'Thực thi nghị quyết 128 cần nhất quán, không có giấy phép con'

Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) khi trao đổi về nội dung nghị quyết 128 của Chính phủ về việc bạn hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
PV
05, Tháng 11, 2021 | 05:07

Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) khi trao đổi về nội dung nghị quyết 128 của Chính phủ về việc bạn hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

ttxvn_1708_vu_tien_loc

TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC).  Ảnh: TTXVN.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Nghị quyết 128 có những quy định khá cụ thể về các cấp độ dịch và các chỉ tiêu đi kèm để địa phương có cách ứng xử phù hợp. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các địa phương vẫn có những cách hiểu khác nhau trong áp dụng Nghị quyết 128, một số địa phương vẫn “một mình một kiểu”.

Xin ông đánh giá về Nghị quyết 128 của Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19?

TS. Vũ Tiến Lộc: Rất hoan nghênh Chính phủ đã ra một Nghị quyết để sống chung với dịch nhằm thay thế Chỉ thị 15, 16, 19 và Quyết định 2686 để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, dần mở cửa trở lại nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 128 đã đưa ra các tiêu chí rất cụ thể, chia làm 4 cấp độ trong phòng chống dịch bệnh, từ các tiêu chí đó mà các địa phương sẽ có cách ứng xử phù hợp theo từng tình huống.

Tuy nhiên, tôi vẫn mong Nghị quyết 128 có những quy định cụ thể hơn để có sự nhất quán trong thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Vì vấn đề lớn nhất hiện nay là dù đã có Nghị quyết 128 nhưng vẫn có tình trạng là mỗi địa phương hiểu một kiểu, có cách làm khác nhau, cách hiểu thiếu thống nhất.

Giống như tôi từng đề xuất, nên có một quy định giống như “Luật” sống chung với COVID, rồi cứ theo đó, chính quyền, doanh nghiệp, người dân thực thi, không phải xin phép ai, cấp nào.

Nền kinh tế là một thể thống nhất, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương là một tế bào của xã hội, vì vậy không thể mãi giữ quan điểm “mỗi địa phương là một pháo đài phòng chống dịch”.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có những địa phương dũng cảm, kiên quyết mở cửa trở lại và kết quả thực hiện rất tốt nhưng lại có những địa phương còn e dè, lãnh đạo sợ trách nhiệm mà phong thành, đóng cửa. Cần hiểu rằng, sinh kế của người dân cũng quan trọng không kém sinh mạng, cần triệt để thực hiện mục tiêu kép, phá bỏ tư tưởng “zero COVID”.

Việc thực hiện Nghị quyết 128 một cách nhất quán có ý nghĩa rất quan trọng, để người dân, doanh nghiệp có phương án sinh sống, kinh doanh lâu dài. Nghị định nên được “luật hóa”, có những quy định thống nhất, chi tiết theo từng cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có biện pháp ứng xử, người dân, doanh nghiệp được làm gì, không phải làm gì, không có giấy phép con, không ai phải xin ai, không có cơ chế xin cho; không cần có những hướng dẫn thêm của Bộ Y tế, hay hướng dẫn của các bộ ngành, người dân mới yên tâm sống chung với dịch.

Vậy theo ông, cần làm gì để thực thi Nghị quyết 128 một cách tốt nhất, hiệu quả nhất?

Có lẽ bây giờ ngoài phủ vaccine y tế, vaccine ngừa COVID thì cần phủ cả vaccine vì dân để trị bệnh sợ trách nhiệm của công chức, các cấp chính quyền.

Nhiều nơi chính quyền vẫn trong tư tưởng sợ trách nhiệm, vẫn có tư tưởng nặng xu hướng “zero COVID”, mặc sản xuất kinh doanh được chăng hay chớ.

Cần làm rõ rằng, theo Nghị quyết 128, ít nhất ở cấp độ 1, 2 phải ưu tiên hoạt động kinh tế, cấp độ 3 thì cân bằng, còn cấp 4 thì ưu tiên các giải pháp phòng chống COVID nhưng việc khoanh vùng cũng phải càng thu hẹp càng tốt, thu hẹp vùng cách ly là mở rộng vùng tự do cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, khi đã có quy định của Nghị quyết 128 thì những hình thức phòng chống dịch của trước đây như luồng xanh, Chỉ thị 15, 16, 19 đều phải coi là vô hiệu. Chính quyền địa phương muốn thiết lập quy định gì thì phải không trái với Nghị quyết 128; còn quy định ở mức nghiêm ngặt hơn thì phải xin phép cấp trên.

Tất cả những quy định về chốt chặn, luồng xanh, xét nghiệm, quét mã đều phải thay đổi. Điều quan trọng là Chính phủ phải kiên định với chủ trương sống chung với COVID và làm sao để thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, để người dân, doanh nghiệp yên tâm làm việc, để họ chủ động có phương án đối phó; để họ có thể nói với đối tác, bạn hàng rằng “chúng tôi đã sẵn sàng sống chung với dịch bệnh”.

Tôi cũng đề nghị phải có một chương trình khôi phục nền kinh tế từ nay tới năm 2023 của Chính phủ để trình Quốc hội và ban hành ngay, càng sớm càng tốt. Chúng ta không thể chờ tới sang năm mới làm kế hoạch cho năm mới. Điều doanh nghiệp cần bây giờ là định hướng nền kinh tế, định hướng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, để tái khởi động phục hồi doanh nghiệp, từ đó tái khởi động, phục hồi nền kinh tế.

Cần lưu ý rằng, Quốc hội đã từng cấp cho Chính phủ cơ chế đặc biệt để phòng chống COVID-19 thì nay cũng nên cấp cho Chính phủ một gói thể chế đặc biệt, với cơ chế thử nghiệm để phục hồi nền kinh tế trong 2-3 năm tới.

Nhiều doanh nghiệp chỉ cần được cởi trói là có thể bứt phá, vượt lên. Vào thời khắc các thị trường thế giới dần mở cửa, các nhãn hàng đang tìm kiếm đơn vị đặt hàng, nhà đầu tư tìm địa điểm đầu tư mới, Việt Nam muốn bắt kịp, trở lại đường đua cần chủ động áp dụng một hệ thống thể chế đặc biệt, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngay từ bây giờ.

Trong phần trao đổi của ông có manh nha ý rằng, COVID cũng là cơ hội tái khởi động nền kinh tế gắn với tái cấu trúc. Xin ông chia sẻ rõ hơn về ý kiến này?

COVID đã tạo ra rất nhiều hệ quả thương tâm cho xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế nhưng đúng là Covid cũng tạo ra động lực để cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế. Dòng người lao động từ thành phố chạy về quê đã dẫn dắt, đặt lại vấn đề mô hình tăng trưởng.

Những tai họa sẽ còn xảy ra nếu chúng ta tiếp tục công nghiệp hóa dựa vào lao động gia công, chất lượng thấp, thu nhập thấp, khiến đời sống người lao động bấp bênh. Họ sẽ mãi không có nhà, không có tích lũy nên khi chỉ cần có sự cố kéo dài 3-6 tháng là đã không chịu đựng được, buộc phải về quê.

Vì thế, chúng ta không thể mãi ở phân khúc gia công, lắp ráp, mà cần phải nâng cấp nền kinh tế, vươn lên phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp không nên theo hướng đại công trường, siêu đô thị, sẽ dẫn tới quá tải cơ sở hạ tầng, quá tải dịch vụ, gây nhiều hệ lụy xã hội, môi trường khi chiến tranh, dịch bệnh xảy ra.

Cần bố trí lại không gian tăng trưởng, theo hương mô hình có đô thị, đô thị vệ tinh; những hoạt động công nghiệp có năng suất thấp thì chuyển dịch về khu vực nông thôn, để người nông dân ly nông bất ly hương, ở đó họ không phải thuê chỗ ở, thuê dịch vụ, giúp phân tán rủi ro, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp tái cấu trúc. Theo dự báo của WHO, thế giới không thể loại bỏ COVID cho tới ít nhất năm 2023 và ngay cả khi COVID biến mất thì vẫn có thể xuất hiện những dịch bệnh khác, rồi biến đổi khí hậu.

Thế giới ngày càng trở nên bất định, mong manh, mơ hồ và khó khăn hơn, vì vậy mà năng lực cạnh tranh cốt lõi trong tương lai của doanh nghiệp, nền kinh tế là khả năng chống chịu, thích nghi với sự biến đổi của thế giới. Doanh nghiệp cần đổi mới cấu trúc, mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đề cao trách nhiệm xã hội, nâng cao khả năng chống chịu với những bất định của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ