Tháo gỡ điểm nghẽn tạo bước 'nhảy vọt' cho bất động sản công nghiệp

Nhàđầutư
Dù đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, doanh nghiệp. Song, thị trường bất động công nghiệp Việt Nam vẫn còn đó những điểm nghẽn như hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính chưa được cải thiện và thiếu nguồn lao động chất lượng cao.
VŨ PHẠM
27, Tháng 07, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Dù đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, doanh nghiệp. Song, thị trường bất động công nghiệp Việt Nam vẫn còn đó những điểm nghẽn như hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính chưa được cải thiện và thiếu nguồn lao động chất lượng cao.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, nửa đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

6 tháng đầu năm chứng kiến số vốn đăng ký đầu tư giảm đến 48,2% so với cùng kỳ năm 2021 khi chỉ cấp giấy chứng nhận cho 752 dự án. Dẫu vậy, về vốn điều chỉnh lại có đến 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ…

Trong 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư, giảm 26,6% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đứng thứ 2 với hơn 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19%, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4%...

kcx-tan-thuan

Toàn cảnh khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: KCX Tân Thuận

Về địa phương đang thu hút đầu tư, Bình Dương vẫn cho thấy lợi thế của thủ phủ công nghiệp khi dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,53 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021. TP.HCM đã vươn lên thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn, tăng 55,2% so với cùng kỳ...

Bên cạnh cơ chế, ưu đãi của Chính phủ đang dành cho các nhà đầu tư thì thị trường bất động công nghiệp vẫn còn đó những điểm nghẽn hiện hữu mà theo các nhà đầu tư, chuyên gia nhìn nhận cần được tháo gỡ để bước vào giai đoạn phát triển mới thay vì giải quyết từng bước.

Đầu tiên, trở ngại lớn nhất đó là về hạ tầng giao thông kết nối. Việc thiếu đồng bộ, hạ tầng đi sau nên chi phí vận chuyển, logistics ở nước ta đang cao nhất châu Á, điều này giảm sức hút các nhà đầu tư và đón làn sóng dịch chuyển.

Đơn cử như câu chuyện vận chuyển xuống các KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay chỉ có một con đường kết nối là thông qua QL51 nhưng tuyến đường đã quá tải. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nên sẽ mất thêm vài năm nữa mới có thể kỳ vọng tăng cương kết nối liên vùng. Hay như từ TP.HCM đi xuống các KCN ở Tây Ninh cũng chỉ có tuyến QL22, tuyến này cũng đã quá tải từ lâu. Do đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có vài trò quan trọng, kết nối các KCN và cơ sở logistic ở Tây Ninh với TP.HCM tốt hơn…

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước… nhằm tăng tính cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

"Quy hoạch vùng, quy hoạch các KCN rất tốt, thông qua tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối các tỉnh công nghiệp. Nhưng việc triển khai, hoàn thành cơ sở hạ tầng trọng yếu đang còn chậm và là nút thắt lớn trên thị trường", bà Trang nói và nhìn nhận, ngay cả các địa phương, hạ tầng giao thông trong nhiều địa phương còn yếu dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư và phát triển logistics.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho rằng, phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển hạ tầng giao thông. Đây mới là vấn đề cần giải quyết trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố.

Một điểm nghẽn nữa đó chính là chính sách. Vị Chủ tịch Shinec cho rằng, muốn làm được bất động sản công nghiệp thì điều đầu tiên chúng ta phải suy nghĩ đến quy hoạch của tỉnh, thành phố hoặc quy hoạch vùng. Tiếp theo là việc tích hợp giữa luật quy hoạch và luật đất đai cần đưa ra quy định chung.

"Nếu các điều luật không tương thích với nhau thì các nhà đầu tư vẫn làm được nhưng rất khó khăn. Từ đó, kéo theo các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương cũng rất khó xử lý khi phải điều chỉnh các luật, thời gian triển khai dự án kéo dài, phát sinh vấn đề các cấp chính quyền cũng rất khó xử lý", ông Điệp cho hay.

Trong khi đó, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho rằng, ngoài việc cải thiện chi phí logistics, Việt Nam hiện nay cần tập trung vào chính sách để hút dòng vốn, nhà đầu tư.

"Chúng ta nên bỏ quy trình hiện hữu, bởi quy trình cải cách có thể còn chậm. Cái chúng ta cần ở đây chính là bước nhảy vọt vào giai đoạn phát triển mới bằng cách số hóa. Từ khóa ở đây chính là “nhảy vọt”, dứt khoát phải thay đổi chứ không thể từ từ được", ông Bruno Jaspaert nhận định và cho biết, chúng ta không thể nói với một nhà đầu tư đang muốn xây dựng nhà máy ở Việt Nam với số vốn 1 tỷ USD mà thủ tục mà mất hàng tháng trời.

Đặc biệt, vấn đề rất lớn các KCN, khu chế xuất là thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao. Ngoài ra, ở các KCN, khu chế xuất - nơi sử dụng đến 30% lao động di cư lại không có dịch vụ hạ tầng xã hội (ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm xã hội…) và người lao động ít có cơ hội tiếp cận với các tiện nghi cơ bản. Điều này, dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, KCN, khu chế xuất.

Để thu hút đầu tư nước ngoài và luôn đón đầu xu hướng, đặc biệt là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng người lao động.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động FDI và xuất khẩu tiếp tục khởi sắc. Cùng với việc Chính phủ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đặc biệt là việc ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5 vừa qua về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế, dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp đang hứa hẹn sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong bối cảnh mới và đề xuất các giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư, nhất là FDI chất lượng cao vào các Khu công nghiệp - Khu kinh tế, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ KH&ĐT và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 với chủ đề "Khơi thông làn sóng đầu tư mới".

Thời gian tổ chức từ 8-12h, thứ 5, ngày 11/8/2022 tại Novaland Gallery, số 2 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ