Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối hơn một cuộc chiến thương mại: Chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao?

Nhàđầutư
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Việt Nam đang ở thời kỳ tương đối ổn định về kinh tế vĩ mô, niềm tin tiêu dùng. Việc có bị ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là nhóm đang cầm tiền chờ đợi.
HỒ MAI
06, Tháng 07, 2018 | 12:35

Nhàđầutư
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Việt Nam đang ở thời kỳ tương đối ổn định về kinh tế vĩ mô, niềm tin tiêu dùng. Việc có bị ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là nhóm đang cầm tiền chờ đợi.

Rắc rối nhiều hơn một cuộc chiến

Mới đây, Trung Quốc đã thông qua quyết định nới lỏng giới hạn đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành, từ ngân hàng cho tới nông nghiệp, trong lúc xung đột thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng hơn.

Trong những thay đổi chi tiết được Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc công bố, mức giới hạn lên tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng sẽ bị loại bỏ, giới hạn sở hữu ở các công ty môi giới và bảo hiểm sẽ được dỡ bỏ từ năm 2021. Bên cạnh đó, giới hạn sở hữu nước ngoài tại ngành sản xuất xe chở khách sẽ được gỡ bỏ từ năm 2022.

chien tranh thuong mai My trung

Những động thái tích cực của Trung Quốc trong thời gian gần đây được đánh giá chỉ là một bước rất nhỏ và không thể giải quyết những vấn đề mà Nhà Trắng từng chỉ trích là sự thiếu công bằng với nước Mỹ.

Chính phủ Mỹ liên tục chỉ trích sự thiếu cởi mở của nền kinh tế Trung Quốc và mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng ngày càng tệ hơn. Trong đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau kể từ ngày 6/7 và còn dọa áp đặt thêm những giới hạn khác. Ngày 28/6, Trung Quốc đưa ra lời bảo vệ mạnh mẽ cho những hành vi thương mại và kinh doanh của họ, đáp trả lại các cáo buộc từ Nhà Trắng rằng Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ và đẩy các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi nền kinh tế của họ.

“Trung Quốc là một quốc gia ủng hộ nhiệt tình cho thương mại tự do”, trích từ bài viết có tên “Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Tự do (WTO)” do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước (SCIO) công bố. “Trung Quốc đã hoàn thành một cách toàn diện các cam kết với WTO, mở cửa thị trường cho cả thế giới và đưa ra các kết quả tạo lợi ích lẫn nhau và những trường hợp cả hai cùng thắng (win-win) trên quy mô lớn hơn”.

Trung Quốc đang cân nhắc nâng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường của mình, bằng những thay đổi về đầu tư trên và bằng việc giảm bớt hàng rào thuế quan cho các loại hàng hóa. Tuyên bố cho biết số lĩnh vực có giới hạn về sở hữu nước ngoài đã giảm xuống từ 63 (năm 2017) xuống còn 48 lĩnh vực và có hiệu lực từ ngày 28/7/2018.

Mặc dù vậy, động thái tích cực này được đánh giá chỉ là một bước rất nhỏ và không thể giải quyết những vấn đề mà Nhà Trắng từng chỉ trích là sự thiếu công bằng với nước Mỹ.

Ngày hôm nay 6/7, đợt thuế quan đầu tiên mà Mỹ đánh vào 34 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó thuế quan bổ sung mà Trung Quốc dùng để trả đũa hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực.

Một ngày trước khi "làn sóng" thuế quan đầu tiên ập đến với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thị trường tài chính nước này lại tiếp tục lung lay với chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016 và đồng nhân dân tệ giảm giá trở lại.

Đóng cửa phiên 5/7, Shanghai Composite giảm 0,9% và như vậy đã giảm tổng cộng 12% trong 4 tuần qua. Hang Seng Index giảm 0,2% sau khi giảm 1,5% trước đó, trong khi đồng nhân dân tệ ở hải ngoại quay đầu giảm 0,1% sau 2 ngày tăng giá.

Trong tháng trước, các chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông đã giảm điểm mạnh nhất thế giới do nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế Trung Quốc vốn đang giảm tốc sẽ gặp nhiều khó khăn trước cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài dai dẳng. Một đồng nhân dân tệ giảm giá cũng làm các tài sản Trung Quốc mất đi sức hấp dẫn bất chấp các nhà hoạch định chính sách nước này đã cam kết sẽ không sử dụng tiền tệ làm vũ khí chống lại Mỹ.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), kết quả khảo sát 8 quỹ đầu tư từ Mỹ, Âu đến Việt, Singapore thì 6/8 nhà quản lý quỹ tỏ ra bi quan về thị trường Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, tất cả các sinh viên Trung Quốc có đầu tư cổ phiếu Trung Quốc đều có tâm lý bi quan bởi nhiều lý do. Bloomberg gần đây nhận định, đơn giản là thị trường Trung Quốc đang bước vào “thị trường con gấu” (bear market – thị trường theo chiều giá xuống, trong đó giá các loại chứng khoán giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài).

ho quoc tuan

Ông Hồ Quốc Tuấn - giảng viên Đại học Bristol.

Lý giải về tình trạng này của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính Trung  Quốc nói chung, ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng, có vài lý do, trong đó, nguyên nhân hàng đầu hiện nay là những căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt lại hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking), cụ thể là hoạt động cho vay mua cổ phiếu, bất sản của các công ty tài chính.

Hoạt động đầu tư tài sản cố định và tiêu dùng tăng chậm, một phần vì chính phủ Trung Quốc giảm tốc độ đầu tư hạ tầng. Trung Quốc, cũng giống như Việt Nam, có nhiều tỉnh sống nhờ tiền giải ngân của trung ương.

Một nguyên nhân khác là đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, khiến các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận sang USD sẽ chịu lỗ. Với diễn biến này, không ít nhà đầu tư quyết định rút dòng vốn đầu tư sang các thị trường khác.

trung quoc

Đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, khiến các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận sang USD sẽ chịu lỗ.

Đáng lo ngại nhất, nỗ lực bơm tiền ra thị trường trong vài tháng qua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang trở nên vô hiệu. PBoC đã bơm 500 tỷ nhân dân tệ cho các ngân hàng lớn Trung Quốc để các ngân hàng này thực hiện hoán đổi nợ thành cổ phần ở các công ty quốc doanh nợ siêu lớn. "Thực tế đây là một giải pháp để xử lý nợ xấu. PBoC chỉ bơm thanh khoản và tiền xử lý nợ xấu, không bơm nhiều tiền để cho vay mua chứng khoán (do đang siết cho vay ngân hàng ngầm)", ông Hồ Quốc Tuấn nhận định.

Trong khi đó, nợ xấu trong nền kinh tế Trung Quốc là quá lớn, bao gồm các khoản cho vay không hiệu quả tại các dự án liên quan đến sáng kiến "Vành đai - Con đường”.

Tham vọng của chính phủ Trung Quốc đã và đang tạo ra quả bom nợ khổng lồ. Nhiều nhà phân tích độc lập đã cảnh báo rằng, con số hàng tồn kho của nhiều công ty Trung Quốc lớn bất thường và nghi ngờ, thật ra không có tài sản thật nào đằng sau các con số này. 

Larry Hu, nhà phân tích của Macquarie Capital nhận định, chủ trương giảm nợ trong nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu. Như vậy, thị trường bất động sản và chứng khoán Trung Quốc sẽ chịu sức ép giảm giá.

Chứng khoán Việt sẽ ra sao?

Một câu hỏi được ông Hồ Quốc Tuấn đặt ra là dòng tiền đang nằm chờ, thay vì tham gia vào thị trường cổ phiếu do tâm lý lo sợ bao trùm sẽ đi đâu? Nếu không phải chứng khoán, liệu có là thị trường bất động sản?

"Hiện tại, giá bất động sản đã lên khá cao. Khi thị trường chứng khoán không đi lên, trong khi giá nhà vẫn rục rịch tăng. Với lượng tiền hiện tại, Việt Nam chắc phải còn một đợt sốt tài sản nữa", ông Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện tại khá cân bằng, rủi ro chính sẽ nằm ở lạm phát, nhưng đây không phải là rủi ro trong ngắn hạn. Khả năng tăng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, tập trung vào thị trường nội địa vẫn có tiềm năng tăng trưởng. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận có tiềm năng tăng, chỉ số P/E tương lai sẽ giảm về mức hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, trừ khi thị trường hoảng loạn, cổ phiếu giảm sẽ tạo ra cơ hội đầu tư tốt vào các công ty hưởng lợi từ sức tiêu dùng nội địa.

Một vấn đề khác được ông Tuấn đặt ra là nếu cổ phiếu Trung Quốc rớt khoảng 10% nữa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dòng vốn quốc tế đang đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây?USD tăng giá thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì? Theo ông Tuấn, điều này khó đoán định và phụ thuộc nhiều vào tính chất dòng vốn đổ vào Việt Nam từ năm ngoái tới năm nay khi phần lớn đổ vào thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhìn thấy là Trung Quốc sẽ tiếp tục bơm tiền, nhân dân tệ sẽ còn mất giá, USD sẽ tiếp tục mạnh lên. "USD lên mạnh ở nhiều thị trường tất yếu sẽ làm dậy sóng USD  ở thị trường Việt Nam. Nhưng nguồn USD của Việt Nam hiện tại còn khá tốt, cán cân thương mại và vốn cũng không tệ. Do đó, vấn đề sẽ là tâm lý của người dân mà thôi. Điều này phải theo dõi NHNN điều hành thế nào", ông Tuấn nhận định.

Tóm lại, theo ông Hồ Quốc Tuấn, thế cờ hiện tại "người bạn láng giềng" của Việt Nam có vẻ không ổn, nhưng Việt Nam "mới chữa bệnh xong, đang tạm lành lặn". "Trung Quốc có lây bệnh cho Việt Nam không và bằng cách nào thì ... phải chờ xem?".

"Thị trường cổ phiếu quốc tế đang hình thành một cục diện là với cổ phiếu Mỹ (nhất là cổ phiếu công nghệ) vẫn lạc quan, trong khi khối thị trường mới nổi đang bị nghi ngờ là có khả năng rơi vào "thị trường con gấu". Nhưng Việt Nam khác biệt là vì mới làm sạch hệ thống ngân hàng, lạm phát không cao, lãi suất còn hợp lý, lại có một dòng tiền mới đổ vào nên rất khó nói là có bị lây lan không. Nhưng nếu giá chứng khoán giảm rất mạnh thì khối tiền mà các nhà đầu tư nội địa đang cầm trong tâm lý chờ đợi chắc sẽ bung ra. Thời gian sẽ là câu trả lời", ông Tuấn nhận định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ