Sau Honda, Toyota, nhiều hãng ngưng xuất xe hơi vào Việt Nam

Không chỉ hai hãng xe Honda và Toyota công bố dừng xuất khẩu xe vào thị trường Việt Nam từ năm 2018, nhiều hãng xe nhập khẩu cũng cho biết không thể đưa xe về Việt Nam trong thời gian tới.
CÔNG TRUNG
20, Tháng 01, 2018 | 18:20

Không chỉ hai hãng xe Honda và Toyota công bố dừng xuất khẩu xe vào thị trường Việt Nam từ năm 2018, nhiều hãng xe nhập khẩu cũng cho biết không thể đưa xe về Việt Nam trong thời gian tới.

hang-o-to-rut-khoi-viet-nam

 Ôtô nhập sẽ khan hiếm sau khi nhiều hãng tạm ngừng nhập xe vào Việt Nam - Ảnh: C.TRUNG

Ông Phạm Anh Tuấn, trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), đã xác nhận thông tin Honda, Toyota và một số hãng xe nước ngoài khác sẽ ngưng xuất khẩu xe vào Việt Nam, do những quy định ngặt nghèo tại nghị định 116/2017 được ban hành vào tháng 10-2017.

Nhập khẩu ôtô gặp khó vì thủ tục?

Trái với kỳ vọng sẽ mua được ôtô giá rẻ từ đầu năm 2018 khi thuế suất nhập khẩu ôtô về 0%, nhiều người dân đã thất vọng khi các hãng xe nhập khẩu than khó và sẽ không có xe nhập về bán cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng có một số doanh nghiệp (DN) tranh thủ nhập xe về trước năm 2018 để bán cho khách hàng đã đặt cọc trước, nhưng số lượng xe nhập về chỉ vài trăm chiếc.

Nhiều DN nhập khẩu ôtô cho biết không thể nhập xe do vướng phải những quy định ngặt nghèo tại nghị định 116/2017.

Chẳng hạn, với ôtô chưa qua sử dụng, DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài... nhưng phía nước ngoài không cung cấp giấy này. 

Theo đại diện Honda Việt Nam, đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn để DN điều chỉnh giấy tờ cho phù hợp. 

"Dù nỗ lực nhưng các hãng không thể thay đổi được gì, bởi nhập về cũng không thông quan được" - vị này nói. 

Đại diện Ford Việt Nam cũng dự báo sẽ khan hiếm các dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam thời gian tới do các quy định tại nghị định 116.

Một đại lý xe của Toyota tại TP.HCM cho biết lượng xe của hãng này trên thị trường sẽ khan hiếm, đặc biệt là các dòng xe được nhập nhiều về Việt Nam như Yaris, xe tải Hilux, các dòng xe thể thao như Fortuner và xe hạng sang Lexus. 

Tuy đã đặt nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, nhưng mỗi năm hãng phải nhập khẩu thêm hàng ngàn chiếc từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản...

Với các quy định tại nghị định này, theo các đại lý, nhiều thương hiệu xe ngoại sẽ gặp những khó khăn khi xuất sang Việt Nam.

Xe lắp ráp trong nước hưởng lợi

Dạo quanh một vòng một số showroom ôtô nhập khẩu tại TP.HCM cho thấy nhiều mẫu xe ăn khách tại thị trường Việt Nam ít hơn, nhiều khách hàng cũng cho biết rất thất vọng do không tìm được mẫu xe ưng ý, hoặc có nhưng giá cao hơn so với dự tính.

Anh Phạm Công Trường (Q.Bình Thạnh) than thở mấy ngày nay đi tìm mua xe Toyota Fortuner mới nhưng đến đại lý nào cũng nghe nhân viên kêu không có hàng, một vài đại lý còn hàng cũng không đúng màu mình thích. 

Một đại lý xe của Toyota tại Q.5 cho biết Toyota Việt Nam chỉ thông báo hủy đơn hàng với xe nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2018, nhưng không đưa ra mốc thời gian cung cấp trở lại.

Các mẫu xe nhập khẩu khác như Hilux, Yaris thì vẫn còn nhưng số lượng không nhiều và theo các đại lý, đây là hàng còn tồn.

Tại các đại lý của Ford Việt Nam, khi hỏi mua những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc như Everest hay Explorer, khách hàng đều được thông báo hết hàng. 

Đại diện Hãng xe Volkswagen Việt Nam cũng cho biết nhiều mẫu xe của hãng không thể về Việt Nam. Tuy nhiên, công ty đã làm việc với hãng xe này ở Đức để hoàn thiện giấy tờ nhằm đáp ứng yêu cầu.

"Dự kiến quý 2-2018, mẫu xe Tiguan Allspace sẽ được nhập về Việt Nam, còn lại các mẫu khác chưa thể nói trước được" - vị này nói.

Theo các đại lý ôtô, từ lúc đặt hàng với nhà cung cấp tại Việt Nam đến khi có xe giao cũng mất 3-4 tháng với xe nhập từ khu vực ASEAN và khoảng 5 tháng với các nước ngoài ASEAN.

Nếu được nhập khẩu trở lại vào tháng 3-2018, phải đến giữa năm mới có xe bán. Khả năng xe nhập khẩu khan hiếm trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Để có xe đi trong dịp tết, nhiều khách hàng đã chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước, doanh số bán ra của các loại xe này đã tăng đáng kể.

Đặc biệt, các loại xe cũ cũng tăng giá do nhiều người quay sang tìm mua xe cũ. Có xe tăng tới vài chục triệu đồng, thậm chí những mẫu xe khan hàng tăng 50-100 triệu đồng/chiếc.

Không tác động đến thị trường ôtô Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho biết việc các DN sản xuất ôtô ngừng nhập khẩu là quyền tự do kinh doanh của DN, cũng không tác động đến thị trường ôtô bởi cung cầu do thị trường quyết định và là quyền kinh doanh của DN.

"Một chính sách mới ban hành có thể gây xáo trộn ban đầu, nhưng khi tuân thủ một lần thì DN sẽ không làm lại các giấy tờ này nữa. Thử nghiệm xe chắc chắn không đến 500 USD, chứ đâu tới 10.000 USD như một số thông tin bởi có quy định rất rõ ràng về thủ tục hành chính, phí và lệ phí" - vị này cho hay.

Không để VN thành bãi rác công nghệ

Trong khi DN ngoại kêu khó, Thaco Trường Hải, Hyundai Thành Công cho rằng quy định tại nghị định 116 là hợp lý, xe nhập về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam.

Việc yêu cầu cấp "bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài" là cần thiết để đảm bảo chất lượng xe nhập khẩu, hạn chế ôtô kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc dùng hàng rào kỹ thuật là cần thiết nhằm không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ, khuyến khích các DN nội phát triển công nghiệp ôtô cho Việt Nam.

Theo TTO

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ