Nước Anh ra sao khi thỏa thuận Brexit bị bác bỏ?

Dự luật thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) vừa bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu chống áp đảo, khiến cho tương lai của nước Anh càng thêm bấp bênh vì không rõ nước Anh sẽ rời EU theo cách nào.
LÊ LINH
17, Tháng 01, 2019 | 14:29

Dự luật thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) vừa bị Hạ viện Anh bác bỏ với số phiếu chống áp đảo, khiến cho tương lai của nước Anh càng thêm bấp bênh vì không rõ nước Anh sẽ rời EU theo cách nào.

94547_nuoc_anh_se_ra_sao_khi_brexit_bi_bac_bo

Báo chí Anh đồng loạt đăng tin trang nhất về thất bại của Thủ tướng Theresa May sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit do bà đề xuất. Ảnh: Guardian

Hôm 15-1, Thủ tướng Anh Theresa May hứng chịu một thất bại được xem là lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Anh khi Hạ viện Anh đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật về thỏa thuận Brexit mà bà May vất vả mới đạt được với Brussels sau hai năm đàm phán. Dự luật Brexit chỉ nhận được 202 phiếu ủng hộ nhưng có đến 432 phiếu chống. Mức vượt trội của phiếu chống lên đến 230 phiếu, được xem là mức phản đối cao nhất của Hạ viện Anh từ trước đến nay đối với một dự luật do chính phủ đề xuất.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nước Anh phải xoay sở các bước đi tiếp theo như thế nào khi mà thời hạn Anh rời EU sắp đến gần (29-3). Dưới đây một số kịch bản có thể xảy ra sau khi dự luật thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ, theo tờ Los Angeles Times.

Tổ chức bầu cử

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu dự luật thỏa thuận Brexit, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kiến nghị Hạ viện Anh bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà May. Cuộc bỏ phiếu diễn ra tối 16-1, theo giờ địa phương.

Dù bị tổn thương về uy tín chính trị nhưng bà May đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu này. Về lý thuyết, bà May cũng có thể tự nguyện từ chức nhưng khả năng này ít xảy ra vì trước đây, dù hứng chịu nhiều chỉ trích, bà chưa bao giờ đặt ra khả năng từ chức. Bà có thể kêu gọi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm nếu được sự nhất trí của 2/3 hạ nghị sĩ Anh.

Trì hoãn ngày rời EU

Sau cuộc trưng cầu dân ý về Anh rời EU vào năm 2016, Anh đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình chuẩn bị rời EU trong vòng hai năm. Theo đó, thời hạn Anh rời EU được xác định là ngày 29-3-2019. Song bà May có thể yêu cầu trì hoãn thời hạn này. EU, vốn đang muốn tránh sự hỗn loạn lớn hơn nếu nước Anh không đạt được thỏa thuận rời EU, có thể sẽ đồng ý. Ít nhất, có một nhóm nghị sĩ Anh đã kêu gọi trì hoãn thời hạn Anh rời EU.

Chỉnh sửa thỏa thuận Brexit

Trước cuộc bỏ phiếu cho dự luật thỏa thuận Brexit hôm 15-1, EU đã mạnh mẽ tuyên bố rằng sẽ loại trừ bất cứ sửa đổi lớn nào trong thỏa thuận Brexit đã ký kết với chính phủ bà May và khẳng định đây là thỏa thuận duy nhất mà EU có thể trao cho chính phủ Anh.

Bà May có thể trở lại Brussels để tìm kiếm một số nhượng bộ nhỏ và sau đó trình thỏa thuận Brexit đã được sửa đổi ra Hạ viện Anh bỏ phiếu thêm một lần nữa trước ngày 21-1. Song một thỏa thuận Brexit với những sửa đổi nhỏ sẽ không có khả năng làm thay đổi kết quả bỏ phiếu.

Tổ chức trưng cầu dân ý lần hai

Trước các lời kêu gọi trưng cầu dân ý lần hai về Brexit, Thủ tướng Theresa May cảnh báo rằng hành động như vậy sẽ làm tổn hại nền dân chủ Anh và bà sẽ không ủng hộ điều này. Tuy nhiên, ý tưởng trưng cầu dân ý lần hai lại nhận được sự đồng tình lớn của công luận.

EU có thể sẽ không phản đối nếu các cử tri Anh đảo ngược quyết định trước đây của họ, ủng hộ Anh ở lại EU thay vì rời tổ chức này. Cuối năm ngoái, Tòa án công lý châu Âu phán quyết rằng nước Anh có thể đơn phương hủy bỏ Brexit mà không cần sự đồng ý của 27 thành viên còn lại.

Song trưng cầu dân ý lần hai có thể xới lên lại những chia rẽ gay gắt ở trong nước về các vấn đề như chủ quyền và vấn đề nhập cư. Những chia rẽ này từng làm tổn thương nước Anh trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào năm 2016 với kết quả khá sít sao: 52% cử tri ủng hộ Brexit so với 48% phản đối.

Brexit “cứng”

Thuật ngữ Brexit cứng (hard Brexit) mô tả tình thế Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào để duy trì các quan hệ thương mại suôn sẻ sau đó với EU hay bảo đảm quyền lợi của công dân Anh sống ở các nước châu Âu. Brexit “cứng” được các nhà kinh tế xem là một viễn cảnh đen tối đối với nước Anh.

Rời EU mà không có thỏa thuận nào có thể gây xáo trộn lớn cho các hoạt động thương mại cũng như có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái sâu ở Anh đồng thời có thể gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác ở châu Âu. Người tiêu dùng Anh có thể đối mặt với giá cả hàng hóa đắt đỏ cùng tình trạng khan hiếm hàng hóa do chúng bị áp các mức thuế mới. Hầu hết các nghị sĩ Anh phản đối Brexit cứng song một cơ chế để ngăn ngừa viễn cảnh này vẫn chưa rõ.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ