Quá trình thay đổi chính sách và luật pháp đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nhàđầutư
Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng từ phía cầu và nguồn cung FDI thế giới, năng lực tiếp nhân nguồn vốn FDI của Việt Nam để bảo đảm nguồn cung thích ứng với nhu cầu vốn đầu tư trong từng giai đoạn phát triển.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
07, Tháng 12, 2017 | 10:52

Nhàđầutư
Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng từ phía cầu và nguồn cung FDI thế giới, năng lực tiếp nhân nguồn vốn FDI của Việt Nam để bảo đảm nguồn cung thích ứng với nhu cầu vốn đầu tư trong từng giai đoạn phát triển.

GS.TSKH Nguyen-Mai

  GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Sáng nay, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức. Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu bài phát biểu của GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Từ Luật Đầu tư nước ngoài đến Luật Đầu tư

Lịch sử 30 năm thu hút FDI của Việt Nam kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987 đã ghi nhận nhiều lần thay đổi chính sách và luật pháp FDI.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987 đã được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là thông thoáng và hấp dẫn, đã được điều chỉnh và sửa đổi vào các năm 1990, 1992 theo hướng tạo lập môi trường pháp lý tốt hơn. Năm 1996 trong khi FDI đang có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế thì Luật Đầu tư nước ngoài đã sửa đổi theo hướng giảm bớt ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu đối với một số vật tư, thiết bị, phương tiện vận chuyển để hình thành cơ sở sản xuất kinh doanh (mặc dù trong thời gian sau đó Chính phủ đã ban hành quy định khôi phục lại những ưu đãi này).

Không chỉ có Luật mà cả một số Nghị định của Chính phủ, thông tư của nhiều Bộ về thuế, đất đai, thủ tục đầu tư cũng theo chiều hướng "xiết lại", vì cho rằng nước ta quá ưu ái đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2005 đánh dấu cột mốc trong việc xây dưng luật pháp là ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý bình đẳng với chính sách khuyến khích và ưu đãi không phân biệt đối xử, để điều chỉnh hoạt động đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Năm 2014 hai luật này được hoàn chỉnh theo hướng coi hoạt động đầu tư và kinh doanh thuộc quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và doanh nghiệp; Nhà nước hướng dẫn, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; giám sát, kiểm tra để khắc phục khiếm khuyết của thị trường. Điển hình là thay “Giấy phép đầu tư” thành “Giấy đăng ký đầu tư”; doanh nghiệp tự khắc dấu không phải xin phép cơ quan công an.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tiến hành xây dựng dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” năm 2014 để khắc phục những nhược điểm của hai luật này, đồng thời bổ sung các nội dung có liên quan đến chính sách mới của Nhà nước.

Từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trong vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 165 tỷ USD vốn thực hiện, đóng góp 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP, trên 55% giá trị sán lượng công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017.

Những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn.

Khiếm khuyết

Quá trình thay đổi chính sách và luật pháp trong 30 năm vừa qua đã nảy sinh nhiều khiếm khuyết; dưới đây là một số ví dụ điển hình.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 đã khắc phục được những nhược điểm của lần sửa đổi trước đó; tuy vậy, đáng tiếc là nhiều ý tưởng mới phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhưng không được Quốc hội thông qua như hình thức Công ty cổ phần, Công ty hợp doanh, Công ty quản lý.

Sự thay đổi một số chủ trương của Nhà nước và tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong chính sách và luật pháp  gây ra tâm lý bất ổn của nhà đầu tư do khó dự đoán khi quyết định phương hướng đầu tư và kinh doanh. Chủ trương cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ vào cuối thập niên 90 đã làm phá sản hàng chục doanh nghiệp FDI.

Đối với sản xuất rượu, bia, nước giải khát có lúc thì cho, có lúc thì hạn chế FDI, vì có nhà lãnh đạo nghĩ rằng sản xuất các mặt hàng này có lợi nhuận cao nên ta tự làm lấy; trong khi đó thuế tiêu thụ đặc biệt đã thu trên một nửa sản phẩm của doanh nghiệp.

Chủ trương đối với thuốc lá điếu cũng không minh bạch nên khi thành phố Hải Phòng đã đàm phán được một dự án lớn dành cho xuất khẩu, được nhiều Bộ ủng hộ, chỉ vì Tổng Công ty thuốc lá phản đối nên Chính phủ không cho phép thực hiện.

Chủ trương giao cho doanh nghiệp nhà nước mấy nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô vận tải trong khi cả nước đang có nhiều nhà máy loại này mới chỉ sử dụng 10% công suất. Chủ trương để Tổng công ty thép Việt Nam thực hiện một dự án lớn về cán thép, trong khi đã có một dự án FDI tương tự nhưng bị từ chối cấp phép...

Thông báo số 131/TB - VPCP ngày 2/10/2000 đối với đầu tư trong ngành xi măng quy định: "Các dự án đầu tư mới ta tự làm là chính, không liên doanh với nước ngoài hoặc cho nước ngoài đầu tư 100% vốn vào các dự án phát triển xi măng, trường hợp đặc biệt khó khăn ta không thể làm được mới gọi đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép yêu cầu phải triển khai trong năm 2001. Các dự án đầu tư mới nên giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư”. Quy định này không phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; trong đó các ngành xi măng, sắt thép, đồ uống... đều thuộc vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Từ năm 2006, Chính phủ phân cấp toàn diện cho UBND tỉnh, thành phố về quản lý nhà nước đối với FDI đã phát huy được tính sáng tạo, chủ động của địa phương trong việc vận động và cấp phép đầu tư; tuy vậy một số địa phương đã tự đề ra các quy định vượt quá thẩm quyền, như miễn giảm thuế cho các dự án FDI nhiều hơn với thời hạn dài hơn các khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua; đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong một vùng lãnh thổ, làm thiệt hại đến quyền lợi của Việt Nam.

Chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài và thống nhất giá cả dịch vụ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, trong đó có việc giảm giá cước viễn thông quốc tế, giảm cước dịch vụ vận tải, bến cảng hàng không và cảng biển quốc tế, dịch vụ quảng cáo trên truyền hình... đã được thực hiện quá chậm so với đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư và sự chỉ đạo của Chính phủ.

Rõ ràng  đã xảy ra xung đột lợi ích của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp với lợi ích dân tộc; trong khi môi trường đầu tư cần được cải thiện, cần giảm mạnh chi phí cơ hội cho các dự án FDI, thực hiện bình đẳng về luật pháp giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI... thì lợi ích cục bộ đã trở thành lực cản lớn nhất cho quá trình phát triển.

Năm 2016 và 2017 Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu thủ tục hành chính theo hướng tiếp cận với các nước OECD, các nước ASEAN-4, do đó Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.

Báo cáo của WB về môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam tăng 14 bậc và xếp 68/190 nền kinh tế, trong đó chỉ số nộp thuế liên tiếp năm thứ tư được đánh giá có tác động tích cực nhất với môi trường kinh doanh củaViệt Nam, tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190.

Tuy vậy, theo các cuộc điều tra của các tổ chức khác nhau thì vẩn còn nhiều vấn đề đang được doanh nghiệp FDI quan tâm như tính ổn định của pháp luật, điển hình là luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho doanh nghiệp không kịp trở tay, thủ tục thông quan hải quan tuy đã được cải tiến nhưng vẩn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN-4, việc thuê lao động nước ngoài có kỷ năng, nhất là quy định từ ngày 1/1/2018 lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội đến nay chưa có thông tư hướng dẫn.

Khi làm việc với Bộ GTVT, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã đặt câu hỏi: “Dư luận cho rằng, kiểm tra chuyên ngành chỉ làm thủ tục để thu tiền; Bộ GTVT có không?”.

Khiếm khuyết về xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có thu hút FDI.

Lo hang dau tien

Lịch sử 30 năm thu hút FDI của Việt Nam kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987 đã ghi nhận nhiều lần thay đổi chính sách và luật pháp FDI 

Định hướng, chính sách mới về FDI và giải pháp

Nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp), vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đang dược nâng cao, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi thế giới khá bất định, biến động khó lường, một số nước như Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế- xã hội cũng như thu hút FDI.

Theo số liệu thông kê, đến giữa năm 2017 nước ta có trên 640 ngàn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, Vinamilk, Trumilk, Hoàng Anh - Gia Lai, Tân Tạo chẳng những đang thực hiện nhiều dự án quan trọng ở trong nước mà đã đầu tư ra một số nước; do đó khi lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án phát triển cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đạt được tiêu chí tương tự với doanh nghiệp FDI.

Theo Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày15/6, Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với 2016; trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục…

Ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó các bộ đang nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực ưu tiên để tạo dụng cơ hội mới đẩy nhanh công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại.

Trên cơ sở đó, cần hình thành định hướng và chính sách mới về FDI:

1. Trong khi vẩn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

2. Trong khi vẩn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Việc Tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới- Samsung chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smarphone, máy tính bảng, năm 2017 dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã minh chứng tính hấp dẫn của nước ta đối với việc thu hút TNCs.

3. Điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế- xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước hoặc trong từng vùng lãnh thổ.

Kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

4. Coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế; phát triển công nghiệp hổ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước, hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô lơn hơn nhiều lần hiện tại; có hàng trăm tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc hỗn hợp tầm cỡ khu vực và thế giới.

Để thực hiện định hướng và chính sách mới về FDI trên đây, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp và chỉ đạo ráo riết để tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn; được nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, dư luân trong nước và quốc tế đánh giá cao; tuy vậy vẩn chưa đáp ứng được đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn và có hiệu  quả hơn trong điều kiện nước ta đang hướng tới mục tiêu cao hơn về kinh tế- xã hội, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó cần lưu ý ba giải pháp chủ yếu:

1. Khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Hệ thống văn bản pháp quy từ luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ phải đồng bộ, nhất quán, được ban hành đồng  thời một thời gian đủ dài thời gian đủ dài trước thời hạn có hiệu lực thi hành để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin, chuẩn bị điều kiện thi hành.

2. Thực hiện đồng bộ “ chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trên cơ sở các mô hình thí điểm đã tỏ ra có hiệu quả như Trung tâm hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...cần áp dụng ở tất cả tỉnh, thành phố để tạo ra bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính.

3. Hai nút thắt chính cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức; bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập.. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ