Thủ tướng: "Kinh tế miền Trung làm thế nào bước nhanh mà không bị vấp ngã?"

Nhàđầutư
Miền Trung như một chiếc đòn gánh hai đầu đất nước, nếu hai đầu nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ bị gãy. Các tỉnh thành miền Trung cần có chiến lược phát triển, làm thế nào để bước đi nhanh mà không bị vấp ngã.
VĂN DŨNG
22, Tháng 08, 2019 | 15:16

Nhàđầutư
Miền Trung như một chiếc đòn gánh hai đầu đất nước, nếu hai đầu nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ bị gãy. Các tỉnh thành miền Trung cần có chiến lược phát triển, làm thế nào để bước đi nhanh mà không bị vấp ngã.

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 20/8 tại tỉnh Bình Định.

Hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành trung ương cùng lãnh đạo 14 tỉnh thành Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Gánh hai đầu đất nước

Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn vào bản đồ, miền Trung như một xương sống của đất nước. Đồng thời, ví von miền Trung là đòn gánh của hai đầu, nếu “hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu sẽ bị gãy”.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển kinh tế của miền Trung không phải là việc riêng của 14 tỉnh thành mà là vấn đề chung của cả nước, nhằm thúc đẩy kinh tế của đất nước ngày một phát triển mạnh và bền vững. Vị thế của miền Trung không chỉ là kinh tế, mà còn quốc phòng – an ninh của đất nước.

NQH05180

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế Miền Trung

Theo Thủ tướng, miền Trung chiếm 28,9% diện tích cả nước, có đến 14 tỉnh, thành phố nhưng lại có điều kiện địa lý dễ bị tổn thương về mặt tự nhiên và xã hội. Trong đó, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế tại đây. Thủ tướng nhấn mạnh, vì những tác động trên, rất cần sự hợp tác của các địa phương, liên kết để đối phó với những thách thức, đó là bài toán sống còn đối với vùng.

Từ lâu nay, miền Trung đã nhiều lần bàn bạc về sự liên kết nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào ưng ý. Trong đó, bài toán về hạ tầng, đào tạo nhân lực, nhân công lao động, phân công sản xuất vẫn còn rối rắm, chưa có phương án tối ưu hóa để đầu tư.

Chính vì thế, Thủ tướng cho rằng, các tỉnh miền Trung cần xác định những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng...

“Tôi mong muốn các Bộ, ngành cần phải thẳng thắn chỉ ra những nút thắt từ Bộ, ngành mình, các địa phương của miền Trung. Qua đó, chỉ ra những nút thắt để chúng ta tìm ra những giải pháp phát triển sát thực hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn. Nhất là những chính sách, những quan điểm thực tiễn để tháo gỡ những ách tắc, giải phóng sức sản xuất, tạo cho địa phương có bước tiến mới trong gian rộng mới của đất nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, các tỉnh miền Trung cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới. “Làm sao để “hai chân không dẫm vào nhau”, có được bước đi nhanh và không vấp ngã”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy mô vùng kinh tế miền Trung còn khiêm tốn, trong số 14 tỉnh chỉ có 4 tỉnh có dự án động lực với quy mô lớn gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Các tỉnh còn lại dù có thế mạnh cảng biển, sân bay nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp.  Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, thu ngân sách chưa bền vững. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỉ lệ cao trong tổng số thu nội địa, khoảng 22%-25%.

trao qd dt

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã trao Quyết định chấp thuận chủ truong đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Đồng quan điểm trên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho hay, quy hoạch của miền Trung còn thiếu liên kết. Bí thư Chiến cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh này phải xác định mũi nhọn tăng trưởng đột phá trong đó, cốt yếu là ở lĩnh vực lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo và du lịch.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương sớm triển khai lập quy hoạch vùng theo luật và sớm hoàn thiện đường cao tốc Bắc – Nam từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Đồng thời, ông Dũng cho đề nghị các cơ quan, sớm hoàn thiện tuyến đường ven biển miền Trung, nâng cấp giao thông kết nối với Tây Nguyên, tạo lợi thế phát triển kinh tế từ cảng biển.

Hiến kế cho sự phát triển kinh tế miền Trung, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM cho rằng ngoài phát triển cân đối nông - lâm - ngư nghiệp, miền Trung cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Muốn như vậy, chúng ta cần gỡ vướng thể chế, có cơ chế mở, không còn trói buộc nữa. Chúng ta muốn bước nhanh phải mở cửa cơ chế, để bước đi không bị vấp ngã”, TS. Trần Du Lịch đề xuất. Để thực hiện điều trên, theo chuyên gia này, miền Trung cần phải có “người đầu bếp” cho toàn vùng, tránh bước đi nhỏ lẻ để rồi vấp ngã.

Tiến chứ không được lùi

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải nâng cao quyết tâm để đưa miền Trung cất cánh và phải hành động từ lúc này.

"Mỗi một địa phương miền Trung như một đốt sống kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị thoát vị đĩa đệm. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Vẫn theo Thủ tướng, để thực hiện sự liên kết và phát triển, miền Trung cần xác định thế mạnh của vùng trong đó tài nguyên lớn nhất là rừng. Trong giai đoạn tới, miền Trung cần phát huy lợi thế rừng vàng - biển bạc. điều chỉnh những chính sách đã ban hành về kinh tế rừng, kinh tế biển thế nào để thúc đẩy sự phát triển của miền Trung.

Thủ tướng cũng đặt ra ưu tiên về chiến lược phát triển, trong đó mức tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016 -2018 toàn vùng đạt 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,1%). Trong khi đó, ngành dịch vụ của vùng hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỉ trọng lên đến 41,59% kinh tế vùng, ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh miền Trung.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như phát triển kinh tế tư nhân, tăng tốc đô thị hóa, đào tạo lao động, di dân, vấn đề quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và sáng tạo cùng nhiều vấn đề hạ tầng xã hội khác.

Thủ tướng mong muốn, với trí tuệ, chất xám và con tim nhiệt huyết, các địa phương sẽ đưa ra được những giải pháp, ý tưởng, đề xuất thật cụ thể và khả thi, như một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh thì mới chữa được bệnh.

“Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ ngành liên quan đẩy nganh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách; lập kế hoạch phát triển sân bay; ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng; nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.

“Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở các địa phương, cùng với sự phát triển kinh tế phải coi trọng phúc lợi cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội đồng thời xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ