Năm 2017, Vietnam Airlines lấy gì để đọ Vietjet Air?

Nhàđầutư
Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 của 'người anh cả' Vietnam Airlines đặt ra được đánh giá là thận trọng, trong khi hãng hàng không trẻ Vietjet Air vẫn tiếp tục tự tin tăng tốc trong năm nay.
HỒ MAI
19, Tháng 06, 2017 | 15:18

Nhàđầutư
Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 của 'người anh cả' Vietnam Airlines đặt ra được đánh giá là thận trọng, trong khi hãng hàng không trẻ Vietjet Air vẫn tiếp tục tự tin tăng tốc trong năm nay.

Vietjet tự tin 'tăng tốc', Vietnam Airlines bước đi 'thận trọng'

Theo nội dung trình đại hội cổ đông thường niên 2017 diễn ra vào ngày mai 20/6, năm 2017 Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 87.900 tỷ đồng, tăng 22,7%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.338 tỷ đồng, giảm 36,4%.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines đã lên một kế hoạch sản xuất kinh doanh khá thận trọng.

vietnam Airlines

 Ngày mai 20/6, sẽ diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vietnam Airlines

Vietnam Airlines nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro, các biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá các đồng ngoại tệ vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, trong khi đó, tình hình cạnh tranh tiếp tục khốc liệt.

Trong năm 2016, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất của Vietnam Airlines đạt hơn 71.600 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần đạt gần 70.100 tỷ đồng), tăng 3,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm trước và vượt 12% so với kế hoạch. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vietnam Airlines trong nhiều năm trở lại đây. 

Trong khi đó, năm 2016, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air - VJC) đạt doanh thu 27.499 tỷ đồng (tăng 38,6%) so với năm 2015 và đạt 2.496 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 113,2%) so với năm 2015, đồng thời cũng vượt 9% kế hoạch đề ra đầu năm. Đây cũng là động lực để VJC “mạnh tay” chi cổ tức cho cổ đông.

Cụ thể, trong năm 2016, Vietjet Air đã tạm ứng cổ tức với 25% bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng 2 đợt cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 33% và 20%. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức đợt 2 năm 2016 bằng tiền cho cổ đông từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với tỷ lệ 10%.

Năm 2017, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu thuần 42.018 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.395 tỷ đồng, tăng lần lượt 49% và 64% so với kết quả thực hiện năm 2016. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 48%. Đồng thời tại ĐHCĐ ngày 20/4, 100% cổ đông thống nhất thông qua chủ trương xin nới room khối ngoại.

Đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 cao gần gấp đôi so với năm 2016, Vietjet Air khiến cổ đông tại ĐHCĐ 2017 khá “hưng phấn” trong bối cảnh sức nóng cạnh tranh ngành hàng không ngày càng khốc liệt.

Đua đầu tư máy bay mới

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietjet, dự kiến đến cuối năm 2017, Vietjet sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng số 98.124 chuyến bay và dự kiến vận chuyển 17 triệu hành khách. Đây là một con số tăng trưởng khá “khủng” nhằm góp phần giúp Vietjet đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận như kỳ vọng.

Để làm được điều này, Vietjet có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 40% để tăng vốn điều lệ.

Vietjet cho biết, bắt đầu từ quý II/2017, công ty có kế hoạch nhận tàu bay mới, doanh thu từ hoạt động bán và thuê tàu bay dự kiến trong quý II đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Vietjet nhận đã thêm 12 máy bay mới, nâng tổng số lên 41 máy bay bao gồm 30 máy bay A320 và 11 máy bay A321, vận chuyển 14,05 triệu lượt khách, tăng 50,9% so với năm 2015.

vietjet

Vietjet cho biết, bắt đầu từ quý II/2017, công ty có kế hoạch nhận tàu bay mới, doanh thu từ hoạt động bán và thuê tàu bay dự kiến trong quý II đạt trên 5.000 tỷ đồng

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng không trong nước, đặc biệt là "đối thủ" Vietjet Air, tại ĐHCĐ lần này, HĐQT Vietnam Airlines sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2017 theo hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu của tổng công ty. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai kể từ khi Vietnam Airlines hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Theo đó, hãng hàng không quốc gia dự kiến phát hành 191,1 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ phát hành 15,5753%, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu được mua thêm 15,5753 cổ phiếu phát hành thêm.

Theo đề xuất của Vietnam Airlines, số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ dùng làm vốn đối ứng cho Dự án mua 8 máy bay Boeing 787-9 và 10 máy bay Airbus 350 trong giai đoạn 2017-2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng giá trị của các hợp đồng này khoảng 1,71 tỷ USD, tương đương 41.000 tỷ đồng. Ngay trong năm 2017, Vietnam Airlines sẽ nhận 5 máy bay (gồm 1 Boeing 787-9, 4 Airbus A350) với giá trị mỗi chiếc khoảng 160 triệu USD.

Ngoài ra, hãng cũng trình cổ đông kế hoạch đầu tư trang thiết bị với giá trị gần 95 tỷ đồng, chi 469 tỷ đồng đầu tư xây dựng và dự phòng thực hiện đầu tư là 250 tỷ đồng.

Năm 2017, hãng này cũng chi khoảng 1.100 tỷ đồng để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm 50 tỷ đồng dự phòng) gồm 7 dự án đầu tư. Các khoản đầu tư này chủ yếu sẽ chảy vào vận tải hàng không và các doanh nghiệp thuộc dây chuyển vận tải trong ngành.

Tổng cộng, kế hoạch đầu tư của hãng trong năm 2017 bao gồm 71 dự án chuẩn bị đầu tư và 36 dự án thực hiện đầu tư, với giá trị 4.025 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ vốn chủ sở hữu, vốn vay và hợp tác kinh doanh.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tăng cường phối hợp với hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific để triển khai chiến lược thương hiệu kép VNA - JPA, tăng cường năng lực cạnh tranh trong thị phần hàng không giá rẻ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường 2017 diễn ra vào tháng 2 vừa qua, hãng đã trình cổ đông phương án bán 4 máy bay rồi thuê lại, dự kiến giao tháng 6, 9, 12, với công ty cho thuê máy bay của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Theo tính toán, hãng sẽ thu về khoảng 1 triệu USD với mỗi chiếc máy bay trong thương vụ lần này.

Chờ bứt phá

Năm nay, hai hãng bay này không chỉ cạnh tranh gay gắt trên bầu trời, mà còn so kè quyết liệt trên thị trường chứng khoán khi cả 2 đều đã đưa cổ phiếu niêm yết rộng rãi ra công chúng, thời gian chỉ cách nhau 2 tháng.

Hiện, trên sàn chứng khoán, giá trị vốn hóa của Vietjet vào khoảng 40.700 tỷ đồng với mỗi cổ phiếu trị giá là 126.500 đồng, trong khi vốn hóa của Vietnam Airlines là 33.100 tỷ đồng, mỗi cổ phiếu có giá 27.000 đồng.

vietjet

Hai hãng hàng không đang so găng với nhau cả về thị phần và trên thị trường chứng khoán 

Như vậy, chỉ chưa đầy 6 năm hoạt động kể từ tháng 12/2011, VietJet Air đã soán ngôi “người anh cả” 60 tuổi Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam xét về giá trị doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2016, Vietjet nắm 41% thị phần bay nội địa, đuổi sát nút so với thị phần 42% của Vietnam Airlines. Với tốc độ tăng trưởng này, rất có thể Vietjet Air sẽ vượt mặt Vietnam Airlines ngay trong năm 2017.

Hình ảnh hãng hàng không có giá rẻ và lượng chuyến bay lớn là một trong nhiều nguyên nhân lý giải vì sao Vietjet Air thành công trong vài năm trở lại đây, khi nhu cầu di chuyển nội địa của người dân tăng cao.

Vietjet Air hiện cũng đang tăng cường mở rộng các đường bay dài quốc tế. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao hãng này quyết định nâng cấp lên SkyBoss.

Trái với Vietjet Air tiến lên phân khúc cao cấp, ngược lại, Vietnam Airlines gần đây đầu tư mạnh mẽ cho phân khúc thấp hơn qua hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (hiện Vietnam Airlines sở hữu gần 70%).

Trong khi Vietnam Airlines và Jetstar kết hợp để chiếm mọi phân khúc, thì mô hình mà Vietjet Air đang hướng đến được xem là “lai” giữa hàng không giá rẻ và truyền thống bằng cách hạn chế những nhược điểm và tận dụng ưu điểm của mỗi mô hình. Trên thế giới, đây cũng là một mô hình mới trong vài năm gần đây.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các hãng hàng không truyền thống buộc phải giảm chi phí trước sự bùng nổ của hàng không giá rẻ (theo báo cáo Ngành hàng không: Chi phí - hiệu quả của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA). Cắt giảm chi phí cũng là một trọng trách khó khăn đối với một doanh nghiệp nhà nước, còn mang trọng trách quảng bá hình ảnh quốc gia và buộc phải duy trì những đường bay phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, điều tích cực là Vietnam Airlines đã có cổ đông chiến lược là Hãng Hàng không ANA (Nhật). Sự hợp tác giữa ANA Group và Vietnam Airlines sẽ giúp hai bên mở rộng cơ hội phát triển khi nhu cầu về dịch vụ hàng không đang tăng cao tại thị trường châu Á, đặc biệt là tiểu vùng Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam. Thời điểm ký kết hợp tác với ANA, đại diện Vietnam Airlines cho biết: “Thông qua chiến lược hợp tác phát triển lâu dài cùng với những kinh nghiệm sẵn có từ ANA, mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao của Vietnam Airlines chắc chắn sẽ trở nên thuận lợi hơn”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ