Sửa đổi Nghị định 82: Làm sao để dọn ổ đón đại bàng?

Nhàđầutư
Nhiều 'nút thắt' trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đại diện các doanh nghiệp lớn nêu ra nhằm 'dọn ổ đón đại bàng' trong thời gian tới.
ĐÌNH VŨ
22, Tháng 09, 2021 | 16:43

Nhàđầutư
Nhiều 'nút thắt' trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đại diện các doanh nghiệp lớn nêu ra nhằm 'dọn ổ đón đại bàng' trong thời gian tới.

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT). Ngày 22/9, Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo để tìm ra những 'nút thắt' trong Nghị định 82 và lấy ý kiến góp ý từ đại diện các KCN, KKT để hoàn thiện nghị định sửa đổi.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho rằng: Sửa đổi Nghị định 82 lần này cần có tư duy mới, làm sao để dọn ổ đón đại bàng đúng theo chủ trương, yêu cầu của Chính phủ.

Trong quá trình thực tiễn hoạt động, ông Điệp cho biết, Nghị định 82 có những vướng mắc lớn, cơ bản trong quy định về tỷ lệ lấp đầy, ưu đãi cho KCN sinh thái và phát triển đồng bộ nhà ở cho công nhân.

20210921_164656

Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Cụ thể, theo quy định hiện hành, điều kiện xem xét điều chỉnh mở rộng quy mô diện tích KCN là "KCN đã hình thành trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%". Điều này tạo bất lợi cho nhà đầu tư KCN khi muốn thành lập mới hoặc mở rộng quy mô. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất nên bỏ quy định về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%.

Vướng mắc tiếp theo là quy định ưu đãi cho KCN sinh thái. Hiện KCN sinh thái là xu thế chung của thế giới, phù hợp với các cam kết FTA, sẽ là điều kiện trọng tâm trong tương lai của các KCN khi mời gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi, doanh nghiệp cần đầu tư hạ tầng, định vị lại quản lý dịch vụ cũng như xu hướng đầu tư. Vì vậy doanh nghiệp rất cần những tiêu chí cụ thể và đơn giản hoá thủ tục chứng nhận KCN sinh thái. Cùng với đó là những ưu đãi được quy định rõ ràng để thúc đẩy các KCN cũ chuyển đổi mô hình để chuyển sang KCN sinh thái. 

Cuối cùng, ông Điệp cho rằng: COVID-19 cho thấy nhu cầu nhà ở cho công nhân là vô cùng quan trọng để đảm bảo đời sống của người công nhân trong KCN. Tuy nhiên, Nghị định 82 là văn bản dưới luật nên cần có sự tích hợp sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch để KCN có điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp phù hợp với thực tiễn.

"Hiện nay ở các văn bản cũ, quy định nhà ở cho công nhận với định dạng 4-6-8 người/phòng không còn phù hợp. Công nhân cũng phải có đời sống vật chất, tinh thần. Vì vậy, cần tư duy mới trong xây dựng tiện ích, nhà ở cho cán bộ, công nhân trong KCN như trạm y tế, nhà trẻ, bãi để xe, chợ, mini mart.... Đó sẽ là điều kiện để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới", ông Điệp nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An góp ý: Dường như dự thảo sửa đổi dự thảo sửa đổi Nghị định 82 còn có những quy định thắt chặt hơn so với quy định cũ.

Ví dụ trong quy định chuyển đổi đất trồng lúa có những điều khoản chưa phù hợp Luật Đầu tư. Cụ thể, dự thảo quy định: Quy mô diện tích khu công nghiệp đầu tư theo từng giai đoạn tối đa không quá 500 ha mỗi giai đoạn; dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…; không phát triển KCN mới có yêu cầu chuyển mục đích SDĐ trồng lúa với quy mô từ 200 ha trở lên; hay diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên trong phạm vi khu công nghiệp là 200 ha đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; 150 ha đối với vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; 100 ha đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

"Thực tế áp dụng, chúng tôi là nhà đầu tư ở Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, chỉ có vùng đồng bằng phù hợp phát triển KCN, nhưng địa hình đồi núi, biển, đồng bằng xen kẽ. Nếu áp dụng quy định trên, quy mô dự án sẽ rất nhỏ, nhà đầu tư không mặn mà và có làm cũng khó áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ", bà Liên nói.

Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất, cần sửa đổi Nghị định 82 theo hướng tăng quy mô dự án được cấp phép để giảm thủ tục nhiều lần cho nhà đầu tư. "Với quy định KCN chỉ xung quanh 100ha như dự thảo thì rất khó đón đại bàng, có chăng chỉ là bồ câu, chim én. Cần xây hành lang pháp lý đủ rộng, tổ đủ chất lượng mới mong thu hút đại bàng", với kinh nghiệm xây dựng các KCN ở nhiều nước trong khu vực, bà Liên cho biết.

Đồng quan điểm với ý kiến 2 doanh nghiệp trên, ông Bùi Ngọc Hải, đại diện Ban quản lý KKT Hải Phòng bổ sung: Nhà đầu tư khi vào KCN rất coi trọng cơ chế 1 cửa và 1 cửa phải thực chất. Vì vậy, quy định trong Nghị định 82 sửa đổi cần cấp quyền nhiều hơn cho Ban quản lý KCN, KKT theo hình thức đặc thù, là một đầu mối giải quyết trực tiếp tất cả các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. 

Về thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư với hạ tầng KCN, ông Hải đề xuất, theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, điều này sẽ gây khó khăn, kéo dài thời gian trong quá trình làm thủ tục, nên chăng trao lại quyền này cho UBND cấp tỉnh. 

Về quy định xây dựng nhà ở cho công nhân, theo ông Hải, nên linh hoạt, trao trách nhiệm cho chủ đầu tư KCN trên cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt.

Một số những góp ý cũng đã được đại diện các KCN, KKT đưa ra trong hội thảo như: Đồng bộ hạ tầng, quy hoạch, phát triển KCN trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; đóng góp giải pháp quản lý những dự án không thực hiện đúng chủ trương đầu tư, không đúng tiến độ; cùng với đó là đề xuất sửa các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những sự tác động không nhỏ đến việc định hướng phát triển khu công nghiệp. Việc tham gia WTO, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới là bàn đạp cho thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.

Do đó, Việt Nam phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp một cách hiệu quả nhưng vẫn không trái với các cam kết với quốc tế. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ