Sóng cổ phiếu ngân hàng còn dài

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, khi kinh tế hồi phục, là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngân hàng sẽ được hưởng lợi. Tuy vậy, dù cổ phiếu ngân hàng vẫn còn triển vọng, nhưng có thể ngắn hạn sẽ khó kỳ vọng do đã tăng giá nhanh thời gian qua.
VÂN LINH
13, Tháng 05, 2021 | 15:49

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, khi kinh tế hồi phục, là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngân hàng sẽ được hưởng lợi. Tuy vậy, dù cổ phiếu ngân hàng vẫn còn triển vọng, nhưng có thể ngắn hạn sẽ khó kỳ vọng do đã tăng giá nhanh thời gian qua.

z-a-3522

Các ngân hàng đã có một quý I/2021 bùng nổ lợi nhuận. Ảnh: Internet.

Chứng khoán đã lập mức điểm lịch sử của mình, theo ông thì về trung hạn trong nửa cuối năm 2021, diễn biến thị trường sẽ như thế nào?

Nhìn lại năm 2020, điểm số thị trường chứng khoán (TTCK) tăng khoảng 15%, đến giữa tháng 4/2021, thị trường đã tăng thêm 12%. So sánh với chỉ số Nasdaq và S&P500 của Mỹ, giá tăng 41% và 14% trong năm 2020, 11% và 13,5% trong năm 2021 có thể thấy mức tăng của TTCK Việt Nam so với các nước chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 vẫn rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là định giá. Nếu nhìn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp, lợi nhuận của năm 2021 có thể vượt mức 40%.

Trong khi định giá bình quân toàn thị trường là 14.x lần với chỉ số P/E (giá trên thu nhập), nếu hiệu chỉnh cho tỷ lệ free-float (thả nổi) của thị trường thì định giá P/E chỉ còn là 12,5, đây là con số rất thấp so với thị trường khu vực và thế giới.

Về mặt vĩ mô, sự ổn định về tài chính và vĩ mô đang rất tốt, lạm phát, tỷ giá và lãi suất đang ở mức hợp lý. Đây là điều kiện tiên quyết cho một TTCK ổn định và là sự khác biệt rất lớn so với các chu kỳ trước như 2008 hay 2012.

Thêm vào đó, chính sách tiền tệ điều hành theo hướng linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại và ổn định khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Trên thực tế, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, tác động chủ yếu lên các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), còn với doanh nghiệp lớn vẫn vững, ngược lại còn tranh thủ cơ hội thâu tóm thị phần, M&A. Với các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, lợi nhuận vẫn tăng trưởng tích cực. Vì vậy, triển vọng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn và việc VN-Index không loại trừ lập đỉnh mới khi tiếp tục thu hút dòng tiền của nhà đầu tư.

Còn với riêng cổ phiếu ngân hàng, ông đánh giá thế nào về triển vọng nhóm cổ phiếu này?

Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt thời gian qua và còn triển vọng trong thời gian tới, nhưng có thể ngắn hạn sẽ khó kỳ vọng tăng nhanh.

Nếu so sánh thì giá cổ phiếu ngân hàng tăng trong thời gian qua cũng chưa bằng giai đoạn 2007 khi P/E lên mức 40 - 45 lần.

Tôi còn nhớ cổ phiếu VCB khi đó IPO có mức P/E gần 100.x, còn hiện tại P/E bình quân cổ phiếu nhóm ngân hàng chỉ 7 - 9 lần. Trong khi đó, ngành ngân hàng được đánh giá tích cực khi kinh tế đang tăng trưởng sau kiểm soát dịch bệnh và thực tế ngay cả trong khi dịch xảy ra, lĩnh vực này vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng của các ngân hàng trong năm qua có thể thấy được triển vọng cổ phiếu “vua” khi kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng đề đạt lợi nhuận tốt trên dưới 20%.

Đồng thời, kết quả kinh doanh quý đầu năm của các nhà băng lớn (Vietcobmank, VietinBank, ACB, MB...) vừa công bố cũng cho thấy rất khó tìm được ngân hàng tăng trưởng dưới 20% so cùng kỳ năm trước.

Với diễn biến của nền kinh tế như hiện nay và từ giờ đến cuối năm nếu không có biến động lớn về dịch bệnh thì khả năng hoàn tất kế hoạch đưa ra cho 2021 khả thi.

Nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, để ngăn rủi ro lạm phát, ngành ngân hàng đang thận trọng với tăng trưởng tín dụng năm nay, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận cả năm của các ngân hàng?

Tôi cho rằng tín dụng năm nay khả năng tăng trưởng tích cực hơn so với năm ngoái khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục và ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

Trong đó, đáng chú ý là du lịch và hàng không, đây là hai lĩnh vực sẽ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch và thực tế minh chứng, du lịch nội địa gia tăng mạnh mẽ khi Covid-19 được kiểm soát.

Qua số liệu của NHNN cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1/2021 đạt 0,76%, sang tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch Covid-19 bùng phát, và đến tháng 3 cầu tín dụng đã tăng trở lại lên 2,93%, cao hơn so với cùng kỳ (chỉ 1,3%).

Năm nay, kinh tế phục hồi và dần mở cửa sau kiểm soát dịch bệnh chắc chắn đẩy tín dụng tăng. Theo tính toán của chúng tôi, nếu GDP của Việt Nam năm nay tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% thì tín dụng sẽ tăng 12 - 14%, tức là cao hơn con số 10 - 12% như kế hoạch đã đưa ra.

Nhưng kinh tế phục hồi thì nhu cầu vốn tăng và lãi suất sẽ tăng trở lại…?

Lợi nhuận ngân hàng đến từ chênh lệch lãi suất (biên lãi ròng - NIM). Tôi cho rằng, NIM của ngân hàng năm nay khả năng sẽ tăng vì chi phí huy động vẫn đang giảm sau 3 lần hạ lãi suất điều hành năm 2020 của NHNN.

Về khả năng tăng lãi suất, điều này chưa chắc đã diễn ra, bởi mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay vẫn còn cao (cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay) dù lãi suất đã điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Lãi suất cao khiến chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam cao, khó tạo ưu thế về giá hàng hóa khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đã theo đuổi một chính sách lãi suất thực dương (lãi huy động cao hơn lạm phát) một giai đoạn rất dài. Trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trước kia chưa vững chắc và cần thời gian để sự ổn định một cách bền vững, thì chính sách lãi suất thực dương là một chính sách tốt.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô đã ổn định trong hơn 6 năm qua, cũng là lúc NHNN nên giảm bớt hoặc bỏ hẳn chính sách này. Điều này cho phép NHNN linh hoạt hơn trong điều hành và duy trì chính sách lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ cạnh tranh.

Nhìn về ngắn hạn, đang có quan ngại về lạm phát tăng sau khi nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế lớn kể từ khi dịch bùng phát. Nỗi lo lạm phát là có, song theo tôi chưa đáng ngại với Việt Nam. Thực tế, cả năm 2020 lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 3,23%, và kết thúc quý I/2021, chỉ số giá tiêu dùng mới chỉ tăng 0,29%, mức thấp nhất 20 năm qua.

Một lo ngại khác lớn và ảnh hưởng dài hơn là nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu mới phát sinh do dịch Covid-19…?

Nợ xấu sẽ tăng là điều không tránh khỏi và thực tế năm 2020, đa số ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng cho nợ xấu mới. Vấn đề là cách thức ứng xử với nợ xấu, tháng 4 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch đến hết năm 2021 và được trích lập dự phòng rủi ro trong vòng 3 năm.

Đây là văn bản quan trọng làm giảm tác động “gây sốc” với lợi nhuận ngân hàng nếu phải trích lập dự phòng ngay lập tức các khoản nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng bởi dịch.

Một điều thuận lợi khác liên quan tới xử lý nợ xấu, giúp làm giảm tác động tới lợi nhuận ngân hàng, đó chính là sự ấm lên của thị trường bất động sản cho phép việc xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ tốt hơn (tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản). Điều này khác biệt so với giai đoạn 2012 - 2014 khi nợ xấu ngân hàng tăng cao, nhưng thị trường bất động sản giảm.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ