Tháng 3- thời điểm then chốt với kinh tế toàn cầu

Các câu trả lời cho một loạt vấn đề lớn có thể quyết định hướng đi của kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho đến mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ được sáng tỏ trong tháng 3 này.
LÊ LINH
04, Tháng 03, 2019 | 07:36

Các câu trả lời cho một loạt vấn đề lớn có thể quyết định hướng đi của kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho đến mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ được sáng tỏ trong tháng 3 này.

ae310_tap_trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017. Ảnh: Getty

Theo hãng tin Bloomberg, những tuần sắp tới của tháng 3 sẽ đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế thế giới khi mà nhiều vấn đề hệ trọng được định đoạt bao gồm thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Đồng thời, trong tháng 3 này, Tổng thống Donald Trump có thể ra quyết định áp thuế phạt 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô của châu Âu và Nhật Bản; trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ thông báo chính sách tiền tệ của họ.

Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm nhất là vào giữa tháng 3.

Trả lời báo chí hôm 28-2, Giám đốc Hội đồng Kinh tế nhà trắng Larry Kudlow, cho biết các cuộc đàm phán giữa hai nước đã đạt được các tiến triển “tuyệt vời”.

Ông nói: “Các tiến triển đã đạt được là rất lớn. Nhưng chúng ta phải nghe thêm từ phía Trung Quốc. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải nghe thêm từ Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi nghĩ chúng ta đang hướng đến một thỏa thuận lịch sử”.

Hôm 28-2, tờ South China Morning Post cho biết ông Tập đang lên kế hoạch đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida để gặp Tổng thống Trump vào cuối tháng 3.

“Nếu ông Tập đến Mar-a-Lago, ông Trump sẽ có nhiều động lực để biến hội nghị thượng đỉnh này thành công”, Susan Thornton, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Song bà cũng cảnh báo: “Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung phải được hoàn tất phần lớn nội dung trước khi ông Tập lên đường”.

Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh ở Mar-a-Lago với ông Tập từ nhiều tuần trước nhưng lúc đó, ông Tập muốn cuộc gặp diễn ra ở đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Với việc chấp nhận cuộc gặp được tổ chức ở Mar-a-Lago, Bắc Kinh có thể đang nhượng bộ Washington.

Vị cựu quan chức Nhà Trắng nói: “Ông Tập có thể mang đến một thỏa thuận với nhượng bộ lớn để đổi lấy quyết định chấm dứt chiến tranh thương mại của ông Tập”.

Dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được một thỏa thuận như vậy thì đó có thể chỉ là sự giải tỏa căng thẳng ngắn ngủi và nếu như Anh rời EU vào ngày 29-3 tới nhưng không có thỏa thuận “ly hôn” nào để duy trì ổn định dòng chảy thương mại và dịch vụ giữa hai bên sau đó thì sẽ có một viễn cảnh gây áp lực thêm cho đà tăng trưởng đang “ỉu xìu” ở châu Âu.

Hồi tháng 1, dự luật thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu chống áp đảo. Thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực vận động Hạ viện Anh thông qua dự luật này (đã được chỉnh sửa) trong cuộc bỏ phiếu ngày 12-3 tới. Nếu các nghị sĩ Anh tiếp tục ngăn chặn dự luật, họ có thể sẽ phải bỏ phiếu về việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận hoặc kéo dài thời hạn rời EU.

Trong vòng 10 ngày bắt đầu từ 5-3, kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc sẽ diễn ra và thông qua kế hoạch kinh tế cho cả năm 2019. Trọng tâm của kỳ họp này là xác định mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay. Một số chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% hoặc từ 6-6,5%, thấp so với mức 6,5% trong hai năm qua.

Các dữ liệu quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ được công bố trong những tuần tới và sẽ cho thấy liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đang phản ứng tốt với chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tăng trưởng được tung ra trong những tháng gần đây hay không.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chi nhánh ngân hàng Natixis (Pháp) ở Hồng Kông, nói: “Dữ liệu tháng 3 cần phải cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, nếu không, chúng ta sẽ phải lo ngại”.

“Những tuần sắp tới có thể giúp sáng tỏ hơn về Brexit, lời đe dọa áp thuế của Mỹ nhằm vào các nhà sản xuất ô tô châu Âu và liệu Bắc Kinh có thành công trong nỗ lực tái kích thích tăng trưởng hay không. Kết quả tốt trong mỗi trường hợp có thể cải thiện triển vọng cho các nhà xuất khẩu và tâm lý của giới doanh nghiệp”, Sarah Hewin, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Âu và châu Mỹ ở Ngân hàng Standard Chartered, nói.

Hôm 1-3, viết trên Twitter, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ hoàn toàn thuế đang áp vào hàng hóa nông nghiệp Mỹ, bao gồm các sản phẩm thịt heo và thịt bò vì cả hai bên đang đạt được các tiến triển tốt trong đàm phán thương mại.

Năm ngoái, Bắc Kinh áp thuế trả đũa 25% nhằm vào nhiều mặt hàng nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt heo, thịt bò...

Nông dân là bộ phận cử tri quan trọng đối với đảng Cộng hòa của ông Trump. Yêu cầu của Tổng thống Trump cho thấy ông đang nhận thấy tác động ngày càng lớn của cuộc chiến tranh thương mại đối với các nông dân Mỹ.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ