TP.HCM cầu cứu về 2 dự án metro: Trên nóng, dưới nóng, cấp trung gian lạnh

Sự chậm trễ của các Bộ ngành về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh khiến 2 dự án metro tại TP.HCM có nguy cơ phải ngừng, giãn tiến độ, thậm chí kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài.
MY ANH
09, Tháng 10, 2019 | 06:32

Sự chậm trễ của các Bộ ngành về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh khiến 2 dự án metro tại TP.HCM có nguy cơ phải ngừng, giãn tiến độ, thậm chí kiện tụng với các nhà thầu nước ngoài.

metro-sai-gon-ngay-dau-na

 

Cần tháo gỡ khẩn cấp

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của 2 dự án đường sắt đô thị số 1 và số 2.

Hai dự án này đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư, các cơ quan Trung ương đã có văn bản hướng dẫn thành phố. Thành phố cũng đã thành lập hội đồng thẩm định việc điều chỉnh dự án. Đồng thời, hoàn thành tổ chức đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án, thẩm định nội bộ điều chỉnh dự án, bao gồm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ trình điều chỉnh dự án phải kết thúc trước ngày 31/10 để kịp trình HĐND TP vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn của cơ quan Trung ương.

Trong bối cảnh đó, UBND TP lo ngại nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án tiếp tục kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Đầu tiên là ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia tài trợ cho dự án, đặc biệt là khả năng tài trợ tiếp cho các dự án khác.

Đồng thời, dư luận trong và ngoài nước sẽ có nhận định, đánh giá không tốt về vai trò điều hành các dự án vay vốn nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Đặc biệt, tiến độ thực hiện dự án có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuyến metro số 1 hiện đã đạt 67% khối lượng, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong quý IV/2021. 

Do đó, nếu không phê duyệt điều chỉnh kịp trong tháng 11 sẽ khiến việc thanh toán cho các nhà thầu bị chậm trễ. Điều này dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí có thể dẫn đến tranh chấp, kiện tụng của các nhà thầu nước ngoài.

Tương tự, tuyến metro số 2 dù đang ở giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu, nếu không phê duyệt điều chỉnh kịp thì kế hoạch trao thầu, giải ngân các hiệp định vay của nhà tài trợ sẽ không kịp thực hiện trước hạn cuối vào tháng 12/2020. Do đó, nguy cơ các hiệp định vay sẽ không còn hiệu lực, dự án sẽ mất nguồn vốn và bị ngưng trệ. 

"Với yêu cầu bức thiết nêu trên, UBND TP.HCM kiến nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặc biệt quan tâm, thu xếp chủ trì một buổi làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Chủ tịch UBND TP.HCM cùng với đại diện các cơ quan liên quan để lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh của 2 dự án" - văn bản do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký, kiến nghị.

Đừng để người dân thêm hụt hẫng

Khi TP.HCM thông báo tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) không thể hoàn thành vào cuối năm 2020 mà chuyển sang quý IV/2021, dù là điều đã được dự đoán từ trước nhưng cũng làm cho người dân TP khá hụt hẫng. Với diễn biến như hiện nay thì kỳ hạn quý IV/2021 cũng chưa có gì là đảm bảo.

Tuyến metro số 1 đội vốn từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng, và đến nay TP.HCM đã phải 3 lần tạm ứng cho tuyến này với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Hiện ngân sách Trung ương chưa hoàn số tiền này cho TP do chưa có đề án điều chỉnh, tất cả vẫn đang phải chờ ý kiến của các Bộ liên quan.

Kỹ sư Phan Hữu Duy Quốc, đại diện liên doanh Shimizu – Meada, phụ trách gói thầu 1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga BaSon) cho biết, nhà thầu vẫn biết khó khăn chung và những nỗ lực của TP.HCM trong giải quyết vấn đề vốn nên sẵn sàng chung tay. Tuy nhiên, ông Quốc cũng mong muốn các vấn đề cần phải được giải quyết sớm để lấy lại niềm tin của công nhân, các nhà thầu.

"Trước giờ dự án chỉ trông chờ vào tạm ứng, nhưng việc tạm ứng cũng chỉ có giới hạn. Hy vọng là tháng 10 sẽ xong công tác rà soát với đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành và trong năm nay, tổng vốn đầu tư điều chỉnh 47.000 tỷ đồng sẽ được phê duyệt, dự án sẽ có kinh phí thanh toán cho các nhà thầu", ông Quốc nói.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP.HCM, thành viên hội đồng thẩm định hai dự án metro TP cho biết, vấn đề đang nằm ở các cấp trung gian và đang trong tình trạng "trên nóng, dưới nóng, nhưng cấp trung gian lạnh".

Ông Trường phân tích, đối với dự án metro, TP.HCM đã rất nỗ lực để hoàn thành các phần việc trong điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải giải quyết nhanh chóng, quyết liệt nhưng ở cấp trung gian là các bộ, ngành chưa thật sự vào cuộc. Vẫn còn sự chồng chéo giữa các bộ, các văn bản luật… mà theo ông Trường là có đến 18 cửa TP phải vượt qua.

Nguy cơ tuyến metro 1 chậm tiến độ là sẽ dẫn đến người dân không được hưởng các tiện ích đáng ra được hưởng, quan hệ với các đối tác nước ngoài sẽ xấu đi và tạo ra sự khó khăn cho các tuyến metro khác hay là các dự án sử dụng vốn ODA nước ngoài. Đó là chưa kể có thể xảy ra tranh chấp các hợp đồng quốc tế đã ký với các nhà thầu..

Khi đất nước còn khó khăn thì việc tiếp nhận các nguồn vốn nước ngoài là rất quan trọng nhưng muốn thế, phải thay đổi cơ chế để không làm kéo chậm lại sự phát triển và đặc biệt là nguy cơ mất niềm tin của nhân dân.

"Không có nước nào xây dựng 19km metro đã qua 11 năm chưa hoàn thành mà còn xin kéo dài đến năm 2021. Đây là dự án quá lạc hậu và bê bối. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt và bên dưới cũng phải có những sáng tạo, không phải cứ rập khuôn theo các quy định không có hiệu quả như hiện nay", ông Trường đề nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ