Những con số ấn tượng về xuất khẩu rau quả

Nhàđầutư
Xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 64% so với cùng kỳ, đạt gần 2,8 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử 30 năm.
ĐÌNH VŨ
02, Tháng 09, 2023 | 09:48

Nhàđầutư
Xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 64% so với cùng kỳ, đạt gần 2,8 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử 30 năm.

xuat-khau-rau-qua

Xuất khẩu rau quả trở thành điểm sáng kinh tế Việt Nam 2023. Ảnh: Minh hoạ

Dự báo vượt mục tiêu 2025

Tại Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như 6 tháng đầu năm thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ và bằng 81,8% của cả năm 2022 - đây là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nhiều ngành hàng sụt giảm do tổng cầu yếu. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo những tháng còn lại của năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD.

Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hàng rau quả của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh, nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, sầu riêng và chuối của Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia ưa chuộng do chất lượng nâng cao. Đặc biệt, vụ sầu riêng Việt Nam kéo dài, trong đó, từ tháng 2 đến tháng 6, thu hoạch ở các tỉnh miền Tây; tháng 6 đến 10 là ở miền Đông và Tây Nguyên, nên sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh hơn so với hàng của Thái Lan, Philippines.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, dù xuất khẩu sang Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, nhưng sầu riêng Việt Nam có lợi thế riêng. Đến nay, sản lượng thu hoạch mới đạt trên 50%, hiện đang chủ yếu thu hoạch ở Đồng Nai, Lâm Đồng. Đến tháng 8, tháng 9 sẽ thu hoạch chính ở Tây Nguyên và cuối năm ở miền Tây.

Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho Trung Quốc. Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, các loại trái cây khác của Việt Nam cũng tấp nập xuất khẩu sang Trung Quốc, do nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này tăng cao. Nhiều loại trái cây đang bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ nên ngành rau quả được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Trong đó, vú sữa, chôm chôm gần như có thể cung cấp quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, giá xuất khẩu cũng tốt hơn năm trước.

Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Dù tăng trưởng vượt bậc, song ngành rau quả Việt Nam chưa khai thác hết lợi thế khi mới là nguồn cung cấp thứ 3 cho Trung Quốc (sau Chile và Thái Lan) và khoảng cách còn khá xa. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Năm 2022, rau, củ, quả Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới. Trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Tuy nhiên đây là câu chuyện dài hơi, cần sự đồng bộ của nhiều khâu; trong đó, quan trọng hơn cả là đảm bảo chất lượng từ cây giống ban đầu. Cùng với đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả. Hơn nữa, để có thể nâng cao sản lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ thị trường, sản phẩm và nghiên cứu kỹ về những tiêu chuẩn riêng mà mỗi quốc gia yêu cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình theo chuẩn GlobalGap, VietGap, FSSC 22000..., đồng hành cùng các hộ nông dân, thuyết phục, hướng dẫn người dân canh tác, trồng trọt theo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp tăng cường xây dựng chuỗi liên kết bền vững với các hợp tác xã, thương lái, với đầy đủ chức năng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về thị trường, hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững. “Nếu làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường... thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được”, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu rau quả tiếp tục đà tăng trưởng cao trong những tháng tới, do sản lượng rau quả trong nước và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới đều tăng. Trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác, cụ thể như trái bơ. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), xuất khẩu bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD vào năm 2030, đưa bơ trở thành mặt hàng trái cây nhiệt đới có giá trị nhất.

Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu từ các thị trường khác như Trung Quốc và Trung Đông, dự kiến cũng sẽ tăng đáng kể. Đây có thể là một trong những “cánh cửa” mới mà Việt Nam có thể tính đến để phát triển sản xuất và xuất khẩu bơ.

Hiện xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu với nhiều cơ hội rộng mở.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021. Nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 mới chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu.

Với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ