So sánh tỉ lệ cho vay trên số dư tiền gửi khách hàng của các ngân hàng năm 2019

Trong số 26 ngân hàng khảo sát, có 8 ngân hàng có lượng cho vay ra vượt quá số dư tiền gửi khách hàng. Các ngân hàng có tỉ lệ này cao nhất cuối năm 2019 phải kể đến: HDBank, VIB, VietinBank,...
TRÚC MINH
28, Tháng 02, 2020 | 09:52

Trong số 26 ngân hàng khảo sát, có 8 ngân hàng có lượng cho vay ra vượt quá số dư tiền gửi khách hàng. Các ngân hàng có tỉ lệ này cao nhất cuối năm 2019 phải kể đến: HDBank, VIB, VietinBank,...

Theo khảo sát số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ của 26 ngân hàng, tỉ lệ cho vay khách hàng trên số dư tiền gửi khách hàng bình quân ở mức 91,2%, tăng nhẹ so với con số của năm 2018 là 90%. Tỉ lệ này dao động trong khoảng từ 64,1% tới 106%.

Trong đó, có 8 ngân hàng có tỉ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng vượt trên 100%, đồng nghĩa với việc các nhà băng này đã cho vay ra số tiền lớn hơn số dư tiền gửi khách hàng. Ngược lại, 4 ngân hàng có tỉ lệ này thấp nhất gồm: Vietcombank (78,5%), SCB (76,1%), Sacombank (72,7%) và NCB (64,1%). 

Bảng số liệu cho thấy quá nửa số ngân hàng khảo sát có tỉ lệ này tăng trong năm 2019. Lượng tiền cho vay ra đã tăng mạnh hơn số dư tiền gửi huy động, hàm ý rằng các ngân hàng đang ra sức vắt kiệt nguồn huy động để có thể tăng tỉ lệ lợi nhuận biên (NIM).

Thật vậy, mỗi một ngân hàng đều phải có sự cân nhắc tính toán kĩ lưỡng cân đối nguồn vốn đầu vào và đầu ra sao cho lợi nhuận biên (chênh lêch lãi đầu vào và đầu ra) tốt nhất. Nếu huy động quá nhiều trong khi cho vay ra thấp, tiền nằm trong ngân hàng sẽ không sinh lời mà chỉ làm tăng chi phí. Trong khi đó, nếu cho vay ra quá cao sẽ tạo ra nguy cơ về thanh khoản.

Những ngân hàng có tỉ lệ thấp sẽ có dư địa tăng trưởng cho vay tốt hơn trong tương lai khi nhu cầu tín dụng phát sinh, nhất là trong bối cảnh NHNN đã thực hiện điều chỉnh qui định về tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của tất cả ngân hàng về mức 85%.

nhh

Nguồn: Trúc Minh tổng hợp từ BCTC riêng lẻ các ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng cách tính tỉ lệ mà người viết thực hiện không đồng nhất với cách tính LDR được qui định trong Thông tư 22 ban hành ngày 15/11/2019 thay thế cho Thông tư số 36 (cách tính cụ thể được ghi cuối bài viết).

Nguồn huy động của các ngân hàng không chỉ nằm riêng ở khoản mục tiền gửi của khách hàng mà còn huy động từ phát hành kì phiếu, tín phiếu, trái phiếu,...

Theo số liệu từ SSI Research, hầu hết ngân hàng niêm yết đều có LDR dưới 80%, không bao gồm BIDV với 86% tính đến tháng 9/2019. 

Còn theo thống kê của NHNN vào cuối năm 2019, tỉ lệ cấp tín dụng trên nguồn vốn huy động của các ngân hàng toàn hệ thống ở mức 87,4%. Trong đó, tỉ lệ này của nhóm các ngân hàng Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Ngân hàng Chính sách Xã hội và 4 ngân hàng đã bị mua lại 0 đồng là 91,9% trong khi nhóm ngân hàng cổ phần chỉ ở mức 84,3%. 

Nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính có tỉ lệ này cao nhất 283,7%. Nhóm ngân hàng liên doanh nước ngoài có tỉ lệ cho vay ra rất thấp với hơn 58%.

Con số này cho thấy việc giới hạn lại tỉ lệ cho vay đối với nhóm NHTM Nhà nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến qui mô cho vay, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng. Trong khi áp lực đối với nhóm NHTM tư nhân lại giảm đi khi được nới LDR từ 80% lên 85%.

Đánh giá về ảnh hưởng của Thông tư 22, một số chuyên gia phân tích cho rằng qui định thống nhất về LDR đang tạo ra sự bình đẳng hơn giữa các nhóm ngân hàng và rõ ràng là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang được hưởng lợi.

Trích Thông tư số 22/2019/TT-NHNN:

Điều 20. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi

1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi theo đồng Việt Nam, bao gồm đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ được quy đổi sang đồng Việt Nam (theo tỷ giá quy định tại điểm a khoản 26 Điều 3 Thông tư này) theo công thức sau đây:

LDR (%) = L/D x 100%

Trong đó:

- LDR: Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

- L: Tổng dư nợ cho vay quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

- D: Tổng tiền gửi quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Tổng dư nợ cho vay bao gồm:

a) Dư nợ cho vay đối với cá nhân, tổ chức (không bao gồm dư nợ cho vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);

b) Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay.

3. Tổng dư nợ cho vay được trừ đi:

a) Dư nợ cho vay bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;

b) Nguồn vốn vay ở nước ngoài của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn vay ở nước ngoài bao gồm cả nguồn vốn vay của ngân hàng mẹ và các chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước ngoài;

c) Số dư vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, không bao gồm số dư vay tái cấp vốn để hỗ trợ khả năng chi trả tạm thời.

4. Tổng tiền gửi bao gồm:

a) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài (bao gồm cả tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác), trừ các khoản sau đây:

(i) Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

(ii) Tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng;

b) Tiền gửi của cá nhân, trừ tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng.

c) Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu.

(Theo Kinh tế tiêu dùng)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ