Từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn

Từ góc độ nền kinh tế, kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
07, Tháng 09, 2022 | 10:45

Từ góc độ nền kinh tế, kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

kinh-te-tuan-hoan-1542-1042

Kinh tế tuần hoàn tạo năng lực đổi mới sáng tạo, năng suất mới cho Việt Nam. Ảnh: VOV.vn

Sáng 7/9, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadatu.vn tổ chức Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn". Ban tổ chức xin giới thiệu toàn văn tham luận của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE):

Chính phủ đã ban hành "Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" ngày 07/6/2022 với mục tiêu đến 2025 85% lượng chất thải nhựa phát sinh được tái sử dụng và xử lý, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Khái niệm

Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người đã sản xuất và tiêu dùng sản phẩm theo mô hình kinh tế tuyến tính. Theo đó, đầu vào của khâu sản xuất là nguyên liệu thô được khai thác từ tài nguyên thiên nhiên, được trồng trọt, chăn nuôi, chế tạo từ nguyên liệu của nhà máy khác, tiếp đó sản phẩm trải qua khâu phân phối, vận chuyển đến mạng lưới bán buôn, bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng. Kết thúc khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng là chất thải rắn và lỏng được xả ra môi trường tự nhiên; nền kinh tế càng phát triển thì chất thải càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, tăng khí phát thải nhà kính, làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên đến mức báo động, nắng nóng, bão tố thất thường, đe dọa cuộc sống của nhiều tỷ dân trên trái đất.

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế tuyến tính thì nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, vượt quá khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Loài người không bao giờ chịu khuất phục trước thảm họa thiên nhiên, đã tìm ra nguyên nhân sâu xa tác động của kinh tế tuyên tính; đang trong giai đoạn tăng tốc để chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn được Pearce và Turner sử dụng lần đầu năm 1990 trong cuốn sách "Kinh tế Tài nguyên và Môi trường".  

Hiện nay, khái niệm kinh tế tuần hoàn của Ellen MacArthur Foundation, (2012) được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận "là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó".       

Từ góc độ nền kinh tế, "Kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường". Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm.

dffff

Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn có ba nội hàm chủ yếu: (1) Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lí các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo; (2) Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kĩ thuật và sinh học và (3) Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực như chất thải, ô nhiễm môi trường.

Với ba nội hàm này, kinh tế tuần hoàn phá vỡ được mối liên hệ thường thấy giữa phát triển kinh tế và tác động tiêu cực tới môi trường, do không phải xử lý chất thải, ngược lại coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị.

Coop 26

Để ứng phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị thượng đỉnh về kiểm soát nhiệt độ trái đất, năm 2021 tại Anh- Coop.26.

(1) Thế giới

Mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn vong của loài người là biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, nhiều thành phố, làng mạc và một số quốc gia sẽ bị nhấn chìm dưới biển.

Lập trình theo dõi khí hậu vào ngày 9 tháng 11 năm 2021 mô tả kết quả như sau: nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2,7°C vào cuối thế kỷ này với các chính sách hiện hành, sẽ tăng 2,4°C nếu chỉ thực hiện các cam kết trước năm 2030, sẽ tăng 2,1°C nếu đạt được các mục tiêu dài hạn và sẽ chỉ tăng 1,8°C nếu hoàn thành tất cả các mục tiêu đã công bố.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới tại Coop 26 đề ra mục  tiêu quan trọng là kiểm soát được nhiệt độ trái đất thêm 1,5°C. Trung Quốc cho biết nước này sẽ chạm mức phát thải CO2 cao nhất trước năm 2030 và trở thành trung tính carbon vào năm 2060.

Ngày 13/11/2021, 197 quốc gia đã đồng thỏa thuận mới được gọi là "Hiệp ước Khí hậu Glasgow" nhằm ngăn chặn mối nguy biến đổi khí hậu. Hơn 140 quốc gia chiếm 90% GDP toàn cầu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0", hơn 40 quốc gia cam kết loại bỏ than đá.

Chính phủ 24 nước phát triển và nhóm các nhà sản xuất ô tô lớn như GM, Ford, Volvo, BYD Auto, Jaguar Land Rover và Mercedes-Benz đã cam kết nỗ lực hướng việc doanh số bán ô tô và xe tải mới không xả thải trên toàn cầu vào năm 2040 và không muộn hơn năm 2035 tại các thị trường hàng đầu.

Lãnh đạo của hơn 100 quốc gia với khoảng 85% diện tích rừng trên thế giới bao gồm Brazil, Canada, Nga,  Congo và Hoa Kỳ đã đồng ý chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Việc mua bán phát thải cacbon quốc tế (như đối với cây cối trong thỏa thuận ngăn chặn nạn phá rừng) và các hình thức hợp tác quốc tế khác đang được thảo luận vì đây là phần cuối cùng của các quy tắc cần được hoàn thiện.

Tài chính khí hậu để thích ứng và giảm thiểu khí phát thải là một trong những chủ đề chính của cuộc đàm phán. Các nước nghèo muốn có tài chính ổn định để thích ứng trong khi các nước giàu chỉ tài trợ cho việc giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu vì điều đó tạo ra lợi nhuận.

(2)  Việt Nam

Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI).

Hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Lượng mưa tháng cao nhất tăng từ 270 mm trong giai đoạn 1901-1930 lên 281mm trong giai đoạn 1991-2015, trong khi nhiệt độ tháng cao nhất cùng thời kỳ tăng từ 27,1°C lên 27,5°C.

Năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thảm họa thiên tai với hơn 16 cơn bão, lũ trái quy luật. Nhiệt độ trung bình tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ cao hơn từ 0,5 -1,0°C so với nhiệt độ trung bình của các năm trước. Số cơn bão với sức gió đạt từ cấp 12 trở lên đã tăng từ năm 1990 đến 2015. Năm 2018 biến đổi nguồn nước (lượng mưa, mực nước sông) tăng đáng kể so với mức trung bình của năm 2017, đồng thời đạt kỉ lục về nhiệt độ trong vòng 46 năm qua tại Hà Nội, lúc cao nhất  đạt 42°C.

Nước biển dâng là một trong những hiện tượng điển hình; số liệu của trạm quốc gia Hòn Dấu ghi nhận được trong vòng 50 năm mực nước biển dâng khoảng 20 cm, dữ liệu vệ tinh cho thấy mực nước biển đã tăng lên 3,5 mm (± 0,7 mm) vào năm 2014 so với năm 1993.

Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cảnh báo, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1 % tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả 17,1 triệu người sẽ mất nơi sinh sống, chiếm 23,1 % dân số tại thời điểm báo cáo.

Nước biển dâng khiến cho đồng bằng sông Cửu Long – một trong những vựa lúa lớn nhất của cả nước sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng tiêu cực tới khoảng 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng, đe dọa an ninh lương thực không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới. Nếu mực nước biển dâng 100 cm thì hơn 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập.

Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018, tỷ lệ tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam năm 2016 đứng thứ 11 thế giới với giá trị thiệt hại khoảng 4,037 tỷ USD (tính theo sức mua tương đương -PPP), đứng thứ 5 thiệt hại GDP/người là 0,6782%.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn của Chính phủ góp phần thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

(3) Doanh nghiệp

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp, làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, đình trệ vận tải và phân phối hàng hóa, tăng chi phí và giá thành sản phẩm.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ châu Á tại Việt Nam hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố thì biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, 54% doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất kinh doanh do thiên tai, 51% doanh nghiệp giảm năng suất lao động do thời tiết khắc nghiệt, .gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Các doanh nghiệp vùng duyên hải miền Trung và ĐBSCL đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn so với các vùng còn lại. Doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nhiều nhất. Doanh nghiệp mới đi vào hoạt động chịu tác động nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp còn lại khác.

Trong bối cảnh nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Họ vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu vừa là đối tượng trực tiếp tham gia, chuyển đổi các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.   

Doanh nghiệp cần tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là vòng lặp phản hồi, theo đó mỗi cấu trúc hệ thống tại đầu ra ở mỗi mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó. Trong các hệ thống đó, sự kết hợp giữa các yếu tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố tác động thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Tuy nhiên, để tiếp cận phương thức tối ưu hóa các hệ thống này, doanh nghiệp cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng với đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất. 

(4) Người dân

Những năm gần đây, thường xuyên xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, như bão tố, hạn hán, giông, lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tàn phá nghiêm trọng cây trồng, vật nuôi, gia tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, hệ lụy là kéo dài thời gian thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Thiên tai năm 2019 của cả nước gây thiệt hại 40.017 ha diện tích cây lương thực, năm 2020 lên 209.378ha, lớn hơn nhiều so với năm 2019. Sau những trận bão lũ, nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh thiếu đói, tỷ lệ tái nghèo diễn ra nhiều hơn "cứ 3 người thoát nghèo lại có 1 người tái nghèo, chủ yếu do hậu quả thiên tai".

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến triển vọng đạt được mục tiêu giáo dục theo nhiều cách khác nhau, làm gia tăng thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, cơ hội đến trường của thanh thiếu niên. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20/8/2021 cho thấy, thanh thiếu niên Việt Nam là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu; sau những trận mưa, bão, lũ, lụt, phần lớn cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy nhiều trường, lớp bị hư hỏng, nên nhiều học sinh không thể đến trường hoặc phải học chậm hơn.

Biến đổi khí hậu gây ra những tác động khác nhau đối với phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 80% số người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu là phụ nữ. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số phụ nữ và trẻ em tử vong bởi các thảm họa thiên nhiên cao hơn 14 lần so với nam giới.

Biến đổi khí hậu có thể làm tồi tệ thêm những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ. Báo cáo thảo luận chính sách của Liên hợp quốc và Oxfam khẳng định, nhiều thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu dẫn đến di cư tăng lên ở Việt Nam. Phụ nữ di cư thường kiếm được việc làm ít hơn nam giới và nếu họ ở lại khi các thành viên khác trong gia đình di cư thì họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm của nam giới.

Biến đổi khí hậu đang làm mất đi nhiều khu rừng tự nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tác động đến phụ nữ, trẻ em, vốn cuộc sống chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những vùng có khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên khan hiếm, nhiều thiên tai, thì phụ nữ bị giảm cơ hội được giải phóng và bình đẳng. 

Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, cộng đồng dân cư là đối tượng thực hiện, đồng thời là đối tượng thụ hưởng cần được tiếp cận đầy đủ thông tin từ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ các dự án đầu tư trên địa bàn để họ chủ động tham gia quá trình giám sát có tổ chức, thực hiện chủ trương của nhà nước về  chu trình sản xuất ít rác thải, tiết kiệm năng lượng, đổi mới mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sông, vươn lên làm giàu cho gia đình và góp phần làm giàu cho thôn xóm.

Thực trạng

Hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế- xã hội trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu như chất thải nhựa khoảng 1,83 triệu tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó 71% tổng lượng chất thải đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, đã phải nhập khẩu từ năm 2015, dự báo năm 2030 phải nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP năm 2035; biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 11% năm 2030.

Cơ hội

Tại Việt Nam, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững đang được quan tâm trong những năm gần đây; được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 lần đầu tiên quy định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Tư duy về kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch chi tiêu công xanh; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường.

Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế như phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Cộng đồng dân cư đã ngày càng quan tâm hơn đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Người lao động trong các ngành nghệ, lĩnh vực đã tự giác tham gia quá trình chuyển sang kinh tế tuần hoàn với nhiều sáng kiến giảm tiêu hao nguyên liệu, vật tư, năng lượng, tiết kiện chi phí, hợp lý hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu khí phát thải nhà kinh.

Người dân một số địa phương đã có những sáng kiến về xử lý rác thải. Chính quyền TPHCM từ năm 2013 đã đề ra chủ trương phân thành hai loại rác hữu cơ và vô cơ tại nhà, gần đây là khuyến khích học sinh thu gom giấy loại, bao bì, lon bia, lon nước có ga đổi lấy sách, truyện; một số phường tổ chức thu mua phế thải là đồ dùng lâu năm như tủ lạnh, điều hòa không khí vào hai ngày cuối tuần lễ. Thành phố Hà Nội đã có nhiều nhòm thiện nguyện thu góm quần áo, đồ dùng đã qua sử dụng để trưng bày tại các "Cửa hàng 0 đồng" để người dân cần dùng đến đó lựa chọn. Một số phường đã có trạm thu mua hoặc đổi đồ dùng điện tử cũ như máy tính, điện thoại di động để xử lý, thu hồi một số loại vật tư tái sử dụng, giảm thiểu rác thải công nghiệp.

Doanh nghiệp đã nhận thức tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, đã áp dụng nhiều mô hình mang lại kết quả to lớn tại các ngành sản xuất, dịch vụ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Tập đoàn SCG đã đưa ra chiến lược ESG 4 Plus hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không (Set Net Zero), phát triển Xanh (Go Green), giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality), thúc đẩy sự hợp tác (Embrace Collaboration). Vốn đầu tư ban đầu ước tính hơn 47 nghìn tỷ đồng để cải thiện quy trình sản xuất và thúc đẩy các hoạt động carbon thấp nhằm giảm 20% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SCG cho biết: "DN luôn sáng taọ áp dụng thực tiễn các giải pháp phát triển bền vững và xem đó là cốt lõi cho các hoạt động với trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng và môi trường".

Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam - một trong những doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng bài bản mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được thành công bước đầu, đã đầu tư hơn 303 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy, bao bì cao cấp từ giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm; 95% nguyên liệu đầu vào từ giấy phế liệu, giảm 74% lượng khí thải, 35% nước thải so với sản xuất từ bột giấy thô.

Công ty còn thúc đẩy xây dựng cảnh quan, môi trường sinh thái bên trong và ngoài khuôn viên nhà máy, tạo không gian xanh, môi trường làm việc trong lành cho cán bộ, nhân viên. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích cây xanh bao phủ nhà máy công ty Giấy Lee&Man Việt Nam đã đạt 178.639 m2. Doanh nghiệp cũng trồng thêm 22.119 cây xanh năm 2021.

Công ty Nestle đã thu được kết quá khả quan khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất và chế biến cafe; mỗi năm doanh nghiệp có thể giảm gần 13.000 tấn CO2 phát thải trong quá trình đốt lò hơi do toàn bộ bã cafe, rác thải đều được tuần hoàn, tái sử dụng. Riêng việc sử dụng viên năng lượng sinh khối giúp doanh nghiệp tiết kiệm 40-50 tỷ đồng/năm chi phí lò hơi. Nước thải màu trong quá trình sản xuất cafe được lọc, làm sạch, tái sử dụng cho lò hơi, tiết kiệm hơn 112.000 m3 nước/năm, tái sử dụng 65% lượng nước tái chế, tiết kiệm 30% lượng nước và 40% năng lượng.

Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn để thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để sử lý chế thải trong chăn nuôi; xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Với quy mô chăn nuôi tập trung 5000 đàn trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu liên hợp sản xuất đã sử dụng khoảng 30 nghìn tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất khoảng 25 nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Công ty đã có nhiều giải pháp đặc biệt là bài toán chia sẻ lợi ích cho các thành phần và đối tượng liên quan đến mức tốt nhất có thể, do đó họ dễ nhận diện được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Kinh tế tuần hoàn còn tác động tích cực đến cộng đồng dân cư vì không chỉ được áp dụng trong chuỗi sản xuất mà cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng.

Thách thức

Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp nên gặp khó khăn khi chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Một là nhận thức của lãnh đạo cơ quan nhà nước, quản trị doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn chưa đồng đều, một bộ phận không quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Hai là thể chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy mô hình này phát triển, thiếu các chế tài khen thưởng, xử phạt đối với doanh nghiệp, người dân, địa phương hoàn thành tốt hoặc không hoàn thành trách nhiệm thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; chính sách thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường thiếu đồng bộ.

Ba là nguồn lực để thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn của nhà nước, doanh nghiệp còn hạn chế, còn ít doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội, do đó mặc dù coi trọng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, nguồn lao động chất lượng cao nhưng đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ứng phó với khó khăn hàng ngày nhất là trong giai đoạn dịch Covid 19 bùng phát nên dù muốn cũng không có đủ điều kiện để chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Bốn là lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn; điển hình là hai thành phố lớn nhất và giàu tiềm lực nhất là Hà Nội và TPHCM cho đến nay vẩn loay hoay trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, mặc dù đã có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn xây dựng các nhà máy chế biến rác thành năng lượng điện và phân bón, nhưng gần đây Hà Nội mới có giấy chuyền đầu tiên của nhà máu điện rác Đông Anh được đưa vào vận hành, xử lý được 2000/12000 tấn rác.ngày. TPHCM chôn lấp rác là chính (!). 

Giải pháp

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ốn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với kinh tế tuần hoàn; doanh nghiệp là động lực quan trọng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.

(1)  Quan điểm và nhận thức

Tuyên truyền, tập huấn để thống nhất quan điểm về sự cần thiết chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đoạn tuyết mô hình kinh tế tuyến tính, chuyển sang kinh tế tuần hoàn, từ đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nhân và người dân nhận thức đầy đủ và tự giác tham gia quá trình thực hiện chủ trương và định hướng của Nhà nước phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện tăng trưởng xanh và bền vững.

Khuyến khích các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương khảo sát, nhân rộng các mô hình thành công trong thu gom và xử lý rác thải, triển khai kinh tế tuần hoàn thích hợp với đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực và thổ nhưỡng. Biểu dương cá nhân, tổ chức có các sáng kiến, phát minh thay đổi mô hình sản xuất, phân phối, tiêu dùng theo hướng xanh hóa.

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các mô hình thành công của kinh tế tuần hoàn để có thể ứng dụng tại nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.

(2) Thể chế, chính sách

Ông Joseph E. Stiglitz, Giáo sư Đại học Columbia, Mỹ từng chia sẻ các chương trình phục hồi kinh tế và tài chính của Covid-19 ở Việt Nam nên hướng đến ba mục tiêu: phục hồi kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; giải quyết bất bình đẳng và hòa nhập.

Nghiên cứu mới nhất của UNDP cho thấy rằng, GDP tạo ra từ phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam sẽ cao hơn 34% so với kịch bản truyền thống vào năm 2030 (tương ứng với mức chênh lệch 23,5 tỷ USD); tổng thu nhập của những người liên quan đến kinh tế biển sẽ cao hơn khoảng 77,9%.

Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho "Đổi mới – Sáng tạo", bởi vì  để hỗ trợ phát triển nền kinh tế tuần hoàn thì "Đổi mới – Sáng tạo"  giữ vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi các thiết chế cứng nhắc, lỗi thời.

Thế giới có hai cách tiếp cận khi thực hiện kinh tế tuần hoàn: theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu vật liệu và theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý. Hai cách tiếp cận đều có thể được ứng dụng tại Việt Nam tùy từng trường hợp, từng phạm vi nhằm mục tiêu hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường.

Từ đó, các bộ. ngành cần rà soát quy định hiện hành có liên quan đến kinh tế tuần hoàn để sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện thể chế thông qua quy định luật pháp. Đề án của Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự thảo Nghị định về kinh tế tuần hoàn để trình Chính phủ ban hành vào đầu năm 2023; giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng định mức kinh tế- kỷ thuật để đánh giá hiệu quả thực hiện kinh tế tuần hoàn. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế tuần hoàn là mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, giữ địa vị chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước, do đó nếu có thể nên xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn với chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; xác định vai trò trung tâm của doanh nghiệp, tạo điều kiện để tiếp nhận các dự án đầu tư mới, chuyển đổi doanh nghiệp hiện hữu sang kinh tế tuần hoàn với chính sách ưu đãi cao về các loại thuế, tài trợ của nhà nước, tín dụng ưu đãi lãi suất thấp có sự hổ trợ của chính phủ, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện vốn, công nghệ, nhân lực khi thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông và  cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội.

(3) Kết nối

Kinh tế tuần hoàn kết nối với chủ trương phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh, vùng duyên hải, xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng, năng lượng tái tạo và bảo đảm lợi ích cộng đồng.

Hiện nay 70% dân số nước ta sống ở các khu vực ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp; rong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38% và đến năm 2050 ước tính lên tới 57%. Do đó, cần tiếp tục hướng dẫn và đề ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại các tỉnh, trong đó ngành giao thông xanh đóng vai trò rất quan trọng, theo hướng chuyển sang động cơ điện nhằm giảm thiểu phát thải ròng.

Kinh tế tuần hoàn kết nối với sản xuất và tiêu dùng xanh. Ước tính có khoảng 45% lượng khí thải liên quan đến cách doanh nghiệp khai thác, tiêu thụ và chất thải vật liệu. Do đó, các chiến lược tuần hoàn là rất quan trọng để đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Kinh tế tuần hoàn kết nối với tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo. Giá thành năng lượng tái tạo có xu hướng giảm nhanh, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng mặt trời, tuy mới bắt đầu vào năm 2017 đã đạt hơn 16.000 MW vào năm 2022; điện gió đặc biệt là gió ngoài khơi và thủy triều với hơn 3.200 km bờ biển, năng lượng xử lý rác.

Kinh tế tuần hoàn đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, quá trình chuyển đổi phải mang lại lợi ích cho người dân. Các chính sách kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ có ý nghĩa đối với tương lai việc làm, bình đẳng giới và công bằng xã hội.

(4) Doanh nghiệp

Cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. 

Tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất; đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với nghiên cứu & phát triển, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế- xã hội, tăng trưởng xanh và bền vững  hơn.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà quản trị quốc gia và doanh nghiệp có trình độ cao, có hoài bão lớn, đóng góp vào việc thực hiện khát vọng hiện thực hóa nhanh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống của mọi người dân, đưa đất nước lên trình độ phát triển cao trong khu vực.

Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai, vì đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Các chuyên gia khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tốn tiền đầu tư nhưng mang lại những giá trị khác cho doanh nghiệp. Đơn cử như với sáng kiến của Central đã tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho doanh nghiệp mà là tái đầu tư cho cộng đồng để cùng phát triển. Khi cộng đồng phát triển, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn và tạo ra giá trị lớn hơn.

Kết luận

Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều FTA thế hệ mới, có các điều khoản quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bắt buộc các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát chất thải, khí thải, tạo điều kiện gia tăng tốc độ chuyển đổi sang  kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2020 đã kêu gọi "Thế giới đang cần một nền kinh tế tuần hoàn. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ