Thanh toán không dùng tiền mặt: Chỉ mình ngân hàng chìa tay ra thôi là chưa đủ

Nhàđầutư
Đề cập về thách thức lớn nhất khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của hệ thống ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, cần có một hệ sinh thái thanh toán điện tử, giống như cái bắt tay, mình ngân hàng chìa bàn tay ra thôi là chưa đủ.
ĐÌNH VŨ
10, Tháng 12, 2019 | 15:51

Nhàđầutư
Đề cập về thách thức lớn nhất khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của hệ thống ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, cần có một hệ sinh thái thanh toán điện tử, giống như cái bắt tay, mình ngân hàng chìa bàn tay ra thôi là chưa đủ.

Sáng nay (10/12), Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã tổ chức "Diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019". Vấn đề đầu tiên được đặt ra tại diễn đàn là việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Thách thức lớn nhất làm chậm quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là gì?" 

dien-dan-napas

Diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019

Theo khảo sát ngay tại diễn đàn, có 43,5% người được khảo sát cho rằng đó là do chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng lớn. Một nguyên nhân quan trọng khác được 34,1% người tham gia khảo sát chỉ ra là nền tảng công nghệ của các ngành dịch vụ có liên quan chưa đáp ứng được.  

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank cho rằng, nguyên nhân lớn là do chi phí của phía ngân hàng lớn. "Đầu tư công nghệ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi… Đó là những chi phí rất lớn".

Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho rằng, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều.

"Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội. Làm sao để thẻ chip có thể tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như: giáo dục, y tế, bảo hiểm v.v...", ông Lân nói.

Có cái nhìn công bằng hơn, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng, thực tế các ngân hàng đang hết sức nỗ lực, có chuyển động mạnh mẽ để chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp. Bằng chứng là đầu năm, tại lễ ra mắt thẻ chip, khi đó chỉ có 7 ngân hàng, 3 nhà cung cấp thẻ tham gia. Nhưng đến nay, sau 5 tháng, Napas đã cùng hơn 20 ngân hàng, 6 nhà cung cấp thẻ trắng sẵn sàng tham gia chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip.

Ông Hưng cho biết thêm, đến quý I/2020, con số trên sẽ tăng lên thành 26 ngân hàng, 10 công ty cung cấp thẻ chip. "Những điều này chứng tỏ ngân hàng đang vào cuộc rất tích cực", ông Hưng nhận xét.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cần có một hệ sinh thái thanh toán điện tử, sự tham gia của các ngành, các cấp mới có thể giải quyết được bài toán này. Ông Dũng nói một cách hình ảnh: "Cũng giống như một cái bắt tay, ngân hàng chìa bàn tay thì bên kia cũng phải chìa bàn tay ra bắt".

Để dẫn chứng, ông Dũng lấy ví dụ cụ thể: "Khi chúng ta dùng mobile banking để thanh toán cước điện thoại di động, vừa gõ số điện thoại vào đã hiện lên số tiền cần phải thanh toán. Để làm được điều này phải có sự liên kết với nhà mạng. Sau đó khi khách hàng thanh toán xong thì lập tức hệ thống thông báo hóa đơn đã được thanh toán, đó là do giữa ngân hàng và nhà mạng đã có sự liên thông". 

Từ ví dụ cụ thể này ông Dũng mong muốn ngân hàng có thể kết nối được với các ngành khác để những đối tượng yếu thế trong xã hội như người bệnh hay trẻ em cũng nhận được sự chăm sóc. 

"Cần xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử số. Khi đã kết nối được, chúng ta chỉ cần ở trong nhà đã có thể đặt vé máy bay, mua cơm, trả viện phí...", ông Dũng nhấn mạnh.

Cần sự quyết liệt từ phía cơ quan quản lý

Trả lời câu hỏi, làm gì để tạo ra thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân và đảm bảo sự an toàn, đại diện của Ngân hàng Vietinbank cho rằng, Việt Nam không phải là nước đầu tiên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt mà rất nhiều nước đã triển khai và đã thành công. Do vậy, vấn đề quan trọng là nên có phương án truyền thông và hướng dẫn cách xử dụng cho khách hàng.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, cần có một giải pháp tổng thể. Từ góc độ ngân hàng cần đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Thắng nếu chỉ tuyên truyền thôi thì chưa đủ mà phải có sự áp đặt, quyết liệt từ phía cơ quan quản lý.

Cụ thể, ông Thắng gợi ý, muốn xây dựng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ phải đặt ra mục tiêu, yêu cầu tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải sử dụng thanh toán qua QR code, nếu cửa hàng nào không dùng thì có thể bị cắt giấy phép kinh doanh. 

Theo Tổng giám đốc Napas Nguyễn Quang Hưng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phải có nỗ lực từ cả hai phía là ngân hàng phát hành thẻ và các cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ v.v... Chỉ có như vậy thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước; lễ ký kết giữa Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Napas với bệnh viện K, bệnh viện Đại học Y; lễ ký kết giữa Petrolimex và Napas về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ