Nhận diện cơ hội, rủi ro và giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhàđầutư
Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 vẫn sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế, tài chính và TTCK toàn cầu, song TTCK Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển bền vững hơn.
TS. CẤN VĂN LỰC VÀ NHÓM TÁC GIẢ VIỆN ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU BIDV
30, Tháng 03, 2021 | 15:00

Nhàđầutư
Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 vẫn sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế, tài chính và TTCK toàn cầu, song TTCK Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển bền vững hơn.

quyn8215-1612679249-9910-1612679309

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội và triển vọng TTCK Việt Nam

Năm 2020 là năm biến động chưa từng có trong lịch sử đối với nền kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam. Với nỗ lực trong thực hiện mục tiêu kép “kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế”, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất thế giới, lạm phát được kiểm soát tốt, hội nhập kinh tế sâu rộng, kinh tế số tăng trưởng mạnh, bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, vị thế quốc tế không ngừng tăng lên.

Với những dấu ấn tích cực năm 2020, thị trường tài chính (TTTC) và TTCK Việt Nam có triển vọng và cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn cùng với triển vọng kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế và TTTC toàn cầu và Việt Nam.

Thứ nhất, quy mô, khối lượng giao dịch ngày càng lớn sau 20 năm phát triển tạo dư địa tăng trưởng bền vững: Năm 2020, TTCK Việt Nam đánh dấu mốc 20 năm phát triển bằng những “kỳ tích”: là một trong 10 thị trường có sức chống chịu với đại dịch và tăng trưởng tốt nhất thế giới và tiếp tục đà tăng trưởng đầu năm 2021, VNIndex đã chính lập đỉnh lịch sử 1.200.94 điểm (18/3/2021) với mức phục hồi 67% từ đáy tháng 3/2020; giá trị giao dịch lên mức kỷ lục 15.000-18.000 tỷ đồng/phiên; số tài khoản trong nước mở mới trong năm 2020 gần 400.000, tăng 109% so với năm 2019 và bằng cả giai đoạn 2011-2019 cộng lại.

Vốn hóa TTCK (bao gồm cả TT cổ phiếu và trái phiếu) cuối năm 2020 tăng gấp 232 lần năm 2000 đạt 231,5 tỷ USD (bằng 116% GDP), riêng thị trường cổ phiếu đạt 89% GDP.

Về thành viên thị trường, nếu năm 2000 chỉ có 6 công ty chứng khoán (CTCK) và vài nghìn nhà đầu tư thì đến cuối năm 2020, đã có 90 CTCK và 57 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế thu hút trên 2,77 triệu tài khoản trong đó có 1,6 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Các DN niêm yết ngày càng tăng trưởng về chất và lượng, từ chỗ chỉ có 2 DN niêm yết năm 2000 số lượng DN niêm yết đã lên tới 1783 DN năm 2020 (bao gồm cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên 3 sàn HSX, HNX và UPCOM).

Có 33 DN niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD, 80% công ty đã tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết, trong đó có những DN uy tín có mức tăng vốn điều lệ cao như Vietcombank, VinGroup, REE, Vinamilk, BIDV…v.v.

Mặc dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch Covid-19 song nhờ các giải pháp hỗ trợ kịp thời cùng với nỗ lực trong tái cơ cấu, các DN vẫn đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, tăng khả năng thích nghi và ứng phó, tăng khả năng cạnh tranh và tạo vị thế phát triển bền vững dài hạn. Nhờ đó, giá cổ phiếu nhiều nhóm ngành có mứcđộ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 như: hóa chất, tài nguyên cơ bản, tài chính - ngân hàng, CNTT, vật liệu xây dựng, năng lượng, hàng tiêu dùng…v.v.

Screenshot (578)

 

Về các thị trường cấu phần: các thị trường bộ phận của TTCK ngày càng phát triển cân xứng, đồng bộ hơn với sản phẩm đầu tư ngày càng đa dạng, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN và nền kinh tế, giảm áp lực đối với kênh tín dụng ngân hàng.

Cùng với sự tăng trưởng khá của TT cổ phiếu; thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh cũng có những bước tiến đáng ghi nhận năm 2020. Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tiếp tục tăng trưởng mạnh, huy động được lượng vốn lớn với mức lãi suất hợp lý, góp phần bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển (giá trị phát hành năm 2020 đạt 323.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2019 trong khi lãi suất giảm 0,5-1 điểm %).

Thị trường TPDN bùng nổ và có chuyển biến về chất, tổng lượng phát hành thành công tăng 24% so với năm 2019, cơ cấu tổ chức phát hành đa dạng (BĐS, TCTD, CTCK, trong đó có 3 DN phát hành thành công trên thị trường quốc tế); quy mô thị trường TPDN tăng đạt khoảng 13% GDP (tăng 2,15 điểm % so với mức 10,85% GDP năm 2019), vượt mục tiêu đề ra.

TTCK phái sinh tăng trưởng nhanh, phát huy vai trò phòng vệ rủi ro (số lượng tài khoản phái sinh mở mới đạt hơn 70.000 tài khoản cao nhất trong vòng 4 năm; khối lượng mở (OI) tăng 143% và khối lượng giao dịch bình quân tăng 77% so với năm 2019).

Thứ hai, nền tảng kinh tế, tài chính ổn định tạo lợi thế thu hút đầu tư vượt trội so với các thị trường mới nổi toàn cầu:

(i) Là thị trường cận biên năng động nhất thế giới. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mức 6,5-7% (theo dự báo của ADB, WB, IMF và Viện ĐT&NC BIDV tháng 3/2021) - là mức tăng cao trong khu vực Đông Á - TBD; kinh tế số chiếm 5% GDP năm 2020 và định hướng phát triển với qui mô tương đương 25% GDP năm 2025;

(ii) Việt Nam xếp thứ 12/66 quốc gia có chỉ số sức mạnh tài chính khá tốt (theo the Economist tháng 5/2020), đồng thời, là một trong số ít quốc gia giữ vững và gần đây được nâng hạng tín nhiệm ở mức triển vọng “Tích cực” bởi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s;

(iii) TTCK Việt Nam đang từng bước nâng tầm vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế: TTCK Việt Nam đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên (MSCIFrontier Markets Index đạt 30,64% cuối năm 2020) và dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn (28,78%) 1 và kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo FTSE Russel năm 2023.

Nhờ những lợi thế đó, TTCK Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong thị trường hấp dẫn so với các nước mới nổi và đang phát triển toàn cầu. Chỉ số giá so với lợi nhuận (P/E) hiện nay ở mức 18,4 lần (VNIndex) và 21,07 lần (HNIndex), thấp hơn 20% so với mức trung bình của khu vực và hầu hết các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) chỉ bằng 50% so với mức cao của giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.

Lượng bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam năm 2020 cũng chỉ ở mức 1,2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức FII rút ra của nhiều thị trường mới nổi toàn cầu (từ 3-30 tỷ USD). Dự báo, với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế cũng như khả năng nâng hạng, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn lớn từ một số quỹ ngoại lớn như Schroder International Selection Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Morgan Stanley Institutionam Fund, các quỹ ETF mô phỏng chỉ số MSCI Frontier Markets…v.v.

Thứ ba, những bước tiến về thể chế và công nghệ góp phần nâng cao sức chịu đựng của TTTC, TTCK Việt Nam: hệ thống thể chế đối với TTTC đã và đang ngày càng chuẩn hóa, hoàn thiện; nhờ đó, TTTC nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang phát triển nhanh về quy mô, chất lượng, tiến dần theo thông lệ quốc tế. Nổi bật là Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Nghị định 153 về phát hành, giao dịch TPDN…góp phần tăng tính công khai, minh bạch, cải thiện chất lượng hàng hóa; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể TTCK; nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin thị trường.

Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; cắt giảm các thủ tục hành chính… góp phần tháo gỡ khó khăn cho TTCK và doanh nghiệp. Ngoài ra, những bước tiến về công nghệ cũng góp phần bảo đảm cho TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại như hệ thống công bố thông tin công ty đại chúng IDS Pro chính thức vận hành từ tháng 12/2020; phát triển các ứng dụng giao dịch chứng khoán online được giúp cho việc đăng ký tài khoản, đặt lệnh giao dịch thuận tiện; các kênh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đầu tư qua ứng dụng YouTube, Facebook; xây dựng vận hành hệ thống giao dịch mới của HSX nhằm khắc phục các rủi ro kỹ thuật (dự kiến quý IV/2021)…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF), nâng cao năng lực thích ứng, quản lý rủi ro tài và sẵn sàng xử lý bất ổn tài chính khu vực.

Một số hạn chế, thách thức

Là nền kinh tế có độ mở lớn, TTTC nói chung và TTCK Việt Nam đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự phục hồi chưa thực sự của kinh tế và TTTC toàn cầu cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Theo đó, có 4 hạn chế, thách thức chính đối với TTCK Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, đà phục hồi của nền kinh tế và TTTC toàn cầu còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức đà tăng trưởng bền vững của TTCK: đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khó lường trên toàn cầu, vấn đề sản xuất và phân phối vaccine còn chậm đến các nước đang phát triển. Mặc dù nguy cơ bong bóng TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam nói riêng khó xảy ra song không thể loại trừ nguy cơ sụt giảm, đảo chiều trước khi thực sự hồi phục bền vững và các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu được kiểm soát. Thực tế, 7 dấu hiệu rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính toàn cầu năm 2020 mặc dù đã được nhận diện và cảnh báo song vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, bùng phát thậm chí kéo dài 2-3 năm tới (giai đoạn 2021-2023).

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của TTCK vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực bởi các rủi ro như: xu hướng bảo hộ thương mại, gia tăng cạnh tranh chiến lược; căng thẳng thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn leo thang và khó đoán; mâu thuẫn địa chính trị còn phức tạp; sự biến động mạnh và khó đoán hơn của giá cả hàng hóa, năng lượng và vàng trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng; vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt…v.v.

Thứ hai, nguy cơ, thách thức từ nội tại nền kinh tế. Mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực nhất trong bối cảnh suy thoái toàn cầu song Việt nam vẫn đang đối diện với 5 thách thức lớn nội tại đó là: (i) Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh chưa cao, tái cơ cấu còn chậm và chưa đi vào chiều sâu; (ii) Sức ép cạnh tranh, sức ép cải cách, rủi ro pháp lý…trong quá trình hội nhập; (ii) Kết quả thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) còn chưa đạt kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ; (iii) Vấn đề già hóa dân số ảnh hưởngđến chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường khi Việt Nam là một trong 6 nước bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường tăng.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sự hưng phấn của TTCK Việt Nam thời gian qua tiềm ẩn một số rủi ro 3 bởi: (i) Thiếu sự kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực (TTCK tăng mạnh trong khi kinh tế tăng trưởng thấp, DN khó khăn, phá sản tăng).

Đà tăng của TTCK chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mới nổi và hưởng lợi chính sách trong khi cổ phiếu của nhiều ngành đang gặp khó khăn vẫn giảm khá mạnh như du lịch và giải trí, ôtô và phụ tùng, điện nước và xăng dầu khí đốt…v.v.; (ii) Rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn (nợ xấu nội bảng dự báo có thể ở mức 3% và nợ xấu gộp có thể lên đến 4,5-5% cuối năm 2021) bởi tác động của dịch bệnh đối với hệ thống các TCTD có độ trễ, DN và nền kinh tế còn nhiều khó khăn; (iii) TTCK đã trở nên đắt đỏ hơn, nhiều cổ phiếu được định giá cao so với các giá trị cơ bản. Chỉ số giá so với lợi nhuận (P/E) đến ngày 25/03/2021 của nhiều TTCK toàn cầu đang ở mức rất cao (lên tới 30-60 lần). P/E củaVNIndex mặc dù vẫn thấp hơn hầu hết các thị trường ASEAN song cũng cao hơn 10 điểm% so với bình quân giai đoạn 2016-2019; chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) Việt Nam sau một thời gian chững lại đang có dấu hiệu tăng lên.

Nền tảng nhà đầu tư chưa thực sự bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0), thiếu chuyên nghiệp), dòng tiền rẻ "mỏng và lỏng" có thể rút ra nhanh chóng; tâm lý bầy đàn vẫn còn. Đồng thời, hạn chế về hạ tầng, công nghệ chưa theo kịp dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, tạm ngừng giao dịch, ảnh hưởng niềm tin vào thị trường.

Ngoài ra, rủi ro áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng và các nước giảm dần các gói nới lỏng định lượng, khiến rủi ro dòng vốn đảo chiểu, giảm thanh khoản là hiện hữu.

Thứ ba, quy mô, sức cạnh tranh của TTCK Việt Nam còn thấp so với khu vực Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực 1/1/2021 với nhiều điểm mới mang tính đột phá, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế như: Nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa định chế (bao gồm cả quỹ đầu tư BĐS), đổi mới cơ chế đăng ký DN; tăng cường minh bạch thông tin; thống nhất một sở giao dịch chứng khoán; trao thêm thẩm quyền cho UBCKNN; tăng chế tài xử lý vi phạm…

Đây sẽ là bước tiến mạnh mẽ về thể chế, góp phần tăng cường minh bạch, nâng tầm TTCK Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, TTCK vẫn còn những hạn chế như tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao: Năng lực của các công ty niêm yết còn thấp, các yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển; CTCK còn hạn chế về công nghệ, nhân lực chất lượng cao, qui trình – thủ tục và tính minh bạch; thành phần nhà đầu tư tham gia TTCK chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư có tổ chức (các quỹ đầu tư) chưa nhiều; sản phẩm tài chính còn ít, chưa đa dạng; chế tài chưa đủ sức răn đe… Mặc dù đã đạt kết quả ấn tượng sau 20 năm phát triển song giá trị giao dịch và vốn hóa thị trường, tỷ lệ tài khoản/dân số còn thấp so với khu vực….v.v.

Screenshot (582)

 

Thứ tư, thách thức từ xu hướng phát triển tài chính xanh, chứng khoán xanh.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xu thế phát triển xanh trở thành tất yếu. Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về tài chính xanh đã được quan tâm xây dựng 4 và việc phát triển tài chính xanh đã có những thành quả bước đầu: phát hành thí điểm thành công trái phiếu chính quyền xanh (TP.HCM và Vũng Tàu); đã xây dựng Chỉ số Phát triển bền vững phiên bản 1.0 (chỉ số VNSI) theo các tiêu chí môi trường,xã hội và quản trị (VNSI chiếm gần 30% tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam và tương đương gần 20%GDP năm 2020, bước đầu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại); NHTM bước đầu đã có những chính sách cho tín dụng xanh …

Tuy nhiên, tài chính xanh Việt Nam chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển và vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hệ thống pháp luật về tài chính xanh còn sơ khai; lượng vốn tín dụng xanh khá lớn trong khi hiệu quả tài chính chưa cao; chưa phát triển trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ nợ xanh; chưa chú trọng phát triển thị trường cổ phiếu xanh và thị trường trái phiếu xanh bao gồm có người phát hành, nhà đầu tư, cơ chế điều tiết và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các công cụ huy động vốn xanh, các chỉ số chứng khoán xanh; ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển tài chính xanh còn hạn chế…

Theo RobecoSAM 5 - công ty tư vấn chuyên về đầu tư bền vững, Việt Nam là một trong 10nước có chỉ số ESG thấp nhất.

Một số khuyến nghị

Với triển vọng kiểm soát tốt dịch bệnh và đà khởi sắc của kinh tế, theo dự báo của Citigroup, Goldman Sachs và Nomura; TTCK Việt Nam có thể tăng khoảng 15-20% năm2021 (cùng với một số TTCK Châu Á). Theo Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và BSC, TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ tăng thấp hơn mức tăng "ấn tượng" của năm 2020, song sẽ theo hướng bền vững hơn (VNIndex sẽ dao động trong khoảng 1.200-1.300 điểm) nhờ lợi thế về phục hồi, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các DN niêm yết, P/E thấp hơn khu vực và quốc tế, nợ xấu cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường cũng phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế và TTTC thế giới, sự tăng trưởng của dòng tiền của khối ngoại và sự ổn định, bền vững của dòng vốn nội. Vì vậy, để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, tiềm năng tăng trưởng của TTCK vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tớiphát triển bền vững, chúng tôi có 3 khuyến nghị sau.

Một là, phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài: (i) Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các Chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và xu thế tài chính số; sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi 2019; vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; triển khai các giải pháp tái cơ cấu theo Quyết định 242 về Đề án“Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; xây dựng Chiến lược phát triển TTTC và TTCK giai đoạn 2021-2030 hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn;

(ii) Phát triển sản phẩm trên nền tảng số, sản phẩm phái sinh và công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất; đa dạng hóa các loại hình trung gian tài chính như quỹ hưu trí tự nguyện/tư nhân, quỹ đầu tư BĐS;

(iii) Nâng cấp hạ tầng CNTT và cơ sở dữ liệu thị trường (vận hành hệ thống giao dịch mới, xử lý tình trạng nghẽn lệnh, sự cố kỹ thuật);

(iv) Triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE (phấn đấu năm 2023) góp phần khơi thông dòng vốn ngoại và tăng niềm tin, sự hứng khởi cho dòng vốn nội;

(v) Học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia trong xây dựng, vận hành bộ chỉ số đánh giá mức độ “xanh hóa” hệ thống tài chính phát triển hệ thống tài chính xanh của Việt Nam (chỉ số ngân hàng xanh green banking sub-index (GBI), chỉ số đầu tư xanh - green investment sub-index (GII), chỉ số chứng khoán xanh - green stock sub - index (GSI) và bộ chỉ số tổng hợp tài chính xanh(GFI).

Hai là, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và TTCK:

(i) Chú trọng xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng TTCK (hệ thống cảnh báo sớm, cơ chế xử lý bong bóng tài sản, bong bóng chứng khoán…v.v);

(ii) Hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK; (iii) Tăng cường phối hợp quốc tế trong xây dựng các cam kết chung, khung pháp lý về chia sẻ các thông tin liên quan đến an ninh mạng và bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động tài chính số, ngân hàng số, kinh tế số (đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền KTS, thanh toán xuyên biên giới) nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong quá trình tham gia phát triển TTTC số, tài chính xanh.

Ba là, chú trọng phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính chuyên nghiệp nhà đầu tư trên TTCK (đặc biệt đầu tư cá nhân): 

(i) Cập nhật kiến thức về tài chính, chứng khoán (dịch vụ ngân hàng/tài chính số và phát triển tài chính xanh , quản lý rủi ro đầu tư)cho các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ;

(ii) Tăng cường vai trò của đại lý đầu tư, tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được vận hành bởi các quỹ đầu tư uy tín để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, đầu tư của nhà đầu tư cá nhân;

(iii) Bản thân các nhà đầu tư cá nhân cần trở thành nhà đầu tư thông thái bằng kiến thức, năng lực thực chất; xác định rõ mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm đòn bẩy tài chính, tránh tâm lý bầy đàn…v.v.

Tóm lại: TTCK Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực sau 20 năm phát triển và nhiều triển vọng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế số, tài chính số phát triển ngày càng mạnh mẽ, cơ hội đi kèm với rủi ro, thách thức; Việt Nam cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về thể chế, công nghệ, nguồn nhân lực, mức độ chuyên nghiệp, minh bạch, khả năng chống chịu, ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Với giải pháp đúng hướng và thực thi hiệu quả, TTCK Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững hơn về cả qui mô, thanh khoản, chất lượng và trở thành kênh huy động vốn, đầu tư quan trọng của nền kinh tế, bắt nhịp xu hướng tài chính số, tài chính xanh và chứng khoán xanh của khu vực và thế giới.

Ngày 31/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Nhadautu.vn sẽ tổ chức Toạ đàm: "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững".

Buổi toạ đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ KH&ĐT, các sàn giao dịch HNX, HoSE, các chuyên gia tài chính cùng đại diện các công ty chứng khoán, công ty niêm yết lớn. Toạ đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

Để toạ đàm có chất lượng, thiết thực góp phần phát triển thị trường, Tạp chí điện tử Nhadautu.vn hoan nghênh và mong muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư về thực trạng và những băn khoăn về thị trường chứng khoán hiện nay. Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ