'Liều thuốc giảm đau' của người Argentina mang tên World Cup

Bóng đá là thứ duy nhất gắn kết người Argentina giữa khủng hoảng kinh tế. Người biểu tình quên xuống đường. Nhiều người dành hết tiền tiết kiệm để tới Qatar xem đội nhà thi đấu.
THẢO CAO
11, Tháng 12, 2022 | 06:25

Bóng đá là thứ duy nhất gắn kết người Argentina giữa khủng hoảng kinh tế. Người biểu tình quên xuống đường. Nhiều người dành hết tiền tiết kiệm để tới Qatar xem đội nhà thi đấu.

Trong cuộc phỏng vấn sau trận thắng Hà Lan, thủ thành Emiliano Martinez cho biết muốn tận hưởng chiến thắng và "mang tới niềm vui cho hơn 45 triệu cổ động viên Argentina, những người đang trải qua cuộc sống tồi tệ". Rạng sáng 10/12 (giờ Việt Nam), La Albiceleste vào bán kết World Cup sau khi đánh bại Hà Lan 4-3 ở loạt luân lưu.

Giấc mơ World Cup trở thành liều thuốc giảm đau với người Argentina giữa khủng hoảng kinh tế.

Trong hơn một năm qua, hàng triệu người Argentina lao đao vì vết thương kinh tế đang lan rộng. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt 88% so với một năm trước đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến đồng peso của Argentina mất giá nghiêm trọng.

Nền kinh tế xuống dốc không phanh đã khiến hàng nghìn người Argentina phải đổ xuống đường. Nhưng tất cả vẫn ấp ủ giấc mơ giành cúp vô địch tại kỳ World Cup 2022. 

Screen Shot 2022-12-11 at 02.58.31

Bóng đá khiến người Argentina tạm quên đi khủng hoảng kinh tế. Ảnh: WSJ.

Khủng hoảng nhấn chìm đất nước

"Bằng cả trái tim, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thắng", bà Marina Leon, 62 tuổi, chủ một quán bar nhỏ, chia sẻ. "Chiến thắng đó sẽ mang lại một chút niềm vui khi tất cả đều khốn đốn vì tình hình kinh tế", bà nói thêm.

Nhà báo Natalie Alcoba của Al Jazeera cho rằng một chiếc cúp vô địch có thể giúp nhiều người Argentina quên đi tình cảnh khó khăn hiện tại, dù chỉ là tạm thời. Những chiếc áo đấu được treo khắp đường phố. Trên các xe buýt, màn hình chiếu đi chiếu lại những thước phim đáng nhớ của đội tuyển quốc gia. Hình ảnh của Messi và Diego Maradona có ở mọi nơi.

Argentina đang chao đảo vì một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, dù nước này từ lâu đã phải chung sống với lạm phát. Cuối thập niên 80, lạm phát tại Argentina vọt lên mức kỷ lục 3.000%. Kể từ năm 2008, lạm phát giảm về khoảng 30%/năm.

Khi đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng mỗi ngày, người Argentina đổ xô tích trữ đồng USD, trao đổi hàng hóa thiết yếu với nhau thay vì mua mới, thậm chí không còn thói quen nhớ giá. Theo New York Times, hiện có khoảng 37% người Argentina sống trong nghèo khổ, tăng 7% so với năm 2016.

 
Chúng tôi chẳng khá hơn dù Argentina vô địch. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ hạnh phúc

Cô Natalie Acosta

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay nhưng sụt giảm mạnh vào năm sau. Nhóm phân tích cảnh báo sự chững lại trong các hoạt động kinh tế vào 2 quý cuối năm có khả năng tác động dây chuyền sang năm sau.

OECD nhấn mạnh trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhập khẩu bị hạn chế, dự trữ ngoại hối và dư địa tài khóa thấp, Argentina sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa vào năm sau. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân do đó cũng lao dốc.

Nhưng bước vào kỳ World Cup 2022, ngay cả những người biểu tình cũng quên đi lý do để xuống đường. Theo Wall Street Journal, trong vài tuần qua, cô Natalie Acosta đã không còn nghĩ tới tình trạng khốn khổ và mức giá trên trời. Mọi sự tập trung của cô dồn vào các trận đấu của đội tuyển quốc gia ở World Cup.

"Bóng đá giúp chúng tôi phần nào quên đi những khó khăn hiện tại. Và chúng tôi cần quên chúng đi", cô chia sẻ.

"Chúng tôi chẳng khá hơn dù Argentina vô địch. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ hạnh phúc", cô Acosta nói thêm.

Niềm hy vọng màu xanh trắng

Những người biểu tình ở Argentina muốn Chính phủ hành động để đối phó với mức lạm phát trên trời và hỗ trợ người nghèo. Nhưng giờ, ngay cả các con đường chính của Buenos Aires cũng vắng vẻ một cách kỳ lạ.

Nhân viên văn phòng được nghỉ trong các trận đấu. Những công viên đông đúc giờ cũng vắng tanh. Một số trường cho học sinh nghỉ học. "Chúng tôi không biểu tình vào lúc diễn ra trận đấu. Bởi sẽ chẳng có ai ngoài chúng tôi trên đường", người đứng đầu một nhóm thất nghiệp ở Argentina chia sẻ.

"Ngay cả khi có biểu tình, chưa chắc tôi đã đi vì tôi yêu bóng đá", người này nói thêm.

"Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào World Cup. Người Argentina được định nghĩa bằng bóng đá. Và bóng đá cũng gắn kết chúng tôi", tác giả Eduardo Sacheri bình luận.

Ngay cả đối với các quan chức Argentina, mọi vấn đề đã bị bỏ lại phía sau. Dĩ nhiên, điều đó khiến họ hứng chịu chỉ trích. 

Screen Shot 2022-12-11 at 03.00.01

Mọi sự chú ý của người Argentina đổ dồn vào các trận đấu của đội tuyển tại Qatar. Ảnh: WSJ.

Tháng trước, Bộ trưởng Lao động Kelly Olmos cho rằng việc đối phó với lạm phát có thể kéo dài một tháng. "Điều quan trọng bậc nhất với người Argentina là giành cúp vô địch", bà nhấn mạnh.

Vị bộ trưởng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng đây là lĩnh vực duy nhất mà đất nước có thể cạnh tranh ngôi vị đầu bảng. Bà Olmos sau đó đã phải xin lỗi về lời bình luận vì bị công chúng chỉ trích dữ dội.

Bất chấp cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm nền kinh tế, các chuyến bay từ Argentina tới Qatar vẫn cháy vé. Theo truyền thông địa phương, trong số hàng nghìn cổ động viên của La Albiceleste ở Qatar, nhiều người đã bỏ việc và cầm đồ để có tiền tới xem World Cup.

 
Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào World Cup. Người Argentina được định nghĩa bằng bóng đá. Và bóng đá cũng gắn kết chúng tôi

Tác giả Eduardo Sacheri

Một số đã lên kế hoạch cho chuyến đi từ nhiều năm trước và sẵn sàng tiêu hết khoản tiền tiết kiệm.

"Chúng tôi không có nhiều tiền tiết kiệm nên đã nảy ra ý tưởng điên rồ. Đó là bán chiếc xe của gia đình", anh Leandro Valdés nói với đài truyền hình TN từ Qatar.

"Giờ đây, điều quan trọng nhất là được ở đây", anh kể về chuyến đi của mình cùng vợ và 2 người con.

Với nhiều người Argentina, giấc mơ World Cup thậm chí còn lớn hơn mong muốn cải thiện cuộc sống hiện tại. Khoác trên người chiếc áo màu xanh trắng của đội tuyển Argentina, anh Nicolás Viublionnet - một người bán khăn dạo - cho biết nếu được chọn, anh sẽ chọn Argentina vô địch World Cup thay vì kinh tế phục hồi.

Anh tin rằng bất cứ sự phục hồi nào cũng là ngắn hạn. Bởi nền kinh tế Argentina đã hứng chịu khủng hoảng nối khủng hoảng trong nhiều thập kỷ. Kể từ những năm 1950, nước này nhận 20 gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

"Không nghi ngờ gì nữa, tôi mong Argentina chiến thắng hơn. Bởi dù thắng hay thua, tình hình kinh tế vẫn chẳng thay đổi gì", anh hy vọng về giấc mơ vô địch trong nỗi tuyệt vọng với nền kinh tế. 

(Theo Zing) 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ