Sống khoẻ giữa đại dịch: Chứng khoán thăng hoa giữa 'cơn điên' của nhà đầu tư F0

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán liên tục tìm đỉnh mới cùng túi tiền "không đáy" của lớp nhà đầu tư mới đã và đang giúp các công ty chứng khoán gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng.
KHÁNH AN
06, Tháng 06, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán liên tục tìm đỉnh mới cùng túi tiền "không đáy" của lớp nhà đầu tư mới đã và đang giúp các công ty chứng khoán gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng.

-tri7801a

Ảnh minh họa. Nguồn SSI

Kỳ trước:Sống khoẻ giữa đại dịch: Dược phẩm, hoá chất bứt tốc

Phiên giao dịch 4/6 chứng kiến nhiều kỷ lục của chứng khoán Việt Nam được thiết lập. Bên cạnh chỉ số chính VN-Index tăng lên mức cao mới 1.374,05 điểm, thì thanh khoản trên sàn HoSE đạt mức cao chưa từng có: 31.308 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới 38.500 tỷ đồng, lớn hơn 1.500 tỷ đồng so với phiên 3/6, vốn cũng đã là mức kỷ lục cho 20 năm hoạt động của thị trường trước đó.

So với vùng đáy dịch COVID-19 cách đây hơn 1 năm, thanh khoản thị trường đã tăng khoảng gần 10 lần, với động lực không nhỏ đến từ lớp nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0).

Theo thống kê của VSD, chỉ trong 5 tháng đầu năm đã có gần nửa triệu tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước, cao hơn 20% so với cả năm 2020, và tháng sau lại cao hơn tháng trước, cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán đang hấp dẫn chưa từng thấy.

Các công ty chứng khoán rõ ràng là bên hưởng lợi lớn nhất từ "cơn điên" của nhà đầu tư F0. Tính nhanh giá trị giao dịch bình quân 1 phiên toàn thị trường là 30.000 tỷ đồng (sẽ còn tăng cao sau khi sửa nghẽn lệnh), với mức phí giao dịch các công ty chứng khoán đang thu từ 0,15% - 0,4% (tạm tính bình quân 0,25%), nhà đầu tư phải trả tới 75 tỷ đồng phí giao dịch mỗi phiên, một năm khoảng 250 phiên giao dịch, là vào khoảng 18.750 tỷ đồng - một con số khổng lồ.

Ngoài phí giao dịch, lãi cho vay margin cũng là nguồn thu lớn của các công ty chứng khoán. Đến cuối quý I/2021, dư nợ giao dịch ký quỹ lên đến 112,1 nghìn tỷ đồng, và sẽ còn tăng cao khi các CTCK hoàn tất phát hành cổ phần tăng vốn, với tổng khối lượng theo kế hoạch lên tới 1,25 tỷ cổ phần. Với lãi suất cho vay tính thấp là 10%/năm, các CTCK có thể "bỏ túi" thêm cả chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ nghiệp vụ này.

Bức tranh tươi sáng thể hiện ngay trong báo cáo tài chính quý 1 của các CTCK, khi lợi nhuận tăng bằng lần, thậm chí hàng chục lần. Cụ thể, SSI lãi sau thuế tăng 47 lần lên 424 tỷ đồng, VND lãi 500 tỷ đồng, gấp 8,6 lần, HCM lãi 322 tỷ đồng, gấp 3,2 lần, VCI lãi 292 tỷ đồng, gấp 2,5 lần, SHS lãi 271 tỷ đồng, gấp 5,8 lần, MBS lãi 100 tỷ đồng, gấp 3,8 lần...

Tiếp đà tăng trường, các CTCK cũng lên kế hoạch kinh doanh nhiều tham vọng trong năm nay. Trong đó, SSI đặt mục tiêu doanh thu 5.263 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.870 tỷ đồng, tăng 15% và 20% so với năm 2020. 

Với VND, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lãi trước thuế (công ty mẹ) 1.100 tỷ đồng, tăng 29% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 56% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Không riêng gì SSI hay VNDirect, nhiều công ty chứng khoán khác cũng tự tin đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ trong năm 2021, như VCI lên kế hoạch lãi trước thuế 1.250 tỷ đồng (+31%), HCM đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 1.203 tỷ đồng (+82%). Theo HCM, kế hoạch kinh doanh được xây dựng dựa vào giá trị giao dịch thị trường bình quân hàng ngày trong năm 2020, thực tế quý I/2021 và nhận định xu hướng thị trường cả năm 2021.

Về phần mình, VCI cho biết, hoạt động giao dịch sôi nổi từ khối khách hàng trong nước tiếp tục duy trì trong quý I/2021 giúp doanh thu môi giới khách hàng cá nhân của công ty tăng 94% so với mức cơ sở thấp cùng kỳ năm trước do tác động của dịch COVID-19.

Trong khi đó, TCBS đặt kế hoạch lãi trước thuế là 3.313 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020. Kết thúc quý I, TCBS ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.026 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 843 tỷ đồng, tăng lần lượt 61% và 65% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 82%.

Theo SSI Research, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho mức tăng ấn tượng về lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Cụ thể là: Lợi nhuận trước thuế quý I/2020 đạt thấp do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến thị trường thời gian đó; doanh số giao dịch tăng mạnh do có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020 do mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu; số dư cho vay ký quỹ tăng mạnh nhờ tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng trong tổng giao dịch.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán đều đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư như: Trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm cấu trúc liên quan đến tiền gửi ngắn hạn, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ mở nhằm tăng biên lợi nhuận.

Cùng với đó, diễn biến tích cực của thị trường cũng giúp nghiệp vụ tự doanh của các CTCK đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ngoài ra, nền giá cổ phiếu tăng mạnh cũng giúp các CTCK dễ dàng tăng vốn, mở rộng quy mô, hứa hẹn cải thiện hơn nữa kết quả kinh doanh.

Tính đến hiện tại có 14 CTCK có kế hoạch chào bán tổng cộng 1,25 tỷ cổ phiếu để tăng vốn, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Trong đó, SSI lên kế hoạch tăng vốn từ 6.459 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt, và nếu thành công, SSI sẽ vượt mặt hơn 10 ngân hàng về quy mô hiện nay như LienVietPostBank, Tienphong Bank, ABBank, OCB về chỉ tiêu vốn điều lệ. 

VND cũng công bố phát hành hơn 214,4 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi: 4.400 tỷ đồng. 

Tương tự, HCM sẽ phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 50% so với hiện nay, dự kiến nâng lên hơn 4.584 tỷ đồng. Hay như VCI cũng thông qua kế hoạch phát hành 166,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn lên gấp đôi, từ 1.656 tỷ đồng lên 3.330 tỷ đồng trong năm nay.

Không nằm ngoài cuộc chơi, MBS dự định tăng vốn thêm 1.643 tỷ đồng lên mức 2.676 tỷ đồng thông qua các hình thức phát hành ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cuộc chạy đua tăng vốn sẽ giúp các CTCK có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Qua đó, hứa hẹn một năm bội thu của các CTCK từ doanh thu phí môi giới, cho vay và đầu tư tự doanh trong bối cảnh thị trường sôi động. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành tạo lập thị trường hút mạnh dòng tiền trong thời gian gần đây.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ