TS. Võ Trí Thành: Nghịch lý trong tăng trưởng GDP và cải cách thể chế

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành cho biết, theo nghiên cứu mô hình tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia có thể thấy nghịch lý trong tăng trưởng và cái cách thể chế. Có những nhóm quốc gia cải cách thể chế được đánh giá rất cao, nhưng tăng trưởng vẫn ngày càng đi xuống.
ĐÌNH VŨ
01, Tháng 06, 2020 | 15:58

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành cho biết, theo nghiên cứu mô hình tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia có thể thấy nghịch lý trong tăng trưởng và cái cách thể chế. Có những nhóm quốc gia cải cách thể chế được đánh giá rất cao, nhưng tăng trưởng vẫn ngày càng đi xuống.

Sáng 1/6, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo "Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế". Hội thảo đã nhận được sự đóng góp ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế trong nước.

Đặt vấn đề, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới, cần có sự nhận diện những điểm nghẽn với phát triển kinh tế thời hậu COVID-19 và tìm giải pháp.

Hiện trạng kinh tế Việt Nam cho thấy tăng trưởng GDP đang có xu hướng giảm dần. Quý 1/2020 tăng trưởng GDP thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010-2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại cũng đang giảm nhanh, 5 tháng đầu năm xuất khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019; tháng 4 thâm hụt thương mại 0,94 tỷ USD và con số này của tháng 5 là 0,9 tỷ USD.

ngueyn-anh-duong

ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM)

Trước những vấn đề trên, CIEM đặt vấn đề gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Việt Nam không chỉ cần sự nỗ lực của doanh nghiệp trong nước mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với FDI.

"Dịch bệnh COVID-19 mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gắn kết với các doanh nghiệp FDI. Khi các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy cũng là thời điểm doanh nghiệp trong nước có cơ hội thế chân các doanh nghiệp nước ngoài để cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, COVID-19 cũng tạo ra cơ hội để Việt Nam giảm hẳn xuất khẩu nông sản thô qua biên giới với giá rẻ", ông Dương nói.

Ngoài ra, trước những cơ hội mà COVID-19 đã mở ra, CIEM đặt ra vấn đề tư duy về những ngành ưu tiên để phát triển thời hậu COVID-19; mục tiêu an linh lương thực; phát triển bền vững; phát triển hạ tầng; các mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề chọn ngành nào để ưu tiên trong phát triển kinh tế đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, thời điểm này càng cần thúc đẩy việc thực hiện quyết định này phải nhanh hơn, gấp gáp hơn và không thể chậm trễ.

Bối cảnh hiện tại của Việt Nam, các chuỗi cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng lớn tới một số ngành công nghiệp được cho là được "ưu tiên" gồm dệt may, da giày, điện tử. Vì thế, để phát triển công nghiệp ở thời điểm hậu COVID-19 cần xác định ưu tiên công nghiệp phát triển trên cơ sở nông nghiệp.

"Chúng ta không thể mãi xuất khẩu nông nghiệp thô mà nay cần có sự hỗ trợ của công nghiệp để xuất khẩu theo chiều sâu, kiểm soát được khâu thu hái, bảo quản", ông Giám nói.

Theo đó, ông Giám cho biết, khoảng 25% sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp, tức là hàng chục nghìn tỷ đồng bị vứt đi mỗi năm. Việc tham gia của công nghiệp vào nông nghiệp là để không còn lãng phí trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu thật sự hiệu quả hơn.

Từng là người tham gia soạn thảo nghị định về các lĩnh vực ưu tiên, ông Giám góp ý, nhà nước cấn thống nhất quan điểm ưu tiên cái gì và những cái không được ưu tiên thì cứ phát triển theo cơ chế thị trường, không lo sợ bị chèn ép.

Cùng với đó, khi làm nghị định về ngành ưu tiên, Chính phủ cũng cần thống nhất nhập ưu tiên theo ngành và ưu tiên theo khu vực làm một để nhà đầu tư không rơi vào tình cảnh là ngành ưu tiên nhưng lại không phải khu vực (theo địa lý) ưu tiên, thành ra khi đầu tư lại vướng như gà mắc tóc.

Nghịch lý tăng trưởng và cải cách thể chế

Bàn về phát triển kinh tế hậu COVID-19 và cải cách thể chế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, có nghịch lý trong tăng trưởng GDP và cải cách thể thế.

vo-tri-thanh

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao sau Trung Quốc (do WB đánh giá). Từ năm 1990 đến 2015, Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá về thể chế của Việt Nam từ 1995 đến nay thì điểm số luôn thấp dưới trung bình. "Như vậy là thể chế chậm cải tiến nhưng tăng trưởng vấn tốt. Đó là một nghịch lý", ông Thành nói.

Không những vậy, theo thống kê của ông Thành, rất nhiều nước đi đầu trong cải cách, đổi mới sáng tạo, kinh tế số như Trung Quốc (thu nhập từ kinh tế số chiếm 1/3 GDP Trung Quốc) nhưng tăng trưởng GDP vẫn giảm dần. Hay các nước trong OECD dẫn đầu về công nghệ, nhưng tăng trưởng cũng ngày càng đi xuống.

Theo đó, có nhiều ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa cải cách thể chế và tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ông Thành vẫn cho rằng,  thể chế vẫn là yếu tố quan trọng, cốt lõi tạo ra tăng trưởng, chỉ có điều là cải cách thể chế cần phải thực sự sâu sắc và cốt lõi.

Nói về tác động của COVID-19 tới kinh tế Việt Nam và yêu cầu cải cách, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nên gọi đây là thời đại COVID-19, vì không biết dịch bệnh này sẽ kéo dài tới khi nào. "COVID-19 đẩy mâu thuẫn giữa một số nước lên cao, đặc biệt cho thấy sự tất tay giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính trị ngày càng chi phối mạnh hơn tới kinh tế, điều này mang lại rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế", ông Thành nói. 

COVID-19 cũng gây đứt gãy các chuỗi giá trị một cách rõ ràng. Vấn đề tự chủ những mặt hàng chiến lược được đặt ra, cùng với đó là yêu cầu sở hữu những công nghệ lõi. Theo ông Thành, trước COVID-19 các chuỗi giá trị đã ngắn lại, tự động hóa, kết nối dịch vụ đã thay đổi, dịch bệnh chỉ là cái cớ để đẩy nhanh hơn quá trình này. Lợi thế so sánh trước đây là vận tải, lao động, nhưng nay là kết nối dịch vụ gắn với số hóa, là kỹ năng dịch chuyển data qua biên giới, là an ninh, an toàn mạng.

Theo đó, ông Thành cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với 3 nan đề phải giải quyết trong cùng một lúc. Một là khống chế dịch, sống chung với dịch. Cùng lúc đó là phải làm sao vừa duy trì, tồn tại và phục hồi kinh tế. 

Bài toán thứ 2 là xử lý những tồn đọng lâu nay. Đó là 12 đại dự án đắp chiếu. Sau COVID-19 hứa hẹn nợ xấu sẽ tăng cao lên trong ngành ngân hàng, ngân sách sẽ thâm hụt lớn, trần nợ công phải nới thêm một chút. Bài toán đặt ra là làm sao vừa giữ được ổn định vĩ mô, kiềm chế làm sao để vẫn có vốn để thúc đẩy phát triển.

Bài toán cuối cùng, theo TS. Võ Trí Thành, là tái cấu trúc để đi lên. Cả 3 đều cần tốc độ, đột phá để "đón đại bàng", nếu không nhanh có thể chỉ đón được "chim sẻ" thay vì "đại bàng" về tổ. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ