Ngành mía đường miền Tây chật vật để tồn tại

Nhàđầutư
Giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao hơn giá bán, khiến cho hàng ngàn nông hộ trồng mía ở tỉnh Hậu Giang phải bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Thiếu nguyên liệu để sản xuất đã làm nhiều nhà máy đường ở miền Tây đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.
AN HÒA
29, Tháng 12, 2022 | 07:25

Nhàđầutư
Giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao hơn giá bán, khiến cho hàng ngàn nông hộ trồng mía ở tỉnh Hậu Giang phải bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Thiếu nguyên liệu để sản xuất đã làm nhiều nhà máy đường ở miền Tây đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.

mia an hoa

Vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp đang ngày càng giảm diện tích. Ảnh An Hòa

Thiếu mía nguyên liệu 

Theo lãnh ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, căn cứ vào nhu cầu và công suất của nhà máy đường trên địa bàn, tỉnh đã quy hoạch vùng mía nguyên liệu trên địa bàn huyện đến năm 2025 sẽ ổn định với diện tích từ 2.000 - 2.500ha. Ngoài ra còn khoảng 500ha chuyên trồng mía bán mía chục cho các điểm bán nước mía giải khát.

Để giúp nông dân chủ động trong sản xuất mía trong vụ mới, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu trong 3 vụ liên tiếp, kéo dài từ năm 2023 đến năm 2026.

Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc vật tư để cải tạo đất, giống mía và mua phân bón và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy. Giá trị đầu tư quy đổi bằng tiền cho mía trồng lại không quá 37 triệu đồng/ha và trồng lưu gốc 25 triệu đồng/ha. Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch 10CSS tại ruộng. Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, Công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường.

Mặc dù định hướng của địa phương là vậy, tuy nhiên theo phản ánh của các hộ dân tại vùng chuyên canh mía thì địa phương rất khó duy trì được vùng mía nguyên liệu. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, nhưng giá bán mía nguyên liệu không tăng, khiến người trồng mía thua lỗ nặng.

Ông Lê Văn Thum, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cho biết, năm nay giá mía giống đang ở mức 3.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi vụ trước), cùng với chi phí nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao như hiện nay thì giá thành 1 kg mía đã lên đến 2.000 đồng. Trong khi giá mua mía nguyên liệu cho vụ tới được nhà máy đường công bố chỉ 1.000 đồng/kg. Như vậy, nông dân trồng mía phải chịu lỗ đến 50%, do đó mà năm nay nhiều hộ chưa dám xuống giống vụ mía mới.

Thực trạng thiếu mía nguyên liệu đã xảy ra từ niên vụ sản xuất 2021 -2022 vừa qua. Theo đại diện Casuco, dự kiến ban đầu của Công ty là ngày 14/11/2022 sẽ bước vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến ngày nhà máy hoạt động, lượng mía thu mua được chỉ bằng 10% dự kiến nên buộc lòng nhà máy phải lùi ngày vào vụ sản xuất đến đến hết tháng 11/2022.

Casuco được thành lập cách nay 27 năm, Công ty có hai nhà máy đường quy mô công suất ép lên đến hơn 2.000 tấn mía/ngày, đặt tại Phụng Hiệp và Vị Thanh tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, đến niên vụ mía 2019 - 2020, Casuco đã phải đóng cửa nhà máy đường Vị Thanh. Còn lại nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động với công suất rất thấp trong các năm qua vì thiếu mía nguyên liệu.

Kết thúc vụ ép 2020 - 2021 vừa qua, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 86.000 tấn mía. Niên vụ 2021 – 2022, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được hơn 70.000 tấn mía. Trong khi thời "hoàng kim" thì nhà máy này ép từ 800.000-1.000.000 tấn mía/vụ.

NMD An Hoa

Casuco đặt mục tiêu lợi nhuận âm gần 29 tỷ đồng trong vụ sản xuất mới. Ảnh An Hòa

Lợi nhuận âm

Do thiếu nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh khó khăn, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco vừa có tờ trình số 04/TTr-HĐQT/2022 về việc thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 - 2023.

Theo đó, mục tiêu sản xuất kinh doanh được đơn vị này đề ra khá khiêm tốn, sản lượng mía thô đưa vào sản xuất chỉ khoảng 30.000 tấn, với sản lượng đường thành phẩm 2.770 tấn; tổng doanh thu dự kiến chỉ khoảng 60 tỷ đồng.

Đáng chú ý là tờ trình số 04/TTr-HĐQT/2022 của HĐQT Casuco đặt mục tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong niên vụ 2022 - 2023 là: âm 28,949 tỷ đồng.

Theo lý giải của ông Hiếu, lý do mà HĐQT Công ty đưa ra mục tiêu bi quan như vậy là do dựa trên kết quả của năm sản xuất trước đó và dự báo tình hình thương mại ngành đường năm 2023 - 2024.

Cụ thể, niên vụ năm 2021 - 2022 kế hoạch của Công ty đưa ra là ép khoảng 90.000 tấn mía nhưng do thiếu mía nguyên liệu nên nhà máy chỉ ép được 70.000 tấn mía.

Niên vụ năm 2021 - 2022 Casuco đề ra mục tiêu sản xuất 9.275 tấn đường nhưng kết quả thực hiện chỉ hơn 7.077 tấn. Tổng doanh thu đề ra trong vụ này là 141,233 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 86,103 tỷ đồng.

"Mục tiêu lợi nhuận Casuco đặt ra cho niên vụ năm 2021 – 2022 là 2,3 tỷ đồng nhưng kết quả thực hiện âm lợi nhuận 1,951 tỷ đồng. Công ty cổ phần mía đường Tây Nam (Cà Mau), do Casuco nắm giữ trên 98% vốn điều lệ và Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng – công ty liên kết của Casuco cũng gặp phải khó khăn tương tự, hiện các đơn vị này cũng đang chờ làm thủ tục phá sản", ông Hiếu cho biết khó khăn của doanh nghiệp.

Được biết Casuco vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhưng bất thành. Dự kiến, vào tháng 1/2023, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Casuco sẽ được tổ chức trở lại.

Theo nhận định của một vị chuyên gia kinh tế (xin dấu tên), trước đây, vùng chuyên canh mía tại huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ tỉnh Hậu Giang là vùng nhiễm phèn nặng, không trồng mía thì không biết trồng cây gì. Nay công tác thủy lợi đã được đẩy mạnh, đất đai vùng này đã có thể trồng nhiều loại cây ăn quả khác. Do vậy, khi bà con nông dân thấy trồng mía kém hiệu quả thì đã mạnh dạng chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn là hoàn toàn hợp lý.

"Kinh tế thị trường, sản xuất cái gì hiệu quả cao mà pháp luật không cấm thì người ta làm. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ràng buộc người dân được", vị chuyên gia này nói.

Về việc giải quyết khó khăn của các nhà máy đường, vị chuyên gia kinh tế này đưa ra quan điểm "nếu thấy sản xuất không hiệu quả thì tốt nhất, chủ đầu tư nên đóng cửa nhà máy, hoặc di dời nhà máy đến nơi có vùng nguyên liệu tốt hơn".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ