Vai trò của các quỹ đầu tư ‘ngoại’ trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhàđầutư
Chặng đường quỹ ngoại gắn bó với Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn: Trước năm 2000, 2000-2005, và từ 2006 đến nay. Mỗi giai đoạn đều gắn với một cột mốc pháp lý khác nhau, đánh dấu sự phát triển của các thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
KHOA NGUYÊN
03, Tháng 11, 2020 | 16:52

Nhàđầutư
Chặng đường quỹ ngoại gắn bó với Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn: Trước năm 2000, 2000-2005, và từ 2006 đến nay. Mỗi giai đoạn đều gắn với một cột mốc pháp lý khác nhau, đánh dấu sự phát triển của các thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.

nhadautu - TTCK Vietnam

Vai trò của các quỹ đầu tư ‘ngoại’ trên TTCK Việt Nam (Ảnh: Internet)

Chặng đường quỹ ngoại gắn bó với thị trường Việt Nam

Giai đoạn trước năm 2000 – đây là thời điểm các quỹ đầu tư ngoại chưa thực sự phổ biến ở thị trường Việt Nam do đề án thành lập TTCK Việt Nam chưa được thông qua. Một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng được thành lập trong giai đoạn này nhưng đa số đều dừng hoạt động sau một thời gian ngắn.

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua vào năm 1987, Vietnam Fund là quỹ đầu tư nước ngoài đầu tiên được thành lập và chính thức hoạt động tại Việt Nam. Trước Vietnam Fund, chỉ 7 quỹ đầu tư được thành lập và hoạt động trên thị trường Việt Nam, và tất cả trong số đó đều là các quỹ đầu tư nội do lúc đó Việt Nam mới chỉ có 38 doanh nghiệp tư nhân và hơn 120 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, dẫn đến việc các quỹ đầu tư có rất ít lựa chọn đầu tư. Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, đã có đến 3/7 quỹ phải dừng hoạt động. Những quỹ còn lại đều chứng kiến sự sụt giảm về tài sản quỹ lên đến gần 50%.

Sau Vietnam Fund, những quỹ đầu tư nước ngoài khác như Lazard, Templeton, Vietnam Frontier Fund hay Dragon Capital đều gây được tiếng vang trên thị trường Việt Nam thời gian đầu, nhưng đa số đều ngừng hoạt động hoặc trả lại vốn cho nhà đầu tư và giảm bớt giá trị tài sản trong quỹ sau một vài năm. Chỉ trừ Dragon Capital là tiếp tục hoạt động cho đến tận ngày hôm nay với tổng tài sản quỹ hơn 1,5 tỷ Đô la Mỹ.

Giai đoạn từ 2000-2006 – TTCK Việt Nam chứng kiến hoạt động sôi nổi đến từ các quỹ đầu tư ngoại. Giao dịch trên thị trường trở nên thuận tiện hơn với sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào năm 2000 và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào năm 2006. Thành công của Dragon Capital hay VEIL cùng với việc thành lập TTCK đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Số liệu cho thấy, thời điểm này có 13 quỹ đầu tư ngoại được thành lập với tổng quy mô vốn lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn này, việc các công ty nhà nước lớn như CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) hay CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) liên tục cổ phần hóa và niêm yết sàn chứng khoán và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một số quỹ đầu tư nổi tiếng được thành lập vào giai đoạn này để đón đầu làn sóng rót vốn vào các công ty đại chúng có thể kể đến Mekong Capital hay VinaCapital.  Một cột mốc quan trọng nữa của giai đoạn 2000-2006 là việc Quốc Hội khóa XI thông qua Luật Chứng Khoán sửa đổi năm 2006 vào kỳ họp thứ 9. Theo Luật Chứng Khoán sửa đổi năm 2006, các doanh nghiệp niêm yết nới room ngoại lên đến 49%, gián tiếp giúp kích thích dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam. Điều này giúp các quỹ đầu tư ngoại có tiếng nói lớn hơn trong các doanh nghiệp đã đầu tư do được sở hữu cổ phần có quyền phủ quyết. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đời đầu như IDG Ventures cũng xuất hiện trong giai đoạn này với những thương vụ rót vốn đình đám vào những công ty startup đầu tiên của Việt Nam như Yeah1.

Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 2006 mới là thời điểm quỹ ngoại hoạt động mạnh mẽ nhất ở Việt Nam, với cột mốc quan trọng là việc Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức WTO và nền kinh tế Việt Nam liên tục gửi những tín hiệu lạc quan đến những nhà đầu tư ngoại. Điều này đã giúp cho thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn và an toàn hơn đối với cả các nhà đầu tư cá nhân cũng như quỹ đầu tư nước ngoài. Thời điểm này, các công ty chứng khoán cũng tiếp nhận lượng lớn hồ sơ mở tài khoản đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước.

Cùng với đó, hàng loạt các công ty chứng khoán cũng được thành lập trong giai đoạn này để bắt kịp xu hướng thị trường. Kể từ đó, luồng vốn trực tiếp và gián tiếp của các quỹ đầu tư ngoại luôn được các nhà đầu tư quan tâm sát sao để đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp. Nhiều nhà đầu tư cá nhân còn lên danh mục bằng cách mua những cổ phiếu trong danh mục của các quỹ đầu tư nổi tiếng như Dragon Capital hay Mekong Capital.

“Khẩu vị” đầu tư của các quỹ ngoại

Các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam từ thời kỳ sơ khai cho đến nay thường có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp lớn trên sàn HOSE. Chỉ khi làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam nở rộ gần đây, thì các quỹ đầu tư ngoại mới chuyển hướng sang các công ty khởi nghiệp hay thành lập thêm các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn vào những doanh nghiệp này.

Sàn HOSE được biết đến như là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất Việt Nam, nên việc những cổ phiếu niêm yết trên sàn này có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư ngoại cũng không có gì bất ngờ. Đa phần các quỹ ngoại thường rót vốn vào các mã cổ phiếu blue chip có lượng room nước ngoài lớn. Điều này sẽ giúp cho các quỹ ngoại tránh được rủi ro đầu tư vào những công ty thiếu minh bạch hay những cổ phiếu thanh khoản thấp, điều khiến cho việc thoái vốn trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, những mã blue chip niêm yết trên sàn HOSE thường chi trả cổ tức một cách đều đặn, cũng như có biến động giá ổn định. Những công ty này cũng thường xuyên có khối lượng giao dịch lớn và minh bạch trong việc công bố thông tin cũng như trong khâu kiểm toán, giúp cho các quỹ đầu tư nước ngoài tránh được rủi ro mua phải những cổ phiếu bị làm giá.

Tuy nhiên, gần đây các quỹ đầu tư ngoại đã nhìn thấy tiềm năng ở các công ty khởi nghiệp của Việt Nam và dòng vốn có xu hướng dịch chuyển nhẹ từ những công ty đại chúng sang những công ty này. Mặc dù các quỹ đầu tư nước ngoài đã có một số thương vụ rót vốn vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam vào những năm giữa 2000 nhưng chỉ đến sau khi Chính Phủ phê duyệt Đề án 844/QĐ-TTg năm 2016 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Đề án 1665/QĐ-TTg năm 2017 về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, làn sóng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam mới thực sự lên cao.

Sau khi đề án được phê duyệt, các startup Việt Nam thu hút hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài hàng năm kể từ năm 2016, đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng startup và tổng vốn đầu tư. Các quỹ đầu tư nổi tiếng như Vinacapital hay Mekong Capital cũng đón đầu làn sóng này và đầu tư vào những công ty startup ở giai đoạn “Early Stage” và thoái vốn sau khi niêm yết sàn chứng khoán hoặc pha loãng cổ phiếu. Một ví dụ điển hình về phương thức đầu tư này là việc quỹ DFJ thuộc Vinacapital thoái vốn khỏi Yeah1 (HOSE: YEG), công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam niêm yết sàn chứng khoán. DFJ đã bán ra hơn 7,8 triệu cổ phiếu YEG cho công chúng sau khi Yeah1 niêm yết với mức giá chào sàn hơn 250 nghìn VND và chỉ còn nắm giữ 9,97% của công ty này. DFJ cũng đã có kế hoạch thoái vốn hoàn toàn khỏi Yeah1 sau hơn 12 năm đồng hành.

Các quỹ đầu tư nước ngoài nổi tiếng trên thị trường Việt Nam như Mekong Capital hay Vinacapital sở hữu cổ phần của nhiều công ty khởi nghiệp khác của Việt Nam như F88 hay Pharmacity và không giấu giếm ý định đưa những công ty này tiếp bước Yeah1 lên sàn chứng khoán.

Ảnh hưởng của các quỹ ngoại lên tâm lý thị trường

Ngoài các quỹ đầu tư tư nhân, có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân người nước ngoài cũng như quỹ đầu tư chính phủ đầu tư vào thị trường Việt Nam, đóng góp lớn vào đà tăng của thị trường. Những nhà đầu tư nước ngoài này có ảnh hưởng rất lớn lên các chỉ số chứng khoán nhờ vào nền tài chính hùng mạnh và quy mô đầu tư lớn, cũng như khả năng phân tích thị trường vi mô và vĩ mô tốt hơn các nhà đầu tư trong nước.

Một ví dụ điển hình là quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore đã liên tục gây sốc cho các nhà đầu tư bằng việc rót hàng trăm triệu Đô la Mỹ vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam như AhaMove hay VNG bên cạnh những công ty đại chúng như Vinamilk hay Vingroup.

Vào giai đoạn trước năm 2020, các quyết định liên quan đến việc giao dịch của các nhà đầu tư trong nước thường phụ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh mạnh của VN-Index hồi tháng 3, chúng ta có thể thấy rằng các quyết định của các nhà đầu tư ngoại thường đi ngược xu hướng thị trường và các nhà đầu tư trong nước. Trong khi các nhà đầu tư trong nước tích cực bắt đáy và mua ròng, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực bán ra với số lượng lớn, dẫn đến tâm lý hoảng sợ ở một số nhà đầu tư và gián tiếp gây ra áp lực chốt lời mạnh ở một số cổ phiếu blue chip. Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực bán ròng từ tháng 3 đến nay, với khối lượng trung bình lên đến hơn 1.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch.

Mặc dù vậy, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của các quỹ ngoại lên thị trường không còn lớn như trước, khi VN-Index vẫn liên tục tăng điểm từ vùng 600 lên 900 hiện nay nhờ lực kéo từ khối nội. Các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân đã liên tục mua ròng với khối lượng lớn, gián tiếp kéo VN-Index đi lên bất chấp việc các quỹ đầu tư lớn liên tục bán ra cổ phiếu với số lượng lớn và tăng tỷ trọng tiền mặt trong quỹ. Điều này có thể là ảnh hưởng từ quyết định hạ lãi suất tiền gửi đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khiến cho các nhà đầu tư tích cực rút tiền từ nhà băng và mua ròng chứng khoán do các kênh đầu tư khác như bất động sản tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Nhận định

Với xu hướng dòng vốn ngoại liên tục gia tăng trong những năm gần đây, chúng ta có thể kết luận rằng sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động ở TTCK Việt Nam, nhất là khi làn sóng startup đang lên cao chưa từng có.

Với hơn 3000 startup đang hoạt động, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có rất nhiều lựa chọn đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, Bộ Tài Chính cũng đang lấy ý kiến để xem xét sửa đổi Luật Chứng Khoán cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu lên đến 100% các doanh nghiệp Việt Nam.

Chưa kể, TTCK Việt Nam cũng đang trong giai đoạn gỡ các nút thắt về pháp lý cuối cùng để được MSCI nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi. Điều này sẽ giúp cho các công ty Việt Nam trở nên uy tín và minh bạch hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố kể trên sẽ giúp kích thích dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Các quỹ ngoại dù không còn nhiều ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán như trước đây vẫn có một vai trò rất lớn trong việc góp vốn vào các doanh nghiệp niêm yết cũng như tạo thanh khoản cho thị trường.

Thứ chúng ta cần làm để giữ chân và gia tăng dòng vốn ngoại này là tích cực sửa đổi các quy định pháp lý về việc nới room ngoại, cũng như xây dựng các đề án giúp các thủ tục góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ