Liệu Mỹ có quay lại Hiệp định TPP?

Nhàđầutư
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11 tới. Giới quan sát cũng chú ý các diễn biến mới: Ông Trump gọi điện cho một số lãnh đạo các thành viên ASEAN, 10 ngoại trưởng ASEAN đang gặp Ngoại trưởng Mỹ tại Washington… Những chuyển động cho thấy, Mỹ sẽ vẫn "xoay trục" về châu Á.
HÀN GIA BẢO
04, Tháng 05, 2017 | 08:00

Nhàđầutư
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11 tới. Giới quan sát cũng chú ý các diễn biến mới: Ông Trump gọi điện cho một số lãnh đạo các thành viên ASEAN, 10 ngoại trưởng ASEAN đang gặp Ngoại trưởng Mỹ tại Washington… Những chuyển động cho thấy, Mỹ sẽ vẫn "xoay trục" về châu Á.

ngoaitruongmyviet

Phó Thủ tuớng - Ngoại trưởng Phạm Bình Mình và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC ngày 20/04/2017 

Việt Nam dường như đang triển khai “Kế hoạch B” cho trường hợp Hiệp định TPP bị gạt bỏ hoàn toàn. Trong đó phải kể đến nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với EU (EVFTA) và thiết lập các thỏa thuận song phương mới với các quốc gia láng giềng hoặc các nước châu Mỹ Latinh, hoặc thậm chí giữ cho TPP tiếp tục sống ngay cả khi không có Mỹ, “TPP – 1” (TPP trừ một). Tuy nhiên, với nhiều chuyển động trong khu vực gần đây, các chuyên gia kinh tế hy vọng, Tổng thống Trump có thể tính lại “nước cờ” TPP.

Trump sẽ thăm Việt Nam

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam, Philippines và sẽ tham dự cả ba Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới. Tin tốt lành này được đích thân Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố khi ông tới Trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 20/4. Cùng ngày, tuyên bố này cũng được Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia, Trung tướng Herbert Raymond McMaster tái khẳng tại thủ đô Washinton DC.

Trong một buổi làm việc riêng với Phó thủ tướng - Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, ông H.R. McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Việc Tổng Thống Donald Trump quyết định tham dự Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thượng đỉnh ASEAN và việc cử Phó Tổng Thống Mike Pence đi vòng quanh các nước Á châu là thêm chỉ dấu cho thấy Washington muốn làm yên lòng các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Các nước này lâu nay cảm thấy bất an vì những lời tuyên bố thất thường trước đây của ông Trump. Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Minh, Ngoại trưởng Tillerson và Cố vấn McMaster tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; bảo đảm Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việc Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cả “bộ tam” ngoại giao—tài chính—cố vấn an ninh quốc gia lần lượt gặp gỡ và cam kết làm việc nhiều hơn nữa về các chủ đề quan trọng đối với cả hai nước, cho thấy, quan hệ Việt—Mỹ có thể đang đứng trước những bước tiến mới. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC thành công. Cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhấn mạnh sự cần thiết việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước, theo khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Hoa Kỳ coi các cuộc bàn thảo này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á—Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Mỹ có thể quay lại TPP?

Tổng thống Trump mới ngồi vào cái “ghế nóng” hơn 100 ngày mà đã nêu câu hỏi này thì có thể bị cho là quá sớm, thậm chí có người nghĩ là ảo tưởng. Nhưng trong chính trị, nhất là chính trị các nước lớn, một quyết sách bỗng nhiên bị/được thay đổi, thì cũng không có chi là lạ. Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, sinh thời từng nói, nước lớn thay đổi chính sách như người ta thay “nội y”.

leluongminh

 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại trụ sở ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/4/2017

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh mới đây đã bày tỏ “niềm hy vọng mong manh rằng đến lúc nào đấy Mỹ có thể quay trở lại TPP”. Muốn biết hy vọng này có cơ sở hay không, hãy xem chính sách của một Trump đang quyết liệt làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” như thế nào (Chỉ xét những nội dung liên quan đến Á châu)?

Từ chỗ tuyên bố, Trung Quốc đã và đang “cưỡng hiếp” nền kinh tế Hoa Kỳ, nay Trump thanh minh cho Trung Quốc, rằng nước này không thao túng tiền tệ. Chẳng qua là vì đồng đô la đang quá mạnh và Bắc Kinh phải cố gắng ngăn chặn đồng nhân dân tệ suy yếu hơn. Từ chỗ khẳng định, lúc ngồi vào ghế tổng thống, ông sẽ áp thuế hàng hóa Trung Quốc lên 45% khi vào thị trường Mỹ, nhưng khi bị đe dọa áp thuế như vậy sẽ dẫn đến chiến tranh thương mại (mà đã là chiến tranh thì chưa chắc ai thiệt hơn ai), thế là Trump đành tảng lờ việc áp thuế được hò hét lâu nay.

Từ chỗ thề độc, nếu Bắc Kinh không giúp Mỹ “xử lý” Triều Tiên, Mỹ sẽ “ra tay” một mình, chẳng cần đến Trung Quốc nữa, ấy vậy mà gần đây, Trump đột nhiên tỏ ra “mùi mẫn”, khi thú nhận, chỉ điện đàm mấy phút với ông Tập, ông “ngộ” ra, Trung Quốc chẳng có mấy quyền lực đối với ông Kim Jong-un. Từ chỗ khăng khăng đòi các “đồng minh ruột” Nhật Bản và Hàn Quốc phải “nới hầu bao” hơn nữa, gánh bớt các khoản chi phí về an ninh mà Mỹ đã tiêu tốn để bảo vệ hai nước ấy khỏi các đe dọa tại Đông Á, nay tuy vẫn nhớ chuyện đòi “nợ” nhưng giọng điệu đỡ gay gắt hơn nhiều.

Một cách quyết đoán, trong ngày đầu vào Nhà Trắng, ông ký ngay sắc lệnh “giã từ” TTP. Ông nói TPP và NAFTA là những FTA tệ hại, cướp “job” (việc làm) của lao động Mỹ. Nay thì ông đột ngột nguôi cơn giận và đồng ý sẽ đàm phán lại với Mexico để có một NAFTA mới. Vậy ai dám đánh cuộc, dù là năm ăn năm thua, một ngày đẹp trời (nếu rơi vào tháng 11 tới, khi ông đặt chân tới Việt Nam thì càng tuyệt), Trump sẽ tuyên bố, vì an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ, ông sẽ xem xét lại Hiệp định TPP?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ