Hậu COVID và bài toán nhà ở cho công nhân - Bài cuối: Xây nhà ở để phát triển bền vững các KCN

Nhàđầutư
Nhiều ý kiến cho rằng việc người lao động bỏ về quê là do không được hỗ trợ nhà ở lâu dài. Vì vậy, hiện việc phát triển nhà ở cho công nhân vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
GIA HUY
15, Tháng 10, 2021 | 07:34

Nhàđầutư
Nhiều ý kiến cho rằng việc người lao động bỏ về quê là do không được hỗ trợ nhà ở lâu dài. Vì vậy, hiện việc phát triển nhà ở cho công nhân vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Một trong những nguyên nhân là các địa phương trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp (KCN) chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội và điều này cần phải được khắc phục song song với khắc phục ảnh hưởng kinh tế do dịch bệnh tạo ra.

Để an tâm làm việc, cần có nhà ở cho công nhân

Ông Phạm Thanh Trực - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TP.HCM (Hepza) cho biết, thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất của TP.HCM đã về quê sau khi TP.HCM mở cửa sản xuất trở lại.

Còn ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lên phương án để sản xuất trở lại, dự báo tỉnh có thể thiếu hụt tới 40.000-50.000 lao động. Ngoài ra, các tỉnh như Long An, Đồng Nai dự báo mỗi tỉnh cũng thiếu từ 30.000 tới 60.000 lao động bởi số lao động trước đó đã bỏ về quê và không trở lại làm việc.

z2836804588150_5046395e8fad9e7d9705386d215676b3

Bài toán nhà ở cho công nhân vẫn cần nhiều lời giải từ chính sách cho doanh nghiệp, tới gói vay mua nhà cho người lao đồng… Ảnh: Gia Huy

Nói về câu chuyện công nhân bỏ việc về quê sau khi các tỉnh phía Nam thực hiện biện pháp “bình thường mới”, cho phép các nhà máy, KCN được mở lại sản xuất, kinh doanh nhưng công nhân lại bỏ về, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, sự tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên tục của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại KCN.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng các địa phương khi phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó", ông Châu nói.

Theo ông Châu, Bộ Xây dựng cần yêu cầu các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội. Trong đó cần chú ý đến nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đồng thời, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Cụ thể, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, các địa phương cấp phép cho các KCN có quỹ đất để làm nhà ở cho công nhân, chuyên gia, nhưng sau đó đất này đã bị các doanh nghiệp biến thành các dự án nhà ở thương mại, phát triển dự án và bán sai mục đích, đối tượng cần được thanh tra, kiểm tra xử lý. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Còn ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza) thì cho rằng hiện nay nhiều địa phương đang quy hoạch nhà ở cho công nhân ở ngay tại KCN mà họ phát triển, điều này là chưa hợp lý bởi khu vực KCN có môi trường không tốt để sinh sống.

Chính vì vậy, ông Khanh cho rằng để phát triển nhà ở cho công nhân thì phải sớm tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất hiện nay, đó là vốn và quỹ đất sạch. Bên cạnh đó, quỹ đất phục vụ nhà ở công nhân phải nằm ngoài KCN, nên đòi hỏi nhà quy hoạch phải có kế hoạch sử dụng quỹ đất ngay từ khi bắt đầu xây dựng KCN.

Cần giải cả bài toán về gói vay cho công nhân mua nhà

Về câu chuyện làm thế nào để người lao động có thể sở hữu được nhà ở hiện nay, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng tại các đô thị lớn, người lao động nhập cư chiếm phần đông dân số như TP.HCM hay các tỉnh thành lân cận có khu công nghiệp - Khu chế xuất lớn như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… thì vấn đề sở hữu nhà ở trở thành một trong những vấn đề bức thiết, nhất là đối với lực lượng công nhân lao động đông đảo.

“Ví dụ cụ thể là TP.HCM hiện có khoảng 187.000 doanh nghiệp, trong đó có 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân đang làm việc trong 17 khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện TP mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tương tự như Long An có 16 KCN, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 10.100 doanh nghiệp và khoảng 300.000 lao động trong, ngoài tỉnh, nhưng việc xây dựng nhà ở cho công nhân chỉ đạt 2-3% nhu cầu”, ông Phúc nói.

z2836805554649_09c018f808544891356fa382198d5e26

 

Cũng theo ông Phúc, với khả năng tài chính hạn hẹp và mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị, cơ hội để công nhân lao động có thể sở hữu nhà ở là rất ít, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho người lao động sở hữu nhà ở là khả năng kinh tế. Một bộ phận lớn người lao động không đủ khả năng tài chính để đầu tư sở hữu những tài sản có giá trị như nhà ở. Một giải pháp phổ biến có thể cân nhắc là vay vốn ngân hàng, tuy nhiên với mức sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị lớn, thu nhập chỉ ở mức trung bình của công nhân lao động thường không đảm bảo được khả năng trả nợ theo kế hoạch của ngân hàng.

Thứ 2, nguyên nhân chính yếu là sự thiếu cân đối giữa phát triển KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao với nhu cầu nhà ở của công nhân. Tình trạng này chủ yếu do thiếu sự gắn kết, đồng bộ trong quy hoạch tổng thể giữa kế hoạch phát triển KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao với quy hoạch phát triển nhà ở cho người lao động.

Việc gia tăng nhanh chóng các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao tạo áp lực lớn cho nhu cầu phát triển nhà ở kèm theo, tuy nhiên việc phát triển và quy hoạch các quỹ đất dành cho dự án nhà ở xã hội thiếu đồng bộ cùng với sự gia tăng của giá đất tại các khu đô thị gây ra khó khăn thách thức rất lớn đối với việc phát triển nhà ở cho nhu cầu của công nhân lao động tại vùng.

Cuối cùng là việc nguồn cung nhà ở xã hội dành cho đối tượng công nhân lao động hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn còn chậm, do các chính sách đối với đối tượng này mới được hoàn thiện, cần thời gian để phối hợp đi vào thực tế, cần nguồn lực tài chính lớn phải huy động từ xã hội hóa.

Để giải quyết những vướng mắc này, ông Phúc cho rằng các tỉnh cần phải xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn cho công nhân. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động để hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường bất động sản.

Cuối cùng là việc phát triển đồng bộ quy hoạch nhà ở và các tiện ích công như trường học, bệnh viện, giao thông, siêu thị, giải trí… tạo dựng môi trường cho công nhân lao động an cư, nâng cao chất lượng sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Có như vậy, công nhân mới an tâm ở lại làm việc mà không bỏ việc về quê không quay trở lại các KCN để làm việc như hiện nay.

Một thông tin đáng mừng cho công nhân tại các KCN ở TP.HCM đó là để giải quyết vấn đề tạo quỹ đất cho việc xây nhà ở cho công nhân tại TP.HCM, mới đây Phó chủ tịch TP.HCM ông Lê Hòa Bình có chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại.

UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, tránh lãng phí quỹ đất này và hoàn thành trước ngày 15/10/2021.

Trước mắt, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Hoàng Châu, để đẩy nhanh chương trình này, các chuyên gia cũng ý kiến thêm rằng bên cạnh quỹ đất, các sở, ngành địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Bởi lâu nay đây là một chướng ngại lớn. Thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển KCN đã được đổi mới và luật hoá, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ