Trung Quốc lấy được thứ mình muốn từ công ty ngoại như thế nào

Trung Quốc là thị trường thiết yếu với nhiều thương hiệu nước ngoài, nhưng việc kinh doanh tại đây thường đi kèm với phí gia nhập rất cao.
HÀ THU
08, Tháng 04, 2018 | 12:12

Trung Quốc là thị trường thiết yếu với nhiều thương hiệu nước ngoài, nhưng việc kinh doanh tại đây thường đi kèm với phí gia nhập rất cao.

geely-5438-1523013924

 Một mẫu xe của Geely (Trung Quốc) tại triển lãm ở Nga năm 2016. Ảnh: AFP

Một số công ty lớn của Mỹ, như GM hay Qualcomm bán được sản phẩm tại Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. “Lợi ích kinh tế của chúng ta với Trung Quốc rất lớn và đang ngày càng tăng”, Jacob Parker - Phó giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung - tổ chức đại diện cho lợi ích của công ty Mỹ tại Trung Quốc - cho biết, “Trung Quốc là thị trường 600 tỷ USD với nền kinh tế Mỹ”.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng đối mặt với nhiều sức ép liên quan đến những đòi hỏi của nước này với các công ty ngoại muốn hiện diện tại đây. Chính phủ Mỹ cho rằng chính những động thái không công bằng của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu với số hàng hóa trị giá tới 50 tỷ USD từ nước này. Các đòn trả đũa liên tiếp trong vài tháng qua đã làm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm căng thẳng.

Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn Trung Quốc muốn họ phải giao nộp bí mật thương mại để đổi lấy việc được thâm nhập thị trường này. Trong một số lĩnh vực, Bắc Kinh sẽ chỉ cho phép các công ty ngoại hoạt động thông qua các liên doanh mà đối tác Trung Quốc nắm cổ phần lớn.

Đào tạo đối thủ tương lai

Đây là tình trạng trong ngành xe hơi, nơi rất nhiều thương hiệu hàng đầu như GM, Volkswagen và Toyota phải hợp tác với các đối thủ Trung Quốc, nếu không muốn trả thuế cao dành cho xe nhập khẩu. Việc hợp tác này thường giúp doanh số bán xe tăng vọt. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng lo ngại các công ty Trung Quốc có thể chạm tay vào công nghệ của đối tác ngoại. 

Các hãng xe ngoại đang “đào tạo đối thủ tương lai, và chỉ nhận được một phần nhỏ những gì mà bản quyền sở hữu trí tuệ mang lại” nếu họ được phép hoạt động độc lập tại Trung Quốc, Mary Lovely - giáo sư tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Vì chính sách này, “Không ngạc nhiên khi một số thương hiệu nội địa Trung Quốc lại giống các mẫu của Mỹ và châu Âu”, Scott Kennedy - chuyên gia phụ trách Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho biết. 

Các công nghệ mới

Cuộc đua phát triển các công nghệ độc đáo cho thiết bị chạy điện cũng càng làm tăng mối lo này. Một báo cáo công bố tuần trước của Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer khẳng định các quy định của Chính phủ Trung Quốc cũng đồng nghĩa công ty ngoại phải giao nộp toàn bộ công nghệ chủ chốt dùng trong xe điện, nếu muốn bán chúng tại Trung Quốc.

Các công ty ngoại thường phải “ra những quyết định khó khăn về việc đánh đổi giữa chia sẻ công nghệ và tiếp cận thị trường”, Parker nhận xét. Ông cho biết trong 3 năm qua, khoảng một phần năm công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đã được yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.

arj21-3610-1523013924

 Máy bay ARJ21 của Trung Quốc trong chuyến bay thương mại đầu tiên. Ảnh: AFP

Con số thực sự có thể còn cao hơn. Giao nộp công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm. “Các công ty đang hoạt động ở Trung Quốc có thể ngần ngại nói ra vấn đề này, vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh”, Lovely cho biết.

Các công ty từ chối thì bị bỏ mặc bên ngoài và buộc phải trả thuế nhập khẩu cao khi đưa hàng vào Trung Quốc. Đây chính là trường hợp của hãng xe điện Tesla - công ty đã cố gắng nhiều năm để đạt thỏa thuận xây nhà máy tại Trung Quốc mà không cần đối tác nội địa. 

Sự thành công của Boeing 

Dĩ nhiên, mọi chuyện đều có ngoại lệ. Doanh số Boeing vẫn đang tăng vọt tại Trung Quốc mà không cần hy sinh công nghệ hay kiến thức chuyên môn.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Boeing, sau Mỹ, đóng góp gần 12 tỷ USD doanh thu cho công ty này năm ngoái. Tuy nhiên, hãng này chỉ thực hiện công đoạn sản xuất rất nhỏ tại đây, và không có bất kỳ liên doanh lớn nào ở Trung Quốc.

Họ có một nhà máy hợp tác với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), nhưng chỉ thực hiện các công đoạn hoàn thiện, như lắp ghế hay trải thảm. “Thực sự không có việc chuyển giao công nghệ nào ở đây”, Richard Aboulafia - Phó giám đốc hãng tư vấn hàng không - Teal Group cho biết.

Nguyên nhân có thể là Trung Quốc cần các máy bay của Boeing để phục vụ ngành hàng không đang tăng trưởng nhanh tại đây. Các hãng bay của họ có rất ít lựa chọn thay thế Boeing và Airbus.

Không như ôtô, ngành sản xuất máy bay Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với đối thủ ngoại. Phi cơ ARJ21 của COMAC vẫn còn chật vật trong việc thương mại hóa. “Gia nhập ngành sản xuất xe vẫn dễ hơn nhiều so với sản xuất máy bay”, Aboulafia cho biết. 

Kể cả khi Bắc Kinh đề xuất đánh thuế nhập khẩu 25% lên máy bay Mỹ, Boeing có thể vẫn không ảnh hưởng. Thuế này sẽ chỉ áp dụng với các dòng máy bay có tiêu chuẩn nhất định, theo các nhà phân tích tại Vertical Research Partners.

Lý lẽ của Bắc Kinh

Nhiều công ty nước ngoài đã có chỗ đứng tại Trung Quốc cũng không hài lòng về quy trình tại đây. Trong khảo sát hàng năm mới nhất, Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc tìm ra gần nửa thành viên cảm thấy đang bị đối xử bất công, so với đối thủ nội địa. Các doanh nghiệp than phiền về việc quy định không được áp dụng thống nhất, và khả năng đầu tư của họ liên tục bị hạn chế. 

Giới chức Trung Quốc luôn phủ nhận điều này và khẳng định thông tin trong báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ về ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ là “không có cơ sở”. Bắc Kinh cho biết bất kỳ bí mật công nghệ nào được chuyển giao tại đây cũng là điều đã được thống nhất trong hợp đồng. Họ cũng khẳng định đang tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ tại đây.

“Chúng tôi sẵn sàng xem xét các trường hợp cụ thể nếu có bất kỳ vi phạm nào về sở hữu trí tuệ…Chúng tôi sẵn sàng giải quyết các vấn đề này theo luật pháp của mình”, Cui Tiankai - đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tuần này cho biết.

Theo VNExpress/ CNN

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ