Nhà đầu tư BOT kiến nghị không hồi tố pháp luật

Nhàđầutư
Lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn cho biết mỗi khi thay đổi chính sách thường dẫn đến hai hướng: bất lợi hoặc có lợi cho nhà đầu tư. Mỗi khi dự án gặp bất lợi, cơ quan quản lý lại gọi nhà đầu tư lên để đàm phán giảm phí, giá.
THU PHƯƠNG
01, Tháng 11, 2017 | 15:31

Nhàđầutư
Lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn cho biết mỗi khi thay đổi chính sách thường dẫn đến hai hướng: bất lợi hoặc có lợi cho nhà đầu tư. Mỗi khi dự án gặp bất lợi, cơ quan quản lý lại gọi nhà đầu tư lên để đàm phán giảm phí, giá.

Tại tọa đàm “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” sáng 1/11, ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) đánh giá dự án cao tốc Bắc - Nam là cơ hội đầu tư tốt với các nhà đầu tư và khẳng định sẽ tham gia đấu thầu các dự án phù hợp.

"Dự án này có sự hỗ trợ của Nhà nước lên tới 39% là rất lớn, vì vậy chúng tôi đặc biệt quan tâm tới cơ chế giải ngân nguồn vốn", ông Thế cho biết.

Về mặt chính sách đối với nhà đầu tư, ông Thế đưa kiến nghị cần phải đảm bảo chính sách, đặc biệt là không hồi tố pháp luật.

"Vì mỗi khi thay đổi chính sách thường dẫn đến hai hướng: bất lợi hoặc có lợi cho nhà đầu tư. Mỗi khi dự án gặp bất lợi lại gọi nhà đầu tư lên để đàm phán giảm phí, giá. Chúng tôi thường nhận được công văn đàm phán giảm giá phí nhưng chúng tôi không rõ đó là văn bản đàm phán hay văn bản quy phạm pháp luật. Nếu là văn bản đàm phán thì chúng tôi có quyền từ chối nhưng nếu là văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi buộc phải thực hiện", ông Thế nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu bắt buộc phải điều chỉnh giá và lãi suất sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính, tín dụng mà công ty đã ký với ngân hàng, dễ dẫn đến việc nhà đầu tư rơi vào nợ xấu.

Theo ông, phải đảm bảo tính đồng nhất của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước phải rõ ràng vì hiện nay vẫn còn một số luật chưa đồng nhất như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, một số nghị định hướng dẫn. 

Ông Thế đưa ra ví dụ trong vấn đề giải quyết vướng mắc lãi suất, khi xảy ra vấn đề chênh lệch lãi suất, tập đoàn kiến nghị lên Bộ Tài chính thì Bộ chuyển lên Chính phủ rồi Chính phủ lại gửi Bộ Tài chính giải quyết theo thẩm quyền… "Chúng tôi không biết gặp ai, đề nghị ai để giải quyết vướng mắc. Nhà đầu tư cần có quyền lựa chọn cơ quan Nhà nước", ông Thế bày tỏ khó khăn.

Do đó, lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn kiến nghị một biện pháp mới đó là đa dạng hoá cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ký với đối tác tư nhân.

Ngoài ra, theo ông, cần phải có cơ chế chia sẻ rủi ro vì hiện nay việc lập phương án tài chính cho hàng chục năm nhưng khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì thực tế lại khác, tốc độ phát triển không đạt, ai là người chia sẻ với nhà đầu tư?

Trả lời thắc mắc từ phía chủ đầu tư BOT, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, liên quan đến cơ chế giá, với đường cao tốc, trước đây theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, thẩm quyền thuộc Bộ Tài chính mỗi khi tăng giảm phải theo quy định chặt chẽ. Từ 1/1/2017, sau khi sửa Luật Phí và Lệ phí chuyển thành giá và thuộc thẩm quyền Bộ GTVT. Theo Luật giá, hiện nay chưa rõ ràng về phương pháp xác định giá cho cả một vòng đời dự án với các dự án PPP.

Định giá hiện nay là xác định tại thời điểm, đảm bảo 2 nguyên tắc là đảm bảo chi phí, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và thứ hai là điều chỉnh qua từng thời kỳ.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Huy cho biết, Bộ GTVT trình Quốc hội giá khởi điểm là 1.500 đồng/km. Bộ GTVT nghiên cứu trượt giá trong 20 năm, từ 1996 - 2016 và của 11 nền kinh tế có chỉ số tín nhiệm ở mức B1 và đưa ra mức 4% để định giá. Về nguyên tắc, muốn đấu thầu phải có giá. Giá đối với dự án PPP có đặc thù khác, giá phải xác định cả vòng đời dự án mới tính ra được giá gói thầu.

"Khi đấu thầu rồi, nhà đầu tư được thu phí trong vòng 15 - 20 năm. Đấu thầu theo vốn góp của nhà nước. Đấu thầu vốn hỗ trợ thấp nhất thì trúng thầu", ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, nhà đầu tư nước ngoài đều muốn Chính phủ bảo lãnh doanh thu. Nếu doanh thu sụt giảm dưới 80%, nhà nước bù cho họ đủ 80%, họ chấp nhận lỗ. Nếu trên 20%, nhà nước được chia sẻ phần lợi nhuận vượt lên đó. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay chưa cho phép cung cấp bảo lãnh đó. Chính phủ đã họp 3 cuộc để bàn chuyện này.

"Hiện nhà nước không gánh rủi ro đó thì nhà đầu tư phải gánh. Nhà đầu tư thêm rủi ro thì họ phải tự tính cân đối với mức lợi nhuận dự tính để quyết định tham gia đấu thầu hay không", ông Huy khẳng định.

Về vấn đề đàm phán giá phí mà ông Thế nêu ở trên, ông Huy cho rằng, phí chỉ là dự kiến, còn chính thức bao nhiêu phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định nên mới phải đàm phán.

"Nếu đấu thầu, cuộc chơi là lời ăn lỗ chịu. Nhà đầu tư nào bỏ thầu giá hỗ trợ thấp nhất thì thắng thầu. Và với các dự án đường cao tốc này, không có chuyện đàm phá giá như với các dự án BOT vừa qua", Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư nói.

Theo tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn từ năm 2017-2020; giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn sau 2025. Phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (dài 713 km) có quy mô rất lớn. Ngoài ra, mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau. Do vậy, phương án đầu tư kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần. Toàn bộ 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 đều đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng tái định cư khoảng 3,736 ha. Dự án được Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc biệt do Quốc hội quyết định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ