam. 

Toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD) sẽ do BJC quản lý.

Trong năm 2013, đại gia này cũng đã gây tiếng vang khi mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart. Trước đó, trên thị trường Việt, cái tên BJC đã được nhắc đến với nhiều sự kiện quan trọng khác, như việc đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chai lọ thủy tinh O-L BJC, hay bỏ ra hàng triệu USD để mua lại một hãng chuyên sản xuất đậu phụ ở miền Bắc.

BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính, gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.

Tập đoàn Amata Group

Hiện nay Amata là một trong những nhà đầu tư Thái Lan lớn nhất tại Việt Nam. Nhờ tận dụng được lợi thế của mình, vào cuối năm 1994, Amata đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai với diện tích 700ha. Theo số liệu trên website của Amata, tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp này đến nay đã lên tới hơn 1.9 tỷ USD, với hơn 35,000 nhân viên.

Sau khu công nghiệp Amata – Biên Hòa, các công ty thành viên của tập đoàn này bao gồm CTCP Amata Việt Nam và Công ty Amata VN Public Limited - Thái Lan đã tiến hành đầu tư dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành với quy mô 410 ha, tại các xã Tam An, An Phước, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), tỉnh Đồng Nai với tổng vốn khoảng 282 triệu USD. 

Trong khi đó, trong năm 2015, theo thông tin từ tờ Bangkok Post, Amata đang hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu để xây dựng dự án Amata City Ha Long – một khu đô thị công nghệ cao với quy mô khoảng 5,790 ha, tại thị xã Quảng Yên. Trong đó, Amata sẽ đầu tư 70% cho liên doanh này, kinh phí cho giai đoạn đầu khoảng 60 triệu USD. Dự kiến tổng mức đầu tư của Amata vào khu đô thị này sẽ đạt khoảng 1.6 tỷ USD trong thời gian 10–15 năm, chia thành 10 giai đoạn, hoàn tất vào năm 2030.

Tập đoàn Central Group

Trong năm 2014, Robins Department Store PCL (thuộc Tập đoàn Central, Thái Lan) của gia đình ông Tos Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan khai trương Trung tâm mua sắm Robins tại TP.HCM, sau khi đã mở trung tâm thứ nhất tại Hà Nội.

Theo Central Group, việc đầu tư liên tiếp hai trung tâm mua sắm tại Việt Nam nằm trong kế hoạch lấn sân sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đã được tập đoàn thông qua. Khoản ngân sách 15 tỷ bath (khoảng 460 triệu USD) được đại gia này dự trù để mở trung tâm mua sắm tại Indonesia, Việt Nam và Malaysia. 

Tại Thái Lan, Central Group nổi tiếng với chuỗi trung tâm mua sắm mang tên Robinson, nhưng khi đặt chân đến Việt Nam nhà bán lẻ này rút ngắn tên gọi thành Robins (Robins Department Store) để phục vụ khách Việt.

Robins không phải là dự án bán lẻ đầu tiên của Central Group ở Việt Nam. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2016, Central Group cũng đã tham gia đấu thầu để mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam từ Tập đoàn Casino. Cuối tháng 4/2016, tập đoàn Central hoàn tất việc mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp) với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Thương hiệu Big C vẫn được sử dụng sau đó.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ