Nhìn lại 'vết xe đổ' từ hai đối tác nông nghiệp của Thaco

Một năm sau khi hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai, đến nay Thaco lại tiếp tục bắt tay với “vua cá tra” HVG để thể hiện tham vọng lớn của mình trong nông nghiệp.
VIỆT DŨNG
09, Tháng 01, 2020 | 09:46

Một năm sau khi hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai, đến nay Thaco lại tiếp tục bắt tay với “vua cá tra” HVG để thể hiện tham vọng lớn của mình trong nông nghiệp.

7ea8f_ca_tra_1

Hùng Vương đang đi vào vết xe đổ của HAGL trước đó. Ảnh: TTXVN

Những năm đầu thập kỷ trước, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) là hai doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên với chiến lược đa ngành, hiện nay cả hai đều bật khỏi tốp đầu, lận đận với những khoản nợ khổng lồ và dòng tiền nhỏ giọt. Tài sản cơ bản của hai doanh nghiệp này cũng lần lượt phải bán đi trong bối cảnh mất thanh khoản và đối diện một khối nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu.

Những cú “bẻ lái” chòng chành

Thời hoàng kim của mình, cả HAGL và HVG đều thể hiện tham vọng lớn trong những khoản đầu tư. Nếu HAGL rời bỏ các ngành cốt lõi mang về dòng tiền lớn như bất động sản, gỗ, thủy điện để theo đuổi giấc mơ cao su, HVG lại mang tham vọng “thống nhất” ngành thủy sản với những dự án M&A. Tuy nhiên sau những cú “bẻ lái” này cả hai doanh nghiệp đều cho thấy dấu hiệu “chòng chành” trên bi kịch của dòng tiền và các khoản nợ. Tình hình nợ của  HAGL đã được mổ xẻ từ năm 2015 thì chỉ sau đó một năm, mô típ cũ được lặp lại gần như nguyên bản với HVG.

Trong chiến lược của mình, để cụ thể hóa tham vọng thống nhất ngành thủy sản, HVG đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 tỉ đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỉ đồng vào năm 2014. Nếu cộng dồn doanh thu thì đây là một con số lớn, nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và sụt giảm liên tiếp.

Theo báo cáo tình hình kinh doanh ở mùa cao điểm sản xuất là quí 2-2015 của HVG với doanh thu suy giảm, cộng thêm chi phí tăng vọt đã khiến lợi nhuận giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế ở thời điểm đó của HVG chỉ đạt 26 tỉ đồng, giảm đến 71,6% so với cùng kỳ 2014.

Đà giảm kéo dài sang những năm tiếp theo. Đáng chú ý là lợi nhuận quí 2-2016 chỉ còn 12,3 tỉ đồng – giảm 75% so với quý II/2015. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chi phí tài chính phình to gấp 3 lần, lên mức 172 tỉ đồng trong vòng 3 tháng. Đây là những con số tài chính tiêu cực đánh dấu chu kỳ đi xuống của đế chế này.

25f64_hvg

Diễn biến lợi nhuận ròng của HVG trong chu kỳ khủng hoảng vừa qua. Nguồn: BCTC HVG

Nguyên nhân của sự sụt giảm này được các chuyên gia tài chính chỉ ra là hoạt động tăng cường M&A khiến chi phí gia tăng. Trong khi đó, nhiều công ty được mua về lại chứng minh hoạt động kém hiệu quả.

Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh thời điểm đó cũng thừa nhận việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà máy mới, mà vốn huy động chủ yếu từ vay ngân hàng, đã khiến chi phí lãi vay tăng mạnh. Đây là nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.

Bi kịch của HVG bắt đầu từ năm 2015, khi tỷ số nợ đã trên 4,5 lần so với vốn chủ sở hữu, chiếm đến 75% so với tổng tài sản. Tổng vay nợ của HVG thời điểm đó là hơn 8.700 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn (7.650 tỉ đồng). Các khoản vay được thế chấp bởi một số hàng tồn kho. Con số vay nợ cao đã đẩy chi phí tài chính tiếp tục tăng liên tiếp vào những năm sau đó.

Bước sang năm 2017, tình hình cũng không sáng sủa khi doanh thu đưa về bao nhiêu cũng không bù đắp được chi phí tài chính. Việc xoay vần với các khoản nợ dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ còn chưa tới 2 tỉ đồng. Một con số không thể khiêm tốn hơn so với kế hoạch 1.200 tỉ đồng lợi nhuận đặt ra trước đó.

Với HAGL là cả một sự hăng hái làm nên "cuộc cách mạng" lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là chiến lược mở rộng đầu tư sang các nước Đông Dương với hàng chục nghìn ha cao su, cọ dầu, mía đường. Thêm vào đó là trang trại bò ngàn tỉ đồng và một loạt nhà máy thủy điện trên đất Lào, để chuyển trục tăng trưởng từ “đại gia BĐS” sang “lão nông tỉ đô la”.

Nhưng những năm sau đó liên tục đánh dấu sự “gãy đổ” hàng loạt đối với các dự án đầy tham vọng này. Cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang để lại cho bầu Đức các món nợ phải trả lên đến hơn 1,6 tỉ đô la, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu vào năm 2015. HAGL rơi vào tình cảnh đầu tư dở dang và bế tắc thanh khoản.

Những bi kịch gặp phải cho thấy việc đầu tư đa ngành hay thâu tóm của hai ông lớn này đã khiến cho họ mất kiểm soát, nợ tăng lên mà dòng tiền thu về không là bao. Thậm chí, có thời điểm cả HVG và HAGL phải trông cậy hoàn toàn vào một mảng kinh doanh “lướt sóng” nhỏ lẻ. Như trong thời điểm trầm trọng nhất của chu kỳ khủng hoảng (2016), HAGL trồng cao su lại trông cậy vào dòng tiền từ bò, thì HVG nuôi cá cậy nhờ doanh thu từ… bã đậu nành.

Bi kịch dòng tiền và những cuộc bán tháo tài sản

Những năm 2015-2016 là thời điểm đánh dấu chu kỳ trượt dài trên con đường kinh doanh của hai đại gia nông nghiệp này. Kể từ đó tới nay thậm chí tình hình còn “bết bát” hơn khi mỗi năm tài chính trôi qua họ lại báo cáo kết quả âm (kết quả gần nhất với HAGL là gần lỗ 1.550 tỉ đồng trước thuế và 476 tỉ đồng với HVG). Diễn biến này kéo dài trong suốt 5 năm qua bi kịch lớn nhất họ phải đối diện là dòng tiền.

Chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất không cao đã khiến mức thanh khoản của HVG bế tắc, điều này cũng tương tự HAGL. Vấn đề của HVG hiện nay là nhu cầu vốn tiếp tục gia tăng, tuy nhiên các chỉ số khả năng tài chính ngày càng yếu, gây khó khăn đến việc huy động vốn ngân hàng.

Lợi nhuận ngày càng sụt giảm, các chỉ số về khả năng thanh toán của HVG đang ngày càng xấu đi. Dòng tiền của HVG đang cho thấy sự sụt giảm và có xu hướng yếu dần, khi tiền và tương đương tiền đã giảm mạnh từ 1.343 tỉ đồng năm 2015 xuống còn 104 tỉ đồng trong năm 2019.

Những biến cố tài chính khiến cho cổ phiếu của HVG rơi vào diện cảnh báo và chung số phận với HAGL. Nếu như HAGL có cửa sáng hơn khi các trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư được gia hạn để giảm áp lực vay ngắn hạn xuống, thì HVG lại có cơ cấu cổ đông thiếu vắng bóng dáng nhà đầu tư ngoại, để có thể sử dụng đa dạng các phương thức tài chính.

18b4b_lo_hag_1

Sau một năm hợp tác với Thaco, tình hình lợi nhuận của HAGL không có nhiều thay đổi vì chỉ tập trung cơ cấu nợ vay. Nguồn: BCTC HAGL

Điểm chung của cả HVG và HAGL chính là giá trị tài sản lớn, một yếu tố hỗ trợ không nhỏ trong việc thanh toán nợ nần.

Trong mỗi kỳ báo cáo tài chính của hai doanh nghiệp này lại kèm theo một vài tài sản bán đi để trang trải nợ. HAGL chỉ tập trung vào mảng trái cây và bán gần hết cao su thủy điện, bò, mía đường, dự án tại Myanmar, thì HVG cũng đã gom những bất động sản có giá trị bán đi.

Bầu Đức từng chia sẻ: “Vấn đề của chúng tôi không phải là tiền mà chỉ là thanh khoản, doanh nghiệp đang có tổng tài sản rất lớn, hơn 65.000 tỉ. Vấn đề trước mắt là tìm cách tạo thanh khoản chứ không thể để doanh nghiệp chết trên đống tài sản”.

Tương tự, HVG cũng trong tiến trình thanh lý các khối tài sản để tạo dòng tiền khi thoái vốn và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc, nơi HVG nắm giữ 76% vốn. Cùng với việc giải thể công ty bất động sản, tập đoàn này cũng rao bán một số bất động sản hiện có thuộc An Lạc, với tổng diện tích sử dụng đất hơn 20.000 m2.

HVG cũng vừa thoái toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống các công ty con và công ty liên kết của HVG, dù giữa năm 2017, HVG đã từ chối lời đề nghị trị giá 460 tỉ đồng từ đối tác Nhật Bản cho tương vụ này.

Bán bớt vốn tại Việt Thắng (VTF), giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn, tương đương thu về hơn 861 tỉ đồng. Tiếp đó, bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỉ đồng.

Mỗi lần bán tài sản, ông Dương Ngọc Minh đều đưa ra giải trình vơi cổ đông, công ty phải bán bớt tài sản để thu về nguồn tiền, do hiện nay HVG chỉ nhận được nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng, không đáp ứng được quy mô hoạt động.

Có thể thấy từ quá trình khủng hoảng đến việc xử lý khủng hoảng của HVG đều có nét tương tự HAGL. Đây có thể là mẫu số chung của việc đầu tư dàn trải, mà HAGL là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất tình hình hiện tại của HVG. Và hiện nay họ lại gặp nhau tại một điểm đó chính là sự tham gia của Thaco trên hành trình tái cấu trúc của mình.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ