Nhiệt điện 'trễ hẹn', bổ sung quy hoạch 91 dự án điện gió

Nhàđầutư
Đẩy mạnh năng lượng tái tạo, huy động trở lại nhà máy điện Hiệp Phước và tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc là các giải pháp Bộ Công Thương đề xuất để đối phó với viễn cảnh thiếu hụt nguồn điện trong các năm tới.
LÂM TÍN - VĂN TUÂN
11, Tháng 06, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Đẩy mạnh năng lượng tái tạo, huy động trở lại nhà máy điện Hiệp Phước và tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc là các giải pháp Bộ Công Thương đề xuất để đối phó với viễn cảnh thiếu hụt nguồn điện trong các năm tới.

dien-gio

Một dự án điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Niên

Theo thông tin của Nhadautu.vn, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6/2020 có công văn số 693/TTg-CN gửi Bộ Công Thương, đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió theo đề nghị của cơ quan này.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung; kiên quyết chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng "xin-cho" các dự án.

Trước đó, Bộ Công Thương có hai công văn số 1931/BCT-ĐL ngày 19/3/2020 và 3299/BCT-ĐL ngày 8/5/2020 về việc bổ sung quy hoạch các dự án điện gió. Cơ quan này cho biết nhiều dự án nhiệt điện, điện khí trọng điểm chậm tiến độ nhiều năm. Giai đoạn 2020-2025, công suất nhiệt điện sẽ thấp hơn 7.250MW so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Nguy cơ thiếu hụt lên đến 13,3 tỷ kWh năm 2023 và 11 tỷ kWh năm 2024. Theo tính toán của Viện Năng lượng, công suất nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025 ở phương án cơ sở là 6.030MW, ở phương án cao là 11.630MW. Tổng công suất điện gió đã được bổ sung quy hoạch là 4.800MW, như vậy công suất đến năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 1.230MW ở phương án cơ sở và 6.830MW ở phương án cao.

Trong số 248 dự án có tổng công suất 44.989,1MW được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương đã trình Chính phủ bổ sung 91 dự án với công suất gần 7.000MW, gồm 16 dự án ở khu vực Bắc Trung bộ (công suất 941,2MW), 9 dự án Nam Trung bộ (336,2MW), 28 dự án ở Tây Nguyên (2.432,9MW), 37 dự án ở Tây Nam Bộ (3.166,8MW) và 1 dự án ở Đông Nam Bộ (102,6MW). 

Các dự án chưa được bổ sung quy hoạch giai đoạn này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, thẩm định để bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nếu đủ điều kiện hoặc xem xét, cân đối trong Quy hoạch điện VIII.

Cùng với xin bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định (giá FIT) cho các dự án điện gió tới hết ngày 31/12/2023. Sau đó, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Tuy nhiên về đề xuất này, Thủ tướng trong công văn ngày 9/6 vừa qua chưa chấp thuận, mà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan theo chỉ đạo tại văn bản số 3913/VPCP-CN ngày 19/5/2020 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Kể từ sau Quy hoạch điện VII bổ sung năm 2016, năng lượng tái tạo đang trở thành lĩnh vực đầu tư rất "hot" khi được ưu đãi lớn. Hàng trăm nhà đầu tư, chủ yếu trong nước đã tham gia cuộc chơi nhiều tỷ đô này.

Xen giữa hai công văn xin bổ sung dự án điện gió của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 15/4/2020 có thư gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nêu rõ: “Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự. Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua như một phong trào liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch ngành điện đã không theo kịp thực tiễn phát triển".

"Thường trực Chính phủ chưa đủ cơ sở để họp xem xét chủ trưởng điều chỉnh mục tiêu phát triển điện gió tới năm 2025 và năm 2030. Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Tổng sơ đồ điện 8 với các tính toán khoa học, thực tiễn về cơ cấu nguồn và truyền tải để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất tháng 10/2020”, bức công thư của Thủ tướng có đoạn. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ