Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng, triển vọng, rủi ro và giải pháp

TS. CẤN VĂN LỰC (*)
07:00 14/08/2024

Những năm gần đây, với chủ trương của Chính phủ về phát triển thị trường vốn Việt Nam một cách lành mạnh và bền vững, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có những bước tiến mạnh mẽ về hành lang pháp lý, quy mô, sản phẩm, cơ cấu nhà phát hành, nhà đầu tư, thanh khoản…

1. Điểm lại quá trình phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Lịch sử phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chia làm 5 giai đoạn [1] chính:

- 1994-2005: giai đoạn sơ khai, một vài doanh nghiệp Nhà nước ngành điện, xi măng hay ngân hàng đã huy động vài tỷ đồng hoặc vài trăm tỷ đồng trái phiếu.

- 2006-2010: giai đoạn đầu phát triển, các DNNN đầu tiên bắt đầu huy động hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu như EVN, BIDV hay một số ngân hàng tư nhân cũng bắt đầu phát hành trái phiếu.

- 2011-2017: giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới. Nền tảng pháp lý được xây dựng (xem phần sau), khối lượng trái phiếu phát hành tăng mạnh, đạt hơn 349,9 nghìn tỷ đồng trong cả giai đoạn.

- 2018-2021: giai đoạn phát triển nhanh. Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng của thị trường dần được hoàn thiện. Khối lượng TPDN phát hành tăng trưởng tới hơn 50%/năm, tổng khối lượng phát hành xấp xỉ 1.04 triệu tỷ đồng.

- Từ 2021-nay: giai đoạn chỉnh đốn, lành mạnh hóa. Chính phủ áp dụng khuôn khổ mới để “nắn” thị trường TPDN sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

Có thể thấy, các giai đoạn phát triển của thị trường TPDN gắn liền với sự phát triển chung của nền kinh tế cũng như quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường này (chi tiết ở phần sau). Hiện nay, TPDN đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, với tỷ trọng trong cơ cấu cung ứng vốn tăng dần tới năm 2021, trước khi giảm mạnh trong giai đoạn sau đó khi thị trường bị ảnh hưởng bởi những vụ sai phạm cũng như các chính sách chặt chẽ hơn để chấn chỉnh và lành mạnh hóa thị trường. Nửa cuối năm 2023 cũng như trong 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích của thị trường, được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển ổn định, bền vững hơn.


2. Điểm lại hành lang pháp lý cho thị trường TPDN Việt Nam

Trước năm 2020, hoạt động phát hành trên thị trường TPDN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi lần 1 năm 2010) và các văn bản liên quan. Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2011/NĐ-CP, trong đó đưa ra những quy định chung về việc phát hành TPDN, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ của hoạt động phát hành TPDN. Tiếp đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định cụ thể, chi tiết và yêu cầu khá thấp đối với việc phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ; chính thức qui định trách nhiệm của nhà đầu tư. Từ đầu năm 2021, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực cùng với Luật Doanh nghiệp 2020 và các nghị định liên quan đã giúp hoàn thiện hơn khung pháp lý thị trường TPDN, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Theo Luật chứng khoán 2019, có 2 dạng phát hành TPDN là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Trong đó, quy định về phát hành TPDN ra công chúng gồm các điều kiện chặt chẽ về vốn, hiệu quả kinh doanh, hồ sơ, xếp hạng tín nhiệm, niêm yết trái phiếu…v.v. Hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ chịu sự chi phối bởi các quy định đơn giản hơn, ít chặt chẽ hơn và tiếp tục được cụ thể hóa tại các nghị định dưới đây.

Nghị định 81/2020/NĐ-CP (ngày 9/7/2020) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 (2018), trong đó đã bổ sung một số yêu cầu như thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước khi phát hành tiếp theo, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; nêu rõ mục đích phát hành; nhấn mạnh trách nhiệm của nhà đầu tư...v.v.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP (ngày 31/12/2020) quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ, thay thế cho Nghị định 163/2018 và Nghị định 81/2020 nêu trên. Nghị định 153 này đã bổ sung một số quy định như: yêu cầu cụ thể về các hợp đồng giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan trong hồ sơ chào bán, tài liệu chứng minh đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn, bổ sung quy định chỉ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN phát hành riêng lẻ, đồng thời quy định rõ hơn về trách nhiệm của nhà đầu tư, đơn vị tổ chức phân phối, bảo lãnh và đại lý phát hành, tư vấn phát hành…v.v.

Tiếp đến là Nghị định 65/2022/NĐ-CP (ngày 16/9/2022) sửa đổi một số điều của Nghị định 153. Một số thay đổi quan trọng bao gồm: sửa đổi mục đích phát hành trái phiếu; bổ sung yêu cầu cao hơn đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp; làm rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm cả tính công khai, minh bạch trong hồ sơ phát hành và sau khi phát hành...v.v. Những bổ sung này được kỳ vọng là sẽ quản lý chặt chẽ hơn, lành mạnh hóa hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ, hạn chế sai phạm cũng như khuyến khích phát hành TPDN ra công chúng.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai , Nghị định 65 được đánh giá là đã siết chặt các quy định một cách quá nhanh, tạo ra một điểm nghẽn trong kênh huy động vốn qua phát hành TPDN. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (ngày 5/3/2023) với một số bổ sung, thay đổi quan trọng như: cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm ngưng hiệu lực của các quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…v.v. Nghị định 08 được xem là những giải pháp tình thế phù hợp để các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư có thêm thời gian để chuẩn bị cho những yêu cầu chặt chẽ hơn của Nghị định 65. Các điều khoản tạm hoãn của Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ 31/12/2023, chính thức đưa thị trường vào giai đoạn mới với những quy định chặt chẽ hơn.

Lưu ý: bắt đầu từ Nghị định 163 (ngày 4/12/2018), sau đó là các Nghị định 81, 153 và gần đây là Nghị định 65, đã qui định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư: "Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu”.

3. Thị trường TPDN Việt Nam trong những năm qua

Lũy kế đến hết tháng 3/2024, dư nợ thị trường TPDN Việt Nam đạt hơn 1 triệu tỷ VND, tương đương 9,6% GDP năm 2023. Quy mô dư nợ của thị trường đã giảm khoảng 21% so với thời điểm cuối năm 2021 (Hình 2), lý do bởi hoạt động mua lại TPDN đã diễn ra mạnh mẽ (tổng giá trị mua lại giai đoạn 2022-2023 lên tời gần 460 nghìn tỷ đồng), cùng với đó là khối lượng phát hành mới suy giảm năm 2022 và đang dần phục hồi do tâm lý thị trường (bị ảnh hưởng bởi các sai phạm) và các quy định mới, siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tổng quy mô phát hành TPDN 7 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 183,02 nghìn tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2023 (Hình 3), cho thấy thị trường đang phục hồi khá tích cực. Trong năm 2024 chưa có một đợt phát hành ra thị trường quốc tế nào, một phần là do lãi suất trên thế giới còn ở mức cao. Xu hướng mua lại TPDN cũng đã giảm dần, với khoảng hơn 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn trong nửa đầu năm 2024, giảm 64% so với cùng kỳ.


Tuy nhiên, thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là, sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu chưa đồng bộ với cơ cấu nhà phát hành chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng (TCTD - chiếm tới 67,2% tổng lượng phát hành) và doanh nghiệp BĐS (chiếm 21,5%), các lĩnh vực khác chỉ chiếm tỷ trọng rất hạn chế trong 7 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp chậm hoặc hoãn thanh toán trái phiếu đáo hạn là khá lớn. Theo tính toán của FiinGroup, tổng giá trị TPDN chậm thanh toán đến tháng 7/2024 ước khoảng 209,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68% giá trị chậm trả[2].

Một vấn đề khác của thị trường là việc một số quy định trong Nghị định 65/2022 được tạm hoãn trong Nghị định 08/2023 đã hết hiệu lực từ 31/12/2023 (như nêu trên) và đang quay lại áp dụng quy định cũ của Nghị định 65/2022 theo hướng chặt chẽ hơn về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm khi phát hành và tần suất phát hành. Những quy định này có ảnh hưởng tới khả năng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp như đã thấy trong quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023. Tuy khối lượng phát hành có sự cải thiện đáng kể trong 7 tháng đầu năm 2024, nhưng cơ cấu phát hành còn tập trung vào các chủ thể đáp ứng yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm như TCTD và một số doanh nghiệp BĐS lớn, uy tín (chiếm gần 90% tổng lượng phát hành TPDN trong 7 tháng đầu năm 2024), còn các chủ thể khác vẫn còn phát hành khá ít như nêu trên, đòi hỏi nhà quản lý có rà soát, tính toán ra điều kiện phát hành phù hợp hơn. Ngoài ra, thị trường còn có nhiều rủi ro, thách thức như nêu tại Mục 4 dưới đây.

3. Triển vọng thị trường TPDN trong thời gian tới

Mặc dù vậy, thị trường TPDN được kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2024 và tiếp theo nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như sau:

- Tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo khả quan (tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức 6,5-6,7% năm 2024-2025), lạm phát trong tầm kiểm soát (tăng khoảng 3,5-4%), hoạt động doanh nghiệp phục hồi tích cực (theo VinaCapital, lợi nhuận của 95% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đã đạt mức tăng trưởng bình quân 20,6% trong nửa đầu năm 2024). Đà tăng trưởng này được dự báo duy trì trong những tháng cuối năm 2024 và 1-2 năm tới.

- Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022) đặt mục tiêu phấn đấu quy mô thị trường TPDN đạt lần lượt 20% GDP đến cuối năm 2025 và 25% GDP cuối năm 2030. Đây là mức tăng trưởng khả thi nếu nhìn vào quy mô hiện tại (hiện ở mức gần 11% GDP, theo VBMA, 6/2024) và sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.

- Mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ được duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024 (dù chịu áp lực tăng). Lãi suất thấp không chỉ góp phần kích cầu tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, mà còn giúp giảm chi phí vốn từ phát hành trái phiếu và sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xem xét sử dụng kênh huy động vốn trái phiếu nhiều hơn. Ngoài ra, NHTW ở nhiều nước (trong đó có FED) được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024 và 2 năm tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế.

- Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành từ ngày 19/7/2023 và đã đạt được một số kết quả tích cực. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân vào cuối năm 2023 đạt khoảng 1.880 tỷ đồng/phiên và đến cuối tháng 6/2024 đạt 4.093 tỷ đồng/phiên. Trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là của TCTD (chiếm 45,71% toàn thị trường), tiếp đến là của doanh nghiệp BĐS (chiếm khoảng 30%). Sàn giao dịch này giúp tăng tính hấp dẫn của TPDN phát hành riêng lẻ như một kênh đầu tư, đồng thời tăng tính minh bạch của hoạt động phát hành, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả hơn.

- Các điều khoản trong Nghị định 08/2023 về tạm ngưng hiệu lực của một số quy định tại Nghị định 65/2022 hết hạn vào ngày 31/12/2023, tuy gây ra một số khó khăn như nêu trên nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, thị trường đã có 18 tháng để làm quen và chuẩn bị cho những quy định mới như nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 1 doanh nghiệp có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới (Moody’s)…v.v. Bên cạnh đó, những quy định này sẽ là nền tảng để thị trường trái phiếu phát triển an toàn và bền vững hơn về lâu dài.

- Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 (ban hành ngày 25/9/2012) và giai đoạn 2021-2030 (ban hành ngày 1/10/2021) cùng với cam kết giảm khí phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của Đảng và Nhà nước đã và đang thúc đẩy phát triển tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh. Khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành trong giai đoạn 2019-2023, với đợt phát hành thành công gần đây nhất của BIDV trong năm 2023 với khối lượng 2.500 tỷ đồng. Tại Việt Nam, với nhu cầu cần ít nhất khoảng 20 tỷ USD mối năm từ nay đến năm 2040 để giúp hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, thị trường tài chính xanh nói chung và trái phiếu xanh nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

4. Rủi ro, thách thức chính trong quá trình phát triển thị trường TPDN

Thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức cần nhận diện đầy đủ.

Một là, vấn đề niềm tin cần thời gian để phục hồi. Mặc dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường TPDN thời gian qua (nhất là vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…) nhưng có thể còn mất khá nhiều thời gian để nhà đầu tư nhận được lại số tiền cho trái phiếu đang nắm giữ, cũng như cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Hai là, rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Như đã nêu trên, hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là TCTD và doanh nghiệp BĐS. Trong đó, TPDN được phát hành bởi các TCTD có mức rủi ro khá thấp do những đặc thù riêng như: (i) chủ yếu được phát hành bởi các TCTD có quy mô lớn, kết quả kinh doanh khá tốt và ổn định, năng lực tài chính vững mạnh; (ii) tính công khai, minh bạch được đảm bảo do các đa số TCTD đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán; (iii) việc phát hành trái phiếu của các TCTD phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn; (iv) mục đích phát hành rõ ràng (chủ yếu là để tăng vốn cấp 2 nhằm đảm bảo đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế như Basel II hoặc đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh như đối với các công ty tài chính); (v) các TCTD có quỹ dự phòng rủi ro cho hoạt động tín dụng và đầu tư. Vì lẽ đó, các TCTD thường phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm (chủ yếu được bảo đảm bởi các đặc thù trên). Thực tế cho thấy, đến nay hầu như chưa có trái phiếu quá hạn hoặc trở thành nợ xấu đối với các TPDN do TCTD phát hành.

Đối với nhóm doanh nghiệp BĐS, rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu TPDN ở mức độ cao hơn nhiều. Thực tế cho thấy doanh nghiệp BĐS chiếm đa số (khoảng 68%) trong lượng TPDN chậm thanh toán đến nay (như nêu trên). Trong 6 tháng cuối năm 2024, VBMA ước tính có khoảng 139,77 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu BĐS với 58,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 42%). VIS Rating ước tính khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Hy vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024-2025 và đà phục hồi SXKD, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần.

Ba là, rủi ro lan truyền và liên thông giữa thị trường ngân hàng – chứng khoán – BĐS vẫn luôn tiềm ẩn và cần lường đón bởi những lý do sau. Thứ nhất, có nhiều mối quan hệ giữa ngân hàng - chứng khoán –– BĐS, cụ thể: (i) đến cuối tháng 6/2024, các TCTD cho vay lĩnh vực BĐS với dư nợ khoảng 3,02 triệu tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng dư nợ của nền kinh tế; (ii) nhiều tài sản đảm bảo tín dụng là BĐS (khoảng 65%); (iii) khoảng 40% lượng TPDN phát hành được nắm giữ bởi ngân hàng thương mại (NHTM); (iv) vốn hóa NHTM niêm yết chiếm khoảng 30% và doanh nghiệp BĐS hiện nay chiếm khoảng 12% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) (theo Vietstock). Thứ hai, khi nghe tin đồn tiêu cực trên thị trường, nhà đầu tư có thể đổ xô bán TPDN; bán cổ phiếu lĩnh vực BĐS, cổ phiếu NHTM và cổ phiếu khác (một phần do tâm lý đám đông), khiến giá chứng khoán giảm nhanh hoặc đổ xô rút tiền gửi ngân hàng, dẫn đến rủi ro thanh khoản. Thứ ba, hệ số tín nhiệm quốc gia, hệ số tín nhiệm của các doanh nghiệp và NHTM, và thu hút đầu tư nước ngoài có thể sụt giảm do lĩnh vực tài chính – BĐS và ổn định kinh tế vĩ mô là hai trong các tiêu chí định hạng của các tổ chức quốc tế định hạng quốc tế…v.v.

Bốn là, quy mô của thị trường còn nhỏ. Như đã nêu ở phần trên, quy mô dư nợ TPDN tại Việt Nam giảm dần từ năm 2021 đến nay (từ khoảng 15% GDP xuống còn 9,6% GDP cuối năm 2023). Tỷ trọng này thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan (26,65% GDP), Trung Quốc (37,65% GDP), Singapore (27,78% GDP), Malaysia (53,58% GDP) hay Hàn Quốc (95,86% GDP)…v.v. Quy mô hiện tại của thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế. Điều này tạo ra áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn, ảnh hưởng tới khả năng phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, thị trường TPDN đang phát triển chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Theo VBMA, tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%, và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn. So với phát hành riêng lẻ, quy định phát hành ra công chúng chặt chẽ hơn, công phu hơn và mất nhiều thời gian hơn; ví dụ như doanh nghiệp phải xin phép UBCKNN để phát hành; doanh nghiệp phải có lãi năm liền trước năm đăng ký chào bán, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT hoặc chủ sở hữu công ty thông qua, có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với công ty phát hành trái phiếu trong các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm, thời gian chờ đợi phản hồi của UBCKNN (thời hạn giải quyết của UBCKNN là trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ)…v.v.

Sáu là, cơ cấu nhà đầu tư TPDN còn nhiều bất cập. NHTM hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Sức mua lệ thuộc khá lớn vào NHTM làm cho thị trường trái phiếu chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế (bởi một phần lớn nguồn cung vốn thực ra vẫn là từ các NHTM). Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ trái phiếu đến hạn sẽ ảnh hưởng tới các NHTM với tư cách trái chủ, làm nợ xấu tăng và ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cũng như sự ổn định hệ thống tài chính.

Bảy là, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư… chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời; hệ thống giao dịch TPDN tập trung mới đưa vào vận hành được hơn 1 năm…, cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý và tính thanh khoản của thị trường.

Tám là, việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định cao hơn, liệu có còn là rào cản đối với phát hành TPDN riêng lẻ hay không là chưa rõ do chưa có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể kể từ khi quay lại áp dụng từ đầu năm 2024 đến này.

Chín là, nhận thức và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến dễ xảy ra tâm lý đám đông, đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, bất chấp rủi ro…. như đã xảy ra đối với các vụ việc vừa qua, để lại hậu quả lâu dài, phục hồi niềm tin khá lâu như nêu trên.

5. Giải pháp phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN ViệtNam:

5.1. Nhóm giải pháp ngắn hạn: giải pháp trước mắt đến hết năm 2024 và cả năm 2025 là tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN. Theo đó, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn như sau:

- Với Chính phủ, các bộ - ngành liên quan: (i) sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm phát hành TPDN vừa qua, trong đó có việc xem xét hoàn trả tiền của nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu do doanh nghiệp vi phạm đã phát hành; (ii) cần sớm cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, khuyến khích DN phát hành trái phiếu ra công chúng (xem xét giảm thời gian xử lý hồ sơ xét duyệt, cho phép DN không có lãi năm liền trước được phát hành nếu đạt mức xếp hạng tín nhiệm, etc…), đây nên là kênh gọi vốn quan trọng của DN khi phát hành TPDN riêng lẻ được kiểm soát chặt chẽ hơn; (iii) cần bổ sung các chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN), trong đó có yêu cầu định hạng đối với các DN, các đợt phát hành khác nhau (việc xem xét sửa đổi Nghị định 65/2022 cũng nên có mục đích này); và (iv) sớm ban hành Danh mục phân loại xanh để làm cơ sở phát triển tài chính xanh, trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

- Về phía DN phát hành: (i) cần đẩy mạnh, quyết liệt tái cơ cấu, chủ động bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết (chấp nhận bán tài sản với mức chiết khấu cao (đặc biệt là các DN BĐS) để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ); (ii) thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng và nhà đầu tư trong việc hoàn trả tiền của trái chủ đang nắm giữa trái phiếu do DN phát hành.

5.2. Nhóm giải pháp trung - dài hạn, góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững bao gồm:

- Một là, tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 (ban hành ngày 21/2/2022), Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 (ban hành ngày 29/12/2023); cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế (như sửa đối Luật Chứng khoán 2019, Luật DN 2020, Luật đầu tư 2020; cơ chế thử nghiệm cho các dịch vụ, mô hình tài chính số mới; cơ chế, chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh, tài chính xanh….).

- Hai là, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…v.v. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp vận hành an toàn, hiệu quả là nội dung cần tiếp tục quan tâm triển khai nhằm tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát thị trường…v.v.

- Ba là, liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân (thông qua tăng cường giáo dục tài chính) và nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…) thông qua nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ, đối với quỹ mở, theo Thông tư 98/2022/TT-BTC thì quỹ mở chỉ được đầu tư vào “trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành…”. Các điều kiện này khiến quỹ mở khó có thể mua được TPDN phát hành riêng lẻ, do chỉ có một số ít được bảo lãnh thanh toán (chỉ có khoảng 14,5% TPDN phát hành trong 6 tháng đầu năm 2024 có điều khoản đảm bảo ). Do đó, điều kiện này nên xem xét sửa đổi phù hợp…v.v.

- Bốn là, hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường. Việc hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, rà soát quy trình thường xuyên, áp dụng chế tài thích hợp với các hiện tượng lách luật, sử dụng vốn sai mục đích...v.v. cần được thực thi nghiêm túc, hiệu quả hơn. Theo đó, việc xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu, cùng với các báo cáo cập nhật, phân tích, nhận định tình hình thị trường định kỳ và thường xuyên là rất cần thiết. Đồng thời, quan tâm nâng cao năng lực tổ chức – bộ máy thanh tra, giám sát TTCK bởi qui mô thị trường ngày càng lớn, hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp và ứng dụng nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới.

- Năm là, thị trường TPDN là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính. Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính (bao gồm cả rủi ro liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – BĐS…); đòi hỏi phối hợp chính sách, chia sẻ thông tin, dữ liệu tốt hơn nữa giữa các cơ quan chức năng.

- Sáu là, bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần: (i) đa dạng hóa nguồn vốn; (ii) quan tâm quản lý rủi ro (nhất là rủi ro dòng tiền, rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá..); (iii) chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, tài liệu công bố thông tin…; (iv) quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh, kinh doanh tuần hoàn và chuyển đổi số vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa đảm bảo thích ứng, phát triển an toàn, bền vững lâu dài.

- Cuối cùng, về phía nhà đầu tư: cần trau đồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, DN chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.

Nguồn tham khảo

[1] https://vietstock.vn/2024/02/chinh-sach-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-hon-hai-thap-nien-qua-3118-1151983.htm

[2] https://baodauthau.vn/thay-gi-tu-cau-truc-so-huu-trai-phieu-doanh-nghiep-post160968.html

Nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sáng 16/8 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững".

Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm...

Sự kiện được tường thuật trên các nền tảng của Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và chuyên trang tiếng Anh TheInvestor.vn.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Tạp chí Nhà đầu tư, tầng 7, số 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, hoặc liên hệ Ms Nguyễn Hồng, thư ký Ban biên tập (Phone: 098.966.8400; Email: nguyenhong@nhadautu.vn).

(*) TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện ĐT&NC BIDV

  • Cùng chuyên mục
Eximbank 'bác' thông tin NHNN thanh tra cấp tín dụng

Eximbank 'bác' thông tin NHNN thanh tra cấp tín dụng

Eximbank khẳng định rằng không nhận được bất kỳ quyết định nào của NHNN về việc tiến hành thanh tra về các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng trong thời gian gần đây.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Chứng khoán liên tục điều chỉnh, dấu hiệu nào cho biết đáy?

Chứng khoán liên tục điều chỉnh, dấu hiệu nào cho biết đáy?

Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh liên tục nhiều phiên liên tiếp, VN-Index về gần mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản kém cùng khối ngoại tiếp tục bán ròng khiến thị trường kém hấp dẫn hơn.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Gặp khó ở nhiều dự án, PTSC Quảng Ngãi làm ăn ra sao?

Gặp khó ở nhiều dự án, PTSC Quảng Ngãi làm ăn ra sao?

Trong 9 tháng đầu năm 2024, CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (PTSC Quảng Ngãi) ghi nhận hơn 1.184 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 22,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 74,3% và 69,4% so với cùng kỳ 2023.

Tài chính - 20/11/2024 06:30

Thấy gì từ diễn biến bán ròng của khối ngoại?

Thấy gì từ diễn biến bán ròng của khối ngoại?

Ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa thực sự hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì thế khối ngoại liên tục rút vốn và thanh khoản thị trường giảm dần qua từng tháng.

Tài chính - 19/11/2024 14:22

Thủy điện Hủa Na chi hơn 235 tỷ chia cổ tức cho các cổ đông

Thủy điện Hủa Na chi hơn 235 tỷ chia cổ tức cho các cổ đông

CTCP Thủy điện Hủa Na (HoSE: HNA) vừa lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 cho các cổ đông của công ty, với tổng số tiền hơn 235 tỷ đồng.

Tài chính - 19/11/2024 11:22

InvestingPro chính thức phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý

InvestingPro chính thức phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý

Vừa qua, Công ty Cổ phần InvestingPro đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank (VCBF). Theo thoả thuận đã ký kết, InvestingPro sẽ chính thức trở thành đại lý phân phân phối chứng chỉ quỹ mở do VCBF quản lý.

Chứng khoán - 19/11/2024 10:29

Bimico - vì đâu nên nỗi?

Bimico - vì đâu nên nỗi?

Từng là ngôi sao sáng với chuỗi tăng trưởng ấn tượng, tình hình kinh doanh của Bimico dần đi xuống trong nhiều năm. Hiện nay, phần lớn tài sản Bimico dồn vào khu công nghiệp và đầu tư mua cổ phiếu VLB.

Tài chính - 19/11/2024 06:30

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường

Hôm nay (ngày 18/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường qua 4 ngân hàng TMCP nhà nước và SJC. Giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.

Tài chính - 18/11/2024 11:16

Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn

Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn

Quỹ đầu tư TAEL Two Partners muốn bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNS của Vinasun. Nếu thành công, quỹ ngoại này sẽ 'cắt lỗ' thành công khi hạ tỉ lệ sở hữu về 0%.

Tài chính - 18/11/2024 10:15

Đô thị Kinh Bắc cần hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu nợ

Đô thị Kinh Bắc cần hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu nợ

Đô thị Kinh Bắc sẽ chào bán 250 triệu cổ phiếu cho 11 nhà đầu tư, giá không thấp hơn 16.200 đồng/cp. Công ty có nhu cầu hơn 6.000 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ.

Tài chính - 18/11/2024 06:30

Đằng sau sự lao dốc của cổ phiếu GKM Holdings

Đằng sau sự lao dốc của cổ phiếu GKM Holdings

Cổ phiếu GKM Holdings đã bị thao túng trong giai đoạn tăng nóng cuối 2021 và đầu 2022. Đây cũng là khoảng thời gian Chứng khoán APG gom mua thành cổ đông lớn.

Tài chính - 17/11/2024 14:15

LPBank báo lãi gần 10.000 tỷ 10 tháng đầu năm

LPBank báo lãi gần 10.000 tỷ 10 tháng đầu năm

Chia sẻ tại EGM năm 2024, lãnh đạo LPBank cho biết lợi nhuận ngân hàng 10 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng tự tin sẽ vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao cho từ đầu năm.

Tài chính - 16/11/2024 17:09

Nhựa Đà Nẵng lãi trở lại trong quý III/2024

Nhựa Đà Nẵng lãi trở lại trong quý III/2024

Sau thời gian thua lỗ, tình hình kinh doanh của CTCP Nhựa Đà Nẵng đã tích cực hơn trong quý III/2024 khi lợi nhuận sau thuế đạt 460,9 triệu đồng.

Tài chính - 16/11/2024 14:42

Chứng khoán liệu có tiếp tục giảm sâu?

Chứng khoán liệu có tiếp tục giảm sâu?

Chuyên gia chứng khoán cho rằng xác suất thị trường chứng khoán giảm sâu trong các phiên tới khá thấp trừ khi xuất hiện các thông tin biến động bất ngờ về căng thẳng địa chính trị.

Tài chính - 16/11/2024 14:09

Lãnh đạo Bamboo Capital: Mảng năng lượng có nhiều tiến triển về chính sách

Lãnh đạo Bamboo Capital: Mảng năng lượng có nhiều tiến triển về chính sách

Lãnh đạo Bamboo Capital cho biết trong quý II và III mảng năng lượng tái tạo có chính sách như Nghị định 80 và Nghị định 135 mở ra nhiều cơ hội, song bất động sản còn chậm.

Tài chính - 16/11/2024 08:55

Ngân hàng nào đang huy động vốn kỳ hạn 6 tháng cao nhất hệ thống?

Ngân hàng nào đang huy động vốn kỳ hạn 6 tháng cao nhất hệ thống?

Tháng 11, Ngân hàng Bắc Á xếp vị trí đứng đầu trong việc huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng này cũng đang là nơi áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cao nhất trong hệ thống.

Tài chính - 16/11/2024 08:53