Thị trường TPCP đang dần phát triển theo chiều sâu

Ngoài sự cải thiện về quy mô và thanh khoản thì cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng chuyển biến theo hướng tích cực.
LINH TRANG
03, Tháng 09, 2018 | 08:47

Ngoài sự cải thiện về quy mô và thanh khoản thì cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng chuyển biến theo hướng tích cực.

5e093_b6f37_trai_phieu_opt_ibps

 

Quy mô thị trường tăng dần

Theo thông tin từ Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, tính đến cuối tháng 7-2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP; còn lại là trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô này mặc dù đã tăng mạnh so với năm 2014 (khi đó dư nợ TPCP chỉ chiếm 14% GDP) nhưng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP). Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số quốc gia trong khu vực là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện mới chỉ đang bắt đầu hình thành.

Bối cảnh vĩ mô thuận lợi trong ba năm gần đây (lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, sự gia nhập ngày càng nhiều của các công tỷ bảo hiểm nhân thọ) đã giúp Bộ Tài chính có nhiều điều kiện để phát hành TPCP các kỳ hạn dài như 15 năm, 20 năm, 30 năm. Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP hàng năm đã được cải thiện, năm 2017 đạt mức 12,74 năm, bảy tháng đầu năm 2018 đạt mức 13,16 năm, trong khi năm 2013 chỉ là 3,21 năm. Kết quả, kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 2,38 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm vào cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.

Ngoài việc giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục TPCP thì việc phát hành được TPCP kỳ hạn dài còn giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Thêm vào đó, sự đa dạng về các loại kỳ hạn cũng giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 10.400 tỉ đồng/phiên trong bảy tháng đầu năm 2018, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000-2.000 tỉ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011-2013. So với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP Việt Nam hiện đã tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu đô la Mỹ/phiên - tương đương 12.600 tỉ đồng/phiên), tuy nhiên vẫn thấp hơn một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ/phiên - tương đương khoảng 32.000 tỉ đồng/phiên).

Cơ cấu nhà đầu tư có sự chuyển biến

Ngoài sự cải thiện về quy mô và thanh khoản thì cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP cũng chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện qua việc tăng tỷ lệ nắm giữ TPCP của BHXH Việt Nam, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM. Tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NHTM từ mức 77% đầu năm 2016 giảm xuống còn 53,7% vào cuối năm 2017 (tương đương với các nước Singapore, Malaysia nhưng thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc). Tỷ trọng đầu tư của các nhà đầu tư dài hạn tăng từ mức 23% đầu năm 2016 lên mức 46,3% vào cuối năm 2017. Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản. Danh mục còn lại do các nhà đầu tư là BHXH Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Việc gia tăng tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự phát triển dần theo chiều sâu của thị trường TPCP Việt Nam. Bởi thông thường, tại các thị trường trái phiếu phát triển, cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường khá cân bằng. Theo đó, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các NHTM thường chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại phân bổ tương đối đều cho các nhóm nhà đầu tư khác, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ đầu tư.

Mặc dù vậy, những thông tin hồi cuối tháng 5-2018 vừa qua cho biết ngân sách nhà nước vẫn còn nợ Quỹ BHXH Việt Nam 22.090 tỉ đồng. Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép phát hành TPCP nhận nợ với BHXH Việt Nam để thực hiện chuyển 22.090 tỉ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước vào quỹ này theo lộ trình: năm 2018 là 6.000 tỉ đồng, năm 2019 là 7.000 tỉ đồng, năm 2020 là 9.090 tỉ đồng. Về phía Chính phủ, phương án trên rõ ràng là có lợi nhưng ngược lại, ở khía cạnh nhà đầu tư, cụ thể ở đây là BHXH Việt Nam, sẽ ở vị thế bất lợi hơn. Họ không được chủ động quyết định phương án đầu tư với nguồn lực của mình. Cùng với số tiền 22.090 tỉ đồng đó, nếu cảm thấy đầu tư vào TPCP không hấp dẫn, BHXH Việt Nam có thể chọn lựa các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, thậm chí là giữ tiền mặt chờ đợi cơ hội đầu tư khác hiệu quả hơn xuất hiện. Trên thực tế thì việc Quỹ BHXH đầu tư phần lớn tài sản vào TPCP ở các nước là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, cần lưu ý là việc phát hành nợ công tại các nước phát triển được Quốc hội nước họ giám sát rất chặt chẽ. Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho Quỹ BHXH Việt Nam, mà cụ thể ở đây là tài sản của người lao động, việc đầu tư vào kênh TPCP cũng cần có sự thận trọng và độc lập nhất định, tránh trường hợp “chủ nợ” cũng bị đưa vào tình thế “bị động”.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ