Vì sao phải tách nội dung bồi thường, tái định cư tại dự án sân bay Long Thành?

Việc tách nội dung bồi thường, tái định cư tại dự án sân bay Long Thành được lý giải là để đẩy nhanh tiến độ của dự án quan trọng này.
Anh Minh
01, Tháng 06, 2017 | 16:26

Việc tách nội dung bồi thường, tái định cư tại dự án sân bay Long Thành được lý giải là để đẩy nhanh tiến độ của dự án quan trọng này.

longthanh

Việc tách nội dung bồi thường, tái định cư tại dự án sân bay Long Thành được lý giải là để đẩy nhanh tiến độ của dự án quan trọng này 

Chiều 1/6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã đọc Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được đầu tư theo 03 giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh, 01 nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức lập quy hoạch khu tái định cư và lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đồng thời với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án và chủ trì xây dựng cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án.

Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư; xây dựng Đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống của người dân trong diện di dời, giải toả để thực hiện dự án.

Để thực hiện dự án, Nhà nước dự kiến thu hồi 5.614,65 ha đất, bao gồm5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang.

Theo đó, tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức, bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp.

Để thực hiện công việc trên, khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng tính theo đơn giá năm 2017.

Về kế hoạch tổ chức thực hiện, sẽ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, khu nghĩa trang và ưu tiên giải phóng mặt bằng phần diện tích phục vụ các công trình hàng không (dự kiến thực hiện năm 2017 - 2019); xây dựng khu tái định cư Bình Sơn và tiếp tục giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (thực hiện sau năm 2019).

Vẫn theo tiến độ dự kiến, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Còn theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần khoảng thời gian ít nhất là 03 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của Dự án, bàn giao cho Chủ đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án.

Do đó, theo Bộ trưởng Nghĩa. trong trường hợp Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi, Ủy ban nhân nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, theo các giai đoạn cụ thể và ưu tiên tập trung vào khu vực cần thiết để xây dựng hạ tầng cảng hàng không.

Theo tiến độ hiện nay, dự kiến nếu Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thìsớm nhất năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của Dự án, phù hợp với tiến độ đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13của Quốc hội.

Trường hợp không được tách trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi thì sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (dự kiến vào năm 2019) tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư và sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của 5.000 ha đất dự án.

Khi đó việc triển khai thi công sẽ phải phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng nên có thể sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện dự án khoảng từ 2-3 năm, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm do giá thị trườngxung quanh khu vực dự án liên tục tăng,đồng thời tình trạngđời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan trong vùng dự án sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.

“Như vậy, việc tách ngay nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại thời điểm hiện nay, trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp Dự án được triển khai đảm bảo tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực dự án”, Bộ trưởng khẳng định.

5 điếm nhấn quan trọng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành

- Dự án được thực hiện trên địa bàn 06 xã, gồm các xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; vị trí Dự án cách Thành phố Hồ Chí Minh 40 km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Biên Hoà 30 km về hướng Đông Nam; nằm bên cạnh Quốc lộ 51A và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km.

- Mục tiêu đầu tư Dự án: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

- Quy mô của Dự án: Đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.

- Diện tích sử dụng đất của Dự án gồm 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha (diện tích này chưa bao gồm các khu tái định cư và nghĩa trang). Toàn bộ diện tích đất sử dụng của Dự án được tiến hành thu hồi một lần.

- Tổng mức đầu tư và nguồn vốn: Khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ