Thanh toán bằng nhân dân tệ tại biên giới: Không phải bây giờ mới được phép

Thời gian gần đây nhiều thông tin cho rằng NHNN vừa ban hành thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 12-10-2018 sẽ cho phép người dân vùng biên giới được dùng Nhân dân tệ (CNY) để thanh toán trong trong giao dịch.
THANH HƯƠNG
04, Tháng 09, 2018 | 06:45

Thời gian gần đây nhiều thông tin cho rằng NHNN vừa ban hành thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 12-10-2018 sẽ cho phép người dân vùng biên giới được dùng Nhân dân tệ (CNY) để thanh toán trong trong giao dịch.

0eb40_nhan_dan_te

 

Theo một vị lãnh đạo NHNN thông tin này chưa chính xác, việc cho phép giao dịch đồng bản tệ của hai nước vùng biên giới đã có từ 2004 và thông tư 19 chỉ để hướng dẫn cho Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới vừa ban hành trong năm nay.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Vụ phó Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước hiện nay Việt Nam có các quy định về cơ chế thanh toán biên mậu với ba nước có chung biên giới gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia. Các cơ chế thanh toán này được thực hiện trên cơ sở Hiệp định thanh toán song phương ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương ba nước có chung biên giới nói trên. Trên cơ sở các hiệp định thanh toán song phương, Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động thanh toán biên mậu tại ba khu vực biên giới.

Theo tinh thần các hiệp định nói trên, để thúc đẩy thương mại biên giới, giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ, bên cạnh việc thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo thông lệ quốc tế, khuyến khích thương nhân, ngân hàng sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán, khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Đồng bản tệ chỉ được lưu hành tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu.

Ông Minh cho biết cơ chế thanh toán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc được triển khai thực hiện từ năm 2004 trên cơ sở quy định tại Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thương mại biên giới hai nước Việt – Trung.

Ngày 23/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Nghị định 14 quy định cụ thể hơn các hoạt động thương mại biên giới bao gồm: mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và giao trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về thanh toán đối với các hoạt động thương mại biên giới nêu trên.

"Do đó, NHNN là đơn vị phụ trách việc ban hành Thông tư số 19 để hướng dẫn thực hiện Nghị định 14 của Chính phủ và khắc phục những vướng mắc tại Quyết định 689, từ đó hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu Việt - Trung", ông Minh nói thêm.

Như vậy hoàn toàn không có việc NHNN vừa cho phép thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại khu vực biên giới từ ngày 12-10-2018, mà chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số điều chưa phù hợp của Quyết định 689 và cũng là để hướng dẫn Nghị định 14.

Trong khi đó nhiều ngày qua rất nhiều ý kiến của những người tham gia mạng xã hội nghĩ rằng NHNN sắp ban hành quy định cho phép thanh toán nhân dân tệ tại biên giới và lo ngại việc cho phép dùng đồng nhân dân tệ để trao đổi sẽ làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng sẽ có tình trạng đồng nhân dân tệ lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng sẽ khiến NHNN không kiểm soát được, có thể gián tiếp làm ảnh hưởng đến tiền đồng…

Trước những ý kiến trên vị lãnh đạo NHNN cho rằng việc phản ứng với một quy định đã có từ lâu khiến dư luận bất an là điều không nên có. Và theo vị này với những quy định chặt chẽ tại Thông tư 19 thì sẽ khó có thể xảy ra khả năng xấu như trên.

Cụ thể, phương thức thanh toán chủ yếu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân là thanh toán qua ngân hàng với đồng tiền thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi, tiền đồng Việt Nam (VND) và nhân dân tệ (CNY). Trường hợp thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Điều 6 Nghị định 14 được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) nhưng phải nộp vào ngân hàng trong vòng 7 ngày trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ.

Còn cư dân biên giới và thương nhân kinh doanh, giao dịch tại chợ biên giới được áp dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng bằng đồng bản tệ là CNY, VND, và chỉ được phép thanh toán tiền mặt bằng tiền đồng, không được thanh toán bằng nhân dân tệ tiền mặt.

“Qua thống kê thì trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước Việt Nam, Trung Quốc thì thanh toán bằng nhân dân tệ hiện chỉ chiếm 5%, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu vẫn dùng đô la Mỹ trong thanh toán”, vị này nói thêm.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng thông tư ban hành đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh đối với hoạt động thanh toán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thanh toán qua ngân hàng, hạn chế thanh toán tiền mặt, thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ