Mỹ - Việt chạy đua với thời gian

Không lâu sau chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào hạ tuần tháng 7/2021 - trong đó có viếng thăm chính thức Việt Nam - nay Phó tổng thống Kamala Harris, nhân vật số hai của Nhà trắng, sẽ tới khu vực và thăm chính thức Việt Nam từ 24-26/8/2021.
TS. ĐINH HOÀNG THẮNG
24, Tháng 08, 2021 | 12:41

Không lâu sau chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào hạ tuần tháng 7/2021 - trong đó có viếng thăm chính thức Việt Nam - nay Phó tổng thống Kamala Harris, nhân vật số hai của Nhà trắng, sẽ tới khu vực và thăm chính thức Việt Nam từ 24-26/8/2021.

my-viet-4

 

Lần đầu tiên trong lịch sử

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thăm chính thức Singapore vào ngày 22/8 và bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á. Dự kiến, bà sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24/8 đến 26/8. Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ có chuyến thăm riêng rẽ đến Việt Nam.

Chuyến công du của bà Harris liền kề chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng trước đến Hà Nội để tìm cách thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Việt ngày càng sâu sắc hơn. Cả hai chuyến công du này diễn ra sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman với các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc cũng vào tháng trước. Vừa qua, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tìm cách củng cố thông điệp của Mỹ rằng họ nghiêm túc trong việc hợp tác với Đông Nam Á bằng cách tham gia một loạt 5 cuộc họp được tổ chức trực tuyến trong một tuần liền.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/8/2021 đã chính thức công bố, Hà Nội và Washington đang phối hợp để chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam trên tinh thần quan hệ “đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp”. Như thông cáo báo chí trước đó của Nhà Trắng (ngày 30/7) cũng chỉ rõ: “Phó Tổng thống Kamala Harris sắp thăm Việt Nam và Singapore trong khuôn khổ chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ với “hai đối tác quan trọng ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Tuyên bố về chuyến đi của bà Harris được Cố vấn riêng kiêm Phát ngôn viên chính của bà là Symone Sanders cho hay: “Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris lâu nay đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng lại quan hệ đối tác toàn cầu, giữ vững an ninh quốc gia cho nước Mỹ. Chuyến thăm tới đây tiếp tục sự nghiệp ấy, nó làm sâu sắc thêm cam kết của chúng ta ở Đông Nam Á”.

Trong chuyến công du sắp diễn ra, Tuyên bố cho biết thêm, bà Phó Tổng thống Mỹ sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo của hai chính phủ Việt Nam và Singapore về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, sự ứng phó toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nỗ lực chung của ba nước nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế có nền tảng là luật lệ, đó là trật tự liên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Tin Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ sớm thăm Việt Nam có lẽ là một trong những thoả thuận nổi bật mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo trước vào hôm 29/7/2021, sau khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến chào xã giao.

Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc mà ông Austin cho là “rất vinh dự” và cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mà ông đánh giá là “rất long trọng”, các nhà lãnh đạo hai nước đã điểm lại các mối quan hệ song phương bền chặt. Một vấn đề lớn được bàn tới trong các cuộc tiếp xúc là triển vọng nâng cấp quan hệ đối tác và cách đặt vấn đề từ mỗi phía, làm thế nào để thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” Mỹ - Việt hiện nay tiến tới “đối tác chiến lược” trong một tương lai gần. “Hoa Kỳ cam kết ủng hộ một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và độc lập”. Tuyên bố này của ông Austin không mới nhưng đi đôi với lời nói là việc làm, khi Mỹ mang 5 triệu liều vaccine Moderna, cùng với 20 triệu đôla viện trợ Việt Nam chống COVID-19.

Động thái này đang đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia tặng nhiều vaccine nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, trong kế hoạch của Chính quyền Biden chia sẻ 80 triệu liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia được ưu tiên nhận trực tiếp hoặc thông qua cơ chế COVAX. Sự hỗ trợ kịp thời của Mỹ đối với Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với số ca nhiễm tăng kỷ lục, hy vọng sẽ giúp tăng cường lòng tin và thắt chặt hợp tác giữa hai nước.

Một tín hiệu mới đáng lạc quan, vaccine Mỹ do Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8/2021. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc. Thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào năm 2022. Bộ Y tế cho biết nhà máy này có công suất 100 - 200 triệu liều/năm, vaccine sẽ được sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự như công nghệ sản xuất ra vaccine Pfizer và cũng là vaccine dạng đông khô giống Pfizer, nhưng nhiệt độ bảo quản từ 2 đến 8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, từ âm 75 đến âm 85 độ C.  

Tính cấp bách về chiến lược...

Ngoài đối phó với COVID-19, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức khác về chiến lược, cùng với các nước trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Ngay tại Hội nghị AMM-54, cả Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Brinken đều nhấn mạnh đến các thách thức chung mà Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Hoa Kỳ và các thành viên ASEAN khác cùng phải gánh vác. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN trước cả AMM-54 nửa tháng, ngày 14/7, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh việc Hoa Kỳ bác bỏ “yêu sách lãnh hải phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông và nói rằng Washington “đứng về phía các bên tranh chấp Đông Nam Á khi đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc”.

Mối quan hệ đối tác mà ông Austin cho là bắt nguồn từ giao lưu nhân dân bền chặt và cam kết tiếp tục của hai bên trong việc giải quyết các di sản chiến tranh một cách có trách nhiệm, được ông bổ sung thêm trên Twitter: “Trên hết, tôi muốn nói tới tính cấp bách về chiến lược (a strategic imperative) của quan hệ đối tác”. Tính cấp bách về chiến lược của quan hệ đối tác, hay nói cách khác, đấy chính là quan hệ “đối tác chiến lược” mà cả Bộ trưởng Austin lẫn Đại sứ Mỹ vừa được bổ nhiệm đều muốn đề cập.

Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện đầu tháng 7/2021, ông Marc Knapper, người vừa được tổng thống Biden bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Mỹ tại Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh khả năng Hoa Kỳ xem Việt Nam là một “đối tác chiến lược”. Theo phân tích của giới chuyên gia, cả ông Austin lẫn bà Harris đến Hà Nội cấp tập như vậy cũng là nhằm thăm dò ý kiến của giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về các kịch bản này. Đại tướng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Harris đã và sẽ trao đổi với các lãnh đạo Việt Nam về tầm nhìn chiến lược của Mỹ và đồng minh, về FOIP, về cách xử lý trong quan hệ với Trung Quốc và về những ưu tiên của phía Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ cho giai đoạn sắp tới.

Trước các chuyến thăm đặc biệt của các thành viên có trọng trách hàng đầu của Chính quyền Biden đến Hà Nội, ngày 23/7/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố quyết định, tới đây Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp thuế quan nào đối với Việt Nam, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý với Bộ Tài chính Hoa Kỳ rằng, họ sẽ không thao túng tiền tệ nhằm thu lợi trong xuất khẩu. Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng, thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào hạ tuần tháng 7/2021 là một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và do đó sẽ không có hành động đánh thuế nào đối với Việt Nam vào thời điểm này.

Thoả thuận trên đây thực sự là một cú hích lớn cho quan hệ kinh tế song phương. Với sự cải thiện ổn định trong xếp hạng về Chỉ số Tự do Kinh tế của Heritage Foundation, trong bảng xếp hạng năm 2021, Việt Nam tăng 15 bậc để trở thành nền kinh tế đứng thứ 90/178 về tự do kinh tế, đứng thứ 17 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đúng như Thủ tướng Việt Nam trước đây, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ rằng, quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ chỉ có thể tốt lên, chứ không có gì để xấu đi cả. Hy vọng rằng quan hệ Việt - Mỹ từ nay tới tương lai và đặc biệt qua chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Harris sẽ tiếp tục là minh chứng cho xu hướng không gì có thể đảo ngược này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ