Quy hoạch điện VIII nhìn từ Nghị quyết 140

Nhàđầutư
Nghiên cứu luật riêng về lĩnh vực năng lượng tái tạo là một trong các nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 140 nhằm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NHÂN TÂM
25, Tháng 10, 2020 | 14:00

Nhàđầutư
Nghiên cứu luật riêng về lĩnh vực năng lượng tái tạo là một trong các nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 140 nhằm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

nhadautu - nang luong tai tao 1

Quy hoạch điện VIII nhìn từ Nghị quyết số 140 (Ảnh: Internet)

Ngày 2/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP với nội dung ban hành chương trình hành động của Chính phú thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ra đời vào thời điểm Quy hoạch điện VII (2011-2020) sắp hoàn thành sứ mệnh của mình, Nghị quyết số 140 có vai trò quan trọng, tạo tiền đề cho sự ra đời của Quy hoạch điện VIII. Vì lẽ đó, nội hàm Quy hoạch điện VIII được đánh giá về cơ bản sẽ tương tự Nghị quyết số 140, có chăng là cụ thể hơn nữa về các chỉ tiêu, cũng như danh mục dự án vào quy hoạch.  

Tại Nghị quyết 140, Chính phủ đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể. Trước hết, Chính phủ yêu cầu cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước, bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng; Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2010 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045; Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 140 đặt mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 140 đưa ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, yêu cầu sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, chính quyền các cấp.

Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan quan trọng, được giao xây dựng và triển khai thể chế và chính sách chung, cũng như về các nhóm ngành như dầu khí, than.

Cụ thể, về lĩnh vực dầu khí, Bộ Công thương được giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách đối với ngành dầu khí để đề xuất với Chính phủ các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển từ khâu thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn ở các lĩnh vực công nghiệp khí, tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu.

Trong đó, tiêu biểu là thúc đẩy các dự án khai thác, vận chuyển khí thiên nhiên thuộc lĩnh vực công nghiệp khí (đặc biệt là các dự án trọng điểm nhà nước như Dự án khí Cá Voi Xanh, Lô B, Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, ...), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn khí thiên nhiên trong nước; đồng thời thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống cảng nhập, kho chứa, phân phối LNG để đảm bảo cung cấp đủ khí theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ.

Ngoài ra, ở lĩnh vực than, Bộ Công thương cũng được giao xây dựng mới chiến lược phát triển ngành công nghiệp than gắn với định hướng đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và xuất, nhập khẩu than dài hạn hợp lý; Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoà động sản xuất, kinh doanh than;…

Đáng chú ý, với mảng năng lượng tái tạo, Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng luật về lĩnh vực này; nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo; nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ có chọn lọc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tận dụng thế mạnh của nguồn cung cấp điện từ thủy điện vừa và nhỏ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện lực, đặc biệt là việc đầu tư phát triển thủy điện tại Lào, gắn liền với việc nhập khẩu điện về Việt Nam.

Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi xa phù hợp với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng (ưu tiên mặt trời áp mái); điện mặt trời trên nước; xây dựng cơ chế cho các nhà máy, cụm nhà máy sử dụng công nghệ hybrid để sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau kết hợp với năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió thuỷ điện, nhiệt điện than, biomass, biogas; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư thiết bị/công nghệ tích trữ năng lượng tại các khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời nhưng hạn chế về lưới điện truyền tải nhằm phát huy công suất của hệ thống, tiết kiệm nguồn lực đầu tư và đảm bảo an toàn cho hệ thống điện.

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường, thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cơ chế đấu thầu nhằm xoá bỏ rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân, đầy nhanh tiến độ các công trình điện, phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu xây dựng hướng dẫn về tín dụng xanh cho các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển ngành năng lượng.

Bộ Tài chính được giao rà soát, kiến nghị các cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện, hoàn thiện chính sách thuế khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp được giao thực hiện các dự án đầu tư phát triển dự án điện có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ