Nhà đầu tư điện gió kiến nghị kéo dài thời gian hưởng giá FIT

Nhàđầutư
Theo quy định, dự án điện gió muốn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua điện với giá hỗ trợ (FIT) thì phải hoàn thành và phát điện trước ngày 1/11. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng chục dự án điện gió gặp khó trong thi công đành ngậm ngùi “lỡ nhịp”…
AN HÒA
28, Tháng 10, 2021 | 06:32

Nhàđầutư
Theo quy định, dự án điện gió muốn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua điện với giá hỗ trợ (FIT) thì phải hoàn thành và phát điện trước ngày 1/11. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng chục dự án điện gió gặp khó trong thi công đành ngậm ngùi “lỡ nhịp”…

dien gio bac lieu

Điện gió Bạc Liêu - dự án điện gió đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh HB

Dự án chậm tiến độ là do yếu tố khách quan

Theo Quyết định số 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5 UScents/kWh).

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh).

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Căn cứ nội dung Thông tư số 02 ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, trước 90 ngày vận hành thương mại, Bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử, nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.

Để có thể đáp ứng điều kiện chạy thử, nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021 thì chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho EVN muộn nhất là ngày 3/8/2021. 

Theo số liệu của EVN, đến hết ngày 3/8/2021 đã có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại.

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật của EVN, tính đến ngày 22/10/2021, chỉ mới có có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW được công nhận vận hành thương mại (COD). Khả năng đến 31/10 chỉ có thêm một số rất ít dự án được công nhận COD. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy còn lại sẽ không kịp phát điện một phần hoặc toàn bộ dự án theo kế hoạch để được hưởng giá FIT.

Trao đổi với Nhadautu.vn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết, tỉnh Sóc Trăng có 20 dự án điện gió được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, trong đó có 11 dự án đang triển khai xây dựng.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua mặc dù địa phương rất căng thẳng trong phòng chống dịch nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, do diễn biến dịch phức tạp các địa phương đều tăng cường cho công tác phòng dịch, do vậy mà việc nhập khẩu trang thiết bị, việc di chuyển của chuyên gia nước ngoài, người lao động đến dự án làm việc gặp nhiều khó khăn, hầu như tất cả các dự án đều chậm tiến độ, khả năng đến 31/10, địa phương chỉ có 4 dự án được hưởng giá mua bán điện có hỗ trợ theo Quyết định số 39/QĐ-TTg.

Cũng theo ông Chiêu, không riêng gì ở tỉnh Sóc Trăng mà hầu hết dự án điện gió trên cả nước đều gặp phải khó khăn như trên, do vậy tất cả các địa phương có dự án điện gió đều đã có kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hưởng giá FIT cho nhà đầu tư điện gió dang dỡ thêm từ 3 – 6 tháng.

Trước đó, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN, cho biết mặc dù các chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thành dự án theo mục tiêu để phát điện thương mại hạn chót vào ngày 31/10/2021, nhưng do dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có các dự án điện gió.

Do đó, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…) đều được hưởng giá FIT.

dien gio

Ngân hàng thế giới cho biết Việt Nam còn dư địa khai thác điện gió lên đến 27 GW. Ảnh TL

“Điện gió”- thỏi nam châm hút vốn FDI

“Dư địa” đầu tư các dự án điện gió không chỉ tập trung vào khu vực ven biển, hải đảo mà điện gió còn có thể phát triển trên đất liền tạo nên những “cánh đồng gió” kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 7 tỉnh có mặt tiếp giáp biển là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang trong thời gian qua đã có hàng chục dự án điện gió đang được triển khai với số vốn đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD, phần lớn là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điện gió được đánh giá là động lực tăng trưởng mới của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm qua dòng vốn FDI chảy mạnh vào ngành năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, năm 2020, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết, thu hút đầu tư năng lượng tái tạo gần đây đã tăng đột biến, chỉ xếp sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu tính mức bình quân suất đầu tư khoảng 2,5 – 3 tỷ USD/1GW điện gió, Việt Nam có thể thu hút đến hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư trong thập niên tới.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam khoảng 27 GW. Tuy nhiên, theo nhận định của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), nếu các chính sách giá FIT không được gia hạn thì Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 MW dự án điện gió “lỡ hẹn” vận hành thương mại (COD), dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và việc làm trong tương lai, đây cũng là một “điểm trừ” trong thu hút nguồn vốn đầu tư mới vào điện gió trong giai đoạn kế tiếp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ