Phó Thống đốc đi dán nhãn 'Thanh toán không tiền mặt' cho nhiều điểm bán hàng

Dán nhãn "Thanh toán không tiền mặt" không chỉ giúp người mua hàng nhận diện các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, mà còn là sự cam kết của nhà bán lẻ với hình thức thanh toán văn minh này, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
N.BÌNH - A.HỒNG
17, Tháng 06, 2020 | 08:51

Dán nhãn "Thanh toán không tiền mặt" không chỉ giúp người mua hàng nhận diện các điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt, mà còn là sự cam kết của nhà bán lẻ với hình thức thanh toán văn minh này, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.

Ngày 16-6, nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cùng ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã đi dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt tại các điểm bán siêu thị, chợ và cây xăng ở TP.HCM

Tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, những tấm nhãn "Thanh toán không tiền mặt" đã được bà Hồng và ông Chữ dán tại quầy thu ngân, nơi có các thiết bị POS, QR code hay ví điện tử dùng thanh toán cho khách mua hàng. 

thanh-toan-KDTM

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt tại quầy thu ngân ở siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chia sẻ tại điểm dán nhãn, ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây. 

Cụ thể, theo ông Đức, từ mức 3% - 5% của năm ngoái, hiện nay doanh số thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần, trong đó 21% từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher điện tử, dịch vụ thu hộ...

Ngoài siêu thị Co.op Mart, đoàn còn dán dấu hiệu “Thanh toán không tiền mặt” tại chợ An Đông và cây xăng SFC.

Bà Đào Thị Xuân Mai, chủ sạp Trúc Phương, chuyên bán các mặt hàng khô tại trung tâm thương mại An Đông, cho hay trước đây nhiều khách du lịch muốn mua làm quà cho người thân và thanh toán bằng thẻ nhưng bận kinh doanh bà chưa tìm hiểu điều kiện để lắp máy cà thẻ (POS). 

“Nhiều khách hàng không mang theo tiền mặt, nên mỗi khi như vậy, tôi và khách hàng lại phải đến ngân hàng để chuyển khoản, hoặc khách hàng phải ra ATM rút tiền mặt để thanh toán, rất bất tiện. Nhiều khách hàng chịu ra ngân hàng nhưng nhiều người lại không chịu, mình bị mất khách. Do vậy khi ban quản lý chợ phổ biến về việc lắp máy POS và quét mã QR, tôi đồng ý ngay vì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, mình lại bán được hàng”, bà Mai nói. 

Cũng theo bà Mai, dù ngày 16-6 là ngày đầu tiên lắp máy nhưng đã có đến một nửa khách hàng chọn thanh toán cà thẻ hoặc quét mã vì vừa tiện vừa được hưởng khuyến mãi của ngân hàng. 

Ông Nguyễn Đăng Thanh, chủ sạp vải tại trung tâm thương mại An Đông, cho biết nhiều khách hàng đã biết đến thanh toán thẻ và chuyển khoản, do vậy ông quyết định lắp máy POS để thuận tiện cho người dùng. 

“Tôi không e ngại phí, miễn sao thuận tiện cho khách hàng khi thanh toán”, ông Thanh nói.

Theo kế hoạch đặt ra trước đó, trong 5 năm, Saigon Co.op sẽ tăng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tại hệ thống lên 30%. 

"Mức tăng trưởng đạt được hiện nay có thể là cao. Tuy nhiên, mức này có được cũng nhờ một phần hệ thống đang vào cao điểm các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho hình thức thanh toán không tiền mặt", ông Đức cho biết.

Lý giải về bước chuyển biến nhảy vọt trong cách thức mua sắm của người dùng tại hệ thống, ông Anh Đức cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Đây là kết quả của truyền thông, người tiêu dùng đã không còn cảm thấy xa lạ với các hình thức thanh toán không tiền mặt nhờ hoạt động truyền thông quảng bá. 

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng là điều kiện xúc tác khiến cho quá trình chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt nhanh hơn.

Yếu tố quan trọng nữa là việc kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa nhà bán lẻ cùng nhà cung cấp, trung gian thanh toán đã tốt hơn, cơ chế pháp lý cho người sử dụng thanh toán không tiền mặt được bảo vệ hơn, giúp cho lòng tin của người dùng về tính bảo mật, an toàn với các phương thức thanh toán số cao hơn.

"Chúng tôi ghi nhận sự hưởng ứng tích cực của các trung gian thanh toán, nhà cung ứng giải pháp công nghệ thanh toán... Như trong Ngày không tiền mặt 16-6, người dùng được hoàn tiền, tặng quà, mua hàng giảm giá... khi thanh toán không tiền mặt. Các con số chi cho hoạt động ưu đãi này rất lớn. Một khi người dùng họ đã sử dụng thanh toán không tiền mặt rồi thì họ sẽ biết các lợi ích và tiếp tục sử dụng", ông Đức khẳng định.

Tại điểm dán nhãn ngày 16-6, bà Anh Đào, ngụ Q.1, cho biết khoảng hai năm gần đây, bà bắt đầu sử dụng thẻ ATM để thanh toán các khoản tiêu dùng, chợ búa hằng ngày. 

"Tôi chỉ dùng tiền mặt để mua hàng lẻ tẻ bên ngoài. Vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi chắc chắn tôi dùng thẻ. Lợi thì nhiều lắm, nhưng với tôi việc dùng thẻ ATM thay cho tiền mặt lớn hiệu quả nhất là quản lý tài chính, không còn đau đầu với tiền lẻ nữa", bà Đào cho biết.

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết đến nay Sacombank đã phối hợp với Visa và Nextpay cùng sự hỗ trợ của Phòng kinh tế và UBND Q.5 lắp 30 máy mPOS để thanh toán cà thẻ, quét mã QR chuẩn EMV tại chợ An Đông, sắp tới sẽ nhân rộng thanh toán không tiền mặt không chỉ tại chợ An Đông mà còn tại các chợ khác trên địa bàn Q.5.

Ghé vào đổ xăng tại cây xăng của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn SFC trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), anh Phạm Hoàng Vũ (Q.3) đã cà thẻ trả tiền bằng mPOS do nhân viên cây xăng phục vụ tận nơi. 

"Tôi thấy phương thức thanh toán này tiện lợi, hiện đại, tôi đã dùng thử nhiều lần và sẽ khuyến khích người thân cùng sử dụng. Tuy nhiên, qua nhiều lần sử dụng tôi mong muốn ngân hàng và các công ty thanh toán cải tiến sao cho thao tác thanh toán càng ngày càng nhanh hơn nữa. Vì vào giờ cao điểm khách hàng ghé đổ xăng rất đông, nên nếu thao tác lâu sẽ ngại người khác phải chờ đợi nên nhiều người sẽ có tâm lý trả tiền mặt cho nhanh”, anh Vũ kiến nghị.

Theo Tuổi trẻ

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ