Bộ KH&ĐT: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt 5,96% vì virus Corona

Nhàđầutư
Tại Báo cáo tóm tắt đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 đã được đưa ra. Trong trường hợp dịch kéo dài tới quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể chỉ đạt 5,69%.
ĐÌNH VŨ
12, Tháng 02, 2020 | 15:21

Nhàđầutư
Tại Báo cáo tóm tắt đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 đã được đưa ra. Trong trường hợp dịch kéo dài tới quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể chỉ đạt 5,69%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phát đi Báo cáo tóm tắt đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam với tinh thần cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành vừa chống dịch vừa xây dựng kinh tế không thay đổi mục tiêu, chủ động sớm dự liệu giải pháp.

Tác động gấp 4 lần dịch Sars

Nhận định chung về diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19, báo cáo khẳng định, dịch bệnh diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch Sars, lên tới 160 tỷ USD, vì kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch Sars, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%). Cùng với đó, tính liên kết, kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS, nhất là về kết nối thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giao thông.

Hiệu ứng truyền thông sẽ khuếch đại tác động của dịch rộng và mạnh hơn do mức độ và phạm vi kết nối mạng tại Trung Quốc và trên thế giới sâu rộng hơn rất nhiều. Một số nền kinh tế thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hoặc có quy mô thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019, trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong và Việt Nam.

GDP-corona

GDP Việt Nam năm 2020 có thể bị giảm từ 0,55-0,84% do ảnh hưởng của dịch Corona

Những ngành, lĩnh vực chịu tác động của dịch có thể kể tới đầu tiên là du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không, bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài.

Tiếp tới là một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, bị ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô.

Lưu chuyển thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng, gián đoạn do tạm thời đình trệ các chuỗi sản xuất - cung ứng cũng như hạn chế đi lại, giao thương giữa Trung Quốc và các quốc gia.

Đầu tư quốc tế chịu tác động dưới hai góc độ: Dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài; Cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, dịch khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Xu hướng phân tán rủi ro trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn theo hướng dần di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng mạnh do gia tăng chi trả bồi thường thiệt hại do dịch gây ra, trước mắt là bảo hiểm du lịch, nhân thọ, kinh doanh; nếu dịch kéo dài, tác động lan rộng trên phạm vi toàn cầu, có khả năng bảo hiểm sẽ là khâu kích hoạt cú sốc tài chính toàn cầu.

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt 5,96%

Với kinh tế Việt Nam, Bộ KH&ĐT nhận định, tác động của dịch là tới tổng thể toàn bộ nền kinh tế. Trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý 1/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý 2/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý 1/2020, trong đó quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 5,1%; quý 3 tăng 6,70% và quý 4 tăng 6,81%.

Trong đó, Bộ KH&ĐT có dự báo ảnh hưởng của dịch bệnh tới từng ngành như sau:

Với sản xuất công nghiệp, các mặt hàng điện, điện tử có kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 37,5 tỷ USD năm 2019 sẽ chịu tác động mạnh vì linh kiện điện tử nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Do các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn cung ứng cho đầu vào sản xuất. Tiếp tới cac ngnafh da giày, dệt may, thép cũng sẽ chịu những khó khăn tương tự.

Về đầu tư, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Với khách quốc tế, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân 1 quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Với các biện pháp hạn chế tạm thời của ta thì không có khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia khác cũng sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, bình quân 1 khách Trung Quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách, do vậy nếu dịch kéo dài hết quý 1, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD.

Vận tải hàng không cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp

Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch được Quốc hội phê chuẩn là 6,8%, theo Bộ KH&ĐT là cần thực hiện phương châm "không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp" vứi 3 nhiệm vụ: Tổ chức chống dịch; thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch để trục lợi; ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể: Trước tiên các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng công tác truyền thông, thông tin kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bọ nhóm giải pháp phòng, chống dịch.

Các Bộ ngành cũng cần đưa giải pháp cụ thể để có phương án hỗ trợ, ổn định đời sống người dân, tháo gỡ khó khăn duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch bệnh diễn ra như các giải pháp về hõ trợ vốn, giãn nợ, khoan nợ, miễn giảm lãi suất; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng...

Cuối cùng, các bộ ngành, địa phương cần đưa giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuát, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ