Thu hút đầu tư vào Nam Trung Bộ - Bài 3: Đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng

Với vai trò giao thông đi trước mở đường, thời gian qua, các địa phương Nam Trung Bộ đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông giúp liên kết vùng, tạo tiền đề thu hút đầu tư, khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương.
NGUYỄN TRI
20, Tháng 06, 2022 | 06:58

Với vai trò giao thông đi trước mở đường, thời gian qua, các địa phương Nam Trung Bộ đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông giúp liên kết vùng, tạo tiền đề thu hút đầu tư, khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương.

Đầu tư hạ tầng giao thông

Thời gian qua, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) thường xuyên đi kiểm tra, giám sát những khu vực có Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 qua địa bàn.

Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 qua tỉnh Bình Định dài hơn 118 km, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, với 3 dự án thành phần là: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.

“Cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn thị xã dài khoảng 30km thuộc cả 2 ban là Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo sát sao nên mọi công tác liên quan được tiến hành nghiêm túc, đúng tiến độ”, ông Trần Văn Thư, Giám đốc Ban quản lý cho hay.

Bên cạnh dự án cao tốc Bắc - Nam, Bình Định liên tục khởi công, khánh thành các tuyến đường ven biển cũng như xây dựng kết nối 2 tuyến đường phía Tây và tuyến đường phía Đông (đường ven biển). Tỉnh này phấn đấu về đích tuyến đường ven biển qua địa bàn với tổng chiều dài khoảng 107km nối Quảng Ngãi và Phú Yên trong năm 2025.

Tại Phú Yên, Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021- 2025 xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Bên cạnh Dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa phận có tổng chiều dài khoảng 90,15km với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng, Phú Yên cũng đặt mục tiêu nâng cấp Cảng Hàng không Tuy Hòa, đầu tư nhà ga hành khách quy hoạch 5 triệu lượt/năm; đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả Cảng Vũng Rô; xúc tiến thu hút đầu tư Cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics…

Tại Khánh Hòa, HĐND tỉnh này vừa qua cũng đã thông qua Nghị quyết về việc cam kết phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án thành phần (đoạn đi qua địa phận) thuộc dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Dự án được kỳ vọng góp phần giúp kinh tế - xã hội tỉnh sớm phục hồi; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa Khánh Hòa và các tỉnh vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tại Quảng Nam, sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, đối với việc quy hoạch Trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai, Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có phương án phát triển Trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong quý III/2022.

Dau-tu-ha-tang

Bình Định liên tục khởi công, khánh thành các tuyến đường ven biển. Ảnh: Nguyễn Tri.

Tại Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: “Thành phố có các dự án trọng điểm, trong đó có 2 điểm nhấn lớn là cảng Liên Chiểu, Trung tâm tài chính. Cảng Liên Chiểu đang chuẩn bị đấu thầu để khởi công vào tháng 9/2022, còn Trung tâm tài chính chuẩn bị báo cáo Chính phủ để thông qua”.

Thúc đẩy liên kết vùng

Từ năm 2016 đến nay, Bình Định đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình giao thông mang tính chiến lược như: Tuyến QL19, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1; Đường phía tây tỉnh Bình Định (ĐT.638); Đường nối từ Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát; Đường ven biển (ĐT.639); Mở rộng đường vào sân bay Phù Cát (đoạn từ QL1 đến cổng sân bay Phù Cát); Đường Điện Biên Phủ nối dài (đoạn từ Lâm Văn Tương đến QL19 mới)…

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, phát huy thế mạnh của địa phương, đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.

“HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về việc ban hành Đề án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đồng bộ, hình thành hệ thống giao thông kết nối đồng bộ liên vùng”, ông Long nói thêm.

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả; trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.

Thủ tướng còn yêu cầu sớm thực hiện dự án đường ven biển từ Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa nhằm kết nối giao thông với các tỉnh Nam Trung bộ, góp phần hình thành mạng lưới giao thông ven biển, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như hình thành hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa cũng như Khu kinh tế Vân Phong.

Giai đoạn 2021-2025, Phú Yên cũng định hướng xây dựng quy hoạch theo hướng đảm bảo chất lượng liên kết vùng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng và tăng cường liên kết giữa các vùng, các địa phương trong quá trình phát triển, nhất là giữa Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên.

UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở KH&ĐT chủ động phối hợp với Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa tham mưu hoàn thiện các nội dung theo ý kiến thẩm định của Bộ KH&ĐT về Đề án cơ chế, chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, địa phương sẽ ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Gần đây, với những lợi thế về hạ tầng giao thông, tiếp giáp với các khu kinh tế lớn như Nhơn Hội (Bình định) hay Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa)…, có giá đất hiện thấp hơn các tỉnh lân cận, Phú Yên đang được một số “đại bàng” như Tập đoàn Hưng Thịnh, SunGroup, Novaland, Vinaconex và Vina Capital... tìm đến để “xây tổ lớn”.

Kỳ tới: Thị xã Hoài Nhơn - vùng đất mới cho dòng vốn đầu tư

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ