Kỳ vọng gì vào cuộc họp của Fed ngày 28 - 29/7

Fed đang ở ngã tư đường, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, hướng đi của nền kinh tế Mỹ hiện bất định hơn bao giờ hết.
Như Tâm (Theo Bankrate, Reuters)
29, Tháng 07, 2020 | 06:20

Fed đang ở ngã tư đường, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, hướng đi của nền kinh tế Mỹ hiện bất định hơn bao giờ hết.

Các nhà kinh tế tin Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Tại cuộc họp hồi tháng 6, chủ tịch Fed Jerome Powell nói ngân hàng trung ương Mỹ “thậm chí còn không nghĩ đến ý nghĩ tăng lãi suất”. Fed hạ lãi suất về cận 0 hồi tháng 3 và triển khai loạt 13 biện pháp hỗ trợ để đảm bảo dòng tín dụng luân chuyển trong nền kinh tế.

Fed khả năng cao đánh giá xem cơ quan này còn có thể làm gì để giải cứu nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh tình hình tiếp tục ảm đạm trong nửa cuối năm.

Kinh tế Mỹ đang đi về đâu

Kinh tế Mỹ đang ở vị thế nhạy cảm, đã phục hồi từ đáy khủng hoảng nhưng không ai biết chắc đà tăng còn duy trì được đến đâu. Điều này còn phụ thuộc vào diễn biến đại dịch Covid-19 - câu hỏi hóc búa dành cho Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ có thể áp dụng chính sách tiền tệ cho nền kinh tế nhưng lại không có công cụ để giải quyết nguyên nhân gây suy thoái.

Và trước khi hành động, Fed cần có số liệu kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp đã thoát đáy lịch sử khi chính quyền các địa phương tái mở cửa nền kinh tế, người lao động dần đi làm trở lại. Bảng lương phi nông nghiệp tăng 4,8 triệu việc làm trong tháng 6, giúp đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 11,1% từ đỉnh 14,4% hồi tháng 4.

Số liệu khảo sát gần đây từ Fed Atlanta cho thấy GDP Mỹ quý II sẽ giảm 35%.

Goldman Sachs ước tính GDP Mỹ quý III tăng 25%, điều chỉnh giảm từ con số 33% trước đó do dự báo chi tiêu dịch vụ giảm và một số khu vực tái phong tỏa kinh tế vì số ca Covid-19 tăng. Ngân hàng đầu tư này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng 8% cho GDP quý IV, nâng tăng trưởng GDP quý I/2021 từ 6,5% lên 8% với kỳ vọng về vắc xin Covid-19 cùng các vấn đề khác.

download-1-jpeg55-8742-1595928847

Tòa nhà Fed tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Kinh tế Mỹ đã phục hồi nhưng tốc độ đang có xu hướng chững lại so với những ngày đầu tiên. Một số ngành như du lịch, hàng không khả năng cao tiếp tục gặp trở ngại đáng kể nếu Covid-19 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng.

Xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về thời gian kinh tế Mỹ trở lại bình thường, trong đó phần lớn nhất trí ít nhất là năm 2021, số khác cho rằng cần nhiều thời gian hơn.

Bước đi tiếp theo của Fed

Fed sẽ xây dựng chính sách ứng phó khi xem xét số liệu, dù cơ quan này đã triển khai những biện pháp tiền tệ mạnh tay nhất trong thời gian ngắn hồi tháng 3. Ngoài hạ lãi suát và tăng mua lại trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, Fed còn tung ra các công cụ cho vay giúp thúc đẩy thanh khoản trở lại những lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ.

Tóm lại, Fed đã cam kết làm mọi thứ cần thiết để giữ đà phục hồi, bất kể kinh tế và Covid-19 diễn biến thế nào.

“Trong bối cảnh Covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế và không thể dự báo về số ca nhiễm bệnh trong tương lai, triển vọng về vắc xin, thuốc điều trị, Fed khả năng cao sẽ giữ quan điểm ‘bằng mọi giá nếu cần’ để tránh gián đoạn trong thanh khoản, tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang bấp bênh”, David Pascale, phó chủ tịch cấp cao tại George Smith Partners, Los Angeles, bang California, nói.

Fed có kế hoạch giữ nguyên lãi suất đến năm 2022 và hình dạng đợt phục hồi kinh tế sẽ định hướng cách ứng phó tiếp theo. Số liệu bất ngờ có thể khiến Fed mạnh tay hơn trong chính sách mua lại giấy tờ có giá hoặc thực hiện “kiểm soát đường cong lợi suất” - đặt một số mục tiêu về lợi suất các kỳ hạn dài và cam kết mua vào trái phiếu dài hạn để giữ cho lợi suất không tăng.

“Fed đang dự tính có chính sách bổ sung như kiểm soát đường cong lợi suất nhưng chắc sẽ không có thông báo nào tại cuộc họp này”, theo Greg McBride, CFA, giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.

“Trước khi hành động, Fed sẽ cần có cái nhìn rõ hơn về tình trạng nền kinh tế. Đợt tăng gần đây của số ca nhiễm Covid-19 cùng việc chính sách trợ giúp người thất nghiệp liên bang sắp hết hạn khiến triển vọng phục hồi kinh tế trở nên u ám”.

Dù phải chờ số liệu, Fed cũng thể hiện họ không ngại “tung hết sức” nếu cho rằng đó là yêu cầu từ tình hình. Pascale kỳ vọng Fed triển khai kiểm soát đường cong lợi suất vào cuối năm.

"Chúng tôi tin tại cuộc họp tháng 9, Fed sẽ thảo luận thêm về tác động tiềm ẩn từ các biện pháp bổ sung, trong đó có kiểm soát đường cong lợi suất", Tony Rodriguez, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại Nuveen, nói.

Fed có thúc đẩy tăng chi tiêu công?

Hành động của Fed gần đây giúp trấn an nhà đầu tư, giữ thị trường không bị khựng lại và bơm tiền vào nền kinh tế.

Giới quan sát Fed đang chờ xem bài phát biểu của ông Powell có đề cập sự cần thiết tăng chi tiêu công để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế hay không.

“Fed, như ông Powell nhấn mạnh, có ‘sức mạnh cho vay, không có sức mạnh chi tiêu’”, McBride nói. “Thị trường tín dụng vẫn vận hành, do đó, điều cần thiết lúc này là chi tiêu, không phải cho vay. Dự báo Fed gây chú ý bằng cách thúc đẩy chính phủ Mỹ tăng chi tiêu công”.

Chính phủ Mỹ đang thảo luận về gói kích thích tiếp theo. Các nghị sĩ quốc hội tranh luận về mức độ trợ cấp thất nghiệp hàng tuần phù hợp. Một vấn đề được xem xét nữa là phát tiền 1.200 USD cho mỗi người dân, tương tự chương trình triển khai hồi đầu năm.

“Trong những bài phát biểu kể từ cuộc họp tháng 6, chủ tịch Fed nhấn mạnh Fed đã rất mạnh tay trong năm nay với những chương trình kích thích tiền tệ và giờ là phần việc của quốc hội, tăng cường và thông qua các dự luật tài chính bổ sung, quy mô lớn”, C.J. MacDonald, CFA, nhà quản lý danh mục đầu tư tại GuideStone Capital Management, Dallas, bang Texas, nhận định.

“Powell có thể nhẹ lời hơn nhưng chắc chắn sẽ nói quả bóng hiện nằm bên phần sân của quốc hội”.

Nếu số ca Covid-19 tăng mạnh hoặc kinh tế suy yếu

Giới phân tích Fed còn theo dõi liệu các quan chức Fed có cân nhắc biện pháp khác hay không. Cho đến nay, Fed đã loại bỏ cách phản ứng gây tranh cãi nhiều nhất là chính sách lãi suất âm.

“Tôi không cho rằng lãi suất âm sẽ được thực hiện do tại cuộc họp tháng 6, chủ đề lãi suất âm chỉ được thảo luận rất ngắn, các quan chức Fed đều không thấy có lý do đưa lãi suất về dưới 0”, MacDonald nói.

Fed có thể điều chỉnh cách tiếp cận lạm phát, từ việc đặt mục tiêu “cứng” là 2% thành linh động hơn, như trung bình là 2%. Kịch bản này gần đây được thảo luận bởi chủ tịch Fed Philadelphia, Patrick Harker, người muốn giữ lãi suất thấp với lạm phát “lý tưởng là thái quá một chút”.

Những thay đổi như vậy có thể cho thị trường có lý do để tin Fed sẵn sàng mạnh tay hơn để giữ kinh tế Mỹ ổn định.

(Theo Ndh)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ