Lo nhiều điều về kinh doanh nước sạch

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa giải thích ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nhận thấy nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh.
LÊ HIỆP
21, Tháng 11, 2019 | 09:51

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa giải thích ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nhận thấy nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh.

nuoc_pguo

 

Lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn nước sạch, tình trạng thâu tóm của nước ngoài..., thảo luận dự án luật Đầu tư sửa đổi tại diễn đàn Quốc hội ngày 20/11, nhiều đại biểu đã đề nghị đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong luật.

Đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, ông tra danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo luật thì không thấy kinh doanh nước sạch, nên đề nghị cơ quan soạn thảo phải đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục này. Theo đại biểu Nghĩa, kinh doanh nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, là vấn đề an ninh, hệ trọng do đó cần phải đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện. “Một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng cổ phần ra bên ngoài Việt Nam”, vị đại biểu Đoàn TP.HCM đề nghị.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, dẫn lại vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước của Công ty CP Nước sạch sông Đà đã ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Hà Nội, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước. Bà Thu đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ và phải được ghi vào luật. “Kinh doanh nước sạch phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro sức khỏe người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành nước đang cổ phần hóa và quy định ràng buộc trách nhiệm địa phương đối với các đơn vị cấp nước chưa chặt chẽ như hiện nay”, bà Thu phân tích.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng đề nghị nên đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan “an ninh nguồn nước”. Song, đại biểu Bình lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch. Đại biểu này cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này sẽ tạo sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển tư duy về tôn trọng khách hàng, tôn trọng luật trong cung cấp nước sạch.

Phát biểu lần hai, đại biểu Trương Trọng Nghĩa giải thích ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nhận thấy nước sạch, nhất là ở các đô thị lớn, phải là vấn đề an ninh. Cùng quan điểm, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” hay các “dự án lòng vòng”. Dẫn thông tin các nhà đầu tư người Thái vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban Kiểm soát Nhà máy nước sông Đuống, ông Nhưỡng đề nghị cần xem nhà đầu tư có chỉ kiếm lợi nhuận rồi đẩy rủi ro cho người khác, nhất là người dân, hay không?

Quản hay cấm kinh doanh đòi nợ thuê?

Một vấn đề khác gây tranh luận là đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Chính phủ tại dự thảo luật. Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, phản ánh thực tế nhiều đối tượng lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen", gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người. Phổ biến là hành vi đe dọa, khủng bố người thân, con cái, cha mẹ của con nợ”, ông Ngọc nêu và khẳng định không phải “quản không được thì cấm” mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ lụy xã hội. “Nếu luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), dù có cấm kinh doanh đòi nợ chưa chắc hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì “có cấm cũng không được”. Theo ông Đồng, người ta dễ dàng lách quy định cấm dịch vụ đòi nợ bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Điều này hoàn toàn hợp pháp. Thứ nữa, nếu đã là hoạt động bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. “Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này sẽ dễ dàng mở rộng thị trường”, đại biểu Đồng phân tích và đề nghị giải pháp tốt hơn trong vấn đề này là giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng các quy định và thực hiện nghiêm quy định về lĩnh vực này.

(Theo Thanh niên)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ