Tranh cãi quyết liệt về việc siết nhập khẩu ô tô

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường Hải cho rằng không nên ngộ nhận Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô là "bảo vệ sản xuất trong nước".
NGỌC AN
26, Tháng 02, 2018 | 17:06

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường Hải cho rằng không nên ngộ nhận Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô là "bảo vệ sản xuất trong nước".

bt

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ lắng nghe và tập hợp ý kiến doanh nghiệp để đưa ra giải pháp vào tuần tới. Ảnh: N.AN 

Diễn biến của buổi đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì sáng ngày 26-2 ngày càng "nóng" và căng thẳng hơn khi đại diện hai khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên tục đưa ra những phản biện liên quan đến các quy định của Nghị định 116.

Khối ngoại kêu tốn kém, phức tạp

Phát biểu mở đầu cho khối doanh nghiệp, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota VN và là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) tiếp tục bày tỏ "quan ngại sâu sắc" khi cho rằng Nghị định 116 không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc nhập khẩu ô tô.  

dsc00694-15195842914911510401515

Chủ tịch VAMA cho rằng quy định Nghị định 116 gây tốn kém làm tăng giá xe. Ảnh: N.AN 

Từng có 4 lần gửi kiến nghị tới Chính phủ, chủ tịch VAMA nhắc lại những yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại, đường thử, kiểm tra theo lô... làm tăng thời gian, chi phí dẫn tới giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng, tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nước ngoài.

Ngay sau khi vị chủ tịch VAMA dứt lời, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đứng lên phát biểu và thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình. Ông cho rằng Nghị định 116 ra đời nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.

Dẫn chứng, đối với yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, từ năm 2006 các doanh nghiệp trong nước đã phải xuất trình giấy tờ này. Đưa ra hàng loạt bằng chứng về việc nhiều nước đã cấp loại giấy này cho nhiều hãng xe để đảm bảo lưu hành, ông Dương cho rằng yêu cầu này đặt ra là để xác định được "lý lịch" của một chiếc xe, đặc biệt khi trong nước chưa đủ điều kiện kiểm định, thì giấy tờ này là cần thiết.

Đối với quy định thử theo lô, hiện quy định Việt Nam vừa áp dụng ở tiêu chuẩn Euro 4, nên ông Dương lo ngại sẽ xảy ra trường hợp là khi đưa mẫu động cơ để kiểm định thì đạt, nhưng lô nhập khẩu sau lại "bớt xén" và chưa chắc đã đạt. Tương tự với yêu cầu về đường thử, chủ tịch Thaco cho rằng quy định hiện đã quá lỗi thời, các dòng xe thay đổi nhanh nên tối thiểu phải đáp ứng được chiều dài đường thử là 800 mét.

dsc00683-1519584110756834948069

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco đưa ra hàng loạt dẫn chứng nhiều hãng xe có thể xin được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Ảnh: N.AN 

"Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi. Nghị định 116 cũng không xin ưu đãi, các thiết bị sản xuất chúng tôi vẫn bị kiểm tra từng chiếc, xe nhập bị kiểm tra từng lô. Cần tránh ngộ nhận cái này (nghị định 116-PV) là ủng hộ sản xuất trong nước. Tôi chưa thấy có gì là ủng hộ sản xuất trong nước" – ông Dương bộc bạch.

Đường thử không liên quan chất lượng xe?

Tuy nhiên, ngay sau đó ông Phạm Văn Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty Ford VN vẫn cho rằng yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đặt ra là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bởi các nước không cấp giấy chứng nhận cho xe xuất khẩu mà chỉ cấp cho xe sản xuất trong nước, nên để thực hiện được sẽ "rất tốn kém và phức tạp". Yêu cầu kiểm tra từng lô và phương pháp thử đặt ra trong Nghị định 116 cũng được cho là chỉ "của riêng Việt Nam". Dẫn chứng, ông Dũng cho biết Ford đang có một lô xe 100 chiếc nhập từ Mỹ bị "ách" lại ở cảng và mỗi ngày phải chi khoảng 1.000 USD mà không dám nhập vào Việt Nam do vướng quy định và lo ngại rủi ro không đạt yêu cầu.

Về yêu cầu đường thử, ông Dũng cho rằng không có mối liên hệ nào về đường thử với chất lượng xe, trong khi nhiều doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư vài chục năm, nên... gặp khó khăn trong quỹ đất.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Đức, tổng giám đốc Tập đoàn Thành công liên doanh Hyundai, bày tỏ sự không đồng tình khi cho rằng đây là khâu cuối để kiểm tra sai sót của xe trước khi đưa ra thị trường, nên không thể nói "đường thử không liên quan đến chất lượng". 

Việc đầu tư đường thử theo ông Đức cũng là thể hiện sự cam kết lâu dài của doanh nghiệp trong ngành, chứ không thể lấy lý do quỹ đất. 

Sẽ có giải pháp vào tuần tới...

Lắng nghe và ghi chép kỹ từng ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan liên quan, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng chủ trương chung là đẩy mạnh hội nhập, trên cơ sở tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu ô tô vào Việt Nam, song cũng cần phải đảm bảo nền sản xuất tự chủ, vì lợi ích của 100 triệu dân.

Ông Dũng cũng khẳng định mặc dù buổi họp hôm nay sẽ không có kết luận, nhưng sẽ lắng nghe, tập hợp các ý kiến... Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau Chính phủ sẽ họp các bộ và cơ quan liên quan xem xét từng khía cạnh vấn đề để đề xuất sửa đổi bổ sung cho hợp lý với tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo, làm minh bạch, không phải "hứa rồi để đấy mà nói là làm".

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ