Những vụ ly hôn đình đám, đắt đỏ nhất trên thế giới và ở Việt Nam

Nhàđầutư
Những cuộc tình đẹp đẽ và nổi tiếng, nhưng không may mắn giữa các ông bà chủ tập đoàn, doanh nghiệp lớn khi kết thúc đều mang lại một tài sản kếch xù cho 'người bị thiệt hại', thường là các bà vợ, không chỉ trên thế giới mà còn cả ở Việt Nam.
PHƯƠNG LINH
06, Tháng 12, 2019 | 11:52

Nhàđầutư
Những cuộc tình đẹp đẽ và nổi tiếng, nhưng không may mắn giữa các ông bà chủ tập đoàn, doanh nghiệp lớn khi kết thúc đều mang lại một tài sản kếch xù cho 'người bị thiệt hại', thường là các bà vợ, không chỉ trên thế giới mà còn cả ở Việt Nam.

Cuộc ly hôn đắt nhất thế giới của ông chủ Amazon

Theo Bloomberg, ông chủ Amazon Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie đã chính thức hoàn tất việc ly hôn vào hôm 5/7. Bà MacKenzie nhận 25% tổng tài sản, tương ứng với 4% cổ phiếu của Amazon, trị giá 38 tỷ USD. Số tiền này giúp vợ cũ ông chủ Amazon trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới.

Theo đó, bà MacKenzie sẽ đứng sau Francoir Bettencourt Meyers (L'Oréal) và Alice Walton (Walmart), mỗi người đều nắm trong tay tài sản ròng lên tới 50 tỷ USD.

1000x1_1-1146

Vụ ly hôn đắt nhất lịch sử kết thúc, vợ Jeff Bezos nhận 38 tỷ USD

“Đây là vụ ly hôn đình đám nhất. Không có cuộc ly hôn nào lớn như thế này vì số lượng tài sản mà nó được phân chia”, ông Peter Walzer, Chủ tịch Học viện Luật sư Hôn nhân Mỹ phát biểu.

Theo danh sách của Bloomberg, Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới, với 12% cổ phần của Amazon trị giá 112 tỷ USD. “Ông ấy sẽ giữ lại các tài sản khác, bao gồm tờ Washington Post và công ty thám hiểm không gian Blue Origin”, bà MacKenzie Bezos cho biết trong một thông báo vào tháng 4.

Vụ ly hôn của ông trùm dầu mỏ bang Oklahoma (Mỹ)

Harold Hamm là CEO của Tập đoàn Continental Resources – một trong những công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ. Trong khi đó, vợ của ông - Sue Ann Hamm, từng là luật sư cho chính công ty của ông.

1046313_commentuneentreprisereecritsonhistoirepourledivorcedesonpatronwebtete0203803915339

Ông trùm dầu mỏ Harold Hamm và vợ Sue Ann Hamm hồi còn mặn nồng. Ảnh: CNBC

Số tiền tranh chấp chủ yếu liên quan đến 68% cổ phần mà ông Harold đang nắm giữ. Phía bà Sue muốn tòa án giải quyết phân chia cho bà 17 tỉ USD và cho rằng đây là số tiền bà đã đóng góp kể từ khi lấy chồng năm 1988.

Nếu mất đi một khoản tiền lớn như vậy, tỷ lệ sở hữu và quyền kiểm soát của Harold đối với tập đoàn sẽ giảm đáng kể.

Trong khi đó, Harold Hamm cho rằng, vợ ông hầu như không xứng đáng được nhận một đồng nào từ tài sản công ty. Luật sư của ông lập luận, sự hưng thịnh của Continental Resources có được phần nhiều nhờ những yếu tố khách quan như giá dầu tăng.

Nếu thẩm phán đồng ý với lập luận đó, thì theo luật Bang Oklahoma, ông Harold sẽ không phải chia phần tài sản của mình tại công ty.

Hầu hết hồ sơ và quá trình điều trần được giấu kín, vì thẩm phán lo ngại việc công khai các tài liệu của Continental Resources sẽ gây thiệt hại cho Tập đoàn này.

Cuộc chiến kiện tụng chưa hồi kết của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên

Cuộc chiến pháp lý giữa hai vợ chồng nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đan xen bởi nhiều vụ kiện kéo dài suốt hơn 3 năm.

Vụ lùm xùm giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Từ việc tranh chấp quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng. Nếu bà Thảo khởi kiện về việc bị bãi nhiệm không hợp lệ thì ông Vũ cũng đi kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH).

trung-nguyen

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận về khối tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ đồng (chưa bao gồm bất động sản được chia) sau vụ ly hôn với chồng cũ

Theo thống kê, tổng giá trị khối tài sản chung của hai vợ chồng ông Vũ và bà Thảo lên tới 7.502 tỷ đồng gồm tiền mặt, vàng sở hữu chung và giá trị số cổ phần tại các doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hôn nhân. Số này chưa bao gồm các bất động sản mà cả hai đứng tên với giá trị hàng trăm tỷ đồng khác.

Như vậy, với tỷ lệ chia ông Vũ nhận 60% tài sản sẽ tương đương khoảng 4.501 tỷ đồng và bà Thảo nhận 40% tương đương hơn 3.000 tỷ đồng còn lại.

Cũng theo phán quyết, toà chấp nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Thay vào đó, ông Vũ phải có trách nhiệm trả tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu. Phương án này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, bà Thảo tiếp tục quản lý số tài sản gồm tiền, vàng gửi tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng tranh cãi ban đầu) đang đứng tên bà Thảo. Ngoài ra ông Vũ sẽ phải thanh toán cho bà Thảo thêm 1.220 tỷ đồng để được quyền sở hữu số cổ phần của bà Thảo được chia tại Trung Nguyên.

Về các khối bất động sản sở hữu chung, ông Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng còn bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng.

Ngoài 13 bất động sản đem ra phân chia tại tòa, bà Thảo còn là chủ sở hữu của 13 bất động sản khác mà hai bên thống nhất không phân chia. (Theo danh sách công bố tại tòa, hai vợ chồng có 26 bất động sản, trong đó 20 khu do bà Thảo đứng tên là chủ sở hữu).

Nếu phán quyết này được thực thi, bà Thảo không còn vai trò cổ đông, người sở hữu và điều hành Trung Nguyên. Thế nhưng với hơn 3.000 tỷ đồng được chia sau ly hôn, bà trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất tại Việt Nam. Tổng tài sản ròng của bà Thảo, bao gồm các bất động sản không phân chia, theo tòa, lên tới 3.400 tỷ đồng.

Tranh chấp khối tài sản nửa tỷ USD của vợ chồng Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn

Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 cũng là vụ ly hôn khá ồn ào bởi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (10.000 tỷ đồng).

anh-771524-1368136765_500x0

Chân dung ông Bùi Đức Minh

Cuối năm 2010, sau đề nghị của 2 bên, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã có quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.

Tập đoàn Bảo Sơn vốn nổi tiếng với khách sạn tư nhân cao cấp đầu tiên tại Hà Nội cũng như những dự án án lớn, nổi bật nhất là khu Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài tập đoàn Bảo Sơn, số tài sản này còn phân bố ở dạng cổ phần trong 7 công ty khác do Bảo Sơn làm chủ sở hữu.

Theo ông Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên cổ đông là Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.

Tài sản lớn nhất trong vụ tranh chấp trên chính là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh - Hoài Đức, đứng tên Nguyễn Thanh Thủy - Tổng giám đốc công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn làm chủ đầu tư rộng 34 ha.

Tuy nhiên, vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Bùi Đức Minh để điều tra về hành vi vu khống.

Vụ ly hôn 2.000 tỷ đồng của ông chủ Tập đoàn Năm Sao

Tháng 12/2012, Tòa án quận 3, TP HCM mở phiên sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn quốc tế Năm Sao) và vợ là bà Phạm Thị Hương Giang (Phó giám đốc công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương). Phiên tòa diễn ra sau 4 năm tranh chấp căng thẳng.

tran-van-muoi-nam-sao-1536

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao

Theo bà Giang, vợ chồng bà có khối tài sản trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng với trên 10 biệt thự ở TP.HCM; Vũng Tàu, Hải Phòng... Ngoài ra, tài sản chung của 2 ông bà còn có vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỷ đồng); Công ty Cổ phần quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỷ đồng); Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Sam My (30 tỷ đồng); Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỷ đồng)… và bà phải được hưởng 50% số tài sản này.

Nhưng ông Mười cho rằng số tài sản này hầu hết là đi vay. Do suy thoái kinh tế, giá nhà đất xuống thấp, vợ chồng lại lục đục ly hôn nên chưa thể bán nhà để trả nợ. Thời điểm đó, ông Mười kê khai còn nợ khoảng 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng.

Ông Mười sau đó đã đề nghị đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng, phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Giang không đồng ý.

Hiện tại, Tập đoàn Năm Sao có 11 công ty thành viên trong các lĩnh vực phân bón, nông nghiệp, bất động sản… Năm Sao cũng là một trong những chủ đầu tư có quỹ đất lớn tại Long An và sở hữu nhà máy sản xuất phân bón gần 1.000 tỷ  đồng tại đây. Doanh nghiệp này còn đầu tư nhà máy phân bón 80 triệu USD tại Campuchia.

Hàng loạt dự án bất động sản như Thành phố sinh thái Năm Sao; Cao ốc văn phòng hạng A Five Star Tower (TP.HCM); Khu biệt thự nghỉ dưỡng Happy Valley Da Lat Villa (Đà Lạt); Trung tâm Thương mại Công nghiệp Five Star Garden (Nam Định)… cũng thuộc sở hữu của Năm Sao.

Vợ tài phiệt Hàn Quốc có thể thành tỷ phú sau ly hôn

Theo Maeil Business Newspaper, Roh yêu cầu được nhận số cổ phiếu tương đương 1,2 tỷ USD, dựa theo giá cổ phiếu SK Holdings trưa nay. Nếu được tòa án phán quyết đồng ý, Roh sẽ là cổ đông lớn nhì của công ty, sau Chey.

chey-roh-5284-1575538990-2302

Hai vợ chồng Chey Tae-won (trái) và Roh Soh-yeong. Ảnh: Yonhap

Chey năm nay 59 tuổi và hiện có tài sản trị giá 2,8 tỷ USD. Ông đã lãnh đạo SK sau khi cha mình - Chey Jong-hyun qua đời năm 1998. SK Holdings là tập đoàn đa ngành lớn thứ ba Hàn Quốc, với nhiều mảng kinh doanh từ chip nhớ đến viễn thông.

Năm 2015, Chey gửi một lá thư dài 3 trang đến tờ Segye Ilbo, tiết lộ ông có con ngoài giá thú và muốn ly dị Roh. Chey muốn ly hôn năm 2017, nhưng cả hai khi đó không đạt được thỏa thuận về vấn đề này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ