TP.HCM: Dự án du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ kỳ vọng thành thất vọng

Nhàđầutư
Khai trương từ ngày 1/9/2015, tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những dự án tiên phong trong định hướng phát triển ngành du lịch TP.HCM. Thế nhưng, sau gần 5 năm đi vào hoạt động dự án đã rơi vào tình trạng ‘tê liệt’, để thu hồi vốn chỉ dựa vào kinh doanh cà phê.
LÝ TUẤN
14, Tháng 07, 2020 | 15:38

Nhàđầutư
Khai trương từ ngày 1/9/2015, tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những dự án tiên phong trong định hướng phát triển ngành du lịch TP.HCM. Thế nhưng, sau gần 5 năm đi vào hoạt động dự án đã rơi vào tình trạng ‘tê liệt’, để thu hồi vốn chỉ dựa vào kinh doanh cà phê.

Những con thuyền bất động trên kênh

Thời gian qua, hình ảnh những con thuyền “nằm im bất động” tại 2 nhà ga thuộc dự án tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn lạ mắt đối với những người dân đi qua 2 tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. 

Tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2015, sau gần 5 năm đi vào hoạt động dự án đã rơi vào tình trạng “tê liệt”.

Ghi nhận thực tế của Nhadautu.vn sau khi chạy dọc tuyến đường Hoàng Sa (lộ trình từ nhà ga số 1 đến nhà ga số 2) cho thấy, không có bất cứ hoạt động chèo thuyền phục vụ khách du lịch nào trên kênh. Thay vào đó, những chiếc thuyền này lại được tập kết nằm “trơ trọi” tại 2 bến của nhà ga.

IMG_6420
IMG_6463

Những chiếc thuyền được tập kết nằm “trơ trọi” tại bến của nhà ga số 2 trong nhiều năm qua vì vắng khách tham quan.

Ông Đ.H.N một người dân thường câu cá dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết, những chiếc thuyền neo đậu tại bến này cũng mấy năm nay, hiếm lắm mới thấy 1, 2 thuyền hoạt động khi có khách muốn tham quan, còn không cứ nằm im ở bến phơi nắng, phơi mưa.

Đồng thời, ông Đ.H.N, cũng thắc mắc, vì sao cơ sở hạ tầng được đầu tư lớn như thế, nhưng hoạt động chỉ được một thời gian lại bỏ phí?

“Chưa kể, một số hạng mục tại nhà ga, thậm chí cả những chiếc thuyền đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, việc sắp xếp tại bến thuyền còn bừa bộn, nhếch nhác, kèm theo đó là rác thải trôi, nổi xung quanh bến thuyến gây mất mỹ quan cho những ai nhìn thấy khi đi qua khu vực này”, ông Đ.H.N vừa nói vừa chỉ về phía bến thuyền.

IMG_6426

Hình ảnh bừa bộn tại bến thuyền gây mất mỹ quan đô thị đập vào mắt người dân mỗi khi qua đây.

Trong khi đó, tại 2 nhà ga hiện đang được sử dụng để kinh doanh cà phê. Tuy nhiên, điều thắc mắc của đa số người dân sống xung quanh 2 nhà ga bến thuyền trong thời gian qua là việc thành phố cấp phép cho dự án này làm du lịch trên kênh hay để kinh doanh cà phê? Bởi vì, để kinh doanh cà phê, thức uống, Công ty Thuyền Sài Gòn đã chiếm dụng một phần khuôn viên đất của công viên, cùng với đó là lối đi bộ của người dân để bày bàn ghế.

Trước đó, đơn vị được giao khai thác tour du lịch tại bến thuyền còn ngang nhiên treo biển hiệu “Cafe Thuyền Sài Gòn”, tuy nhiên, do dư luận và báo chí liên tục phản ánh, biển hiệu này sau đó đã được tháo gỡ.

“Chúng tôi không biết việc kinh doanh cà phê tại bến thuyền có được thành phố cho phép hay không? Nhưng việc quán cà phê chiếm dụng lối đi bộ của người dân là không hợp lý. Trong khi đó, bến thuyền mở ra với mục đích là du lịch thuyền trên kênh nhưng thời gian qua chúng tôi không thấy bất cứ hoạt động nào liên quan, chỉ thấy những chiếc thuyền nằm im tại bến trong nhiều năm qua”, chị N.C một người dân ở cạnh khu vực này chia sẻ.

IMG_6476

Chủ đầu tư biến bến thuyền làm nơi kinh doanh cà phê.

IMG_6440

Lối đi bộ của người dân cũng được chưng dụng để bày bàn ghế kinh doanh cà phê.

Chưa dừng lại ở đó, ghi nhận của Nhadautu.vn tại 2 bến thuyền trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè còn cho thấy, chủ đầu tư dự án tận dụng cả lối đi, cũng như dọc hành lang ngay dưới bến thuyền để bố trí các bàn cà phê để phục vụ du khách, thậm chí, một số du khách còn được cho phép ngồi dưới thuyền đang neo đậu, nhiều người dân ở đây cho rằng việc làm này có thể gây nguy cơ mất an toàn cho du khách đặc biệt là khi có trẻ nhỏ.

IMG_6439 - Copy

Du khách được ngồi ngay dưới thuyền để uống cà phê, trong khi xung quanh không có bất cứ dụng cụ cứu sinh, hỗ trợ nào.

Với việc vắng khách du lịch, để duy trì hoạt động của bến thuyền, Công ty Thuyền Sài Gòn chỉ có thể dựa vào việc kinh doanh cà phê ngay tại 2 nhà ga, đây cũng là nguồn doanh thu chính mang về cho công ty này trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát phải thực hiện lệnh cách ly, đã khiến bến thuyền càng lâm vào tình cảnh ‘khó chồng khó’.

Để làm rõ thêm thông tin về hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong thời gian qua, Nhadautu.vn đã nhiều lần liên hệ lên Sở Du lịch TP.HCM, các đơn vị liên quan, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào.

Tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đầu tư xây dựng gồm hai nhà ga và 12 thuyền. Thuyền phụng có giá vé 220.000 đồng/người và thuyền chống có giá vé 110.000 đồng/người, với lộ trình trên kênh dài 4,5km đi qua địa bàn các quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận.

Với kỳ vọng tuyến du lịch bằng thuyền trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ đem đến cho người dân TP.HCM và du khách trong và ngoài nước một sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố, cũng như giúp du khách có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục của người dân TP.HCM qua các cảnh sinh hoạt hai bên dòng kênh.

Kỳ vọng là vậy, thế nhưng sau gần 5 năm đi vào hoạt, dự án không mang lại kết quả như mong đợi, với việc không có khách tham quan, cùng với đó là trong thời gian dài không hoạt động đã khiến cho tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè càng trở nên thất bại.

Thất bại từ đâu?

Trước đó, thông tin với báo chí, đại diện Công ty Thuyền Sài Gòn cho biết, ngoài việc vắng khách lâu ngày khiến khó thu hồi vốn, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nguồn nước ô nhiễm trở lại do ý thức kém của người dân sống dọc hai bên bờ; vấn đề thiếu ánh sáng hai bên bờ kênh; hay bãi đậu xe, giữ xe cho cả 2 khu vực bến ở quận 1 và 3 cũng gây khó khăn cho du khách và quá trình khai thác tour.

Về phía doanh nghiệp được giao khai thác tour là Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, theo tìm hiểu, công ty có địa chỉ tại số 462 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, TP.HCM, do ông Phan Xuân Anh làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh và được cấp phép hoạt động lần đầu vào ngày 7/4/2014. Lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hành khách đường thủy nội địa.

Điều ngạc nhiên là chỉ 2 tháng sau khi thành lập (6/2014), Công ty Thuyền Sài Gòn được UBND TP.HCM phê duyệt là chủ đầu tư dự án tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chưa dừng lại ở đó, khi Nhadautu.vn tìm đến trụ sở của Công ty Thuyền Sài Gòn theo địa chỉ được đăng ký kinh doanh thì thực tế đây là một tiệm sửa xe máy và hiển nhiên không có bất cứ biển hiệu hay sự tồn tại của công ty này tại đây.

Đây là một dấu hỏi lớn đặt ra về năng lực của công ty trước sự thất bại của một dự án tiên phong trong định hướng phát triển ngành du lịch của TP.HCM.

z1974057514424_0f52fec0c7505251c5fa3322ebe2a875 (1)

Địa chỉ trụ sở mà Công ty Thuyền Sài Gòn đăng ký giấy phép kinh doanh hiện là một tiệm sửa xe trên đường Lê Hồng Phong, quận 10.

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định của dự án còn là môi trường, theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle từng thông tin, muốn phát triển du lịch đường sông thì vấn đề vệ sinh nguồn nước phải được đặt lên hàng đầu.

“Tuyến du lịch này đã góp phần hồi sinh tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, dòng kênh chỉ trong xanh, sạch sẽ được 2 tháng (kể từ ngày khai trương), sau đó rác thải đã lại nổi lềnh bềnh khắp nơi. Chưa kể mùa khô, thời tiết nóng là con kênh lại bốc mùi hôi thối rất khó chịu, tình trạng thủy triều hút nước kênh làm lộ đáy thường xuyên diễn ra”, ông Huê cho hay.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tuyến du lịch này là việc bến thuyền chỉ phục vụ 1 chiều, nghĩa là khi thuyền chở du khách khởi hành từ nhà ga số 1 đến nhà ga số 2 thì khách phải lên bờ kiếm phương tiện khác để di chuyển về nhà ga số 1 lấy xe. Đây cũng là một trong những bất tiện mà được nhiều du khách tham gia tuyến du lịch này trước đó phản ánh.

Ngoài ra, một lý do khác khiến tuyến du lịch này chưa đủ sức hấp dẫn là cảnh quan ven bờ kênh còn hạn chế.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cũng cho biết, công ty vẫn đang cố gắng duy trì, khai thác tour nội đô khi thành phố đã tốn cả chục ngàn tỷ đồng cải tạo tuyến kênh ô nhiễm này.

"Nhưng một mình doanh nghiệp làm khó quá. Doanh nghiệp không thể đầu tư trang trí ánh sáng cho các cây cầu trên kênh, do đó khó hấp dẫn du khách đi tour vào buổi tối. Rác cứ vớt xong, người dân xung quanh lại đổ xuống. Thành phố cho phép chúng tôi đầu tư xe điện để đưa đón khách nhưng lại không có chỗ đậu… Hiếm thành phố nào có tuyến kênh xuyên nội đô đẹp, độc đáo như Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng chỉ doanh nghiệp tự bơi, không có sự hỗ trợ của ngành du lịch thành phố và các Sở, ban, ngành thì rất khó để tour tồn tại và phát triển", ông Xuân Anh chia sẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ