Sabeco và câu chuyện được - mất khi bán những 'con gà đẻ trứng vàng'

Nhàđầutư
Nhiệm vụ đặt ra là phải phát huy tối đa hiệu quả của từng đồng vốn thu về để tạo lực đẩy cho nền kinh tế khi mà chỉ vài năm tới, dư địa thu Ngân sách từ cổ tức và thoái vốn, cổ phần hoá sẽ ngày càng cạn dần.
NGHI ĐIỀN
04, Tháng 01, 2018 | 08:55

Nhàđầutư
Nhiệm vụ đặt ra là phải phát huy tối đa hiệu quả của từng đồng vốn thu về để tạo lực đẩy cho nền kinh tế khi mà chỉ vài năm tới, dư địa thu Ngân sách từ cổ tức và thoái vốn, cổ phần hoá sẽ ngày càng cạn dần.

bia-sai-gon-sabeco-sab-nhadautu.vn

 

Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Mã chứng khoán: SAB) vừa công bố Nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức năm 2017.

Theo đó, Hội đồng quản trị Sabeco đã thống nhất chủ trương tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương đương 3.500 đồng mỗi cổ phần. Ngày chốt danh sách dự kiến vào 16/1/2018 và tiền sẽ được chi trả dự kiến vào 23/1/2018.

Trước đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã đấu giá thành công 53,6% phần vốn của Bộ Công thương trong Sabeco. Pháp nhân do Tập đoàn bia Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm 49% vốn đã bỏ gần 110.000 tỷ đồng trong thương vụ trên.

Mức chia cổ tức 35% trong năm nay thực ra đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 diễn ra hồi tháng 4. Tỷ lệ chia cổ tức cao hơn 5% so với năm 2015 và năm 2016 (30%) cùng nhiều yếu tố khác đã giúp cổ phần SAB vừa qua được Bộ Công thương thoái ở mức giá kỷ lục 320.000 đồng.

Với hơn 641 triệu cổ phần đang lưu hành, tổng số tiền Sabeco dự chi tạm ứng đợt này là 2.245 tỷ đồng. Với việc đang sở hữu hơn 343,6 triệu cổ phần SAB, Vietnam Beverage dự kiến thu về già nửa số tiền trên: gần 1.203 tỷ đồng, tương đương khoảng 55 triệu USD.

Việc bán phần vốn tại Sabeco nói riêng, và nhiều 'con gà đẻ trứng vàng' khác sẽ khiến Ngân sách hụt thu mỗi năm không ít nghìn tỷ đồng từ nguồn cổ tức.

Cổ tức cùng lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước là nguồn thu rất quan trọng với Ngân sách, mang về 74.300 tỷ đồng trong năm 2016. Mức độ ý nghĩa của cổ tức còn thể hiện qua trường hợp Bộ Tài chính ép bằng được Vietinbank và BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt, dù các nhà băng này đang rất khát vốn và muốn giữ lại lợi nhuận để gia tăng nội lực. Kết quả, Bộ Tài chính thu về gần 5.000 tỷ đồng tiền cổ tức từ BIDV trong 2 năm 2015-2016, con số này với Vietinbank là gần 3.500 tỷ đồng.

Chính phủ đã có chủ trương thoái vốn xuống dưới mức chi phối tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Habeco, Nhựa Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia, FPT, Vinaconex... Đây được đánh giá là những 'con gà đẻ trứng vàng' với tỷ lệ trả cổ tức đều đặt trên 10% mỗi năm, cá biệt như Vinamilk với tỷ lệ 50-60%, Nhựa Tiền Phong 40-50%...

Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đã được vạch ra lộ trình thoái vốn từ nay cho tới năm 2020. Mạnh tay thoái vốn đặc biệt tại các doanh nghiệp hàng đầu sẽ mang về cho Ngân sách khoản tiền không nhỏ, mà thương vụ sang tay cổ phần chi phối Sabeco cho người Thái vừa qua là ví dụ điển hình. 

5 tỷ USD vừa được Ngân sách tiếp nhận là số tiền rất-có-trọng-lượng trong bối cảnh Ngân sách đang lâm vào cảnh 'giật gấu vá vai'. Tuy nhiên cùng với hàng tỷ USD nữa thu về từ thoái vốn những 'con gà đẻ trứng vàng' khác, cái giá phải trả là khoản cổ tức cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm hụt đi.

Bên cạnh đó, không tránh khỏi lo lắng mất đi những thương hiệu Việt - cấu thành tạo nên sức ảnh hưởng của một quốc gia - khi mà đối với những 'con gà' có 'trứng vàng' to nhất thì nhà đầu tư nội khó lòng tiếp cận, nhường sân chơi cho ông lớn nước ngoài.

Dĩ nhiên, với sự tham gia của yếu tố nước ngoài, năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp gốc nhà nước cũng sẽ được cải thiện, thậm chí được nâng lên đáng kể. Các nguồn thu từ thuế qua đó tăng lên (trong trường hợp không xuất hiện tình trạng giấu lãi, chuyển giá). Dù vậy, ở chiều ngược lại, khoản lợi nhuận khổng lồ những doanh nghiệp này làm ra sẽ không còn được giữ lại để tái đầu tư vào nền kinh tế mà được chuyển ra ngoài biên giới. Đây là nguy cơ mà sẽ phải nhiều năm nữa mới có thể đong đếm được mức độ ảnh hưởng.

Trong lúc này, với thực trạng căng thẳng của Ngân sách, chủ trương thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là hợp lý, khi mà các nguồn thu khác từ thuế, khai khoáng có giới hạn nhất định và không bù đắp được các khoản chi tiêu.

Bởi vậy, từng đồng thu về từ bán vốn nhà nước cần được đối xử một cách ý nghĩa và có trách nhiệm nhất, bởi đó thực chất là một loại tài nguyên quốc gia, thuộc về sở hữu chung của toàn dân. Người dân khó lòng chấp nhận thêm những Vinashin, Vinalines hay câu chuyện đang diễn ra tại PVN... 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ