Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế 2020?

Nhàđầutư
Trong bối cảnh Kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt muôn trùng khó khăn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng GDP 2020 đạt trên 5% đã là một con số đáng khích lệ.
ANH TRUNG
03, Tháng 04, 2020 | 08:24

Nhàđầutư
Trong bối cảnh Kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt muôn trùng khó khăn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng GDP 2020 đạt trên 5% đã là một con số đáng khích lệ.

GDP

 

Kịch bản tăng trưởng liên tục điều chỉnh

Nếu như cả nước bước vào năm 2020 với một tâm trạng hồ hởi, phấn khởi bao nhiêu, thì dịch bệnh COVID-19 đã phủ một bóng đen khó có thể tưởng tượng được lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Khi những phác thảo ban đầu của kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 được hé lộ, mức tăng trưởng 7% đã được nhắc tới, mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội thông qua chỉ  là 6,8%. Con số này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm cuối cùng của Chiến lược 10 năm 2011-2020

Vào thời điểm đó, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở, bởi dù Quốc hội chỉ quyết nghị mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% trong năm 2018 và 6,6-6,8% trong năm 2019, song cuối cùng, bằng sự nỗ lực vượt bậc của cả bộ máy chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế đã tăng trưởng vượt dự kiến. Năm 2018 là 7,08%, còn năm 2019 là 7,02%.

Thậm chí, cả 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế đã có 2 năm đạt những thành tựu toàn diện và đây chính là cơ sở để kỳ vọng và tin tưởng tăng trưởng GDP trong năm 2020 sẽ tiếp tục đạt thành tựu tương tự.

Thế nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, vào thời điểm cả xã hội đang vui vẻ và hân hoan nhất, chuẩn bị quay lại guồng máy làm việc và sẵn sàng tăng tốc thì “bóng ma” COVID-19 ập đến.

Hàng dài xe hàng hóa xếp hàng chờ thông quan sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là cảnh báo đầu tiên và không mấy dễ chịu về những ngày tháng ảm đạm tiếp theo của nền kinh tế.

Khi nhiều nước vẫn còn đang loay hoay giữa bài toán kinh tế và an toàn của người dân, thì Chính phủ Việt Nam đã có quyết định từ rất sớm, đó là hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải thay đổi kịch bản tăng trưởng. Hai kịch bản mới được đưa ra, đó là nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%.

Chỉ một tháng sau, kịch bản tăng trưởng lại tiếp tục được điều chỉnh khi tình hình dịch bệnh đã lan rộng ra toàn thế giới. Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi cập nhật kết quả GDP quý I, 2 kịch bản tăng trưởng mới đã được xây dựng.

“Nếu dịch bệnh được dập trong quý II, hoạt động trở lại bình thường, thì tăng trưởng trên 5%; nếu dịch bệnh kéo dài sang quý III thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho biết.

Triển vọng nào cho kinh tế cả năm?

Tăng trưởng kinh tế quý II tới đây dự báo vẫn sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn. Mặc dù lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, song dịch COVID-19 ở Việt Nam có thể sẽ kéo dài tới cuối quý II..

Còn đối với các nền kinh tế lớn là đối tác hàng đầu về thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc thời điểm kỳ vọng dập tắt dịch còn có thể dài hơn. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế rất lớn (trên 200% GDP) do đó, một khi các đối tác lớn còn đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên dập dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta, nhất là về thương mại, đầu tư và du lịch.

Kỳ vọng lớn nhất thời điểm hiện tại dựa vào quan hệ giao thương với Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới đang phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ tùy thuộc vào thời điểm thoát dịch của Việt Nam. Nhưng về tổng thể, có thể nhận định rằng, quý II vẫn là quý ưu tiên chống dịch, nhiều ngành kinh tế sẽ tiếp tục chống chọi với tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Các dự báo được đưa ra gần đây đều khá bi quan về kinh tế thế giới 2020. Ngoài tác động trực tiếp của dịch COVID -19, một số chuyên gia kinh tế con lo ngại về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm. Nhìn lại những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1987, 1997 và 2008 có thể thấy lo ngại về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm không phải là không có cơ sở.

Theo GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, nếu điều này xảy ra cộng hưởng với sự tàn phá của đại dịch COVID-19 sẽ đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng tồi tệ hơn cả các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây.

Cuộc khủng hoảng chu kỳ năm 2008, kinh tế Việt Nam dù mức độ mở chưa lớn như hiện nay nhưng đã phải chịu tác động lớn từ bên ngoài, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm trước đó.

Khác với thời điểm 2009, độ mở hiện tại của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều, nhưng sức chống chịu vẫn còn hạn chế, và nếu khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra theo chu kỳ, chắc chắn tác động tiêu cực từ bên ngoài sẽ dữ dội hơn.

Trong bối cảnh nói trên, còn quá nhiều ẩn số để dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2020. Tuy nhiên các kịch bản khác nhau cho tăng trưởng kinh tế 2020 cũng đã được nhiều tổ chức đưa ra.

Trước những diễn biến nhanh, khó lường của kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, Citibank, Rabobank,… nhận định dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 dự báo chỉ đạt mức 5,2%-5,6%.

Đây là mức dự báo khá phù hợp với kết quả phân tích và định lượng của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (theo kịch bản cơ sở, ước lượng dịch COVID-19 khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm 1,2-1,4 điểm % - tương đương với mức tăng trưởng 5,4 – 5,6%) với điều kiện Đảng, Chính phủ tiếp tục quyết liệt kiểm soát dịch bệnh như hiện nay.

WB ngày 31/3 đã hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 xuống chỉ còn 4,9%; sau đó tăng trở lại 7,5% năm 2021 và khoảng 6,5% năm 2022 nhờ cầu thế giới tăng trở lại sau đại dịch; ngành dịch vụ được củng cố và nông nghiệp dần hồi phục.

Vậy để thấy, trong bối cảnh đại dịch nặng nề, phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam nếu đạt được “mục tiêu kép”: kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; và vẫn đạt được mức tăng trưởng khoảng 5,4-5,6% năm nay là thành công, rất đáng khích lệ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ