'Việc hạn chế thời gian ưu đãi quá ngắn cho các dự án năng lượng tái tạo là sai lầm'

Nhàđầutư
"Việc hạn chế thời gian ưu đãi quá ngắn là sai lầm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có quyết định về kinh tế số rất hay, nên tôi nghĩ rằng chuyển năng lượng tái tạo theo hướng đấy có thể giải quyết nhanh gọn thủ tục", GS-TKSH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
NHÓM PV
29, Tháng 10, 2020 | 07:55

Nhàđầutư
"Việc hạn chế thời gian ưu đãi quá ngắn là sai lầm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có quyết định về kinh tế số rất hay, nên tôi nghĩ rằng chuyển năng lượng tái tạo theo hướng đấy có thể giải quyết nhanh gọn thủ tục", GS-TKSH. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn tổ chức tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, diễn ra sáng 29/10 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn, Trưởng ban tổ chức cuộc tọa đàm, cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng, đặc biệt ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 55 đã thể hiện nhiều điểm mới về chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó xác định: "Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

TD01

Nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các bộ, ban, ngành liên quan và đại diện nhiều doanh nghiệp tham dự tọa đàm. Ảnh Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn

Đồng thời nghị quyết 55 cũng đã đề ra nhiệm vụ: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam.

Nghị quyết 55 cũng nêu rõ phải “xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng các dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ theo cơ chế thị trường; tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng; có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư; thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh…”.

TBTNDT

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư. Ảnh Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư, với quan điểm mới và hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận và kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thập kỷ tới, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trên thực tế từ vài năm trở lại đây việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê của Viện nghiên cứu của BIDV cho thấy, nếu năm 2016 tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới đạt khoảng 303 MW thì năm 2020 tổng công suất ước tăng gấp hơn 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW.

Dự báo trong thời gian tới, đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch; 312 dự án điện gió với tổng công suất 78.035 MW và 331 dự án điện mặt trời với công suất 336.581 MW đang được các địa phương đề xuất phát triển.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của các viện nghiên cứu độc lập, cũng như phản ánh của các nhà đầu tư, đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp không ít khó khăn vướng mắc nổi lên là:

  • Luật Điện lực quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện làm hạn chế xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này. Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện gây khó khăn cho các dự án sản xuất điện trong việc đấu nối, không giải toả hết công suất, buộc giảm sản lượng điện, giảm doanh thu bán điện làm cho phương án tài chính của dự án không đảm bảo như tính toán ban đầu.
  • Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án. Việc chưa rõ cơ chế, chính sách áp dụng sau năm 2020 khiến các nhà đầu tư không an tâm đầu tư.
  • Cơ chế mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
  • Về nguồn vốn cho các dự án, hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại chưa có định hướng cụ thể về cho vay phát triển năng lượng tái tạo mà chủ yếu thực hiện thông qua tín dụng xanh. Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong cho vay đầu tư phát triển năng lượng tái tạo do bị khống chế tỷ lệ cho vay trung và dài hạn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, lãi suất ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo quá cao khoảng 10 – 11,5%/năm làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Việc vay vốn nước ngoài có lãi suất thấp hơn, nhưng không được nhà nước bảo lãnh nên không thể thực hiện…

Còn nhiều vướng mắc, khó khăn khác nữa mà tạp chí Nhà đầu tư và tạp chí điện tử Nhadautu.vn đã ghi nhận từ các nhà đầu tư và đăng tải trên nhiều bài viết liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây.

Một vấn đề khác, đang được đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, đó là không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực điện gió và mặt trời được cấp phép hoặc ngay khi vừa hoàn thành đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi luật pháp có các quy định khác nhau đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường đối với các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cũng như đối với các địa bàn, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

"Từ thực tiễn nói trên, tạp chí Nhà đầu tư và tạp chí điện tử nhadautu.vn tổ chức cuộc Tọa đàm hôm nay nhằm tạo diễn đàn để đại diện các bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi, thảo luận nhằm góp phần hoàn thiện luật pháp, chính sách, đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương quan điểm của Đảng tại NQ 55 của Bộ Chính trị và NQ số 140 của Chính Phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị", tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: "Cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo”

DDQ

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (giữa). Ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn

Trong tham luận tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: "Năng lượng tái tạo từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tại Việt Nam. Tính tới cuối năm 2016, khoảng gần 40% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng sinh khối phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phế thải nông nghiệp, đặc biệt là bã mía, trấu… với tiềm năng rất lớn, đã và tiếp tục được sử dụng triệt để phục vụ sản xuất điện.

Thực tế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đặt ra không mấy khó khăn, giúp ngành điện huy động được lượng vốn đầu tư rất lớn từ lĩnh vực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư vào các công trình nguồn, đồng thời hướng dòng vốn của EVN đầu tư vào các dự án với mục đích cải thiện chất lượng cung cấp điện.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã tăng từ vài dự án lên tới 100 dự án với tổng công suất từ vài trăm MW lên tới 5.829 MW, đưa công suất đặt các dự án điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm gần 1% nay đã đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.

Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian tới đây, dự kiến các nguồn điện gió và mặt trời sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Hiện đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án/78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án /36.581 MW các dự án điện mặt trời hiện đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển.

Các loại hình năng lượng tái tạo còn lại, mặc dù có tiềm năng khá lớn nhưng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng (hiện điện sinh khối chỉ có 378 MW/ tổng tiềm năng 13,7 GW; điện rác hiện có 10 MW/ tổng tiềm năng 1 GW…). Chính vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng và theo định hướng trên, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

"Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, vẫn cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực này từ Chính phủ nhằm tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư”, ông Đỗ Đức Quân nói.

TS. Cấn Văn Lực: "Đã có hiện tượng doanh nghiệp lách luật, chạy dự án"

CVL

Tiến sĩ Cấn Văn Lực (đứng). Ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn

"Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ bức tranh năng lượng tái tạo (NLTT) cho thấy có nhiều tiềm năng. Thông lệ cho thấy, nhu cầu điện tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần mức tăng trưởng năng lượng khoảng 10%", T.S Cấn Văn Lực cho biết.

Vẫn theo TS. Lực, xu hướng phát triển NLTT trên thế giới tiếp tục diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và tỷ trọng NLTT đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất trên toàn cầu, hiện đang chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, đáng chú ý, tỷ trọng NLTT sản xuất bằng thủy điện (nhỏ) tiếp tục là nguồn NLTT chiếm tỷ trọng cao nhất (50%).

Định hướng đến năm 2050, NLTT chiếm trên 50% tổng điện năng cung cấp. Phát triển NLTT là một phần hay có thể được coi là chiến lược cấu phần trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Vì vậy các chính sách phát triển NLTT đã được Đảng và Nhà Nước quan tâm từ khá sớm và đây cũng không phải là 1 chính sách riêng lẻ độc lập của 1 quốc gia mà là xu thế tất yếu của toàn cầu.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng NLTT chiếm khoảng 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg (QĐ 37) của Thủ tướng Chính phủ và quyết định sửa đổi 39/2018/QĐ-TTg (QĐ 39) ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (QĐ 11) của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/04/2017 và Quyết định thay thế số 13/2020/QĐ-Ttg (QĐ 13) ngày 06 tháng 4 năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam... là những quyết sách tạo ra sự phát triển bùng nổ của NLTT trong khoảng 3 năm trở lại đây, tiêu biểu là cơ chế giá điện (Feed in Tarif).

Do giai đoạn 2011-2020 cơ bản đã kết thúc cùng với những bất cập trong quy hoạch điện VII, vì vậy dự thảo quy hoạch mới (Quy hoạch điện VIII) đã được xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Nội dung quy hoạch phát triển NLTT trong quy hoạch điện VIII được xây dựng theo hướng nâng quy mô công suất và tỷ trọng NLTT trong giai đoạn 2020-2045. Theo đó, đến năm 2045, điện sản xuất bằng NLTT có tỷ trọng đạt 44% trong đó sản lượng điện gió cao nhất chiếm 22%, điện mặt trời là 20% còn lại điện sinh khối duy trì ở mức tỷ trọng 2%.

toa-dam3

 

Theo EVN, tính đến cuối tháng 8 năm 2020, Việt Nam hiện có khoảng 102 dự án điện mặt trời đang hoạt động với tổng công suất đạt 6.314 MW, 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 435 MW và 325 MW điện sinh khối và 10 MW điện chất thải rắn. Điện mặt trời áp mái cũng phát triển khá mạnh mẽ đạt 948MWp với 42.000 hệ thống điện.

Hiện tại, số lượng dự án NLTT đăng ký vẫn tăng mạnh với tổng công suất điện mặt trời, điện gió được phê duyệt bổ sung quy hoạch đã lên tới 23.000 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 11.200 MW, điện gió khoảng 11.800 MW. Hiện chưa có chương trình riêng của ngân hàng về tín dụng NLTT mà chủ yếu nằm trong tín dụng xanh.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thực hiện Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN, tính đến hết T12/2019, dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ nền kinh tế, đạt trên 320 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm 76%, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-8%/năm và trung dài hạn từ 9- 12%/năm.

Tổng dư nợ tín dụng xanh NLTT chiếm 17% tương đương gần 54 ngàn tỷ đồng, còn lại là tín dụng nông nghiệp xanh chiếm 45% và các lĩnh vực liên quan khác. Còn nhiều dư địa cho ngân hàng tài trợ cho NLTT thời gian tới. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại còn có các nguồn vốn tài trợ ủy thác từ các tổ chức quốc tế như ADB hay WB với dự án REDP giai đoạn 2009-2018.

Dự án REDP do WB cung cấp có tổng giá trị tương đương 204,27 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Đến năm 2018, dự án đã giải ngân toàn bộ số vốn trong đó tài trợ cho 19 dự án NLTT có tổng công suất lắp đặt 320,4 MW. Tuy nhiên, do giai đoạn 2018 trở về trước các chính sách ưu đãi giá mua điện mặt trời và điện gió chưa có hiệu lực nên các dự án NLTT của WB giải ngân chủ yếu vẫn là các dự án thủy điện nhỏ.

Vẫn theo TS. Lực, thách thức, khó khăn hiện nay là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, quy hoạch điện VIII chuẩn bị ban hành nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm. Luật PPP cũng mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021. Đây có thể là nền tảng quan trọng đẩy nhanh phát triển NLTT. Cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian kéo dài ngắn 1-2 năm không đủ để doanh nghiệp xoay xở. Thiết nghĩ cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như NLTT mặt trời, NLTT gió onshore, NLTT offshore…

Hiện tượng chạy dự án xuất hiện gần đây cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Gần đây chúng tôi có nghe phản ảnh 1 số dự án có hiện tượng lách luật. Ví như: thời hạn giá điện chốt hết năm nay, một số DN bố trí dự án, chạy dự án cấp phép trước thời điểm hiện hạn. Hay theo quy định Dự án 1 MW do địa phương quyết định nên một số DN chia nhỏ dự án để đơn giản hoá khâu cấp phép.

Vốn chủ yếu vẫn là từ tín dụng, còn vốn tự có quá nhỏ. 30% vốn tự có là hết sức bình thường. Hiện nay 12-15 tỷ cho 1 dự án điện mặt trời nhỏ nên bỏ ra 30% là bình thường, còn lại là tín dụng ngân hàng hoặc các loại vốn góp khác. Nên phải đảm bảo vốn chủ đầu tư 30% là không nhiều.

T.S Cấn Văn Lực đưa ra các kiến nghị như sau: Đề xuất quy hoạch điện VIII cần được thông qua, ban hành sớm. Để giải bài toán vốn cho các dự án NLTT cần đa dạng hoá nguồn vốn phát triển NLTT bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá vào lĩnh vực NLTT trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án NLTT.

Phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua;

Nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển NLTT trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Nâng cao năng lực của NH Phát triển trong tài trợ các dự án NLTT.

Cuối cùng là NHNN xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng NLTT mạnh mẽ hơn như: (i) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng NLTT cao; (ii) điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng NLTT xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng NLTT trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.

Một trong những vấn đề rất đáng lưu tâm là có cho phép xã hội hóa 1 phần khâu truyền tải điện và phân phối trực tiếp? Câu chuyện phân cấp uỷ quyền phê duyệt năng lượng tái tạo cần được bàn khi có hiện tượng lách luật.

Trong NQ55 có nói tới cơ chế đột phá để phát triển NLTT. Vậy thế nào là cơ chế đột phá? Rồi cơ chế chính sách đặc thù cho từng loạt NLTT. Khuyến nghị đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư là cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá tác động môi trường phù hợp phù hợp đối với mỗi loại dự án NLTT.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ tốt hơn (phí, lãi, thời gian ân hạn...) đối với các dự án NLTT đạt được các tiêu chí kỹ thuật và pháp lý quan trọng như: nằm trong khu vực đã được quy hoạch; được đánh giá có tiềm năng trữ lượng NLTT cao và tin cậy; có đẩy đủ hồ sơ pháp lý như phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được tư vấn thẩm tra bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; thiết bị được cung cấp bởi đơn vị chuyên ngành uy tín; và có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hai là, tiếp tục tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá rủi ro các dự án đầu tư NLTT. Ba là, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực NLTT, trong đó cân nhắc xem xét các gói sản phẩm theo chuỗi dự án từ chủ đầu tư – đơn vị sản xuất/bán hệ thống thiết bị NLTT – nhà thầu xây lắp.

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE: Hàng loạt đại gia điện gió buộc giảm 70-80% công suất vì COVID-19

Theo ông Hồ Tá Tín, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, nguồn vốn và năng lực phát triển dự án của nhà đầu tư,… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.

Ho-ta-tin

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn.

Tỷ lệ các dự án NLTT đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, con số đã “nói” lên được thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Ông Tín cho hay, nguồn nguyên liệu cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai. Hai là, nhà máy điện gió cần vốn lớn, trong khi đó nguồn vốn trong nước vẫn còn hạn chế do việc vay vốn tại các ngân hàng khó khả thi. Nguyên nhân là do hạn mức và lãi suất trong nước rất cao (10%/năm), trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 4-6%.

Theo Chủ tịch Tập Đoàn HBRE, vấn đề quan trọng nhất đối với các dự án điện gió là đầu ra, nằm ở cơ chế chính sách của Chính phủ, tuy nhiên do dịch COVID-19 là ảnh hưởng khá nặng nề. “Hàng loạt đại gia điện gió tại Trung Quốc buộc giảm 70-80% công suất vì COVID-19, trong khi thời gian ưu đãi giá sắp hết hạn”, ông Tín nói.

Ông Tín đề nghị, Chính phủ cần cân nhắc sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Đề xuất lựa chọn áp dụng cho một số dự án phù hợp, thuận lợi cho việc triển khai đầu tư nhanh trong các dự án đã được bổ sung quy hoạch để bổ sung nhanh nguồn điện trước nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các DN tư nhân trong nước cần hợp tác với các đơn vị nước ngoài có kinh nghiệm, bề dày lịch sử dựa trên mục tiêu hợp tác đảm bảo an ninh năng lược quốc gia và đặc biệt đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tại phần thảo luận mở, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn điều phối.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tọa đàm đang tao ra cầu nối để doanh nghiệp cũng như các cơ quan xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách có thể trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhau. Tôi xin phép được hỏi anh Hiển trước, trong Nghị quyết 55 có rất nhiều chữ đột phá, chính sách đột phá, cơ chế đột phá... Vậy anh có thể nói rõ thêm nội hàm đột phá ở đây là gì? Hay chỉ thẳng ra đâu là điểm đột phá?

"ĐỘT PHÁ NHÌN TỪ TẠO CƠ CHẾ CHO NGƯỜI CHIẾN THẮNG"

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương: Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành NQ55 có tính toán cụ thể tỷ trọng NLTT. Đồng thời ngày 2/10 Chính phủ ban hành Nghị quyết 140 để thực thi NQ55.

Sau khi có Nghị quyết Bộ Công Thương triển khai thần tốc quy hoạch điện VIII. NQ55 được triển khai tương đối nhanh và đồng bộ. Ban Kinh tế Trung ương mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý về: Cách tiếp cận về nội dung xây dựng sơ đồ điện VIII tránh hiện tượng như sơ đồ điện VII - cứng nhắc khiến bổ sung liên tục nhưng tổng dự án triển khai không quá lớn - phải tăng nên không dàn đều các đại phương, ưu tiên các DN có năng lực? Tiếp theo là làm sao để có sự tham gia của khu vực DN tư nhân, đặc biệt DN tư nhân trong nước. NQ55 khuyến khích tư nhân tham gia cả truyền tải điện quốc gia.

hien

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn

Gần đây có dự án đã làm 17 km đường dây truyền tải trong 102 ngày. Tuy nhiên, cần làm sao từ thí điểm đó biến thành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với NLTT.

Tiếp theo là làm sao tăng trách nhiệm của các địa phương khi nhiều dự án là quy hoạch giữ đất, giữ chỗ trong khi các nhà đầu tưu có năng lực lại không thực hiện được? Về cơ chế về giá FIT hiện có 2 luồng ý kiến, 1 là gia hạn ưu đãi giá FIT điện gió kéo dài năm 2023, ngoài khơi là năm 2035. Nhưng cũng có ý kiến là phải cạnh tranh, không thể cứ ưu đãi để khuyến khích giữ chỗ, xin cho.

Ngoài ra, muốn phát triển điện gió, điện mặt trời cũng cần đặt thêm các ưu tiên thay vì chỉ về giá, như thời gian, chính sách thuế, tín dụng hiện chưa được đề cập. Ưu đãi cũng phải là công suất lớn, vận hành hiệu quả. Một trong những vấn đề quan trọng nữa là Hợp đồng Mua bán điện hiện chưa theo chuẩn mực quốc tế khiến ngân hàng khó thẩm định. Cần nghiên cứu chính sách về giá dài hạn, lường định được, tiệm cận quốc tế như thế nào?

Hiện nay có DN khẳng định có thể sản xuất được lượng lớn thiết bị cho các dự án điện gió, nhưng chưa cụ thể chính sách ưu đãi sản xuất thiết bị cho DN. NQ55 nhấn mạnh là ưu tiên nhưng chưa đượcthể chế hoá, cơ khí, năng lượng chưa có. Vậy chính sách là gì? Về vốn tín dụng, quỹ tín dụng xanh cũng thể ép NHTM cho vay khi rủi ro.

Vì vậy cần có chính sách phải giải quyết bằng kỹ thuật như hệ số rủi ro phải điều chỉnh, rồi chính sách tín dụng ưu đãi. NQ55 nêu rõ tập trung làm 1 số trung tâm có năng lực về NLTT không thể dàn trải, cào bằng. Về sự đột phá nêu trong NQ thì cái đầu tiên là đột phá về giá, cần rõ ràng, dài hạn, để DN tự tính toán xem có nên đầu tư không.

Khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, không làm phong trào, để tránh xảy ra tình trạng xếp hàng đợi ưu đãi. Ngoài ra, hệ thống tiêu chí nhà đầu tư rất quan trọng, ngoài chính sách là ưu đãi cho DN có năng lực như về vốn, các công cụ về kinh tế về độ phá hỗ trợ không phải là xin cho mà tư duy “cho người chiến thắng”.

LÃNG PHÍ MÁI NHÀ XƯỞNG NẾU CHỈ ƯU TIÊN ĐIỆN ÁP MÁI DƯỚI 1MW

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: Chúng ta phải nhìn vào việc xã hội hóa nguồn NLTT, huy động từ nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.

tan

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà

Chẳng hạn, các hệ thống NLMT mái nhà, là năng lượng sản xuất tại nơi tiêu thụ, và hoàn toàn giảm được chi phí truyền tải điện. Do đó, tôi cho rằng cho rằng cần khuyến khích và cũng xã hội hóa các hệ thống NLMT mái nhà này. Nếu chỉ ưu tiên điện áp mái dưới 1 MW ề vấn đề lãng phí tài nguyên mái nhà xưởng.

Theo khảo sát ở các nước phát triển, NLMT họ sử dụng đất hoang hóa, đất sa mạc, trong khi Việt Nam là đất rừng, nên nếu làm dự án NLMT hết thì không còn đất rừng.

Tôi nghĩ cần quan tâm chính sách và công nghệ lưu trữ điện, bởi điện lúc thừa lúc thiếu, nếu chỉ nghĩ về sản xuất điện sẽ không đáp ứng đảm bảo lưới điện hiệu quả nhất”, ông Tân nói. Về chính sách dài hạn, giá điện cần tuân theo kinh tế thị trường, chứ không thể theo giá FIT. Do đó, cần điều chỉnh theo yếu tố nhu cầu thị trường và sử dụng trí tuệ nhân tạo điều phối giá NLTT.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi hoan nghênh ý kiến trao đổi thẳng thắn giữa. Xin hỏi anh Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà qua ý kiến phản hồi từ phía cơ quan nhà nước, anh thấy còn vấn đề gì nữa không?

Ông Hoàng Mạnh Tân: Theo tôi, những vấn đề thực tế cần phải giải quyết ngay, đứng ở góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng chúng ta đang có nguồn tài nguyên lớn, do đó cần đầu tư hệ thống NLMT mái nhà tại chỗ để tránh lãng phí.

Ông Đỗ Đức Quân: Hiện tại, chính phủ vẫn khuyễn khích, và ưu tiên trong lâu dài về việc phát triển điện áp mái. Thực tế, điện áp mái mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó đáng quan tâm chính là vấn đề tiết kiệm (chi phí, đất đai, quy trình).

quan1

Ông Đỗ Đức Quân trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn.

Theo ý kiến của tôi, việc triển khai điện áp mái cho các nhà công xưởng, đối với KCN, có thể vướng quan hệ giữa doanh nghiệp, ban quản lý khu CN. Quy định tại thời điểm này khá chồng héo, do đó, cần 1 chính sách riêng, mức giá riêng để có thể phát triển điện áp mái hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng, điện áp mái không thể triển khai quy mô rộng với nhà dân dụng. Còn đối với các toà nhà công sở, chúng ta có thể vướng đến các vấn đề sử dụng tài sản công. Việc lưu trữ năng lượng đang gặp phải một số thách thức như việc ảnh hưởng đến môi trường, chi phí đầu tư... Theo các chuyên gia quốc tế, chúng ta chưa nên triển khai các dự án này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trên quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ ý kiến ông Hoàng Mạnh Tân, đó là cố gắng làm sao đừng để lãng phí, mà khơi dậy tiềm năng trước mắt. Tôi muốn nghe thêm ý kiến từ phía EVN, ông Nguyễn Ngọc Tân, Thành viên HĐTV EVN/NPT có thể nói về truyền tải điện, xem liệu tư nhân có thể tham gia vào vấn đề này được không, bao giờ họ có thể tham gia, có dự án cụ thể nào để họ tham gia. Theo quan điểm của ông bắt đầu từ đâu để tư nhân có thể tham gia?

"ĐỪNG BIẾN CAO TỐC THÀNH ĐƯỜNG LÀNG XÃ"

Ông Nguyễn Ngọc Tân: Sau 11 năm thành lập, hoạt động đường dây truyền tải điện đã tăng gấp 2,4 lần, dung lượng tăng 3,9 lần, đường dây 220 KV tăng 2,3 lần, dung lượng điện tăng 3,4 lần. Tổng công suất đã tăng từ 65 tỷ KW, 199 tỷ KW. Về định hướng phát triển, tổng sơ đồ điện cần có tính đột phá trong phát triển nguồn, lưới đều quan trọng.

nguyen-ngoc-tan

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Thành viên HĐTV EVN/NPT. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn.

Ngay từ tổng sơ đồ VII Thủ tướng đã đặt câu hỏi sử dụng NLTT, khuyến khích ra sao? Lúc đó tổng sơ đồ gồm cả thuỷ điện nhỏ, tổng công suất đặc mới là 3,5%, kỳ vọng NLTT chiếm 6% năm 2030. Đến NQ 55 hiện nay đặt mục tiêu là công suất đặc NLTT chiếm 15-20%. Nghị quyết 55 đã đưa 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá: NQ đã nói rõ không cấm đầu tư đường truyền tải nhưng cần làm rõ, cơ chế khuyến khích thu hút vốn độc lập dưới sự kiểm soát của nhà nước….

Chính phủ đã cho thí điểm nhà đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, nhà đầu tư không làm được có thể thuê quản lý vận hành, hoặc kết hợp để hoà lưới. Điều hành như thế nào thì là do trung tâm điều độ quốc gia. Theo chiến lược quy hoạch phát triển năng lượng, năm 2030 tổng lượng điện cần là 550-600KWh tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

Vấn đề không phải chỉ là đầu tư truyền tải điện điện bao nhiêu, mà còn liên quan tới truyện, truyền tải điện cho nhà máy điện mặt trời kém hiệu quả hơn đầu tư đường truyền tải cho các nhà máy điện than khi cùng một quy mô. Thực tế nhu cầu đầu tư truyền tải rất lớn, nhà đầu tư có thể hoàn toàn tham gia phát triển được nhưng nhà đầu tư họ phải thấy lợi ích gì và lợi ích phải đứng từ phía cả nhà đầu tư và nhà nước. Cần hiểu rằng, đừng để đường truyền tải quốc gia từ “cao tốc trở thành đường làng xã” vì càng nhiều nhánh, nhiều phần tử tham gia càng gây nguy cơ mất an toàn hệ thống.

Về quy hoạch điện chúng ta không nên cứng nhắc theo quy hoạch sẽ rất khó làm cho truyền tải điện và cũng gây khó cho nhà đàu tư. Cần có Quy hoạch điện là quy hoạch động để phù hợp theo quy hoạch. Vì sao tư nhân làm được mà nhà nước không làm được? điều này liên quan tới c chế thu hút vốn đầu tư. Trong khi DN tư nhân muốn được như DN nhà nước thì ngược lại DN nhà nước lại muốn được như DN tư nhân để tự do thu hút vốn. Áp lực vốn với NPT là rất lớn.

Từ lúc thành lập vốn điều lệ 10.000 tỷ, 10 năm hoạt động mới lên 25.000 tỷ. Để đáp ứng mục tiêu năm 2030 thì quy mô vốn cũng phải tăng tương tự. EVN đang kiến nghị WB, ADB cho vay mà không cần bảo lãnh của Chính phủ khi đi thu xếp vốn với 4 NHTM lớn thì đều hết room.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề nữa xin mời anh Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), được biết vừa qua MBBank đã tài trợ vốn cho Trung Nam Group phát triển mảng năng lượng tái tạo, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ ngân hàng tài trợ tín dụng cho lĩnh vực này?

CẦN CÓ QUY ĐỊNH TÍNH DỤNG XANH ƯU ĐÃI CHO CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG XANH 

Ông Phạm Như Ánh: Sau thời gian nghiên cứu MB xác định Việt Nam là nước có nhiều thuận lợi trong việc phát triển năng lượng tái tạo và MB đã xác định ngành năng lượng tái tạo là ngành tăng trưởng và ưu tiên cấp tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Ước tính sơ bộ, MB tài trợ tín dụng cho các dự án cung cấp khoảng 15% tổng quy mô công suất phát điện mặt trời; khoảng 12% công suất phát điện gió trên cả nước.

pham-nhu-anh

Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định cho vay MB cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như: Các dự án điện năng lượng tái tạo có thời gian vay vốn rất dài, từ 10-15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Việc này làm giảm quy mô vốn của ngân hàng có thể cấp tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Rủi ro về giải tỏa công suất và từ chối mua điện trên PPA làm cho ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án.

Ngoài vấn đề về vốn vay khó, lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng gây nhiều khó khăn khi Nghị định 81/2020-NĐ-CP ra đời vào ngày 1/9 vừa qua buộc các dự án năng lượng tái tạo cơ bản không phát hành được trái phiếu, do quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi nhu cầu là liên tục.

Tôi đề xuất, đầu tiên là với NHNN, cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm.

Thứ hai, đối với Bộ Công thương và EVN, cần xem lại hợp đồng mẫu, không đẩy rủi ro về doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất phát thiết kế, khi phát điện EVN phải mua hết công xuất phát, không để quyền từ chối mua điện trên các hợp đồng mẫu.

Với Bộ tài chính, cần xem lại nghị định 81/2020-NĐ-CP, không giới hạn số đợt phát hành vì các dự án điện gió phải thi công mất 2-3 năm nên việc giới hạn các đợt phát hành như nghị định 81 làm cho các chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

nguyen-anh-tuan1

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tu/nhaudautu.vn điều phối phiên thảo luận mở tại tọa đàm.

TS: Nguyễn Anh Tuấn: Về câu chuyện ông Phạm Như Ánh nêu, điều gì xảy ra với điện gió sau tháng 11/2021? ông Đỗ Đức Quân có thể cho thêm ý kiến?

Ông Đỗ Đức Quân: Đối với điện gió, Chính phủ đang chỉ đạo chúng tôi phối hợp tư vấn, còn với công tác đấu giá, đấu thầu, kéo dài FIT hiện đang xem xét để xác định mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến doanh nghiệp và ảnh hưởng của giá thị trường.

Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy rằng xu hướng giá thiết bị trên thị trường thế giới có giảm, chính vì vậy, xu hướng chung chi phí vốn giảm nên giá FIT gió sẽ giảm và con số này trong tháng sau sẽ cụ thể hơn.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Có mặt tại tọa đàm hôm nay có ông Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông đưa ra các bình luận gì về một số vấn đề trên, và theo ông có nên nới lỏng quy định ra để doanh nghiệp có kênh huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?

Ông Vũ Bằng: Việc mở rộng thêm hình thức huy động vốn cho lĩnh vực NLTT là rất quan trọng. Tuy nhiên, hình thức chào bán trái phiếu ra công chúng là rất rủi ro, trong khi đó chào bán riêng lẻ lại cần các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không cần kiểm soát.

vu-bang

Ông Vũ Bằng cho ý kiến tạo cuộc tọa đàm.

Một là hiện nay quy định hoạt động chào bán riêng lẻ do Bộ Tài chính làm đang bị vướng, tức là khi nhà đầu tư riêng lẻ sau một năm sẽ được chào bán rộng rãi, khi đó lại thành hình thức chào bán công chúng. Hai là định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp chưa rõràng.

Bộ Tài chính cần thúc đẩy và có thị trường cho các DN phát hành trái phiếu. Tôi cho rằng, các dự án chỉ cần ký được hợp đồng cho vay của ngân hàng, ngay lúc đó có thể phát hành trái phiếu theo tiến độ vốn. Nên bỏ việc đấu thầu dự án NLTT bởi việc này rất mất thời gian. Với kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng cần có xếp hạng danh mục những nhà đầu tư tham gia theo các tiêu chí và không cần thiết phải đấu thầu.

GIÁ FIT LÀ NHÀ NƯỚC ƯU TIÊN CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐỪNG ĐEM BÁN CHO NƯỚC NGOÀI

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tại đây hôm nay có một nhà đầu tư lớn, người từng tham gia Quốc hội, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương. Với các ý kiến phát biểu trước của các doanh nghiệp, theo ông có cần bổ sung thêm điều gì?

Ông Phan Văn Quý: Nghị quyết 55 của chính phủ thực sự là một đột phát và nó đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành năng lượng. Theo ghi nhận của tôi, Nghị quyết đã thực sự khiến cả xã hội bừng sáng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp tư nhân.

pham-van-quy

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khó khăn trong việc đầu tư dự án NLTT khi phải mua hoàn toàn trang thiết bị ở nước ngoài. Thực tế, sau ngày 30/10/2021, các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi không biết nên trả lời cũng như triển khai các kế hoạch mới như thế nào.

Trong dự án gần đây, chúng tôi đã phải chấp nhận thêm 5% chi phí từ nhà cung cấp nước ngoài, do kế hoạch ban đầu có hạn chốt là ngày 17/7/2021 và chúng tôi đã bắt buộc phải đầy lùi kế hoạch thêm 3 tháng. Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có một lộ trình hợp lý, từ dài hạn đến trung hạn đến thấp hạn, qua đó giúp các nhà đầu tư có thể chủ động được.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Khi đầu tư mong nhà đầu tư nghĩ tới vấn đề đầu tiên là an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

nguyen-duc-kien

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Chính phủ rất hiểu những khó khăn của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải hiểu cho cơ quan quản lý khi doanh nghiệp chỉ đang đầu tư nguồn, nhưng khi đầu tư lưới điện thì lại khó khăn giá nhà nước quy định hiện nay là chỉ 84,91 đồng/kWh.

Giá FIT là để nhà nước bằng mọi cách ưu tiên cho doanh nghiệp Việt nhưng hiện nay lại có hiện tượng có doanh xin cấp phép xong, được bổ sung vào quy hoạch lại bán dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Thêm một vấn đề quan trọng ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu đó là câu chuyện chuyển nhượng dự án, hệ thống Luật Đầu tư cũng không ngăn cấm việc chuyển nhượng dự án, nhưng những điều kiện chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục chuyển nhượng, yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng ra sao? Xin mời ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư, Luật PPP cho ý kiến về vấn đề này?

Ông Phạm Minh Hùng: Hiện nay có những quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc 1 phần dự án cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về điều kiện tiếp cận NLTT, mà chỉ có thuỷ điện.

pham-minh-hung

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Gần đây phát sinh điện gió ngoài khơi có đặt vấn đề gắn với kinh tế biển, quốc phòng an ninh. Nhiều thông tin cho rằng, nhà đầu tư trong nước có dự án bổ sung dự án vào quy hoạch sau đó bán chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo các quy định hiện hành, không có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực NLTT.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin nhấn mạnh hai vấn đề, thứ nhất là trong việc xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư (sửa đổi) nên nghiên cứu kỹ về quy định chuyển nhượng dự án gắn với an ninh quốc phòng.

Thứ hai là điều kiện tiếp cận thị trường, điện gió ngoài khơi có hạn chế nhà đầu tư nước ngoài không, trên quan điểm cá nhân tôi thấy phải ưu tiên cho trong nước làm, vì điều này gắn liền an ninh quốc phòng với chiến lược biển Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực: Hiện nay có dự án điện gió ngoài khơi, đang được một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và sẵn sàng đầu tư tương đối lớn từ 1,5 đến 2 tỷ USD. Việc nếu vì an ninh quốc phòng mà hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong các quy định của luật pháp Việt Nam rất có thể nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Theo dõi buổi tọa đàm từ đầu, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, ông cho thể cho ý kiếm tham vấn đề đầu tư năng lượng tại tạo?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Tôi nghĩ rằng câu chuyện rất lớn hiện nay là điện than, nói năng lượng tái tạo thì không thể không nói đến hạn chế của năng lượng truyền thống điện than.

Năm 2020 nhiệt điện than chiếm khoảng 33,2%, điện khí, dầu chiếm 14,8%, thủy điện chiếm 30,1%, thủy điện nhỏ và NLTT chiếm 20,3% tổng công suất; tổng sản lượng điện gió và điện mặt trời đạt 12 tỷ kWh, vượt Chiến lược phát triển NLTT khoảng 3 lần.

nguyen-mai

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE.

Về chính sách, tôi cho rằng giai đoạn đầu của chính sách là giai đoạn ưu tiên cho các nhà đầu tư, tôi tán thành Nghị quyết của Chính phủ về điện gió và điện mặt trời nhưng thời gian ưu đãi quá ngắn, câu chuyện quy hoạch cần phải được bàn bạc để rút kinh nghiệm. Hầu hết dự án NLTT đã và đang triển khai là đầu tư tư nhân nhưng quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư, trong đó thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng thường tốn nhiều thời gian nhất.

Do vậy, việc hạn chế thời gian ưu đãi quá ngắn là sai lầm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có quyết định về kinh tế số rất hay, nên tôi nghĩ rằng chuyển năng lượng tái tạo theo hướng đấy có thể giải quyết nhanh gọn thủ tục. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, an ninh quốc gia trong quá trình phát triển các dự án năng lượng, trong đó có NLTT là vấn đề cần được coi trọng khi lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện tình hình chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường trước.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Thủy điện Mai Châu có đăng ký phát biểu dưới góc tiếp cận người tiêu dùng, xin mời ông bổ sung ý kiến?

Ông Lê Trường Thủy: Trước tiên, tôi muốn cảm ơn Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay. Tôi nhận thấy rằng buổi toạ đàm ngày hôm nay rất có ích cho các nhà đầu tư. Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn nói về vấn đề phát điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, với thực tế EVN vẫn đang độc quyền, thì tôi có thể nói rằng, phát điện cạnh tranh chưa thể triển khai được.

thuy

Ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Thủy điện Mai Châu.

Do đó, sau buổi toạ đàm ngày hôm nay, tôi hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo thêm các ý kiến, qua đó suy nghĩ và xem xét về các 2 vấn đề chính: Phát điện cạnh tranh và truyền tải điện đến người tiêu dùng. Theo đó, chúng tôi có thể chủ động hơn trong các kế hoạch sắp tới.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Còn vấn đề cuối cùng, đó là lo ngại về ô nhiễm môi trường do xử lý hệ thống pin mặt trời sau khi sử dụng. Đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, mời anh Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), liệu có những rủi ro gì liên quan đến môi trường trong việc đầu tư năng lượng tái tạo, mời anh chia sẻ?

Ông Phạm Văn Tấn: Biến đổi khí hậu đang đặt ra vấn đề lớn về phát triển năng lượng của Việt Nam hiện nay. Gần đây thế giới đang yêu cầu Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính từ năng lượng. Phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang đứng 27 thế giới. Trong đó năng lượng chiếm khoảng 73% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Hiện nay đã thông qua thoả thuận Paris, trước 2021 Việt Nam làm theo cách được thì giảm không thì thôi. Nhưng sau năm 2021 thì yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính là bắt buộc phải làm. Gần đây một loạt nước tới “ép” Việt Nam phải nâng cao trách nhiệm về chuyện phát tải khí nhà kính tạo ra rào cản mới cả về kinh tế và phát triển DN Việt Nam thời gian tới.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ở đây còn đại diên Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban kinh tế Quốc hội, các vị có ý kiến quan tâm gì cần bổ sung thêm?

Bà Hoàng Thị Vinh Thúy – Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V (KTNN): Hằng năm, chúng tôi đều kiểm toán các dự án thủy điện và nhiệt điện than. Trong những năm qua, chúng tôi đã có những phát hiện, kiến nghị đối với một số dự án không tuân thủ quy hoạch điện 6 và điện 7.

kiem-toan

Bà Hoàng Thị Vinh Thúy.

Gần đây nhất là nhiệt điện Sông Hậu 1, thủy điện Bản Chát, trong đó có vấn đề về môi trường và quy hoạch điện. Tuy nhiên, về NLTT là lĩnh vực khá mới, kiểm toán nhà nước chưa tiếp cận lĩnh vực này. chưa kiểm toán nhiều, qua hnay có cách nhìn nhận mới. Chúng tôi đang đề xuất, trong năm 2021 sẽ có chuyên đề kiểm toán về điện gió nhưng chưa được phê duyệt.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Thảo luận hôm nay hết sức sôi nổi, thiết thực, ý kiến có thể còn khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng sự tranh luận giúp cơ quan chức năng nhìn vấn đề rõ hơn, qua đó hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo.

Một lần nữa xin được cảm ơn lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các thành viên Tổ thành viên tư vấn kinh tế Thủ tưởng, các đại diện cơ quan Chính phủ, các cơ quan Quốc hội, và các nhà đầu tư, đại diện các doanh nghiệp có mặt ngày hôm nay!

---

Toạ đàm có sự góp mặt của đại diện Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam... và các chuyên gia năng lượng, tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu cả trong và ngoài nước đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

20201029_080145

Ảnh: Tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn.

Tại buổi toạ đàm, các nhà đầu tư đã bày tỏ băn khoăn về các khó khăn, vướng mắc và mong muốn sớm được tháo gỡ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE ông Hồ Tá Tín cho biết tỷ lệ dự án năng lượng tái tạo đến nay đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, “nói” lên được thực trạng triển khai dự án năng lượng tái tạo trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Hai nhóm vấn đề chính của các nhà đầu tư trình bày tại toạ đàm là: Deadline áp dụng giá FIT điện gió vào ngày 1/11/2021 là không phù hợp với thực tiễn, chưa có cơ chế xử lý các dự án năng lượng tái tạo sau khi các thời hạn FIT kết thúc; Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng cho vay với lãi suất cao và yêu cầu vốn tự có lên tới 30-40%, xuất phát từ hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến năng lượng tái tạo bị đánh giá là lĩnh vực rủi ro. Cùng với đó, các TCTD nhìn chung chưa có nghiên cứu toàn diện và thấu đáo về lĩnh vực này.

Là một trong những tổ chức tín dụng tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, đại diện Ngân hàng MB cũng đã đưa ra một loạt vướng mắc, là các dự án năng lượng tái tạo có thời gian vay vốn rất dài nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Cùng với đó là rủi ro về giải toả công suất và quyền từ chối mua điện trên hợp đồng PPA làm ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án. Ngoài ra, Nghị định 81 mới ra đời làm hẹp cửa huy động vốn qua kênh trái phiếu của các dự án năng lượng tái tạo.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị để phát triển bền vững năng lượng tái tạo cần hoàn thiện các vấn đề: Quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ; có sự phân hoá giá FIT giữa các địa phương, quy mô dự án; mô hình nhà đầu tư điện gió trực tiếp thuê đất từ nông dân; cơ chế thực hiện đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo.

Về phần mình, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 đang được Bộ Công Thương triển khai xây dựng và cơ bản đã hoàn thành Dự thảo lần 1. Trong Đề án lần này, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo tương xứng với tiềm năng sẵn có là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương tập trung triển khai, nghiên cứu những giải pháp thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Bộ Công Thương sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm để sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với chất lượng tốt nhất, đồng thời có cơ sở thực tế để tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách ngày càng hợp lý và hoàn thiện hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tiếp tục cất cánh trong tương lai.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ