Nghiên cứu phân công cơ quan kiểm tra, giám sát hoạt động Kiểm toán Nhà nước

Nhàđầutư
Để bảo đảm minh bạch, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế và phân công cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của KTNN trong luật.
THẮNG QUANG
12, Tháng 08, 2019 | 10:25

Nhàđầutư
Để bảo đảm minh bạch, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế và phân công cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của KTNN trong luật.

Sáng 12/8, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Thêm quy định để được khởi kiện báo cáo kiểm toán

Trình bày báo cáo các nội dung đã thống nhất và một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay có ý kiến đề nghị quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán phải được quy định như quyền khiếu nại đối với các lĩnh vực khác.

Theo ông Hải, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN, đề nghị quy định theo hướng khởi kiện ra tòa và quy định rõ cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý. Quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung điều, khoản cụ thể vào dự thảo Luật KTNN để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính đặc biệt là đảm bảo quyền khiếu kiện ra tòa vì báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính.

nguyen-duc-hai

 

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và KTNN nhận thấy Luật KTNN cũng đã có những quy định về giải quyết khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán nhưng theo quy định của Luật KTNN, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện.

Nên để bảo đảm công bằng, khách quan, các đơn vị này nhận định cần nghiên cứu để cụ thể thêm về quyền khiếu nại và bổ sung vào luật để xử lý trường hợp đơn vị được kiểm toán, cá nhân, tổ chức có liên quan không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN có quyền khởi kiện ra tòa.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều, khoản cụ thể vào Luật KTNN để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính quy định rõ căn cứ, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, khởi kiện.

Có ý kiến đề nghị song song với nội dung này thì cần sửa đổi Điều 7 theo hướng bỏ quy định “báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý bắt buộc phải thực hiện” để tránh xung đột pháp luật. Một số ý kiến đề nghị thiết kế riêng một chương “tố tụng trong hoạt động kiểm toán” để xử lý khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.

Chưa mở rộng đối tượng kiểm toán?

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng kiểm toán là trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác nhận định đối tượng kiểm toán theo dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại; quy định rõ hơn về các đối tượng liên quan đến quá trình kiểm toán.

Các đại biểu đề nghị rà soát làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về vấn đề này, KTNN đề xuất 2 phương án trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, 2 phương án thực chất là giữ nguyên như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vì phương án 1 là giữ nguyên như đã trình, phương án 2 là chuyển nội dung đã bổ sung tại phương án 1 sang Điều 3.

Điều này dẫn đến chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước.

Tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán phải là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cho rằng các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán.

Vì vậy, cơ quan này tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để cùng cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm điều kiện các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của KTNN khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

phien-hop036

Toàn cảnh phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

KTNN cho rằng đề xuất sửa đổi, bổ sung của KTNN không mở rộng đối tượng được kiểm toán mà chỉ quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.

Phân công cơ quan giám sát hoạt động của KTNN

Ngoài ra, báo cáo cho hay một số ý kiến về việc KTNN vừa ban hành quy định về tổ chức, hoạt động kiểm soát vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng chỉ là việc thực hiện kiểm soát trong nội bộ kiểm toán. Hiện nay, chưa có cơ quan nào kiểm toán cơ quan KTNN.

Vì vậy, đề nghị quy định giao cho một cơ quan của Quốc hội hoặc sử dụng một cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm toán hoạt động và kiểm soát đánh giá chất lượng các báo cáo, kết luận của cơ quan KTNN. Đồng thời, bổ sung quy định về việc phối hợp giữa Ủy ban TCNS của Quốc hội và KTNN để tổ chức các phiên giải trình về báo cáo của các cuộc kiểm toán lớn, quan trọng.

Để bảo đảm minh bạch trong hoạt động của KTNN, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách xin tiếp thu phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế và phân công cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của KTNN.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ