Tranh chấp pháp lý của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên: Cuộc chiến... chưa có kẻ thua

Cuộc chiến pháp lý giữa vợ chồng nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên kéo dài hơn hai năm vẫn chưa đến hồi kết.
THU PHƯƠNG
07, Tháng 02, 2018 | 08:53

Cuộc chiến pháp lý giữa vợ chồng nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên kéo dài hơn hai năm vẫn chưa đến hồi kết.

TAND cấp tạo tại TP. HCM vừa có quyết định đưa vụ án tranh chấp giữa các thành viên Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên (TNG) ra xét xử phúc thẩm vào ngày 7/2.

Nguyên đơn vụ kiện là bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Phó tổng giám đốc thường trực TNG. Phía bị đơn là công ty TNG và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc, cũng là chồng bà Thảo.

dang le nguyen vu 1245

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong lần hiếm hoi xuất hiện cùng nhau trước công chúng.

Trước đó, ngày 22/9/2017, TAND TP. HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, chấp nhận một phần yêu cầu của bà Thảo, tuyên hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015.

Đồng thời, khôi phục chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã bị ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên kháng cáo phúc thẩm.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Cuộc chiến trong gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt nguồn khi cuối năm 2015, Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ ngừng cung cấp các sản phẩm thuộc nhóm cà phê hòa tan. Đại diện Trung Nguyên lúc bấy giờ cho rằng, việc tạm ngưng là "do nhu cầu bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên".

Thế nhưng, giới thạo tin lại khẳng định, sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng Chủ tịch Trung Nguyên, là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Quả thực sau đó, những xung đột gay gắt giữa hai vợ chồng đã nổ ra.

Khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tự tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị và tự ý đưa ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Những tranh cãi đã nổ ra khi bà Thảo đăng đàn tố cáo hành vi của ông Vũ là vi phạm pháp luật.

dang le nguyen vu

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. 

Sang tháng 4/2016, Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, chuyển người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, sang tháng 5, bà Thảo đã có đơn khiếu nại, yêu cầu chờ phán quyết của Tòa án Nhân dân TP. HCM.

Khiếu nại của bà Thảo đã thành công khi ngày 13/7/20160, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có quyết định hủy bỏ giá trị Giấy chứng nhận ngày 21/4, đồng thời khôi phục quyền điều hành công ty cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tuy nhiên, trong thời gian 13/7-21/7/2016, theo Quyết định 300, bà Thảo là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, nhưng thực tế các giao dịch, giấy tờ phát sinh của công ty trong giai đoạn này vẫn dưới tên người khác. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tính toán ước tính công ty đã thiệt hại dự tính lên tới 50 tỷ đồng và thiệt hại cho các đối tác thì chưa thể tính được.

Khối tài sản khủng

Đi lên từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng đã từng “chung lưng đấu cật” gây dựng nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước mà vươn nhiều nước trên thế giới. Đến thời điểm xảy ra sự cố “cơm không lành canh không ngọt”, bà Thảo và ông Vũ đã có 20 năm hợp tác dưới các chức vụ khác nhau. 

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ đã đưa Tập đoàn Trung Nguyên trở thành một trong 3 thương hiệu hãng đầu thị trường cà phê hòa tan Việt (cùng với VinaCafe và Nestle).

Ngoài việc sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, vợ chồng đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ còn sở hữu Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên với vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng và hệ thống bán lẻ G7. Ngoài ra, hệ thống Trung Nguyên còn có Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Công ty TNHH Du lịch Đặng Lê với số vốn 98 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê hòa tan, cà phê nhân thì Trung Nguyên còn một mảng kinh doanh lớn khác là nhượng quyền thương hiệu (franchising).

Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên với hơn 50 cửa hàng tại 7 tỉnh thành trên cà nước và 1 cửa hàng tại Singapore.

Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư vào các mảng bán lẻ, bất động sản, du lịch nhưng gặp nhiều thất bại. Tính đến nay, lợi nhuận của Tập đoàn này chủ yếu vẫn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là cà phê.

Năm 2012, doanh thu của công ty đạt trên 200 triệu USD và được cho là tăng gấp đôi một năm sau đó do nhu cầu cà phê đóng gói ở ASEAN, Trung Quốc tăng mạnh. Năm 2014, riêng công ty mẹ đã có doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.300 tỷ.

Ngoài ra, theo giới thạo tin, bộ sưu tập siêu xe của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ đứng bộ sưu tập của vợ chồng đại gia Minh "Nhựa" về độ hoành tráng tại Việt Nam. Đại gia Trung Nguyên đồng thời là người đầu tiên tại Việt Nam cùng lúc sở hữu 6 siêu xe Ferrari.

Đại gia Trung Nguyên này sở hữu cùng lúc 6 chiếc siêu xe Ferrari khác nhau, bao gồm 458 Italia, 458 Spider, 599 GTB, F430, California thế hệ cũ và California T 2015 có giá hàng trăm nghìn đô la mỗi chiếc.

Trước khi xảy ra tranh chấp, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quyền lực khá lớn tại cà phê Trung Nguyên nhưng bà Thảo rất ít xuất hiện trong giới truyền thông hay cùng chồng xuất hiện tại nhiều sự kiện. Được biết, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng là 1 trong 5 cổ đông lớn sáng lập ra Trung Nguyên.

Hiện tại, bà đang kiêm 3 chức vị đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên và là người đại diện theo pháp luật duy nhất của công ty.

Le Hoang Diep Thao

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 

Bà Thảo giữ 28% cổ phần trị giá 140 tỷ đồng trong khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ 51% cổ phần trị giá 255 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn đang là Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư du lịch Đặng Lê nằm ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Những địa điểm du lịch nổi tiếng của công ty này đó là khu du lịch Gia Long, làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch thác Draynur.

Bà Thảo cũng là người đang nắm giữ 5% cổ phần sáng lập của công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising, chồng bà là ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ 10% cổ phần còn Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên giữ 85% cổ phần. Công ty này chính là đơn vị đang nắm giữ quyền nhượng quyền thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Trong thời gian mất quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên thì người phụ nữ này đã bắt đầu chứng tỏ bản lĩnh của một nữ tướng "tay sắt bọc nhung".

Đó là sự xuất hiện của nhà máy TNI King Coffee - đánh dấu sự trở lại của bà Thảo sau khi xảy ra nhiều chuyện ồn ào tranh chấp tại thương hiệu cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Nhà máy này được khánh thành ngày 20/4/2017 Công ty Trung Nguyên International xây dựng tại Bình Dương, chuyên sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu. Đây là nhà máy thứ 6 mà CEO Lê Hoàng Diệp Thảo xây dựng.

Trước đó, bà Thảo cũng ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo công ty Hello Oyster, thuộc tập đoàn LaoJiao Lư Châu, top 3 tập đoàn lớn trong ngành rượu bia và giải khát, Top 500 doanh nghiệp đứng đầu Trung Quốc với tổng giá trị tài sản hơn 18 tỷ USD. Đích thân bà cũng trả lời trước báo chí Trung Quốc tại hội chợ China Food & Drinks, Thành Đô, Trung Quốc cuối tháng 3/2017.

Liên quan tranh chấp giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hiện tòa án cũng đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Cả hai đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.

Được biết, trong vụ kiện này, bà Thảo đã có đơn gửi chánh án TP. HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.

(Tổng hợp)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24570.00 24890.00
EUR 26344.00 26450.00 27615.00
GBP 30826.00 31012.00 31964.00
HKD 3099.00 3111.00 3213.00
CHF 27409.00 27519.00 28386.00
JPY 162.55 163.20 170.88
AUD 15925.00 15989.00 16476.00
SGD 18140.00 18213.00 18757.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 17927.00 17999.00 18532.00
NZD   14838.00 15330.00
KRW   17.81 19.45
DKK   3541.00 3673.00
SEK   2340.00 2433.00
NOK   2289.00 2381.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ